Với lợi thế về địa lý, các thị trường gần như Trung Quốc, ASEAN đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong chiến lược kinh doanh của mình để tiết giảm chi phí.
Doanh nghiệp xuất khẩu “nín thở” theo dõi tình hình đơn hàngDoanh nghiệp xuất khẩu lao đao khi giá cà phê tăng, Hiệp hội cà phê khuyến cáo gì?Doanh nghiệp tìm cách xoay sở trước biến động tỷ giá
Liên tục nhận các đơn hàng xuất khẩu qua Trung đông, Mỹ, song các đơn hàng này hầu như không có lãi do chi phí đầu vào cao. Ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty Dệt may Dony, thông tin, doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu tác động tiêu cực kép: Giá cước vận tải tăng và đồng USD cũng tăng giá. Trong khi đó, ngành dệt may phải nhập đến 60% nguyên liệu sản xuất. Điều này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ăn mòn.
Trong bối cảnh đó, để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh, cân nhắc mở rộng sang thị trường Campuchia để dễ giao nhận. Theo ông Quang Anh, mặc dù Campuchia là thị trường mới, song lượng đơn hàng khá dồi dào. Thông thường ngành dệt may sẽ bán chạy nhất vào dịt Tết Nguyên đán với thị trường Việt Nam, Trung Quốc và dịp Tết Dương lịch với các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Riêng thị trường Campuchia, do ngày Tết của họ rơi vào tháng 4/2024, nên nghịch mùa với tất cả các thị trường khác.
“Mùa thấp điểm của thị trường truyền thống là cao điểm của Campuchia. Nhờ đó, doanh nghiệp có đủ đơn hàng để sản xuất trong cả năm. Dự kiến năm 2024, doanh số của công ty sẽ tăng 15%”, ông Phạm Quang Anh chia sẻ.
Doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng lợi thế từ các thị trường gần
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm GC Food cho rằng, nông sản Việt tiếp tục được hưởng lợi về thuế suất ưu đãi nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Thứ, từ đầu năm 2024 đến nay đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường chính đều tăng trưởng tới 50%. Ngoài các thị trường cũ, doanh nghiệp sẽ mở rộng sang thị trường lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. “Hiện công ty đã tạm dừng những đơn hàng xuất khẩu đến thị trường Trung Đông và chuyển hướng sang những thị trường thuận lợi hơn là Trung Quốc, Nhật Bản”, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C, chia sẻ.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam khi chiếm tới 98% tổng kim ngạch.
Đây là những thị trường có rất nhiều ưu điểm đối với rau quả Việt Nam như vị trí địa lý gần, thuận tiện về logistics, thời gian vận chuyển nhanh giúp giảm chi phí vận chuyển cũng như giảm thiểu rủi ro về chất lượng hàng hóa… Bên cạnh đó, một số thị trường ASEAN không phải thị trường khó tính nên sẽ là nơi để các doanh nghiệp kiểm tra độ thích nghi của sản phẩm, từ đó làm bàn đạp để tiến sang các thị trường khác.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng cho biết, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đang tăng cường khai thác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cùng với đó là mở rộng kết nối xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Đây là 2 thị trường rất tiềm năng nhờ dân số đông và nhu cầu tiêu dùng đa dạng, từ phân khúc trung bình đến cao cấp.
Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng, cùng với việc chuyển hướng thị trường, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi giao thương. Thông tin từ các tham tán thương mại cho biết, hiện đang có tình trạng lợi dụng chiến sự, một số đối tượng lừa đảo đưa ra các đơn hàng lớn, giá tốt để lừa đảo và chiếm đoạt hàng. Khi có các đơn hàng kiểu như vậy, đề nghị doanh nghiệp thận trọng và xác minh kỹ qua kênh đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại khu vực.
Đồng thời, khi giao dịch với doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng LC, có đặt cọc, không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến.
Hà Linh