Trong trường hợp cổ phiếu Sabeco (SAB) tăng thêm 76,4% để trở lại mốc 100.000 đồng/cp, cổ đông công ty mẹ (Thabev) vẫn còn cách rất xa bờ.
Cổ phiếu SAB lình xình vùng đáy lịch sử
Tiếp nhận 59,23% vốn Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã SAB) từ Bộ Công Thương hồi cuối năm 2017 khi cổ phiếu SAB đang neo vùng đỉnh lịch sử 32x.000 đồng/cp, đến thời điểm hiện tại, giá sau điều chỉnh của SAB chỉ còn chưa đến 57.000 đồng/cp - tương ứng giảm khoảng 60% về sát vùng đáy lịch sử.
Diễn biến giá cổ phiếu SAB từ khi hiện diện trên sàn HoSE |
Không phải bất kỳ nhà đầu tư nào, ThaiBev - cổ đông ngoại quốc đã chi 5 tỷ USD để thâu tóm Sabeco thời điểm đó mới là cổ đông chịu thiệt hại nặng nhất.
Cụ thể, khoản đầu tư của ThaiBev (theo vốn hóa cổ phiếu sở hữu) đã giảm từ 110.000 tỷ đồng về mức 40.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Điều này đồng nghĩa, 70.000 tỷ đồng (2,92 tỷ USD) giá trị đầu tư của ThaiBev đã "bốc hơi" sau hơn 6 năm.
Nhìn vào bức tranh kinh doanh năm 2023, có thể thấy tham vọng trở lại vị thế đầu ngành đồ uống của Sabeco đang gặp khó. Công ty mang về 30.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.100 tỷ đồng lãi ròng năm vừa qua, giảm lần lượt 13% và 21% so với năm trước đó. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với các mức mục tiêu 40.272 tỷ đồng và 5.775 tỷ đã đề ra tại ĐHCĐ thường niên cách đây hơn 1 năm.
Nhìn rộng cả quá trình từ thời điểm người Thái tiếp quản, tình hình kinh doanh của Sabeco trải qua nhiều thăng trầm, đã có lúc liên tục tăng trưởng để chạm đến đỉnh cao doanh thu vào năm 2019.
Dù chưa đem đến "cú bật" cho Sabeco trong từng ấy năm, tuy nhiên ThaiBev vẫn bỏ túi số tiền "khủng" gần 9.300 tỷ đồng sau 6 năm thâu tóm. Con số này tương đương khoảng hơn 8% số vốn mua cổ phần SAB.
Giả định mỗi năm công ty mẹ Thái Lan nhận về 1.550 tỷ đồng tiền cổ tức, phải cần đến 39 năm nữa để ThaiBev trở về điểm hòa vốn. Tất nhiên, đây là giả định trong trường hợp cổ phiếu SAB duy trì mức giá hiện tại.
Tại ĐHCĐ thường niên sáng ngày 25/4 vừa qua, cổ đông hỏi: "Có khả năng nào để giá cổ phiếu SAB tăng lên 100.000 đồng một lần nữa không?".
Phúc đáp, lãnh đạo Sabeco cho biết: Thật không may, hầu hết giá cổ phiếu của các công ty trên thế giới đều giảm đáng kể do tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô. Về vấn đề giá cổ phiếu, vì chúng tôi không thể kiểm soát được các yếu tố tác động bên ngoài nên sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Nếu Sabeco hoạt động tốt, giá cổ phiếu sẽ tăng và mang lại lợi ích cho tất cả các cổ đông.
Trong trường hợp cổ phiếu Sabeco (SAB) tăng thêm 76,4% để trở lại mốc 100.000 đồng/cp, cổ đông công ty mẹ (Thabev) vẫn còn cách rất xa điểm hòa vốn. Cụ thể, tài sản theo vốn hóa của Thaibev sẽ tăng lên mức 68.700 tỷ đồng - thấp hơn khoảng 41.300 tỷ đồng so với giá vốn. |
Tình hình kinh doanh năm 2024 tiếp tục khó khăn
Ông Lester Tan Teck Chuan - Tổng Giám đốc Sabeco nhận định, ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100 khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chưa như kỳ vọng.
Việc người dân thắt chặt chi tiêu với việc thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn cũng là một áp lực đổi với các doanh nghiệp,
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe trong đó có rượu, bia trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tiếp tục là một sức ép đến các doanh nghiệp ngành bia.
Dù vậy, theo lãnh đạo Sabeco, năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội "vàng" cho ngành bia Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc "bia không cồn" và tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.
Với những cơ hội và thách thức trên, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2024 ở mức 34.397 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.580 tỷ; tăng lần lượt gần 13% và 8% thực hiện của năm 2023. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 35%.