Trung Quốc: Xuất khẩu quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong tháng 4/2024

Theo số liệu Tổng Cục hải quan Trung Quốc (NBS), xuất khẩu của Trung Quốc đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vào tháng 4/2024, sau khi giảm mạnh vào tháng trước đó.

Điều này cho thấy một số tín hiệu tích cực về nhu cầu hàng hóa từ nước ngoài, và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hy vọng đà hồi phục này sẽ kéo dài đến cuối năm.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2024 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh). Con số này đánh dấu sự phục hồi sau mức giảm 7,5% vào tháng 3/2024, lần đầu tiên nước này chứng kiến xuất khẩu giảm kể từ tháng 11 năm ngoái.

Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2024 cũng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, vượt qua mức dự báo là 4,8%.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2024, nhưng các số liệu về xuất khẩu, lạm phát giá tiêu dùng, giá sản xuất và cho vay ngân hàng trong tháng 3/2024 cho thấy đà tăng trưởng có thể đang chững lại.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài cũng chưa có dấu hiệu lắng xuống, khiến các chuyên gia kêu gọi Chính phủ Trung Quốc đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.

Trong quý I/2024, cả kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một loạt số liệu kinh tế tích cực vượt dự báo trong giai đoạn tháng 1-2 và khảo sát các nhà sản xuất trong tháng Ba cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã vượt qua được một số thách thức ban đầu.

Điều này giúp các nhà chức trách nước này có thêm thời gian để củng cố niềm tin mong manh của các nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, những thách thức cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều. Tháng trước, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ triển vọng tín dụng của Trung Quốc xuống mức tiêu cực, viện dẫn rủi ro đối với tài chính công khi tăng trưởng chậm lại và nợ chính phủ tăng cao.

Trung Quốc hồi tháng trước cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, bao gồm cả việc điều chỉnh lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khoảng 5%, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đây là mục tiêu không dễ đạt được nếu không có thêm các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.

Xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn trong phần lớn thời gian của năm ngoái do lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa từ nước ngoài. Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và những ngân hàng trung ương của các nước phát triển khác không có dấu hiệu sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cuộc cạnh tranh giành thị phần.

Các nhà phân tích cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tiếp tục giảm giá để duy trì doanh số bán hàng ở nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu. Điều này được minh chứng bằng việc khối lượng xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 3/2024.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên 72,35 tỷ USD, so với mức dự báo 77,50 tỷ USD trong cuộc thăm dò của Reuters và 58,55 tỷ USD trong tháng 3/2024.

Minh Trang (Theo Reuters)

https://bnews.vn/trung-quoc-xuat-khau-quay-tro-lai-quy-dao-tang-truong-trong-thang-4-2024/332717.html