VNM: Vinamilk sẽ khởi công nhà máy sữa 4.600 tỷ đồng ở Hưng Yên cuối năm nay; MSN: Masan lên kế hoạch mở 80 - 100 cửa hàng đa tiện ích WIN; PVD: Ký hợp đồng cho thuê giàn PV Drilling I

, ,

𝐁𝐀̉𝐍 𝐓𝐈𝐍 𝐒𝐀́𝐍𝐆 𝐍𝐆𝐀̀𝐘 𝟏𝟐/𝟎𝟗/𝟐𝟎𝟐𝟐

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI
• 5 nền kinh tế EU sẽ áp thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% vào năm 2023

  • Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 9/9 bên lề cuộc họp với các đối tác của EU, các Bộ trưởng Tài chính của Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan cho biết sẽ vẫn áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào năm tới như cam kết, nếu EU không đạt được sự nhất trí trong những tuần tới. Tuyên bố khẳng định năm nước này sẵn sàng thực thi cam kết bằng “bất kỳ công cụ pháp lý nào”.
  • Tháng 6 vừa qua, Hungary đã ngăn chặn việc thông qua mức áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% trên toàn EU, với lý do đề xuất này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu.
  • Cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được gần 140 quốc gia (tương đương 90% nền kinh tế toàn cầu) nhất trí vào năm ngoái.
  • Kế hoạch cải cách nhằm vào các công ty đa quốc gia lớn và tránh việc các nước áp dụng mức thuế thấp để thu hút doanh nghiệp. Cải cách được xây dựng dựa trên 2 trụ cột. Trụ cột đầu tiên nhằm phân bổ lại 25% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới để đảm bảo các công ty này trả phần thuế công bằng, bất kể vận hành và sinh lợi nhuận ở đâu. Trụ cột thứ hai nhằm mục đích thiết lập thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%, áp dụng đối với các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm thu nhập từ thuế.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Bộ Tài chính đề xuất giảm từ 20-50% một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải

  • Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải với mức giảm 20-50% đến hết ngày 31/12/2022
  • Theo dự thảo, các loại gồm phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa; phí bảo đảm hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa; phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay… có mức thu bằng 80% mức thu hiện tại.
  • Trong khi đó, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, lệ phí ra, vào cảng bến thuỷ nội địa, phí trình báo đường thuỷ nội địa mức thu bằng 50% mức thu hiện nay.
  • Dự kiến thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2022. Kể từ ngày 1/1/2023 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định trên thực hiện theo quy định cũ.
  • Việc giảm liên tục các khoản phí, lệ phí dù ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính vẫn sẽ cố gắng triển khai các gói tài khóa hỗ trợ từ nay đến cuối năm 2022 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
• BWE: Biwase báo lợi nhuận sau thuế 8 tháng đạt 450 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ

  • CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, HoSE: BWE) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 8 tháng 2022 với doanh thu đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, tăng 7%.
  • Sản lượng tiêu thụ nước 8 tháng 2022 đạt 120 triệu m3, tăng 4,5% so cùng kỳ. Riêng trong tháng 8, sản lượng tiêu thụ nước là 15,5 triệu m3, tăng 13%.
  • Riêng trong tháng 8, lợi nhuận sau thuế của BWE đạt 49 tỷ đồng, tăng 133% so cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp của năm 2021 do các biện pháp giãn cách xã hội với dịch COVID-19 trên toàn quốc.
  • BWE kỳ vọng lượng tiền mặt cao khoảng 1 nghìn tỷ đồng sẽ tạo ra thu nhập tài chính đủ để bù đắp khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đối với khoản vay bằng USD của công ty.
  • Cũng cần lưu ý, BWE có 80 tỷ đồng doanh thu từ mảng xử lý rác thải sẽ được ghi nhận vào cuối năm 2022.
  • Năm 2022, BWE đặt kế hoạch tăng 10% tổng doanh thu so với năm 2021 lên 3,859 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất tối thiểu ở mức 750 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, BWE đã thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và 51.6% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.

• VNM: Vinamilk sẽ khởi công nhà máy sữa 4.600 tỷ đồng ở Hưng Yên cuối năm nay

  • Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên mới đây, đại diện Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có báo cáo về tình hình triển khai dự án nhà máy sữa Hưng Yên. Theo đó, dự án được UBND tỉnh chấp thuận tại quyết định chủ trương đầu tư số 119/QĐ-UB ngày 22/12/2021, tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng, được triển khai trên địa bàn phường Phùng Chí Kiên (thị xã Mỹ Hào).
  • Dự án được chia làm 2 giai đoạn thực hiện: giai đoạn I từ quý IV năm 2021 đến năm 2028; giai đoạn II từ năm 2028 đến năm 2030.
  • Theo kế hoạch, dự kiến đến tháng 9/2022, công ty triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 dự án nhà máy sữa Hưng Yên. Đến ngày 28/12/2022, công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy. Đến quý IV năm 2025, công ty sẽ đưa toàn bộ dự án giai đoạn I vào hoạt động sản xuất, kinh doanh

