Tín hiệu tích cực đối với chính sách thuế xe điện của Mỹ

Một số chuyên gia lại cho rằng quyết định về thuế quan của ông Biden có thể thành công trong việc tạo bàn đạp để ngành công nghiệp xe điện của Mỹ phát triển.

Tháng 6/2019, ứng viên Tổng thống lúc bấy giờ là ông Joe Biden đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng người dân Mỹ đang phải trả các khoản thuế được cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với Trung Quốc.

Mẫu xe điện Model Y của Tesla. (Ảnh: AFP/TTXVN ).

5 năm sau, vào tháng 5/2024, đến lượt ông Biden tuyên bố tăng thuế đối với nhiều loại hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó có việc tăng thuế lên tới 100% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.

Đối với một quốc gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính, những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn xe điện giá rẻ có vẻ phản tác dụng. Với mức giá khoảng 12.000 USD/chiếc, dòng ô tô điện Seagull của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD có thể nhanh chóng tăng doanh số bán hàng nếu mức giá này được ấn định tại Mỹ, nơi những chiếc ô tô điện mới rẻ nhất có giá cao hơn gần gấp ba lần.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng quyết định về thuế quan của ông Biden có thể thành công trong việc tạo bàn đạp để ngành công nghiệp xe điện của Mỹ phát triển. Nếu không có thuế quan, doanh số bán ô tô của Mỹ có nguy cơ bị tác động tiêu cực bởi các công ty Trung Quốc, vốn có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều nhờ phương pháp sản xuất, tiêu chuẩn an toàn và môi trường lỏng lẻo hơn, nguồn lao động rẻ hơn và trợ cấp hào phóng hơn của chính phủ.

Một lịch sử thuế rắc rối

Trong lịch sử, chính sách thuế quan của Mỹ thường không đạt được mục tiêu kinh tế. Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 nhằm bảo vệ việc làm của người Mỹ, bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, đã phản tác dụng sau khi đạo luật này thúc đẩy các nước khác tăng thuế, dẫn đến sụt giảm thương mại quốc tế, và khiến cuộc Đại suy thoái trở nên sâu hơn.

Trong khi đó, thuế thép của Tổng thống George W Bush hồi năm 2002 cũng đã khiến giá thép cao hơn, gây tổn hại cho các ngành công nghiệp sử dụng thép và khiến ngành sản xuất của Mỹ mất khoảng 200.000 việc làm. Chính sách này cuối cùng đã được dỡ bỏ sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết chống lại.

Chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Barack Obama đối với các tấm pin Mặt Trời do Trung Quốc sản xuất vào năm 2012 đã ngăn chặn nhập khẩu trực tiếp nhưng không thúc đẩy được ngành công nghiệp tấm pin Mặt Trời trong nước. Ngày nay, Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ các công ty hoạt động ở Đông Nam Á - chủ yếu là Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Nhiều công ty trong số đó có liên hệ với Trung Quốc.

Vậy tại sao thuế xe điện lại khác?

Tuy nhiên, thuế đối với xe điện của ông Biden lại được cho là có thể thách thức các tiền lệ lịch sử và thành công. Dưới đây là một số lý do dẫn đến nhận định này.

Đầu tiên là vấn đề thời gian, khi cựu Tổng thống Obama áp đặt thuế đối với các tấm pin Mặt Trời vào năm 2012, gần một nửa số công trình được lắp đặt ở Mỹ đã sử dụng các tấm pin do Trung Quốc sản xuất. Ngược lại, xe điện do Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả các mẫu xe được Volvo và Polestar bán ở Mỹ, hiện có thị phần không đáng kể ở Mỹ.

Do thị trường Mỹ không phụ thuộc vào xe điện do Trung Quốc sản xuất nên thuế quan có thể được thực hiện mà không gây ra sự gián đoạn hoặc tăng giá đáng kể, giúp ngành công nghiệp trong nước có thời gian phát triển và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Bằng cách sớm áp đặt thuế quan, chính quyền ông Biden hy vọng sẽ ngăn chặn việc thị trường Mỹ trở nên bão hòa với xe điện giá rẻ của Trung Quốc, điều có thể cản trở sự đổi mới.

