Các chuyên gia Savills nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản tổ chức và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chia sẻ về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong năm 2024 và các năm tới?
Ông Matthew Powell – Giám đốc, Savills Hà Nội cho biết, mặc dù gặp nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản tổ chức và doanh nghiệp.
Nhu cầu từ các nhà đầu tư, đặc biệt là trong khu vực rất lớn, đơn cử như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm đến các tài sản thương mại đang vận hành cũng như các dự án nhà ở.
Bên cạnh đó, lợi thế của Việt Nam nằm ở dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, vì vậy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Cũng theo ông Matthew Powell, mặc dù vẫn tồn tại những thách thức, những thăng trầm của chu kỳ thương mại, nhưng về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Một số nhà đầu tư chuyên môn hơn, họ quan tâm đến các trung tâm dữ liệu, một số khác tập trung vào logistics, khu công nghiệp, kho bãi. Phần lớn FDI liên quan đến sản xuất, vì vậy FDI quốc tế tập trung vào các địa điểm sản xuất chất lượng cao.
Điều này cho thấy nhu cầu về các khu vực sản xuất chất lượng cao đang ngày càng lớn, cùng với các nhà đầu tư bán lẻ và khách sạn chuyên biệt. Đã có một số giao dịch diễn ra trong lĩnh vực nhà ở với các nhà đầu tư Singapore, các giao dịch tập trung vào lĩnh vực thương mại ở TP.HCM, giao dịch khách sạn, giao dịch logistics, cho thấy sự quan tâm rất lớn đến nhiều khía cạnh.
Ông Matthew Powell – Giám đốc, Savills Hà Nội
“Mặc dù việc hoàn thành các giao dịch bất động sản tại Việt Nam vẫn có thể gặp thách thức, nhưng chắc chắn nhu cầu vẫn ở đó. Với việc dành nhiều thời gian để hợp tác với các nhà đầu tư và người bán loại hình bất động sản này tại Việt Nam, chúng tôi vẫn giữ vững sự lạc quan và tin tưởng vào tiềm năng đầu tư của Việt Nam”, ông Matthew Powell – Giám đốc, Savills Hà Nội nhận định.
Theo Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Tính đến ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 966 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 22,5%; các ngành còn lại đạt 519,6 triệu USD, chiếm 7,3%.
Trong 4 tháng đầu năm, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 740,2 triệu USD, chiếm 10,4%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 10,3%; Đài Loan 512,3 triệu USD, chiếm 7,2%.
Mạnh Đại