Việt Nam đã có một số tỉnh thành, tổ chức đã bán được tín chỉ carbon. Song việc bán tín chỉ này tại một số đơn vị còn vướng mắc chưa triển khai được vì thiếu hành lang pháp lý. Với nhiều động thái mới đây từ Chính phủ, giới chuyên gia cho rằng hành lang pháp lý cho lĩnh vực này sẽ sớm được hoàn thiện, thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam trong thời gian tới.
Có thêm 100 đô la mỗi héc ta nhờ lúa phát thải thấp. Ảnh: Trung Chánh
Những giá trị đầu tiên của tiến trình bán tín chỉ carbon
Sau 4 tháng triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải, người dân tại xã Bình Hòa, huyện Krong Ana, tỉnh Đắk Lắk đã có thể bán tín chỉ carbon từ diện tích lúa này. Đắk Lắk muốn chuyển đổi sản xuất lúa nước tại địa phương theo hướng xanh và giảm phát thải – để có thể bán tín chỉ carbon.
Giải pháp canh tác lúa được Đắk Lắk áp dụng theo quy trình canh tác lúa ướt khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI trên diện tích 42 hecta. Với giải pháp này, không những năng suất tăng lên mà chi phí giảm khoảng 15% so với canh tác kiểu cũ. Khi áp dụng mô hình này, mỗi hecta sẽ tạo ra 3 tín chỉ carbon, được thu mua với giá 20 đô la Mỹ/tín chỉ – tương đương khoảng hơn 1,5 triệu đồng/1 hecta.
Đơn vị thu mua tín chỉ Carbon cho Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan. Được biết, sau khi làm việc trực tiếp với địa phương, công ty này cam kết chỉ cần ra báo cáo giảm phát thải là mua ngay mà không cần có đơn vị thứ ba cấp tín chỉ. Dự kiến, vụ lúa hè thu tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ nhân rộng mô hình này.
Ngoài việc bán tín chỉ trên, cuối tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trị giá 51,5 triệu đô la Mỹ (khoảng 1.200 tỉ đồng) từ Ngân hàng thế giới khi bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng – thương mại hoá carbon rừng tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.
Được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiến hành những bước cuối cùng đàm phán để báo cáo thủ tướng về chuyển nhượng carbon cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ các bon rừng tại 11 tỉnh Nam trung bộ và Tây nguyên trong năm 2022 – 2026 với giá tối thiểu là 10 đô la Mỹ 1 tấn. Đây là thông tin tích cực trong việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng của Việt Nam.
Bên cạnh một số đối tượng hướng đến bán tín chỉ carbon, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang hướng đến việc trồng rừng để trung hoà, hấp thụ lượng khí thải nhà kính từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà họ tạo ra.
Một trong số các doanh nghiệp đó là Vinamilk. Từ nửa năm nay, công ty này đã tiến hành khoanh nuôi tái sinh rừng mắm ngập mặn tại tỉnh Cà Mau. Vinamilk hy vọng trong 6 năm nữa, những cánh rừng mắm là bể hấp thụ từ 17.000 – 20.000 tấn carbon – tương đương với lượng phát thải của gần 16.000 chiếc xe ô tô chở khách thải ra mỗi năm.
Được biết, Vinamilk đã khởi động dự án “Trồng cây hướng đến Net Zero” trong 5 năm tới để hình thành nên các cánh rừng tại nhiều địa phương. Các dự án trồng rừng đã giúp doanh nghiệp này đã có các nhà máy và trang trại đầu tiên đạt trung hòa carbon.
Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp tương tự như Vinamilk đầu tư trồng rừng tại Việt Nam, thay vì mua tín chỉ carbon từ nước ngoài, doanh nghiệp đang mong muốn công nhận kết quả giảm phát thải từ dự án trồng rừng của họ.