Sản phẩm của hãng xe điện Trung Quốc Build Your Dreams (BYD). (Ảnh: LinkedIn/BYD ).

Thứ hai, chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay đã rất khác biệt. Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chẳng hạn như nguy cơ gián đoạn nguồn cung đối với các thành phần quan trọng cũng như sự chậm trễ trong sản xuất và vận chuyển.

Những vấn đề này đã thúc đẩy nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đánh giá lại sự phụ thuộc của họ vào các nhà sản xuất nước ngoài trong các mặt hàng quan trọng và chuyển sang hướng đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ - và củng cố chuỗi cung ứng trong nước.

Trong khi đó, cuộc xung đột ở Ukraine cũng làm gia tăng sự chia rẽ giữa trật tự kinh tế do Mỹ lãnh đạo và do Trung Quốc dẫn đầu.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey, 67% giám đốc điều hành cho rằng rủi ro địa chính trị là mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh này, xe điện và các bộ phận của xe điện, đặc biệt là pin, là những sản phẩm chính được đánh giá là rất quan trọng đối với khả năng phục hồi chuỗi cung ứng quốc gia.

Việc đảm bảo nguồn cung ổn định và an toàn cho các thành phần này thông qua sản xuất trong nước có thể giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và căng thẳng địa chính trị.

Thứ ba, lo ngại về an ninh quốc gia hiện đã cao hơn nhiều so với trước đây. Không giống như các tấm pin Mặt Trời, lĩnh vực sản xuất xe điện có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia. Chính quyền Tổng thống Biden coi xe điện do Trung Quốc sản xuất là một mối đe dọa an ninh mạng tiềm tàng.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã thảo luận về rủi ro do thám liên quan đến khả năng xe điện do nước ngoài sản xuất thu thập dữ liệu nhạy cảm và truyền dữ liệu đó ra bên ngoài. Các quan chức Mỹ cũng đã nêu lên lo ngại về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng xe điện phụ thuộc vào các quốc gia khác trong trường hợp xảy ra xung đột địa chính trị.

Các phương thức lách thuế

Trong khi thuế quan xe điện của ông Biden có thể thành công trong việc ngăn chặn sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc trong một thời gian, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể tìm cách lách thuế bằng việc chuyển sản xuất sang các nước như Mexico.

Chiến thuật này từng được sử dụng trước đây bởi các nhà sản xuất tấm pin Mặt Trời Trung Quốc, khi họ chuyển sản xuất sang các nước châu Á khác để tránh thuế quan của Mỹ.

Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD, công ty dẫn đầu thế giới về doanh số bán xe điện, đang xem xét thành lập một nhà máy ở Mexico để sản xuất xe tải điện. Gần 10% số ô tô bán ra ở Mexico vào năm 2023 là do các hãng ô tô Trung Quốc sản xuất.

Với thực tế địa chính trị đang thay đổi, mức thuế 100% đối với xe điện của ông Biden có thể là bước khởi đầu cho một chiến lược rộng lớn hơn chứ không phải là một giải pháp riêng biệt.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã bóng gió về điều này trong một cuộc họp báo gần đây. Bà cho rằng việc giải quyết vấn đề phương tiện sản xuất tại Mexico sẽ cần “một con đường riêng” và Mỹ sẽ “theo dõi” các hành động trong tương lai.

Châu Âu thì sao?

Hiện tại, do xe điện do Trung Quốc sản xuất gần như vắng bóng trên thị trường ô tô Mỹ, thuế quan xe điện của ông Biden khó có thể có tác động ngắn hạn đáng chú ý ở Mỹ. Tuy nhiên, chúng có thể ảnh hưởng đến các quyết định ở châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) đã chứng kiến lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian 7 tháng của năm 2023.

Điều này khiến các nhà sản xuất lo ngại. Khi các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gặp nhau vào cuối tháng Năm, thuế quan sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Động thái của ông Biden có thể khuyến khích các hành động bảo vệ tương tự ở những nơi khác, củng cố sự thay đổi toàn cầu hướng tới đảm bảo chuỗi cung ứng và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Phương Nga

https://vietnambiz.vn/tin-hieu-tich-cuc-doi-voi-chinh-sach-thue-xe-dien-cua-my-202451920655516.htm