Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận sau thuế ghi nhận cao nhất trong 8 quý, kể từ quý I/2022.
Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - HOSE: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 theo đó doanh thu thuần, tăng trưởng 35% lên 2.655,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 15% lên 1.895 tỷ đồng giúp biên lợi nhuận gộp tăng 14%, lên 754 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 16% lên 28%.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vinaconex |
Doanh thu tài chính của Vinaconex giảm 24% về gần 71 tỷ đồng. Nhưng điểm tích cực là chi phí tài chính, mà chủ yếu là lãi vay cũng được giảm mạnh từ 226,8 tỷ đồng về 134,7 tỷ đồng. Trong khi, chi phí bán hàng tăng 67% lên 24,6 tỷ đồng, thì chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm được 8,4%, về 79,4 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaconex trong quý I/2024 là 482,6 tỷ đồng, gấp gần 26 lần mức lãi 18,8 tỷ đồng của quý I/2023. Lợi nhuận thuộc về cổ đông Công ty mẹ là 463 tỷ đồng.
Vinaconex cho biết nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận năm nay tăng trưởng mạnh là do Tổng công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bất động sản góp phần tăng lợi nhuận trong quý I/2024.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông Vinaconex đã giao HĐQT thực hiện mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 15,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 950 tỷ đồng. Với kết quả ghi nhận trong quý đầu năm, dù VCG mới thực hiện 18% mục tiêu doanh thu nhưng đã đạt hơn 50% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vinaconex là 29.071 tỷ đồng, giảm 1.622,9 tỷ đồng so với đầu năm. Cụ thể, tiền và tương đương tiền giảm hơn một nửa về còn 1.309 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 373 tỷ đồng về 1.114,5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 124 tỷ đồng về 6.946 tỷ đồng. Riêng hàng tồn kho doanh nghiệp tăng thêm 326 tỷ đồng, lên 7.213,6 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Vinaconex còn 18.344,8 tỷ đồng, giảm được 2.108,5 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ giảm chủ yếu do phải trả người bán ngắn hạn giảm 640 tỷ đồng, xuống 1.600 tỷ đồng và nợ vay tài chính ngắn hạn giảm 1.535 tỷ đồng, xuống 4.601 tỷ đồng.
90% hoàn thành kế hoạch
Nói về kế hoạch năm 2024, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cho biết, đã đặt ra kế hoạch là Tổng công ty phải tìm mọi cách thực hiện. Chưa kể năm 2024, Tổng công ty còn có kế hoạch tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính để chuẩn bị khả năng đáp ứng các gói thầu lớn.
Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex khẳng định, kế hoạch năm 2024 được xây dựng trên những cơ sở chắc chắn, 90% là sẽ đạt kế hoạch.
90% Vinaconex sẽ hoàn thành kế hoạch trong năm 2024 |
Vinacomex cũng cho biết, năm vừa qua, Vinaconex đã liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn với tổng giá trị khoảng hơn 13.200 tỷ đồng tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Có thể kể đến như 02 gói thầu tại Dự án Cảng HKQT Long Thành; một số gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 (đoạn: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Vũng Áng – Bùng, Vân Phong – Nha Trang, Biên Hoà – Vũng Tàu); gói thầu 09 – TP2/XL thuộc dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô…
Ngoài ra, một số dự án lớn khác có vốn đầu tư FDI như dự án Khu công nghiệp sạch Hưng Yên, Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh), dự án JSH Hà Nam.
Đặc biệt, trong năm 2023, Vinaconex đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng nhiều dự án hạ tầng trọng điểm bao gồm: các gói thầu thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giấy, Mai Sơn – QL 45); Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Nhà ga T2 Cảng HKQT Phú Bài…
Các dự án còn lại như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, Cao tốc Tuyên Quang Hà Giang, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 4 – Hà Nội, KCN sạch Hưng Yên, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án JSH Hà Nam… cũng đang tiếp tục được triển khai.
Hiện tại, Vinaconex sở hữu quỹ đất lên tới trên 2.000 ha, cung cấp ra thị trường đa dạng các sản phẩm bất động sản thuộc các lĩnh vực như nhà ở (chung cư, biệt thự, liền kề), khu đô thị du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp….
Đặc biệt, Vinaconex cũng đã tham gia triển khai một số dự án bất động sản thuộc phân khúc cao cấp như Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ, Dự án Cát Bà Amatina – một trong những dự án bất động sản nghỉ dưỡng trọng điểm của Vinaconex trong năm nay, Dự án khu đô thị Đại lộ Hoà Bình (Móng Cái).
Hay Dự án Thuỷ điện Đăkba (Quảng Ngãi) được Công ty CP Bách Thiên Lộc (do Tổng công ty sở hữu 99,9% vốn điều lệ) đầu tư xây dựng trong thời gian nhanh kỷ lục 24 tháng và đi vào vận hành thương mại ổn định...
Trước tình hình thị trường không thuận lợi, nhất là đối với nhóm sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, Vinaconex cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch triển khai đối với một số dự án tại Quảng Nam, Phú Yên để đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, Vinaconex đã tích cực tìm kiếm, phát triển các dự án, trong đó nổi bật là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trên cơ sở xác định 2024 là năm mở đầu cho giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo sau khi chuyển đổi sở hữu và đánh giá cẩn trọng các yếu tố chủ quan, khách quan, Ban điều hành VCG đã xây dựng kế hoạch năm 2024 với các chỉ tiêu: doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 15.000 tỷ đồng và 950 tỷ đồng, bằng 115% và 240% so với thực hiện năm 2023; tỷ lệ cổ tức đạt 12%.
Vinaconex cũng lên kế hoạch phát hành thêm 183.856.136 cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/CP. Trong đó, có 64.135.861 cổ phiếu, tương đương hơn 641 tỷ đồng, dùng để trả cổ tức; 119.720.275 cổ phiếu là chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực của Tổng công ty. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2024 và sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận.