TS Lê Xuân Nghĩa dẫn thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, tương đương khoảng 3 tỷ USD - bằng một nửa xuất khẩu rau quả và chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.
Tại toạ đàm về ổn định thị trường vàng diễn ra sáng ngày 17/5, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng các công ty kinh doanh vàng ở Việt Nam khá lớn, có đủ khả năng vừa nhập khẩu vàng nguyên liệu và xuất khẩu vàng trang sức. Do đó nên cấp phép cho các doanh nghiệp này nhập khẩu và xuất khẩu vàng. Nhà nước nên quản lý bằng thuế. Điều quan trọng là cần liên thông với thị trường quốc tế.
Ở thị trường trong nước cần quản lý chặt hoạt động kinh doanh vàng bằng hoá đơn điện tử.
Theo ông nên bỏ độc quyền việc độc quyền sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng.
"Chúng ta sẽ có một thị trường vàng bình thường. SJC cũng như các hãng khác. Giá vàng của SJC có thể cao hơn các hãng khác vài chục ngàn một lượng chứ không phải chênh lệch hàng triệu đồng như hiện tại", ông nói.
Một vài ý kiến tỏ ra lo ngại về việc nhập khẩu vàng có thể ảnh hưởng đến nguồn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên theo ông Nghĩa điều này không đáng ngại.
Ông dẫn thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, tương đương khoảng 3 tỷ USD - bằng một nửa xuất khẩu rau quả và chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.
Theo ông Việt Nam có lợi thế là ngành thủ công mỹ nghệ và việc chế tác vàng đã tạo được uy tín trên thế giới. Thậm chí nếu giá vàng trong nước và quốc tế không chênh lệch nhau nhiều như hiện tại, các công ty sản xuất vàng trang sức còn có thể xuất khẩu được vàng trang sức với hàm lượng giá trị gia tăng cao, đủ bù đắp phần lớn ngoại tệ phải chi ra để nhập khẩu vàng nguyên liệu.
“Chúng ta đang coi việc xuất nhập khẩu vàng như một vấn đề “nguy hiểm” và điều này càng khiến dân chúng hoang mang. Trước hết tư duy về chính sách, phải coi đây là thị trường bình thường, không có gì ghê gớm và hoàn toàn có thể xử lý nhanh”, ông Nghĩa bình luận.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc ngân hàng ADB nhận định Việt Nam không phải nước duy nhất nằm trong làn sóng biến động giá vàng và điều này không có gì bất thường
“Nhưng bất thường của Việt Nam là cách phản ứng về chính sách. Đối với những nước khác việc phản ứng chính sách không quá mạnh. Còn tại Việt Nam, dường như những phản ứng chính sách đang mạnh hơn những gì cần thiết trong việc quản lý thị trường vàng, từ đó tạo nên tâm lý đám đông. Những phản ứng đó dường như bị thị trường dẫn dắt nhiều hơn là dựa trên những thông tin xác thực và nghiên cứu khoa học”, ông nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, để giải quyết bài toán của thị trường hiện tại, không nhất thiết phải nhập khẩu vàng.
Trong báo cáo vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng tổ chức Think Future Consultancy công bố tại tọa đàm, nhóm tác giả cho rằng khi nhận thấy giá vàng trong nước và chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu, việc “trị" chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá. Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết.
Trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.