Vài suy nghĩ về quyền cổ đông

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư cổ phiếu ở thị trường Việt Nam đang cho thấy thực tế tách rời quyền sở hữu với quyền định đoạt hoạt động doanh nghiệp.

Vài suy nghĩ về quyền cổ đông

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư cổ phiếu ở thị trường Việt Nam đang cho thấy thực tế tách rời quyền sở hữu với quyền định đoạt hoạt động doanh nghiệp.

ĐHĐCĐ là nơi để cổ đông thảo luận và biểu quyết các nội dung quan trọng của doanh nghiệp. Đồ họa: Tuấn Trần

Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Nói cách khác, cổ đông chính là người góp vốn vào công ty cổ phần và sở hữu phần vốn góp tương ứng với số lượng cổ phần đã mua trong công ty. Tùy thuộc vào số lượng cổ phần mà cổ đông sở hữu, họ có thể có ảnh hưởng lớn hoặc nhỏ đến quyết định và hoạt động của công ty.

Cổ đông có các quyền sở hữu nhất định với cổ phần của mình trong công ty cổ phần, đồng nghĩa có thể được mua, bán hoặc chuyển nhượng cổ phần.

Cổ phần cũng giúp cho cổ đông có thể được hưởng lợi nhuận của công ty với trách nhiệm hữu hạn đối với khoản đầu tư trong phạm vi vốn cổ phần.

Ngoài ra, việc sở hữu cổ phần cũng giúp cổ đông có quyền được cung cấp thông tin về công ty và quyền tác động tới hoạt động của công ty, chủ yếu bằng cách tham gia biểu quyết tại kỳ họp ĐHĐCĐ.

Tham dự ĐHĐCĐ, thảo luận và biểu quyết tại đại hội là cách chủ yếu để các cổ đông phổ thông thể hiện quyền của mình đối với doanh nghiệp, nhưng thực tế diễn ra ở một số doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy những điểm nghịch lý về quyền cổ đông.

Nhiều trường hợp, cổ đông không màng tới việc thực hiện quyền hợp pháp của mình. Không ít doanh nghiệp niêm yết tổ chức ĐHĐCĐ bất thành vì không đủ tỷ lệ tham dự, có cả những doanh nghiệp lớn, có tiếng.

Tình hình tổ chức ĐHĐCĐ ở một số doanh nghiệp
*Tỷ lệ tham dự trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nguồn: VietstockFinance

Ở nhiều doanh nghiệp niêm yết, việc giá cổ phiếu tăng quá cao đã thúc đẩy ban lãnh đạo, cổ đông lớn bán ra và không còn nắm giữ tỷ lệ chi phối, dẫn tới tình trạng cơ cấu cổ đông quá loãng.

Trong thị trường tăng nóng, đa số người mua vào lượng cổ phiếu được bán ra là nhà đầu cơ, mua nhanh bán nhanh. Khi cơn sốt đi qua, họ bất đắc dĩ trở thành cổ đông nhưng lại không mặn mà mấy với quyền của cổ đông. Cái họ quan tâm là cổ phiếu tăng giá để bán ra. Một số thậm chí còn chán nản bỏ quên số cổ phiếu đã mua vào.

Thay vì tổ chức đại hội thành công trong 1 lần như trước, doanh nghiệp ở trường hợp này phải đợi tới lần 2, lần 3.

Tổ chức lần 2, tỷ lệ tối thiểu cho đại hội chỉ là 33% và thậm chí không có tỷ lệ tối thiểu ở lần 3. Thế nên có doanh nghiệp tổ chức đại hội lần 3 với tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết chỉ chiếm chưa tới 10% lượng cổ phiếu lưu hành. Lúc này, quyết định về hoạt động của công ty nằm trong tay thiểu số tới dự họp. Phần đa số đã khước từ quyền được biểu quyết.

Để cứu vãn, có công ty phải chi rất mạnh tay - thưởng tiền cho cổ đông tới dự họp, cốt để có thể tổ chức ĐHĐCĐ trong 1 lần, vì nếu đợi tổ chức lần nữa, chi phí tổ chức có thể còn cao hơn. Với những trường hợp này, chúng ta lại có thêm một nghịch lý: Những người chủ doanh nghiệp tham gia ĐHĐCĐ - nơi để thực hiện quyền cơ bản của cổ đông - không vì mục đích chính là quyết định hoạt động của công ty theo ý muốn.

Trường hợp ngược lại, khi cơ cấu cổ đông quá cô đặc, cổ đông nhỏ khó có tiếng nói.

Một nhà đầu tư chia sẻ tình cảnh chịu ấm ức khi dự ĐHĐCĐ, những câu hỏi của các cổ đông nhỏ lẻ đều chìm vào im lặng khi chủ tọa bỏ qua để tiến hành kiểm phiếu bầu, với phần vốn áp đảo 65% của cổ đông lớn đã thông qua.

Theo tính chất kinh tế, quyền cổ đông có thể chia thành 2 loại:

Các quyền mang tính kinh tế như quyền được hưởng cổ tức, quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán, quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần, quyền được phân chia tài sản khi công ty chấm dứt hoạt động và quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.

Thứ 2 là các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông như: Quyền tham dự và biểu quyết tại ĐHĐCĐ, quyền tiếp cận thông tin, quyền triệu tập cuộc họp, quyền đề cử người quản lý, quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ hoặc quyết định, nghị quyết của Hội đồng quản trị, quyền khởi kiện người quản lý công ty.

Với cổ đông, các quyền mang tính kinh tế có vai trò quan trọng, vì đó là mục đích để cổ đông góp vốn mua cổ phần. Song, để đảm bảo quyền kinh tế, cổ đông không thể bỏ qua các quyền phi kinh tế, bởi lợi ích kinh tế của cổ đông sẽ được phán ảnh khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Thực tế ở thị trường Việt Nam đang cho thấy sự tách rời giữa nỗ lực thực hiện quyền phi kinh tế và thụ hưởng quyền lợi kinh tế của nhà đầu tư.

Nhiều công ty niêm yết vẫn mang dáng dấp các công ty gia đình, khi các quyết định quan trọng vẫn nằm trong tay một nhóm sở hữu lớn. Vô hình trung, nhà đầu tư chỉ như cưỡi ngựa xem hoa và dần dần mất đi nhận thức về quyền lực của mình, vì cho rằng công ty là sở hữu của người khác và việc bản thân mua cổ phiếu chỉ là hưởng lợi từ khả năng kinh doanh của chủ tịch, ban điều hành.

Cổ đông tham dự ĐHĐCĐ với mục đích đánh giá những người lãnh đạo mà họ nghĩ là người chủ thực sự. Nếu còn làm tốt, cổ đông sẽ tiếp tục góp vốn và nhận phần thưởng. Ngược lại, họ bán cổ phiếu.

Cũng khó trách, khi những nỗ lực thay đổi định hướng hoạt động của họ có thể sẽ vô ích vì tỷ lệ sở hữu không đủ để định đoạt các nội dung quan trọng.

Luật Doanh nghiệp 2020

Điều 138. Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông

1. Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

2. Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;

b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;

c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;

đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;

h) Xem xét, xử lý vi phạm của thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;

i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;

k) Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

l) Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

m) Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết;

n) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

FILI

Chí Kiên

https://fili.vn/2024/05/vai-suy-nghi-ve-quyen-co-dong-3355-1188939.htm