VNDirect dự báo lợi nhuận ròng của HPG sẽ tiếp tục cải thiện theo từng quý nhờ giá nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, hàng tồn kho giá cao giảm và sản lượng tiêu thụ thép hồi phục.
Sản lượng phục hồi, xuất khẩu là điểm sáng
VNDirect vừa có báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát sau kết quả kinh doanh quý 2/2023.
Theo công ty chứng khoán, một số tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện đối với ngành thép nói chung và HPG nói riêng. Theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng tiêu thụ thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) trong tháng 5/2023 đạt 1,3 triệu tấn, tăng 18% so với tháng 4/2023 và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2022.
Mặc dù sản lượng tiêu thụ có phần hạ nhiệt trong tháng 6-7 sau đó, tuy nhiên vẫn cao hơn so với mức trung bình của quý 1/2023. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ vẫn liên tục cải thiện so với tháng trước đó. VNDirect dự báo sản lượng tiêu thụ thép sẽ tiếp tục được cải thiện trong phần còn lại của năm 2023.
HPG đã dừng 4/7 lò cao từ tháng 11/2022, trong đó có 2 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và 2 lò cao tại Khu liên hợp Dung Quất. Quyết định dừng lò cao được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu yếu khi ngành bất động sản nội địa ảm đạm. Bên cạnh đó, HPG đã không thực hiện bất cứ hoạt động bảo trì lò cao lớn nào sau giai đoạn 2021-2022, thời điểm vận hành tối đa công suất thiết kế. Kết quả là, tỷ lệ vận hành các nhà máy thép của HPG chỉ đạt 54,2% trong tháng 11/2022.
Hòa Phát lần lượt khởi động lại các lò cao kể từ đầu năm 2023, theo nhu cầu thép của thị trường. Hiện tại, toàn bộ 7 lò cao của công ty đều đang vận hành. Sản lượng thép thô của HPG trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức 633.000 tấn, tương đương hiệu suất vận hành 88,9%. “Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm thép, chúng tôi tin rằng ban lãnh đạo HPG đã nhận thấy lực cầu của thị trường hồi phục và quyết định mở lại toàn bộ lò cao”, VNDirect nhận định.
Theo kế hoạch, HPG sẽ tạm thời dừng 1/3 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương trong tháng 9/2023, nhằm phục vụ hoạt động bào trì/nâng cấp nhà máy. Giai đoạn này dự kiến sẽ kéo dài 3 tháng và giúp nâng công suất thiết kế của lò cao tăng lên 920.000 tấn thép thô/năm (từ mức 800.000 tấn/năm trước đó). Sau khi nâng cấp, tổng công suất sản xuất thép thô của HPG sẽ tăng lên 8,62 triệu tấn, tương đương tăng 1,4% so với mức 8,5 triệu tấn hiện tại.
Hiệu suất vận hành các nhà máy của HPG theo tháng.
Theo VNDirect, trong câu chuyện phục hồi sản lượng của Hòa Phát, hoạt động xuất khẩu chính là điểm sáng nhất. HPG đã bán gần 1,8 triệu tấn thép trong quý 2/2023, tăng 11,3% so với quý trước đó chủ yếu nhờ vào sản lượng HRC tăng mạnh (52,3% so với quý trước), đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.
Tổng sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 7/2023 ghi nhận đạt 291.046 tấn, tăng 15,7% so với tháng trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2022. Trong đó, xuất khẩu HRC đạt 181.451 tấn (tăng 85% so với tháng trước).
Biên EBITDA sẽ tiếp tục cải thiện
Cùng với sản lượng phục hồi, VNDirect cho rằng HPG còn được hưởng lợi khi giá nguyên liệu đầu vào được dự báo tiếp tục giảm nhờ việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất và nguồn cung mới từ Australia, Brazil.
Sau khi tăng mạnh lên mức cao nhất 120 USD/tấn vào tháng 3, giá quặng sắt giao ngay đã giảm xuống quanh mức 105-110 USD/tấn trong tháng 8/2023.
Giá than cốc thì giảm trong cả quý 1 và quý 2 do nguồn cung tại Australia tăng lên, hoạt động sản xuất thép toàn cầu chậm lại và kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch đã không diễn ra. Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia (DISR) dự báo giá than cốc sẽ giảm dần từ mức 273 USD/tấn trong năm 2023, sau khi nguồn cung được dần quay trở lại bình thường. Giá than cốc năm 2025 sẽ chỉ còn 200 USD/tấn.
Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (bao gồm giá thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), VNDirect ước tính biên EBITDA của mảng thép HPG trong tháng 7-8/2023 đang cao hơn 1,5 điểm % so với mức trung bình của quý 2/2023, bất chấp việc giá bán thép giảm.
Công ty chứng khoán kỳ vọng biên EBITDA của HPG trong nửa cuối năm 2023 sẽ tiếp tục được cải thiện so với nửa đầu năm nhờ vào giá nguyên liệu đầu vào giảm; lượng hàng tồn kho của công ty trong quý 2/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất từ quý 1/2021; và HPG đã nhận đơn hàng xuất khẩu HRC tới tháng 9/2023, đảm bảo việc giá bán thép cao bất chấp giá đầu vào giảm.
Ước tính biên EBITDA của HPG theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay.
HPG xứng đáng được trả mức P/B cao hơn?
Với kỳ vọng những khó khăn của thị trường bất động sản dần được tháo gỡ, các cổ phiếu bất động sản đã có đà tăng giá ấn tượng thời gian gần đây. Theo VNDirect, điều này sẽ tác động tích cực đến quan điểm của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu thép. “Thị trường chung đang diễn ra đợt chốt lời sau nhịp tăng mạnh trước đó nên đây là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu HPG”, VNDirect khuyến nghị.
VNDirect điều chỉnh tăng giá mục tiêu của HPG lên 34.900 đồng/cp. Định giá dựa trên sự kết hợp hai phương pháp với tỷ trọng tương đương là định giá DCF trong dự báo 10 năm và định giá P/B.
Trong mô hình định giá P/B, VNDirect sử dụng P/B mục tiêu cho trung bình giá trị sổ sách năm 2023-2024 là 1,8 lần, cao hơn 38% so với định giá trước đó và tương đương mức trung bình lịch sử 5 năm. Nhóm phân tích cho rằng HPG xứng đáng được trả mức P/B cao hơn trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp hơn.
Trong mô hình định giá DCF, VNDirect giảm lãi suất phi rủi ro xuống mức 3% (từ mức 4% trước đó) và phần bù rủi ro là 10% (từ 11%). Kết quả là lãi suất chiết khấu (WACC) mới đã giảm 1,5 điểm % so với mô hình định giá cũ, xuống mức 11,9%.
P/B lịch sử của HPG.