Theo khảo sát, thương lái dùng nhiều mánh khóe để luôn ở thế cửa trên trong mua bán lúa với nông dân. Đó là những 'chiêu' nào?
Ông Trần Minh Hải chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 2-5, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam phối hợp một số cơ quan liên quan tổ chức hội thảo "Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo".
Lợi thế của thương lái
Tại hội thảo, ông Trần Minh Hải, phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đã chia sẻ nghiên cứu về thương lái trong chuỗi ngành hàng lúa gạo.
Ông Hải cho biết thương lái là lực lượng có đầy đủ thông tin về thời điểm chính xác thu hoạch lúa, biết đội ngũ máy gặt đập liên hợp, ghe thu hoạch lúa và đặc biệt là lịch mở, đóng cống thủy lợi để thuận lợi vận chuyển lúa... Nhìn chung họ có nguồn lực mạnh về ghe, máy gặt đập liên hợp và nguồn lực tài chính làm dịch vụ cho doanh nghiệp rất tốt.
Chính vì vậy qua khảo sát có khoảng 60% doanh nghiệp thích mua lúa qua thương lái hơn là với hợp tác xã vì thương lái nhanh nhẹn, làm đúng ý của doanh nghiệp hơn.
"Nếu chúng ta phối hợp tốt với thương lái thì chính họ là lực lượng giúp Nhà nước quản lý hiệu quả hơn, mềm dẻo hơn trong chuỗi giá trị lúa gạo", ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Hải cũng nêu bên cạnh những thương lái tốt, cũng có một số thương lái chưa tốt, dùng một số cách thức để ép nông dân.
Những mánh khóe thương lái ép nông dân
Thứ nhất, thương lái đưa hợp đồng soạn sẵn, nông dân chỉ cần điền số căn cước công dân, địa chỉ, diện tích thu hoạch và đưa vào điều khoản đặt cọc mà theo đó tới thời điểm thu hoạch nếu nông dân không thực hiện theo hợp đồng thì bồi thường gấp hai, ba lần tiền cọc. Và khi tới thời điểm thu hoạch thì họ cố tình thương lượng giá thấp để nông dân hủy hợp đồng, bán chỗ khác, thế là họ được bồi thường tiền cọc.
Thứ hai, thương lái yêu cầu dùng máy gặt đập liên hợp do họ cung cấp nên giá cao. Nông dân thấy thuận lợi nhưng thực ra giá cao hơn, bên máy gặt đập sẽ chiết khấu cho thương lái nên dù bán được hay không cho thương lái thì họ cũng lời.
Thứ ba là thương lái thích mua lúa khô nên dù hợp đồng là vậy nhưng trên thực tế họ cố tình kéo dài ngày thu hoạch thêm 3 - 5 ngày để lúa khô hơn. Và khi lúa khô thì tạp chất, ẩm độ ít hơn, từ đó thương lái giao cho doanh nghiệp sẽ ít bị trừ phần này hơn, do đó họ lời hơn.
Đặc biệt, ông Hải cho biết dù trên thực tế chưa có gì nhưng qua khảo sát đã có sáu thương lái móc nối doanh nghiệp bán tín chỉ carbon, biết chỗ bán tín chỉ carbon...
Vì vậy, ông Hải đề xuất "cần một cái gì đó" như chứng chỉ hành nghề hay giải pháp nào khác giúp phân biệt được thương lái tốt và thương lái chưa tốt. Khi có giấy này thì sẽ gom lại thương lái tốt và loại bỏ thương lái chưa tốt.
Ông cũng kiến nghị cần xem thương lái như đối tác để đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp, "nhưng lại quay lại câu chuyện làm sao để phân biệt được thương lái tốt và thương lái chưa tốt nêu trên".
Ngoài ra, đề nghị các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh sàn giao dịch bán lúa, kết nối người mua và người bán. Theo đó, từ khi bắt đầu xuống giống thì kê khai thông tin để người mua thấy, thương lái nào có nhu cầu thì cung cấp hồ sơ, để được kết nối, việc này được làm như cách của Grab, Uber hiện nay.
Nông dân thường bị các thương lái chưa tốt ép trong vấn đề bán lúa - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng "đây là lần đầu tiên mổ xẻ vấn đề rất đau đầu về hệ thống thương lái" trong chuỗi ngành hàng lúa gạo.
Theo ông Tùng, cách nay 20 năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có một cuộc khảo sát với 25.000 thương lái ở Đồng bằng sông Cửu Long kết nối tiêu thụ 24 triệu tấn lúa/năm, nhưng sau đó vấn đề này "bỏ ngỏ cho tới bây giờ". "Tôi nghĩ rằng hội thảo này là khởi đầu để có cách nhìn rõ hơn về vai trò của thương lái", ông nói.
CHÍ QUỐC
https://tuoitre.vn/thuong-lai-mua-lua-dung-nhung-chieu-gi-de-ep-nong-dan-20240502111810226.htm