➢ HPG ghi nhận lợi nhuận (LN) ròng Q2/23 đạt 1.460 tỷ đồng, giảm 64% svck
nhưng tăng mạnh 268% sv quý trước.
➢ Chúng tôi kỳ vọng LN ròng của HPG sẽ tiếp tục cải thiện theo từng quý
nhờ giá nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, hàng tồn kho giá cao giảm và sản
lượng tiêu thụ thép hồi phục.
➢ Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 34.900 đồng/cp.
LN Q2/23 được cải thiện sv quý trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn kỳ vọng
HPG ghi nhận kết quả kinh doanh (KQKD) Q2/23 với doanh thu 29.496 tỷ đồng
(+11% sv quý trước đó; -21% svck) và LN ròng 1.460 tỷ đồng (+268% sv quý trước
đó; -64% svck). Biên LN gộp Q2/23 tăng lên 10,8% từ mức 6,3% trong Q1/23. Chúng
tôi cho rằng sự cải thiện LN sv quý trước nhờ vào (1) hiệu suất vận hành các nhà
máy cao hơn, tăng từ mức 58,8% trong Q1/23 lên 72,6% trong Q2/23; (2) sản lượng
tiêu thụ tăng trong tháng 5-6/2023, đặc biệt là sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC)
xuất khẩu và (3) giá nguyên liệu đầu vào cao đã được phản ánh trong KQKD Q4/22-
Q1/23. Lũy kế nửa đầu năm 2023, LN ròng của công ty đã giảm 85% svck xuống
1.858 tỷ đồng, tương đương chỉ 18% dự phóng cả năm của chúng tôi.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ giảm trong những tháng tới, qua đó giảm
áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất thép nội địa
Mặc dù chưa có thông báo chính thức từ chính quyền, nhiều tổ chức (bao gồm
Bloomberg, Reuteus, S&P Global) đều dự báo sản lượng sản xuất thép thô tại Trung
Quốc trong năm 2023 sẽ bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. Với việc sản xuất tăng
1,3% svck trong 6T23, chúng tôi ước tính sản lượng sẽ giảm 8-10% svck trong nửa
cuối năm 2023. Sản lượng sản xuất thấp hơn cũng sẽ làm hạn chế việc xuất khẩu.
Liệu cổ phiếu HPG có còn hấp dẫn sau đà tăng giá mạnh trước đó?
Bất chấp việc giá cổ phiếu đã tăng mạnh 33% trong giai đoạn tháng 6-7/2023, chúng
tôi vẫn lạc quan đối với triển vọng của HPG trong thời gian tới nhờ (1) hưởng lợi từ
các chính sách của chính phủ, bao gồm giảm lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công và đặc
biệt là nỗ lực gỡ khó cho thị trường BĐS. Chúng tôi kỳ vọng nguồn cung BĐS sẽ
hồi phục trong những quý tới trước khi sôi động trở lại kể từ nửa cuối năm 2024,
qua đó thúc đẩy nhu cầu thép; (2) trong ngắn hạn, các thị trường xuất khẩu sẽ hỗ
trợ sản lượng tiêu thụ thép của HPG và (3) giá nguyên liệu đầu vào nhiều khả năng
sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023 khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng và AustraliaBrazil tăng sản lượng khai thác.
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 34.900 đồng/cp
Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu của HPG lên 34.900 đồng/cp nhờ (1) chuyển
năm cơ sở định giá sang giữa 2024; (2) giảm WACC từ 13,4% xuống 11,9% phản
ánh môi trường lãi suất thấp hơn và (3) tăng P/B mục tiêu lên 1,8 lần (từ mức 1,3
lần), tương đương mức trung bình lịch sử 5 năm. Bên cạnh đó, thị trường chung
đang diễn ra đợt chốt lời sau nhịp tăng mạnh trước đó, chúng tôi tin rằng đây là thời
điểm tốt để tích lũy cổ phiếu HPG. Rủi ro giảm giá là ngành BĐS phục hồi chậm hơn
dự kiến. Động lực tăng giá là giá quặng sắt thấp hơn dự kiến
Nguồn cung BĐS nội địa được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024
Kể từ Q2/22, ngành BĐS nội địa chững lại sau hàng loạt sự kiến bắt giữ một số
nhà lãnh đạo doanh nghiệp BĐS lớn (vi phạm quy định phát hành trái phiếu
doanh nghiệp), lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế. Kết quả là
nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM và Hà Nội đã suy giảm đáng kể trong những
quý gần đây (chi tiết tại hình 8-9).
Mặc dù nhu cầu BĐS nhà ở vẫn yếu, lượng tiêu thụ căn hộ tại cả TP.HCM và
Hà Nội trong Q2/23 đều ghi nhận mức tăng sv quý trước đó, lần lượt 15-20%.
Chúng tôi nhận thấy Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của thị
trường BĐS nhà ở nội địa trong thời gian gần đây:
• Nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 33/2023/NQ-CP, các
nhà đầu tư BĐS đã có thể gia hạn các khoản nợ trái phiếu và ngân
hàng. Theo dữ liệu của HNX, các công ty BĐS đã tiến hành mua lại
12.561 tỷ đồng trái phiếu trong 6T23, làm giảm lượng trái phiếu đáo hạn
trong nửa cuối 2023 và 2024 lần lượt là 12-10% so với thời điểm trước
khi mua lại. Điều này đồng nghĩa với việc giảm áp lực dòng tiền cho các
nhà đầu tư BĐS, tạo điều kiện các doanh nghiệp có thể triển khai các
dự án trong tương lai.
