TikTok kiện Chính phủ Mỹ

Trong nỗ lực chống lại dự luật cấm TikTok trên các kho ứng dụng tại Mỹ, nền tảng chia sẻ video ngắn này đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ.

TikTok đang kiện chính phủ Mỹ trong nỗ lực chống lại dự luật buộc công ty mẹ ByteDance phải bán lại ứng dụng này tại Mỹ hoặc bị cấm trên các kho ứng dụng, theo CNBC.

Vụ kiện được đệ trình vào hôm 7/5 tại Tòa án phúc thẩm Mỹ ở Washing ton D.C. Theo đó, phía TikTok cho rằng dự luật "Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát" vi phạm quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp. Đơn kiện gọi luật này là "hành vi vi phạm chưa từng có đối với Tu chính án thứ nhất".

"Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành luật áp dụng lệnh cấm vĩnh viễn trên toàn quốc đối với một nền tảng... và ngăn mọi người Mỹ tham gia vào một cộng đồng trực tuyến độc đáo với hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới", TikTok viết trong đơn kiện.

Công ty cho rằng việc viện dẫn các mối lo ngại về an ninh quốc gia không phải là lý do chính đáng để hạn chế quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm thuộc về chính phủ liên bang để chứng minh rằng sự hạn chế này là cần thiết. Đơn kiện tuyên bố chính phủ chưa thể hiện được trách nhiệm đó. Hiện, Bộ Tư pháp Mỹ hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Những nhà sáng tạo nội dung ở Mỹ biểu tình phản đối dự luật cấm TikTok. (Ảnh: VOX ).

John Moolenaar, nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Michigan và là chủ tịch ủy ban đặc biệt Hạ viện về Trung Quốc, cho biết: "Quốc hội và Cơ quan hành pháp đã kết luận, dựa trên cả thông tin công khai lẫn tuyệt mật, rằng TikTok gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và người dân Mỹ. Điều đáng nói là TikTok thà tốn thời gian, tiền bạc và công sức để chiến đấu trước tòa án hơn là giải quyết vấn đề bằng cách cắt đứt quan hệ với phía Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng dự luật sẽ được thực thi."

Theo CNBC , với động thái mới của TikTok, công ty mẹ ByteDance sẽ có thêm thời gian để trì hoãn việc lệnh cấm được thực thi. Đây cũng là diễn biến mới nhất trong nỗ lực kéo dài nhiều năm của chính phủ Mỹ nhằm cấm TikTok.

Những nỗ lực nhằm kiểm soát ứng dụng chia sẻ video phổ biến này đã diễn ra từ năm 2020 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump lẫn Joe Biden. Chính phủ liên bang và hàng chục tiểu bang đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.

Các chính trị gia Cộng hòa và Dân chủ cùng một số thành viên trong cộng đồng an ninh quốc gia bày tỏ lo ngại về việc thu thập dữ liệu và các hoạt động bảo mật của TikTok, cũng như cách thức hoạt động của thuật toán đề xuất video của ứng dụng.

TikTok đã nỗ lực để trấn an công chúng và các quan chức Mỹ rằng họ coi trọng bảo mật dữ liệu. Vào năm 2022, công ty đã khởi động “Dự án Texas”, một động thái nhằm cung cấp bảo mật dữ liệu và minh bạch thông tin xung quanh thông tin mà ứng dụng thu thập về người dùng Mỹ. Tuy vậy, điều đó không giúp xoa dịu mối quan ngại của chính phủ về ứng dụng và sự giám sát của chính phủ Trung Quốc đối với nền tảng chia sẻ video ngắn này.

Đơn kiện tuyên bố rằng Quốc hội không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy TikTok gây ra các rủi ro về bảo mật dữ liệu, đồng thời không chứng minh được rằng ứng dụng gây ra bất kỳ thiệt hại cụ thể nào trong các lĩnh vực này.

Đơn kiện tuyên bố: "Những tuyên bố của các ủy ban và các thành viên của Quốc hội trong quá trình lập pháp vội vàng,... dựa trên nhiều suy đoán, chứ không phải 'bằng chứng' như Tu chính án thứ nhất yêu cầu."

Ngoài ra, TikTok tuyên bố luật này vi phạm quyền được tố tụng hợp pháp theo Tu chính án thứ Năm và tố cáo cấm TikTok là một đạo luật vi hiến, tức việc tuyên bố một bên phạm tội và áp dụng hình phạt cho bên đó mà không cần qua xét xử.

Theo đó,Tu chính án thứ Năm là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân Mỹ. Nó nhằm bảo vệ cá nhân khỏi sự lạm dụng quyền lực của chính phủ và đảm bảo rằng mọi người được đối xử công bằng trong hệ thống tư pháp.

Ở một diễn biến khác, theo Bloomberg, Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, cho biết ông đã từng cân nhắc khả năng mua lại TikTok nhưng hiện tại đã từ bỏ ý định.

"Hiện tại tôi không còn theo đuổi việc mua lại TikTok. Tôi đã từng cân nhắc điều đó một thời gian." Ông cho biết thêm rằng quan điểm cá nhân của ông là Mỹ sẽ tốt hơn nếu giám sát TikTok thay vì cấm hoặc đưa ứng dụng này ra toà.

Schmidt nói với Bloomberg rằng ông coi ứng dụng này giống như truyền hình hơn là mạng xã hội và ông hy vọng Mỹ sẽ xem xét việc quy định nền tảng này theo hướng đó.

Eric Schmidt là người giàu thứ 47 trên thế giới với tài sản ròng là 32,2 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Kể từ khi rời Google, ông đã đặt sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm hàng đầu thông qua sáng kiến ​​mang tên Dự ánSpecial Competitive Studies.

Ông cho rằng hiện tại, Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang nổi lên nhanh chóng. Schmidt nói: “Chúng ta có thể đi trước Trung Quốc hai hoặc ba năm, điều mà trong thế giới của tôi là vô tận”.

Thành Vũ

https://vietnambiz.vn/tiktok-kien-chinh-phu-my-2024581434335.htm