Thị trường ảm đạm phiên chiều cuối tuần, một tia sáng nhỏ chớm le lói

Dòng tiền tham gia yếu cùng áp lực bán luôn chực chờ khiến thị trường tiếp tục giao dịch ảm đạm, nhưng VN-Index đã thu hẹp biên độ giảm đáng kể nhờ sự hồi phục của một số nhóm ngành, đặc biệt tia sáng mong manh nhóm chứng khoán.

Giao dịch ảm đạm ở cuối phiên sáng tiếp tục lan sang phiên giao dịch chiều đã khiến thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm. Chỉ số VN-Index dễ dàng xuyên qua mốc 1.240 điểm ngay khi mở cửa, nhưng đây cũng là vùng giá kích hoạt lực mua vào.

Tuy nhiên với diễn biến dòng tiền tham gia khá yếu và thiếu nhóm trụ cột dẫn dắt, trong khi lực cung chực chờ sẵn sàng bởi tâm lý phiên giao dịch thứ Sáu, đã khiến VN-Index khó có động lực để bật cao.

Thị trường khép lại phiên cuối tuần tiếp tục duy trì đà giảm nhẹ và đã lấy lại mốc 1.240 điểm với thanh khoản sụt giảm mạnh, xác nhận phiên giao dịch thấp nhất trong tuần. Điểm tích cực chính là tia sáng le lói ở nhóm cổ phiếu được mệnh danh là hơi thở của thị trường, đó là nhóm chứng khoán đua nhau khoe sắc xanh dù biên độ tăng còn khá hạn chế.

Trong đó, CTS tăng tốt nhất ngành đạt 4,4% và đóng cửa tại mức giá cao nhất trong phiên 40.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh hơn 3,45 triệu đơn vị; còn VIX là mã giao dịch sôi động nhất với gần 18,5 triệu đơn vị, thuộc top 5 toàn thị trường, đóng cửa tăng 1,7% lên mức 17.550 đồng/CP.

Bên cạnh nhóm chứng khoán, nhóm dầu khí cũng tỏa sáng và vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường với sự đóng góp của PVD tăng 1,42%, PVS tăng 3,3%, PVB tăng 3,16%, PVC tăng 1,33%…

Nhóm công nghệ cũng khởi sắc trở lại khi “anh cả” FPT lấy lại sắc xanh với mức tăng nhẹ hơn 0,5%, trong khi ELC và SGT vẫn trong trạng thái dư mua trần, CMG tăng gần trần đạt 6,3%, VGI tăng 1,5%…

Trái lại, nhóm cổ phiếu thủy sản sau pha ngược dòng hôm qua đã đồng loạt đảo chiều và là nhóm giảm sâu nhất thị trường, với VHC giảm 1,91%, FMC giảm 1,5%, IDI giảm 1,71%, ANV giảm 1,61%, ACL giảm 1,17%, CMX và ASM cùng giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tạo sức ép lên thị trường khi đóng cửa giảm gần 0,5%, trong đó cặp đôi lớn VCB và BID là những nhân tố chính khi cùng lấy đi hơn 0,6 điểm của chỉ số chung. Cổ phiếu thuộc top sau của dòng bank là SHB tiếp tục giao dịch sôi động với hơn 18,44 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,3% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 11.600 đồng/CP.

Nếu xét về vốn hóa, nhóm VN30 vẫn tràn ngập sắc đỏ với 22 mã giảm và chỉ có 4 mã tăng. Trong đó, SSI, FPT, ACB và TCB hồi phục sắc xanh nhưng chỉ tăng trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu cũng không giảm quá lớn, trong đó dẫn đầu là các mã bất động sản như BCM, VHM, VRE cùng giảm hơn 1%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tỏa sáng nhờ lực cầu sôi động, như APH, HPX, PSH, DRH, SAM, TDG, SMC đều đóng cửa tăng kịch trần, với HPX giao dịch bùng nổ đạt hơn 11,6 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị; TCH tăng 2,2% và khớp 15,9 triệu đơn vị, DIG tăng 1,8% và khớp lệnh lớn nhất thị trường với gần 21 triệu đơn vị…

Một mã đáng chú ý là DBC. Sau phiên sáng giao dịch lình xình trên mốc tham chiếu, lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp DBC tăng vọt, đóng cửa tăng 6,2% lên mức giá cao nhất trong phiên 30.700 đồng/CP, đồng thời thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường với gần 16,85 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 165 mã tăng và 261 mã giảm, VN-Index giảm 3,94 điểm (-0,32%), xuống 1.244,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 669,1 triệu đơn vị, giá trị 16.283,5 tỷ đồng, giảm 13,27% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 75,68 triệu đơn vị, giá trị 1.633,5 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, sự hồi phục tích cực của nhóm HNX30 đã giúp thị trường đảo chiều khởi sắc.

Đóng cửa, sàn HNX có 75 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 1,1 điểm (+0,47%), lên 235,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 89,2 triệu đơn vị, giá trị 1.747 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 155 tỷ đồng, trong đó riêng GKM thỏa thuận hơn 3,8 triệu đơn vị, giá trị gần 145,7 tỷ đồng.

Trong xu hướng nhóm cổ phiếu chứng khoán khởi sắc, BVS đã quay xe ấn tượng khi đóng cửa tăng vọt 7,8% lên mức giá cao nhất ngày 40.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị; MBS và SHS cùng đóng cửa tăng 1% với thanh khoản lần lượt đạt gần 1,8 triệu đơn vị và 19,32 triệu đơn vị.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu họ P cũng đồng loạt hồi phục tích cực, với điểm sáng là PVS tăng 3,3% lên mức 43.900 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua SHS, với hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong rổ HNX30 đã nới rộng biên độ hoặc đảo chiều tăng như TNG tăng 2,3%, NVB tăng 2,2%, DHT tăng 4,5%, DVM tăng 3,4%…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bất chấp lệnh hủy niêm yết cận kề, cổ phiếu TAR đã có pha đảo chiều mạnh mẽ, từ mức giá sàn khi mở cửa đã kéo trần thành công. Đóng cửa, TAR tăng 9,6% lên mức 5.700 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 3 với hơn 6,5 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã khác như AMV tăng 2,9%, MST tăng 5,7%, VGS tăng 2,4%, VHE tăng 5,6%, TIG tăng 4% với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường thu hẹp biên độ giảm đôi chút về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,2%) xuống 91,72 điểm với 160 mã tăng và 131 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,97 triệu đơn vị, giá trị 561 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH tiếp tục có thêm phiên tăng trần, đóng cửa leo lên mức giá 5.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 9,14 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị.

Một mã đáng chú ý khác là VGT, kết phiên tăng 2% lên mức 15.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt 4,21 triệu đơn vị.

Ngược lại, BSR và DDV vẫn giảm hơn 1%, khối lượng giao dịch lần lượt đạt 4,97 triệu đơn vị và hơn 3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 1 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và 3 hợp đồng giảm, trong đó, VN30F2405 là mã duy nhất tăng 1,4 điểm, tương đương +0,1% lên 1.270,4 điểm, khớp lệnh hơn 292.560 đơn vị, khối lượng mở 47.675 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CMWG2314 vẫn khớp lệnh vượt trội với hơn 3 triệu đơn vị, và đóng cửa giảm 2,7% xuống mức 1.420 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2334 khớp 1,74 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,4% xuống 690 đồng/cq.

NVL sắp đáy chưa sếp