• TP.HCM đặt mục tiêu tháp gỡ vướng mắc pháp lý cho 50 dự án BĐS
trong năm 2023. Thành phố hiện có 156 dự án BĐS (được xây dựng
bởi 121 chủ đầu tư) đang chờ giải quyết nhiều vướng mắc (khoảng 70%
vướng mắc liên quan đến các vấn đề về pháp lý). Với kỳ vọng những
rào cản này được gỡ bỏ, TP.HCM sẽ có khoảng 4.000-5.000 căn hộ
được mở bán, giảm bớt áp lực thiếu hụt nguồn cung. Nhiều tỉnh thành
khác (bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận) cũng đang tích cực
tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS.
• Chúng tôi tin rằng việc sửa đổi luật Đất đai vẫn đang đi đúng tiến độ và
sẽ có hiệu lực từ nửa cuối năm 2024. Điều này sẽ đánh dấu bước ngoặt
cho thị trường BĐS khi những vướng mắc trong việc phê duyệt dự án
nhà ở mới sẽ được giải quyết, giúp nguồn cung nhà ở phục hồi mạnh
mẽ trong năm 2024-25.
Một số dự án BĐS nhà ở (NovaWorld Hồ Tràm – tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bcon
Polaris – tỉnh Bình Dương, De La Sol – TP.HCM,…) cũng đã bắt đầu quay trở
lại thi công. Do đó, chúng tôi tin rằng nguồn cung BĐS sẽ dần hồi phục trong
những quý tới trước khi bứt phá kể từ nửa cuối năm 2024, qua đó thúc đẩy nhu
cầu thép.
Một vài tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện
Sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam đã được cải thiện trong tháng 5-7/2023
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng tiêu thụ thép
(bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) trong tháng 5/2023 đạt 1,3 triệu
tấn, tăng 18% so với tháng 4/2023 và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2022. Mặc
dù sản lượng tiêu thụ có phần hạ nhiệt trong tháng 6-7 sau đó, tuy nhiên vẫn
cao hơn so với mức trung bình Q1/23. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ ống thép
và tôn mạ vẫn liên tục cải thiện so với tháng trước đó. Chúng tôi cũng lưu ý
rằng, mùa mưa tại miền Nam thường diễn ra từ tháng 4-11 hàng năm, không
thuận lợi cho các hoạt động xây dựng. Do đó, chúng tôi tin rằng sản lượng tiêu
thụ sẽ tiếp tục được cải thiện trong phần còn lại của năm 2023.
HPG đã mở lại toàn bộ lò cao từ tháng 7/2023
Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo trước đó, HPG đã dừng 4/7 lò cao từ
tháng 11/2022, trong đó có 2 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương (KLHHD) và 2
lò cao tại Khu liên hợp Dung Quất (KLHDQ). Quyết định dừng lò cao được đưa
ra trong bối cảnh nhu cầu yếu khi ngành BĐS nội địa ảm đạm. Bên cạnh đó, HPG đã không thực hiện bất cứ hoạt động bảo trì lò cao lớn nào sau giai đoạn
2021-22 – thời điểm vận hành tối đa công suất thiết kế. Kết quả là, tỷ lệ vận
hành các nhà máy thép của HPG chỉ đạt 54,2% trong tháng 11/2022.
HPG đã lần lượt khởi động lại các lò cao kể từ đầu năm, theo nhu cầu thép của
thị trường. Ngày 10/07/2023, HPG đã chính thức mở lại lò cao cuối cùng tại
KLHDQ, đồng nghĩa việc toàn bộ 7 lò cao của công ty đều đang vận hành. Sản
lượng thép thô của HPG trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức 633.000 tấn, tương
đương hiệu suất vận hành 88,9%.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm thép, chúng tôi tin rằng ban lãnh đạo HPG đã
nhận thấy việc lực cầu của thị trường hồi phục và quyết định mở lại toàn bộ lò
cao.
Theo kế hoạch, HPG sẽ tạm thời dừng 1/3 lò cao tại KLHHD trong tháng 9/2023,
nhằm phục vụ hoạt động bào trì/nâng cấp nhà máy. Giai đoạn này dự kiến sẽ
kéo dài 3 tháng và giúp nâng công suất thiết kế của lò cao tăng lên 920.000 tấn
thép thô/năm (từ mức 800.000 tấn/năm trước đó). Sau khi nâng cấp, tổng công
suất sản xuất thép thô của HPG sẽ tăng lên 8,62 triệu tấn, tương đương tăng
1,4% so với mức 8,5 triệu tấn hiện tại.
Hoạt động xuất khẩu sẽ hỗ trợ sản lượng tiêu thụ thép của HPG
trong giai đoạn nửa cuối năm 2023-6T24
HPG đã bán 1.799.042 tấn thép trong Q2/23, tăng 11,3% sv quý trước đó chủ
yếu nhờ vào sản lượng HRC tăng mạnh 52,3% sv quý trước đó, đặc biệt là hoạt
động xuất khẩu.
Mr.Hùng
SDT: 0969.690.395 (Zl) để đọc thêm thông tin