Tăng giá trị cạnh tranh cho da giày khi được chủ động nguyên phụ liệu

Da giày là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, là 1 trong 6 ngành được hưởng các chính sách hỗ trợ ưu tiên DN đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

Da giày vẫn lúng túng với nguyên phụ liệu

Cũng như nhiều ngành hàng khác, hiện nay ngành da giày cũng chịu ảnh hưởng chung từ những tác động lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu. Các DN ngành này phải đối mặt với rất nhiều thách thức như đơn hàng bị cắt giảm, chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến phải thu hẹp sản xuất và giảm giờ làm, ảnh hưởng lớn tới doanh thu của DN và công ăn việc làm của người lao động.

Bên cạnh đó, như chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Lefaso, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khác. Trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành da giày là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đang đưa ra hàng loạt các yêu cầu mới, đối với các các sản phẩm gắn với trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.

“Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chúng ta sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất”, bà Xuân nêu.

Khó khăn lớn nhất của ngành da giày hiện nay là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu

Cũng theo bà Xuân, với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường, nên mỗi khi chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các DN trong ngành. Do đó, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Lefaso, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS Group) - ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Các DN chủ yếu tâp trung vào gia công sản phẩm, chưa có định hướng phát triển nguyên phụ liệu.

“Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN nên để đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn”, ông Thuấn đề cập và đề xuất, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững từ việc thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp DN trong ngành, đặc biệt là DNNVV nâng cao tính năng động, hiệu quả tạo cơ hội vươn lên tham gia vào chuỗi cung ứng.

Chủ động nguyên liệu - tăng nội lực và khả năng cạnh tranh

Đứng trước việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững, thời gian qua, Lefaso đã có kiến nghị xây dựng khu Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương. Liên quan đến đề xuất này, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia cho biết, việc thành lập Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu ngành da giày phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành và Luật Cạnh tranh. Khi có trung tâm này, các DN Việt Nam sẽ thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đáng chú ý là mới đây, Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia, nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, với chính sách này, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3 có trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu, khi sản phẩm thành phẩm xuất khẩu đi sẽ bị đánh thuế.

“Điều quan ngại là không chỉ Mỹ, ngay cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, việc có một trung tâm giao dịch nguyên liệu liệu là cần thiết để DN đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường”, ông Dũng nêu quan điểm.

Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam hình thành sẽ tạo thêm nhiều điều kiện cho ngành da giày

Nhất trí với kiến nghị thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã yêu cầu Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và Lefaso nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập khu Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Hiệp hội kiến nghị giải quyết nội dung sửa đổi bổ sung điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về xuất nhập khẩu tại chỗ.

“Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng Lefaso và các DN trong ngành da giày tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung, ngành da giày - túi xách nói riêng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Thống kê của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, quý I/2024 xuất khẩu toàn ngành đã đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ và da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP để vươn lên đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Theo WSJ

Link gốc

https://vov.vn/kinh-te/tang-gia-tri-canh-tranh-cho-da-giay-khi-duoc-chu-dong-nguyen-phu-lieu-post1093983.vov