VFS: Cổ phiếu của VinFast trên sàn Nasdag giảm xuống còn 20 USD

Từ hơn 85 tỷ USD, hiện vốn hóa nhà sản xuất xe Việt Nam VinFast còn 46 tỷ USD nhưng vẫn cao gấp đôi so với định giá ban đầu.

Mở cửa phiên 17/8, cổ phiếu VFS của VinFast bắt đầu giao dịch ở mức giá 27,8 USD/cp, giảm 6,6% so với phiên giao dịch trước. Mã tiếp tục giảm dần về cuối phiên và đóng cửa giảm hơn 33% xuống 20 USD/cp. Đà giảm của cổ phiếu VinFast cũng đi cùng xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ.

Chỉ số Dow Jones giảm 290,91 điểm, tương đương giảm 0,84%, còn 34.474,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,77%, còn 4.370,36 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,17%, còn 13.316.93 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm liên tiếp những phiên gần đây khi mối lo về lãi suất “cao hơn, lâu hơn” phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Nguyên nhân đến từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng sau một loạt số liệu kinh tế trong tuần này cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ.

Theo Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,26% - mức kỷ lục trong 15 năm qua kể từ năm 2008. Lãi suất thế chấp Mỹ 30 năm cũng tăng lên 7,09% - mức cao nhất kể từ năm 2002.

Bên cạnh đó, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 12/8 là 239.000, thấp hơn so với dự kiến, cho thấy thị trường lao động tiếp tục hoạt động mạnh bất chấp tác động của chi phí vay cao.

Trước đó, biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách vẫn ưu tiên cuộc chiến chống lạm phát, làm gia tăng sự bấp bênh về triển vọng lãi suất.

Trong phiên giao dịch hôm qua (17/8), thị trường chứng khoán Việt Nam cũng diễn biến tiêu cực. Chỉ số giảm hơn 9 điểm về mốc 1.233,48 điểm. Áp lực giảm đến từ 3 cổ phiếu nhóm Vingroup và một số mã bất động sản khác.

BSC cho rằng, thị trường phiên 17/8 giao dịch giằng co trong vùng 1.240 – 1.245 điểm và áp lực bán lớn dần vào phiên chiều trong ngày hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn. VN-Index đang điều chỉnh và có thể bật trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm.