Vietcombank - Lãi cao chưa từng có

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Vietcombank ghi nhận mức lãi chưa từng có với cả bản thân Vietcombank cũng như hệ thống ngân hàng nội.

Ngoài ra, Vietcombank còn gây chú ý khi tài sản giảm tới 100.000 tỷ đồng.

Lãi cao chưa từng có

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023. Vietcombank lại gây ấn tượng khi lợi nhuận tăng vọt, lên mức cao chưa từng có nếu tính theo 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, Vietcombank chứng kiến trong quý 2/2023, Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 8.151 tỷ đồng, tương đương 39,4% lên 28.822 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 16.503 tỷ đồng, tương đương 41,2% lên 56.512 tỷ đồng.

Trong khi đó, nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn rất nhiều so với thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (đa số là tiền trả lãi vay của người vay). Tại ngày 30/6/2023, chỉ tiêu Cho vay khách hàng của Vietcombank là 1.117.728 tỷ đồng, tăng 27.338 tỷ đồng, tương đương 2,39%.

image

6 tháng đầu năm, các hoạt động khác đều đi ngang, không có nhiều biến động mạnh. Thậm chí, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ còn giảm từ 3.405 tỷ đồng xuống chỉ còn 3.078 tỷ đồng.

Dù vậy, nhờ hoạt động chính tăng trưởng tốt, trong quý 2/2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7.428 tỷ đồng, tăng 1.486 tỷ đồng, tương đương 25% so với quý 2/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 2.521 tỷ đồng, tương đương 18,1% lên 16.420 tỷ đồng.

So với các giai đoạn 6 tháng đầu năm trước đây, Vietcombank ghi nhận Lợi nhuận sau thuế 13.909 tỷ đồng (năm 2022), 10.872 tỷ đồng (năm 2021), 8.798 tỷ đồng (năm 2020), 9.076 tỷ đồng (năm 2019) và 6.440 tỷ đồng (năm 2018).

Như vậy, so với năm 2019 – thời điểm trước Covid-19, Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023 của Vietcombank tăng tới 80,9%.

Còn so với các ngân hàng trong hệ thống, Vietcombank cũng vượt trội về lợi nhuận. Lãi ròng nửa đầu năm tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) là 10.095 tỷ đồng và 9.041 tỷ đồng.

Các đơn vị quy mô nhỏ hơn ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn rất nhiều, lần lượt là 1.607 tỷ đồng (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeaBank), 1.119 tỷ đồng (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank), 31,5 tỷ đồng (Ngân hàng TMCP Bản Việt – BVBank),…

Tài sản giảm 100.000 tỷ đồng

Một trong những điểm nhấn trong bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của Vietcombank chính là tài sản giảm mạnh.

Hồi cuối quý 2/2023, tài sản của Vietcombank “chỉ” còn 1.704.273 tỷ đồng, giảm 109.542 tỷ đồng, tương đương 6,04% so với cuối năm 2022.

Trong cơ cấu tài sản của Vietcombank, đa số các chỉ tiêu đều sụt giảm. Đứng đầu là Chứng khoán đầu tư với đà giảm 39.300 tỷ đồng. Đứng sau là Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (giảm 36.127 tỷ đồng), Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác (giảm 27.231 tỷ đồng), Tài sản có khác (23.969 tỷ đồng),…

Trong Chứng khoán đầu tư, xét về tỷ lệ, lượng trái phiếu doanh nghiệp do Vietcombank nắm giữ không lớn nhưng vẫn lên đến 10.362 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 11.009 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.

Tài sản tại Vietcombank giảm mạnh nhưng ngân hàng vẫn mạnh tay tuyển dụng và tăng lương cho người lao động.

Hồi cuối tháng 6, tổng số nhân sự tại Vietcombank là 23.300 người, tăng 701 người so với cuối năm 2022. Trong kỳ, Vietcombank dành 5.205 tỷ đồng, tăng mạnh so với 4.049 của cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trung bình mỗi người lao động tại Vietcombank được trả 233 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 37,2 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn con số 45 triệu đồng/người/tháng tại Techcombank.

Không có “bóng dáng” bancassurance với FWD

Như đã nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2023, Dịch vụ là hoạt động hiếm hoi tại Vietcombank tăng trưởng âm. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm từ 3.405 tỷ đồng xuống chỉ còn 3.078 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 327 tỷ đồng (10,6%).

Trong hoạt động dịch vụ của ngân hàng, có một nghiệp vụ rất quan trọng và gây chú ý trong thời gian qua. Đó là bancassurance (liên kết bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng). Thời gian qua, một trong những “điểm nóng” của thị trường tài chính là bancassurance đã bị chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trong phần thuyết minh các hoạt động không có tên Hoạt động dịch vụ. Trước đó, trong các báo cáo tài chính, Vietcombank cũng không thể hiện các số liệu về bancassurance như phần lớn các ngân hàng còn lại trên thị trường.

Ví dụ, theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2022, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tại Vietcombank tăng nhẹ từ 11.287 tỷ đồng lên 12.425 tỷ đồng. Thế nhưng, Vietcombank không nêu rõ hoạt động bảo hiểm. Trong hoạt đông dịch vụ có “Thu từ dịch vụ khác” đạt 6.291 tỷ đồng, tăng từ 5.198 tỷ đồng.

Trong vài năm gần đây, hoạt động bancassurance giữa Vietcombank và FWD được quảng bá rầm rộ. Vì Vietcombank “kín tiếng” với bảo hiểm nên hiệu quả của sự hợp tác này chỉ được tham khảo qua bức tranh tài chính của Công ty bảo hiểm FWD.

Năm 2020, Vietcombank và FWD chính thức hợp tác. Và đó cũng là năm FWD lập kỷ lục về thua lỗ với 1.703 tỷ đồng. Sau đó, công ty lỗ thêm 1.053 tỷ đồng (năm 2021) và 1.684 tỷ đồng (năm 2022).