• MSN: Masan lên kế hoạch mở 80 - 100 cửa hàng đa tiện ích WIN trong năm 2022

  • Masan (HoSE: MSN) cho biết bước đầu sẽ đưa vào hoạt động 27 cửa hàng đa tiện ích WIN tại các vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
  • Đây là chuỗi cửa hàng mới trong chiến lược phát triển hệ sinh thái WINlife của Masan. Mục đích của công ty là giúp người tiêu dùng trải nghiệm hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ cao cấp, tiện lợi hơn
  • Chuỗi cửa hàng WIN phục vụ các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người Việt như: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi). Trong năm 2022, Masan có kế hoạch đưa khai trương từ 80 - 100 cửa hàng WIN trên cả nước.
  • Tập đoàn Masan cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu chuỗi siêu thị WinMart đạt hơn 4.700 tỷ đồng và chuỗi siêu thị mini WinMart+ đạt hơn 9.500 tỷ đồng.
  • WinMart và WinMart+ ghi nhận lợi nhuận gộp giai đoạn này đạt 3.238 tỷ đồng, tăng 22% so với nửa đầu năm ngoái. Hai chuỗi này đóng góp gần 40% vào tổng doanh thu và 32% vào tổng lãi gộp của Masan. Nguồn thu còn lại đến từ công ty kinh doanh hàng tiêu dùng, thịt, khai khoáng, trà và cà phê.

• PVD: Ký hợp đồng cho Vietsopetro thuê giàn tự nâng PV Drilling I

  • Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - HoSE: PVD) vừa công bố nghị quyết ký hợp đồng cho Công ty Vietsopetro thuê giàn PV Drilling I.
  • Giàn khoan tự nâng PV Drilling I là một trong 4 giàn khoan tự nâng của PVD, được đóng theo mẫu thiết kế tiêu chuẩn của Công ty Keppel Offshore & Marine, hoạt động tại các khu vực biển Đông Nam Á, Đông Á và Viễn Đông, Úc và Châu Đại Dương với độ sâu đáy biển lớn nhất là 90 m. Giàn PV Drilling I có khả năng thi công giếng khoan có độ sâu 25.000 ft (tương đương 7.600 m) và cùng lúc có thể có đến 120 người cùng tham gia làm việc trực tiếp trên giàn.
  • Với Vietsopetro-liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hồi cuối tháng 3, PVD cũng đã ký kết hợp đồng cung cấp giàn khoan biển tự nâng PV DRILLING II với công ty này để thực hiện 5 giếng khoan chắc chắn tại Lô 09-1, ngoài khơi Việt Nam.
  • Đến quý III, theo kế hoạch, PVD sẽ hoàn thành chiến dịch khoan cho Vietsopetro, và PV Drilling II sẽ được sang Indonesia phục vụ chiến dịch khoan của khách hàng tại vùng biển Natuna, Block A.
  • Thông tin thêm, hiện PV Drilling đang đấu thầu các hợp đồng mới ở thị trường Thái Lan và Indonesia. Các hợp đồng mà PVD đang đấu thầu hiện tại đã dài hơn rất nhiều so với 3 - 6 tháng ở các hợp đồng trước đó. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của PVD cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2022 nhờ hiệu suất sử dụng cao hơn và không còn chi phí bất thường như trong 2 quý đầu năm.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

  • Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, VNINDEX tăng điểm ngay từ đầu phiên và dao động biên độ hẹp đến hết phiên sáng. Sau 14 giờ, đã có lúc VNINDEX lùi xuống dưới mốc tham chiếu nhưng sau đó chỉ số bất ngờ hồi phục mạnh và đóng cửa ở mốc 1.248,78 điểm, tăng hơn 14 điểm (+1,15%)
  • Về độ rộng thị trường, số mã tăng chiếm ưu thế khi có 281 mã tăng so với 176 mã giảm. Thanh khoản giảm so với phiên hôm qua, đạt hơn 13.799 tỷ đồng.
  • Đóng góp cho chiều tăng điểm chỉ số VNINDEX chủ yếu là cổ phiếu VIC (+1,449 điểm), GAS và HPG với mức đóng góp hơn 1 điểm. Chiều làm giảm điểm chỉ số có HVN, NVL (đều khiến VNINDEX giảm quanh 0,15 điểm)
  • Phiên hôm thứ Sáu ghi nhận sự hồi phục của hầu hết các nhóm ngành với Năng lượng tăng tốt nhất (+3,39%), Công nghiệp, Dịch vụ tiện ích và Nguyên vật liệu tăng hơn 2,5%. Duy chỉ có nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe giảm nhẹ 0,14%.
  • Khối ngoại đã mua ròng hơn 178 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cụ thể họ mua ròng nhiều nhất là HPG (140,72 tỷ đồng), VIC (43,32tỷ đồng), VND (25,86 tỷ đồng). Ngược lại, họ bán ròng có STB (-39,76) tỷ đồng, KDH (-18,31 tỷ đồng), SSI (-16,95 tỷ đồng).
  • Kết quả của phiên giao dịch cuối tuần trước khá tích cực: dòng tiền lan tỏa khắp thị trường với đa số các nhóm ngành hồi phục mạnh, số mã tăng áp đảo, chỉ số thị trường tăng điểm khá tốt. Tuy nhiên, kết quả này có được nhờ lực mua mạnh mẽ xuất hiện bất ngờ trong khoảng 30 phút cuối phiên.
  • Trong phiên giao dịch đầu tuần này, nhà đầu tư cần theo dõi lực mua có tiếp tục được duy trì hay sẽ suy yếu để có quyết định hành động phù hợp. Vùng hỗ trợ của VNINDEX ở 1,200 – 1,220 điểm, vùng kháng cự của VNINDEX ở 1,270 – 1,290 điểm.
1 Likes