Tỉnh giàu có bậc nhất xây sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam và hàng loạt cao tốc, cảng biển

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân sở hữu và khai thác. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên tự làm đường cao tốc.

Sân bay sở hữu nhiều công nghệ hàng đầu thế giới

Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được biết đến là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, với thời gian thi công "thần tốc", chỉ trong 2 năm (từ năm 2016 - 2018).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, trong bối cảnh giao thông hàng không phát triển mạnh trên thế giới, Quảng Ninh lại sở hữu đa dạng các tiềm năng, đặc biệt là dịch vụ - du lịch... nên tỉnh xác định loại hình giao thông nhanh nhất để kết nối với thế giới chính là đầu tư khai thác sân bay.

Trước đó, giai đoạn từ năm 2010, dù Quảng Ninh đã rất nỗ lực, triển khai các giải pháp để thu hút nguồn lực đầu tư về địa phương, nhưng hiệu quả chưa thực sự được như mong muốn.

Năm 2012, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên được Quảng Ninh tổ chức, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thẳng thắn cho rằng: Họ chưa chọn Quảng Ninh để đầu tư là do giao thông không thuận lợi, chi phí vận tải và thời gian quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Có nhà đầu tư Hàn Quốc còn so sánh, đi từ Hàn Quốc đến Việt Nam với khoảng cách gần 3.000km chỉ mất khoảng 4h, trong khi từ sân bay Nội Bài đến Quảng Ninh có hơn 100km mà cũng mất từng ấy thời gian.

Từ thực trạng trên, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tìm và mời gọi nhà đầu tư, dành nguồn ngân sách đối ứng để thực hiện đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, tổ chức giải phóng mặt bằng chuẩn bị quỹ đất sạch để làm sân bay.

Chỉ sau thời gian ngắn, một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã đến Quảng Ninh, đề xuất được nghiên cứu đầu tư sân bay. Trong đó một tập đoàn lớn được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược thực hiện xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với số vốn ban đầu hơn 7.000 tỷ đồng.

Tháng 3/2016 dự án được triển khai, tháng 12/2018 sân bay chính thức đưa vào khai thác và đón chuyến bay thương mại đầu tiên.

Trong xu hướng vận chuyển hàng hóa quốc tế hiện nay đang sử dụng loại máy bay chuyên dụng như Boeing 747-400 freighter, loại vận tải này cần chiều dài đường băng là 3.6km thì Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong số ít sân bay của Việt Nam đáp ứng được điều này. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Sân bay Vân Đồn được thiết kế cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), có thể đón được các loại máy bay có tải trọng lớn, như Boeing 777, 787 và Airbus A320, A350. Nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, 2 cao trình, công suất thiết kế đáp ứng lưu lượng 5 triệu lượt hành khách/năm, giai đoạn 1 là 2,5 triệu lượt hành khách/năm.

Việc "sinh sau, đẻ muộn" cũng chính là lợi thế để sân bay Vân Đồn tích hợp những công nghệ hàng đầu thế gới. Tháng 11/2020, tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) đã chính thức công nhận sân bay Vân Đồn là "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2020" và "Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020".

Về tương lai phát triển đường hàng không tại Quảng Ninh, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo hồ sơ quy hoạch, Quảng Ninh định hướng quy hoạch mới sân bay chuyên dùng Cô Tô giai đoạn 2030 - 2050 với diện tích trên 130 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.

Cũng theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ (phường Ninh Dương, Móng Cái). Sây bay này sẽ kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn.

Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ xây dựng, phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại các khu du lịch. Ảnh: ChatGPT.

Với cảng hàng không Vân Đồn, đây là cảng hàng không quốc tế; cấp sân bay đạt cấp 4E, sân bay quân sự cấp II; diện tích 326,547 ha. Công suất thông qua cảng hàng không đạt khoảng 2,5 triệu khách/năm và 2.000 tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không này sẽ xây dựng thêm đường lăn nối, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay để nâng công suất 5 triệu hành khách/năm. Đến 2030, Vân Đồn trở thành sân bay xanh.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thêm một đường cất hạ cánh, các đường lăn mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách và khu hàng không dân dụng để nâng công suất cảng hàng không lên 12 triệu hành khách/năm.

Tỉnh đầu tiên tự huy động vốn xây 2 tuyến cao tốc

Không chỉ có sân bay tư nhân đầu tiên, Quảng Ninh còn là tỉnh đầu tiên tự huy động vốn làm 2 tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái. Hai tuyến cao tốc này đã nâng tổng số đường cao tốc tại Quảng Ninh lên gần 180km chạy dọc tỉnh, kết nối các trung tâm kinh tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái và hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh.

Trong đó, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế với 1 cửa khẩu quốc tế.

Tỉnh giàu có bậc nhất xây sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam và hàng loạt cao tốc, cảng biển- Ảnh 3.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Móng Cái chỉ còn 3 giờ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh

Theo quy hoạch, sắp tới Quảng Ninh sẽ xây thêm 2 tuyến cao tốc mới là cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long (CT 09) và Cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng (CT 10) theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ có thêm 2 đường cao tốc mới. Ảnh: ChatGPT

Ngoài đường bộ, đường hàng không, Quảng Ninh còn có lợi thế vượt trội trong phát triển kinh tế biển. Tỉnh này sở hữu 250km bờ biển với trên 6.000km2 mặt nước, nhiều khu vực nước sâu, kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu.

Quảng Ninh hiện có 8 khu bến cảng và 2 khu neo đậu, chuyển tải, đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng, được Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, đảm nhận trên 50% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, liên vùng, cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế.

Từ những lợi thế đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút gần 65.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 10 dự án hạ tầng, dịch vụ cảng biển kể từ năm 2020 đến nay.

Hiện, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cảng hàng lỏng Yên Hưng, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng; bến cảng đa năng đảo Hòn Miều, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; bến cảng sông Chanh 3 với 6 bến cảng tiếp nhận tàu tải trọng đến 50.000 DWT, tổng công suất thông qua 12 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng...

Việc ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế vượt bậc của Quảng Ninh trong những năm qua.

Con số mới nhất cho thấy, vào năm 2023, GRDP tỉnh Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng ước đạt 11,03%. Đây là lần đầu tiên tỉnh đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 3 cả nước, là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015) đạt mức tăng trưởng hai con số.

Sang năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu một thập kỷ đạt tăng trưởng trên 2 con số, GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD.

Ngoài ra, với hạ tầng đang và sắp có, Quảng Ninh có đầy đủ điều kiện lý tưởng của một trung tâm logistics và tâm điểm của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.


Theo Duy Anh

Đời sống & pháp luật

https://cafef.vn/tinh-giau-co-bac-nhat-xay-san-bay-tu-nhan-dau-tien-o-viet-nam-va-hang-loat-cao-toc-cang-bien-188240519190622072.chn