Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiếp tục xu hướng hồi phục chậm chạp. Dường như người dân trong nước vẫn chưa sẵn sàng mở hầu bao trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn và lạm phát đang chực chờ quay trở lại.
Tăng trưởng của du lịch lữ hành đang đến từ sự hồi phục mạnh mẽ của lượt khách quốc tế. Trong ảnh: Khách quốc tế tại Dinh Độc Lập trong dịp lễ 30-4 vừa qua. Ảnh: N.K
Sức mua trong nước tiếp tục đi ngang
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4-2024 tăng nhẹ so với các tháng trước đó và đạt mức 522.100 tỉ đồng trong tháng 4-2024. Tuy nhiên số liệu chi tiết đang cho thấy sức mua của người tiêu dùng trong nước vẫn đang đi ngang.
Cụ thể, chi tiêu cho bán lẻ, chiếm khoảng ba phần tư tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, dao động quanh mức 400.000 tỉ đồng, phản ánh sức mua của cư dân vẫn chưa khởi sắc.
Chi tiêu cho dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng nhẹ. Tăng trưởng của chi tiêu cho dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đang đến từ sự hồi phục mạnh mẽ của lượt khách quốc tế, với 6,2 triệu lượt khách trong bốn tháng đầu năm, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lượng khách nội địa nhìn chung ổn định trong các tháng đầu năm với 40,5 triệu lượt khách, tăng nhẹ 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, có thể thấy chi tiêu của người dân trong nước vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể, xu hướng này đã kéo dài từ cuối năm 2023 và tiếp tục duy trì trong bốn tháng đầu năm 2024.
Lạm phát chực chờ ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng
Mức lạm phát bình quân bốn tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3,93% là một dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế nói chung và nhu cầu tiêu dùng nói riêng.
Nếu như chỉ số CPI của năm 2023 được hỗ trợ bởi mức giảm sâu của CPI giao thông trong nửa đầu năm 2023 thì CPI của năm 2024 lại ghi nhận xu hướng tăng với đà tăng của hầu hết các cấu phần chính của CPI (hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng, và giao thông).
Trong đó, đáng chú ý là CPI giao thông đang tăng trên nền thấp của quí 2-2023, cùng với việc giá dầu đang neo ở mức cao thì CPI giao thông sẽ là động lực chính kéo CPI tăng mạnh trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh đó, CPI hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng đang âm thầm tăng trở lại khi dần đóng góp nhiều hơn vào tốc độ tăng của CPI trong các tháng gần đây.
Lạm phát tăng trở lại sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng do lạm phát đang đến từ chi phí đẩy, tức là tăng giá nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất. Khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng do lạm phát chi phí đẩy, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều hơn cho các mặt hàng cơ bản, chẳng hạn như thực phẩm, điện, vật liệu xây dựng và các sản phẩm hàng ngày khác. Điều này dẫn đến sự tăng chi phí cuộc sống và làm giảm sức mua của người tiêu dùng với các mặt hàng khác, bao gồm chi tiêu ăn uống bên ngoài, mua sắm đồ đạc, hay đi du lịch.
Dư địa cho kích thích tiêu dùng?
Nhằm thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng, Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét chính sách tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (đã được áp dụng trong sáu tháng đầu năm 2024, nay đề xuất áp dụng tiếp trong sáu tháng cuối năm 2024).
"Có thể thấy Chính phủ đã bắt đầu hành động để cải thiện sức mua trong nửa cuối năm 2024 bằng các chính sách tài khóa. Tuy nhiên, dư địa để tăng tiêu dùng sẽ không có nhiều do vấn đề cốt lõi là thu nhập dân cư vẫn chưa tăng trở lại."
Cùng với đó, xem xét gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có thể thấy Chính phủ đã bắt đầu hành động để cải thiện sức mua trong nửa cuối năm 2024 bằng các chính sách tài khóa. Tuy nhiên, dư địa để tăng tiêu dùng sẽ không có nhiều do vấn đề cốt lõi là thu nhập dân cư vẫn chưa tăng trở lại.
https://thesaigontimes.vn/tieu-dung-phuc-hoi-cham-va-ap-luc-lam-phat-gia-tang/