Tín dụng tăng tốc, rủi ro có xuất hiện khi tăng quá nhanh?

  • Tín dụng một tháng tăng gần bằng 5 tháng!

Tăng trưởng tín dụng trong khoảng 3 tuần đầu tháng 6/ 2024 cao gần bằng mức đạt được của 5 tháng đầu năm. Nếu với tốc độ này, khả năng đạt mục tiêu 15% của cả năm là hoàn toàn có thể đạt được!

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 24/06/2024 thì tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4.45%, gần đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra (hết quý 2/2024 tăng 5-6%). Trước đó, theo thông báo của SBV tính tới cuối tháng 5/2024 thì tín dụng tăng 2.04%, vậy chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 6 thì tín dụng đã tăng 2.04% gần bằng tốc độ tăng của 5 tháng đầu năm cộng lại và theo SBV thì đây là hiện tượng bình thường do tín dụng thường có xu hướng tăng cao nửa cuối năm!

  • SBV sẽ rà soát lại room tín dụng:

Mặc dù room tín dụng đã được SBV cấp cho các ngân hàng từ đầu năm nhưng SBV cho biết sẽ rà soát lại khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và điều hòa lại trong toàn hệ thống ngân hàng để tập trung vào các ngân hàng có khả năng tăng trưởng.

=> Qua đó, chúng ta thấy được sắp tới room tín dụng sẽ được cấp cho các ngân hàng thương mại có tiềm năng tăng trưởng thực sự, cụ thể: 4 ngân hàng thương mại Quốc doanh sẽ được hưởng lợi đầu tiên trong đợt xem xét cấp room tín dụng trong năm tới!

  • Rủi ro có thể xuất hiện:

Mặc dù tín dụng nửa đầu năm tăng khá chậm, nhưng nhiều ngân hàng đều khá lạc quan về khả năng tăng trưởng. Cụ thể, tại Vietcombank được tính tới giữa tháng 6/2024 thì tăng 2.1%, dự kiến hết ngày 30/06/2024 sẽ tăng 4.3% và đến cuối tháng 09/2024 tăng 8.2% và cuối năm đạt 15%.

Chính vì vậy, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã nhắc nhở các ngân hàng về tín dụng tăng vọt bất ngờ và yêu cầu các ngân hàng không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà phải chú trọng chất lượng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng giải thích rằng: “sở dĩ tín dụng có sự tăng trưởng bất ngờ trong tháng 06/2024 là bởi nửa đầu năm, doanh nghiệp tập trung đàm phán, hợp đồng chủ yếu ký kết từ giữa năm và phần lớn các hợp đồng tín dụng lớn cũng được giải ngân nửa cuối năm”.

  • Tình hình các khoản vay tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME):

Theo phản ánh, hiện nay, tiếp cận tín dụng chủ yếu là các doanh lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn đang gặp khó khăn để tiếp cận nguồn vốn do thiếu tài sản đảm bảo và các ngân hàng có xu hướng thận trọng hơn các khoản cho vay này. Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho thấy có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhiều doanh nghiệp SME đang phải đối mặt với tình trạng càng kinh doanh càng lỗ; bị chiếm dụng vốn, phải ưu tiên xử lý các khoản nợ đến hạn thay vì vay mới,…

  • Điểm tích cực:

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được tiếp tục duy trì ở mức ổn định, dù lãi suất huy động đã tăng khoảng 0.5%/ năm trong vài tháng gần đây. Các ngân hàng thương mại đã khăng định, sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích cầu tín dụng.

  • Tỷ lệ dư nợ có thể trở thành “quả bom nổ chậm”:

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, tín dụng không nên đều đặn ở mức 15%/ năm mà cần giảm dần. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tín dụng/ GDP cao nhất thế giới. Nếu việc tăng trưởng kéo dài cùng với tăng trưởng GDP mỗi năm khoảng 5-6%/ năm và thêm lạm phát khoảng 4% thì tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP càng lớn và dễ tạo “bong bóng” đầu cơ tài sản.

Theo vị chuyên gia này thì việc không tăng trưởng 15%/ năm trong năm nay cũng không quá đáng ngại, mà dần dần phải kéo giảm con số này và phát triển các kênh huy động vốn khác, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Nguồn: Thùy Liên (03/07/2024). Tín dụng tăng tốc bất thường?. Tài chính - Ngân hàng, Báo Đầu tư.

8 Likes