Ông Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) sẽ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Singapore vào ngày 15/5, thay thế cho cựu Thủ tướng Lý Hiển Long, người đã nắm giữ chức vụ này trong vòng 20 năm.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Lawrence Wong (51 tuổi), sẽ trở thành nhà lãnh đạo thứ 4 của Singapore kể từ khi quốc đảo này độc lập 6 thập kỷ trước. Ông Lawrence Wong thuộc một thế hệ chính trị gia mới được Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền lâu đời lựa chọn để nắm quyền điều hành Singapore. Ông cũng là nhà lãnh đạo thứ hai không phải là thành viên của gia tộc họ Lý.
Có vai trò lớn giúp Singapore chiến thắng đại dịch Covid-19
Ông Lawrence Wong sinh ngày 18/12/1972 trong một gia đình cơ bản. Mẹ ông là giáo viên tại một trường tiểu học, nơi ông cùng anh trai từng theo học khi còn nhỏ, còn cha ông hàng ngày cần mẫn với công việc bán hàng. Cả gia đình ông Wong đã dành nhiều năm sinh sống tại một khu nhà công cộng nằm ở phía Đông Singapore.
Ông Wong từ khi còn nhỏ đã bộc lộ tình yêu đối với âm nhạc, đặc biệt, ông còn có thể chơi guitar một cách điêu luyện
Giai đoạn trung học, ông Wong học tại một trường địa phương gần nhà, sau đó theo học Kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ và tiếp tục học lên Thạc sĩ Quản trị Công của Trường Harvard Kennedy.
Ông Wong bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là nhà kinh tế học tại Bộ Thương mại. Ông từng nắm giữ một số chức vụ quan trọng nhất định trong bộ máy chính trị của Singapore, chẳng hạn như thành viên ban giám đốc của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Thị trường Năng lượng Singapore (EMA) hay Thư ký riêng của Thủ tướng…
Đặc biệt, ông Lawrence Wong còn có một khoản thời gian nắm giữ các danh mục đầu tư về văn hoá, giáo dục và phát triển quốc gia. Năm 2020, ông Wong và Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là ông Gan Kim Yong được giao nhiệm vụ đứng đầu lực lượng đặc nhiệm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Với phong cách lãnh đạo điềm tĩnh, ông Wong đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải thích các biện pháp hạn chế và trấn an tinh thần người dân Singapore. Đây cũng chính là điểm cộng giúp ông được đánh giá là một ứng cử viên thủ tướng đầy tiềm năng.
“Ông Wong được coi là một nhà kỹ trị, thân thiện và dễ gần. Ông ấy đã giải quyết tốt cuộc khủng hoảng Covid-19, vì vậy ông ấy có thể được coi là người có năng lực”, cựu nhà lập pháp PAP, ông Inderjit Singh cho biết.
Sau đó, năm 2021, ông Wong được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính và tiếp tục thăng tiến lên vị trí phó thủ tướng vào năm tiếp theo. Năm 2023, ông nhận thêm một trọng trách mới là chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng trung ương.
"Làn gió mới" của Singapore
Cuộc chuyển giao quyền lực này được coi là một trong những sự kiện lịch sử của Singapore khi chính thức chấm dứt sự lãnh đạo của gia tộc họ Lý. Thủ tướng trước đó, ông Lý Hiển Long là con trai nhà lãnh đạo đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu, người đã xây dựng Singapore thành một quốc gia thịnh vượng, cởi mở với doanh nghiệp trong suốt 31 năm cầm quyền.
Trong khi đó, đối với người dân Singapore, mặc dù lập công lớn trong thời kỳ đại dịch, ông Wong vẫn là một ẩn số hoàn toàn mới lạ.
Ông Lawrence Wong, người sẽ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Singapore vào ngày 15/5.
Là một lãnh đạo trẻ và không xuất phát từ một gia đình chính trị, ông Lawrence Wong được kỳ vọng sẽ có góc nhìn mới lạ hơn so với cựu Thủ tướng. Ông Wong cũng chia sẻ bản thân không phải một người bảo thủ mà luôn muốn lắng nghe nhiều quan điểm đa dạng và thích đón nhận những ý tưởng khác nhau.
Ông Wong cũng khẳng định từng việc làm và hành động của mình đều là vì người dân Singapore: “Toàn bộ sức lực của tôi sẽ dành để cống hiến để phục vụ đất nước và nhân dân chúng ta. Giấc mơ của bạn sẽ truyền cảm hứng cho hành động của tôi”, ông Wong đăng tải trên trang cá nhân Instagram của mình.
“Tôi chắc chắn sẽ phấn đấu trở thành một người lãnh đạo mạnh mẽ, tốt bụng và quyết đoán. Và tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng một Singapore thành nơi mọi người có thể phát huy hết tiềm năng của mình”, ông Wong nhấn mạnh thêm.
Nhà lãnh đạo mới của Singapore sau khi nắm quyền sẽ phải đối mặt với những vấn đề cấp bách hàng đầu như: giải quyết chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, dân số già đi, nền kinh tế chậm lại, tình trạng nhập cư bất hợp pháp và vấn nạn tham nhũng trong PAP.
Theo Reuters, APNews, The Guardian, Nikkei Asia
Quốc Anh