Tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định về quỹ phát triển đất

Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về quỹ phát triển đất. Tại bản dự thảo này, Bộ Tài chính cho biết đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp phù hợp với thực tế hiện nay.

Quỹ Phát triển đất có vai trò tích cực trong tạo quỹ đất phục vụ phát triêng kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu

Vốn điều lệ được cấp từ nguồn ngân sách địa phương

Thông tin từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, song song với việc gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định quy định về quỹ phát triển đất, vào trung tuần tháng 4 vừa qua tại TP. Hà Nội và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

"Quỹ không làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước

Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vì vậy, không phát sinh chi NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động của quỹ. Trường hợp ứng vốn để thực hiện các dự án, nhiệm vụ thì chi phí quản lý ứng vốn được sử dụng trong chi phí khác của dự án, nhiệm vụ, không làm tổng mức đầu tư của dự án, nhiệm vụ."

Các ý kiến đóng góp đều đồng tình với việc ban hành nghị định về lĩnh vực này để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của quỹ, cũng như để hoàn thiện cơ sở pháp lý về quỹ theo quy định của pháp luật đất đai năm 2024.

Cục Quản lý công sản cho biết đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng tốt, sát với tình hình quản lý hiện nay. Có những ý kiến đã được Bộ Tài chính tiếp thu để hoàn thiện dự thảo; có những ý kiến đã được Bộ Tài chính giải trình để các bộ, ngành, địa phương hiểu hơn về những quy định nêu trong dự thảo.

Đơn cử như quy định về nguồn vốn hoạt động của quỹ (Điều 13 của dự thảo nghị định), phần lớn các bộ, ngành, địa phương đề xuất lựa chọn phương án 1 (được nêu tại dự thảo). Đó là, vốn điều lệ của quỹ được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương (NSĐP). Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho quỹ. Lý do được các bộ, ngành, địa phương đưa ra là để đảm bảo vốn điều lệ ban đầu cho hoạt động của quỹ…

Tuy nhiên, cũng có một số bộ, ngành, địa phương đề xuất lựa chọn phương án 2 là: Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức bổ sung vốn điều lệ cho quỹ từ nguồn chi đầu tư phát triển của NSĐP. Lý do là để chủ động hơn trong cân đối ngân sách, thực hiện nhiệm vụ phát sinh.

Với ý kiến đóng góp này, Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo hoạt động cho quỹ phải có quy định mức vốn điều lệ. Việc cấp vốn điều lệ phải căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Việc hàng năm phải bổ sung vốn điều lệ cho quỹ sẽ không chủ động được vốn hoạt động của quỹ. Theo đó, dự thảo nghị định hoàn thiện theo phương án 1 để chủ động vốn hoạt động cho quỹ phục vụ nhu cầu ứng vốn, đồng thời bảo đảm nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn của quỹ, theo quy định tại Điều 114 Luật Đất đai, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước.

Hoàn trả ứng vốn cho quỹ theo 2 trường hợp

Cục Quản lý công sản cho biết cũng nhận được ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về hoàn trả vốn ứng cho quỹ từ Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội. Theo đơn vị này, đây là nội dung quy định hết sức quan trọng, đảm bảo cho mục tiêu bảo toàn vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của quỹ. Do đó, cần quy định việc hoàn trả vốn ứng hết sức chặt chẽ gắn với từng nghiệp vụ ứng vốn được quy định trong dự thảo nghị định; tạo điều kiện cho tổ chức nhận ứng vốn và quỹ trong việc làm thủ tục hoàn trả vốn ứng nhanh…

Tiếp thu và giải trình ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc, việc ứng vốn từ quỹ phát triển đất chỉ trong thời gian dự án chưa được bố trí vốn. Khi dự án được kiểm soát, thanh toán vốn theo Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển tiền cho tổ chức được ứng vốn. Tổ chức được ứng vốn có trách nhiệm hoàn trả cho quỹ. Đối với trường hợp còn lại, việc hoàn trả vốn ứng cho quỹ bố trí trong dự toán ngân sách (chi đầu tư phát triển khác của cấp tương ứng).

Do đó, dự thảo nghị định quy định về hoàn trả vốn ứng cho quỹ theo 2 trường hợp: hoàn trả vốn ứng từ nguồn vốn của dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; hoàn trả vốn ứng trong trường hợp còn lại (không thuộc trường hợp nêu trên).

Bộ Tài chính cho biết, quy định này đã bao quát các trường hợp hoàn trả vốn ứng cho quỹ, bảo toàn vốn hoạt động của quỹ.

Về chế độ tài chính và quản lý, sử dụng tài sản của quỹ phát triển đất, hiện dự thảo quy định theo hướng “áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoặc công ty TNHH 1 thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn, đảm bảo thống nhất với việc áp dụng chế độ tài chính của quỹ quy định tại nghị định này”. Một số địa phương đã đề nghị nên quy định chung, không để từng địa phương tự lựa chọn chế độ tài chính như dự thảo để thống nhất trong cả nước.

Với đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, việc quyết định áp dụng chế độ tài chính của quỹ phụ thuộc vào việc UBND tỉnh (sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua) quyết định theo mô hình hoạt động nào của quỹ (độc lập/ủy thác toàn bộ cho quỹ tài chính của địa phương/mô hình kiêm nhiệm giao sở tài chính là cơ quan điều hành nghiệp vụ) và tình hình thực tế của địa phương. Do đó, dự thảo không quy định cứng mà để linh hoạt trong tổ chức thực hiện…


Quy định về kế hoạch ứng vốn và chi phí quản lý vốn ứng từ quỹ phát triển đất

Tại dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về quỹ phát triển đất có đưa ra quy định về kế hoạch ứng vốn và điều kiện ứng vốn từ quỹ.

Theo đó, thẩm quyền, quy trình lập, tổng hợp, phê duyệt kế hoạch ứng vốn từ quỹ được thực hiện theo quy định của UBND cấp tỉnh. Điều kiện để ứng vốn là phải có văn bản đề nghị ứng vốn của tổ chức được ứng vốn; có trong kế hoạch ứng vốn từ quỹ được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; dự án, nhiệm vụ đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt hoặc giao thực hiện; dự án, nhiệm vụ được cơ quan, người có thẩm quyền giao dự toán ngân sách hoặc đã được giao dự toán ngân sách nhưng chưa đủ vốn để thực hiện; có phương án hoàn trả vốn ứng; vốn hoạt động của quỹ tại thời điểm ứng vốn đáp ứng được yêu cầu ứng vốn; điều kiện khai thác được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động của bộ máy và quản lý hành chính của quỹ, đồng thời phát huy có hiệu quả nhất vốn điều lệ được cấp cho quỹ, dự thảo quy định mức chi phí phản lý vốn ứng (thay cho phí ứng vốn quy định tại Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) từ Quỹ theo quy định: Mức chi phí quản lý vốn ứng từ quỹ bằng mức chi phí sử dụng ngân quỹ nhà nước, theo quy định của Bộ Tài chính.

Trường hợp quá hạn hoàn trả vốn ứng cho quỹ theo phương án hoàn trả vốn ứng thì chi phí quản lý vốn ứng từ quỹ đối với số tiền ứng vốn từ quỹ quá hạn là 150% mức chi phí sử dụng ngân quỹ nhà nước. Chi phí quản lý vốn ứng từ quỹ nằm trong chi phí khai thác của dự án, nhiệm vụ.


Vân Hà-Link gốc

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tiep-thu-y-kien-hoan-thien-du-thao-nghi-dinh-ve-quy-phat-trien-dat-150967.html