Nói về nội dung này với báo giới, bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Pháp lý và Quan hệ Đối ngoại, Công ty BAT Việt Nam, cho biết quan tâm đến những điều kiện, quy định cho phép công ty này có thể công nhận kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ dự án trồng rừng để bù đắp cho lượng carbon phát sinh từ các hoạt động kinh doanh và sản xuất của BAT tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho BAT Việt Nam cũng như các công ty đang có dự án trồng rừng tiếp tục đầu tư hơn nữa để mở rộng diện tích.
Cục Lâm nghiệp tính toán dựa trên tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon và diện tích rừng hiện nay nhận định, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, ước thu về 200 triệu đô la Mỹ, tương đương gần 5.000 tỉ đồng.
Tính toán là vậy song việc bán tín chỉ hiện cũng không dễ dàng. Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước được Chính phủ đồng ý thực hiện đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Với hơn 466 ngàn héc ta rừng tự nhiên, ước tính mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu đô la Mỹ (khoảng 130 tỉ đồng) từ việc bán tín chỉ carbon. Song sau gần 3 năm có chủ trương thí điểm của Chính phủ, việc bán tín chỉ vẫn chưa được triển khai do còn gặp nhiều vướng mắc.
Trao đổi với báo chí về vướng mắc trên, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đây là một lĩnh vực rất mới tại Việt Nam. Mặc dù thế giới đã thực hiện thành công việc bán tín chỉ carbon rừng nhưng tại Việt Nam hành lang pháp lý để đảm bảo cho việc này chưa có. Thêm nữa nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon sử dụng vào việc gì, để trồng rừng, bảo vệ rừng hay đưa vào ngân sách thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau…
Thêm nữa việc xây dựng đề án mẫu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, mời các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia xây dựng, giúp Quảng Nam chào bán trên thị trường quốc tế… còn lúng túng từ phía các bộ, ngành. Hiện địa phương này đang triển khai xử lý rất nhiều nội dung liên quan đến việc bán tín chỉ carbon. Trong đó có tích cực làm việc với các bộ, ngành để được hướng dẫn rõ hơn. Hiện nay, hành lang pháp lý về việc bán tín chỉ carbon chưa được đầy đủ, chưa rõ ràng nên chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan.
Sẽ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Ngày 2-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cập nhật NDC, cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải. Triển khai thực hiện NDC là trách nhiệm của các quốc gia, trong đó có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Để bảo đảm thực hiện cam kết, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực và phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là rất cấp thiết.
Để tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường này, đảm bảo thực hiện NDC, với chỉ thị trên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon. Đồng thời quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; tạo tín chỉ carbon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường trong nước, trao đổi với quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nhanh chóng xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Trong đó có các quy định về quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi tín chỉ này trong nước và ra nước ngoài để trình Chính phủ trước ngày 30-7 tới.
Thủ Tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia để đề xuất quy định quản lý (nếu có) và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-9 tới.
Bộ Tài chính được Thủ tướng yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nghiên cứu đánh giá kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành, phát triển thị trường này.
Được biết, trước khi ban hành chỉ thị trên, Chính phủ đã có cuộc họp nghe báo cáo về Đề án thành lập thị trường tín chí carbon tại Việt Nam. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết phải sớm xây dựng thị trường tín chỉ carbon để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng để quản lý lượng phát thải khí carbon. Tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Thực tế, nhiều nước đã thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, đại diện Bộ Tài chính đề xuất thực hiện mô hình này tại Việt Nam.
Được biết, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cũng đang xây dựng văn kiện để báo cáo với các bộ ngành cũng như trình Thủ tướng chính phủ để thương mại hóa đối với tín chỉ carbon rừng. Các chuyên gia kỳ vọng hành lang pháp lý quản lý tín chỉ carbon tại Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện để thúc đẩy phát triển của thị trường này.
Vân Ly
https://thesaigontimes.vn/thuong-mai-hoa-tin-chi-carbon-va-nhung-chuyen-dong-dau-tien-tren-thuc-te/