Xu hướng kỳ lạ ở Trung Quốc: Mua nhà chung cư làm nơi an táng

Ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc mua nhà chung cư để lưu trữ tro cốt người thân do giá đất mai táng ngày càng đắt đỏ và thời hạn sử dụng ngắn.

Đối với nhiều người Trung Quốc, nhà ở từng là tài sản tiết kiệm hay công cụ kiếm tiền. Tuy nhiên, hiện nay không ít gia đình ở nước này đang sử dụng những căn nhà chung cư làm nơi lưu trữ tro cốt của người thân.

'Người chết' đông hơn người sống

Theo tờ China Economic , nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đại lục gần đây xuất hiện trường hợp các cá nhân mua bất động sản thương mại để đặt bình đựng tro cốt, và một số tầng hoặc thậm chí các tòa nhà có thể "có nhiều 'người chết' hơn người sống".

Những căn hộ chung cư được dừng để làm nơi lưu trữ tro cốt người đã khuất ở Trung Quốc. (Ảnh: Thinkchina)

Hầu hết các chủ sở hữu “nhà để tro” đều sống ở các thành phố hạng nhất và hạng hai. Ở các thành phố lớn, họ gặp phải những vấn đề thực tế như giá đất mai táng đắt đỏ, chi phí quản lý nghĩa trang cao và thời gian thuê đất ngắn. Do đó, họ tìm những khu chung cư ở thành phố cấp thấp hơn, vùng xa xôi và rẻ tiền để an táng tro cốt người thân.

Bà Triệu ở quận Triều Dương (Bắc Kinh, Trung Quốc) than thở rằng ngay cả một khu đất chôn cất thông thường trong một nghĩa trang vùng ngoại ô thủ đô cũng có giá hơn 100.000 RMB (350 triệu đồng).

Thực sự quá đắt. Tôi không đủ khả năng chi trả”, bà Triệu nói. Ngoài chi phí cao, các khu chôn cất còn giới hạn thời gian thuê 20 năm và có phí quản lý.

Bà Triệu cho biết thêm đang để mắt đến một khu chung cư đang xây dựng ở huyện Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh hơn 100 km về phía tây nam), nơi một căn hộ có kích cỡ trung bình với quyền sở hữu 70 năm chỉ có giá khoảng 250.000 NDT (875 triệu đồng).

Một chủ nhà ở phố cảng Thiên Tân (phía đông Trung Quốc), người cũng sở hữu mua một “nhà để tro”, cho biết người mua thường chọn những tòa chung cư hoặc khu dân cư nhỏ, xa xôi, có ít hộ gia đình và giá nhà thấp.

Ông nói: "Tốt nhất nên làm việc này một cách lặng lẽ, không báo cho hàng xóm và người dân xung quanh để tránh gây căng thẳng tinh thần, nảy sinh mâu thuẫn".

Hiện tượng này sau khi được các phương tiện truyền thông đưa tin đã gây ra các cuộc tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số cư dân mạng cho rằng các "nhà để tro" sẽ ảnh hưởng đến giá căn hộ chung cư trong khu vực, bên cạnh đó còn cực kỳ không may mắn.

"Đây là một hành động khủng khiếp, không tốt cho hàng xóm và cả gia đình người mua". Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không đồng tình: "Đó là căn hộ của tôi, tôi làm là việc của tôi".

Điều đáng chú ý là hầu hết cư dân mạng đều đồng quan điểm rằng lý do chính cho xu hướng này là các khu mộ ngày càng đắt đỏ: "Các khu mộ ngày càng trở nên đắt đỏ. Đối với các gia đình đông người, việc mua một 'nhà để tro' sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với việc trả tiền cho từng mảnh đất chôn cất".

Chữ “mộ” theo tiếng Trung trên cửa sổ căn hộ ở một tòa chung cư ở Trung Quốc. (Ảnh: Thinkchina)

Giá đất mai táng tăng vọt

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự xuất hiện của "nhà để tro" là vì chi phí nghĩa trang ở các thành phố lớn ngày càng tăng, do nguồn đất đai khan hiếm cùng tốc độ đô thị hóa tăng nhanh.

Theo View Financial News , tính đến tháng 4, giá rao bán trung bình của một lô đất chôn cất là 83.100 nhân dân tệ (290 triệu đồng) ở Bắc Kinh, khoảng 99.900 nhân dân tệ (350 triệu đồng) ở Thượng Hải, 43.300 nhân dân tệ (151 triệu đồng) ở Quảng Châu và 64.100 nhân dân tệ (224 triệu đồng) ở Thâm Quyến.

Báo cáo của CCTV tháng trước cũng cho biết một khu đất mai táng rộng 0,33 m3 ở nghĩa trang Bắc Kinh có giá ít nhất là 119.800 nhân dân tệ (419 triệu đồng); các khu chôn cất khác có diện tích từ 0,33 đến 1 m2 có giá dao động từ 138.000 - 500.000 nhân dân tệ (483 triệu đến 1,7 tỷ đồng).

CCTV dẫn lời bà Chang, người đến tảo mộ tại một nghĩa trang ở Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc), cho biết bà đã trả 100.000 nhân dân tệ (350 triệu đồng) vào năm 2016 mua một khu mộ đôi cho người thân đã khuất của mình. "So với mức giá 240.000 nhân dân tệ (840 triệu đồng) ngày nay cho một khu đất mai táng, sự chênh lệch thật quá kinh ngạc".

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Ngô Dũng Văn, Phó Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Xã hội thuộc Sở Nội vụ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cho biết “giá đất mai táng ở đô thị cao là do mất cân đối cung cầu” , bởi các thành phố lớn hiện đang cạn kiệt đất chôn cất do dân số đông đúc, sự thiếu hụt này dẫn đến giá đất cao hơn.

Ngoài ra, người dân Trung Quốc chỉ có quyền sử dụng đất ở nghĩa trang chứ không có quyền sở hữu vĩnh viễn, cũng không được phép sang nhượng cho người khác. Phí quản lý nghĩa trang công cộng một lần sẽ không vượt quá thời hạn 20 năm. Điều này cũng dẫn tới xu hướng tìm mua "nhà để tro", nơi có sự riêng tư, ổn định và linh hoạt hơn về quyền sử dụng.

Giá đất mai táng tại các nghĩa trang ở Trung Quốc tăng vọt trong vài năm qua. (Ảnh: Thinkchina)

Vi phạm pháp luật?

Giá đất mai táng đắt đỏ khiến nhiều gia đình phải chịu áp lực tài chính trước sự ra đi của người thân. Vì vậy, họ chọn mua nhà ở thương mại để lưu trữ tro cốt và thờ cúng người thân ở đó.

Đối với nhiều gia đình, họ chọn mua một căn nhà như vậy với mong muốn mang lại cho người đã khuất một “tổ ấm” về vật chất, đồng thời nhằm tiếp tục gắn kết tình cảm với người thân. Các gia đình có thể đặt bình đựng tro cốt, chân dung và đồ lưu niệm của người thân tại đây, tạo nên một không gian đầy kỷ niệm và ấm áp.

Dù điều này hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu tình cảm chân thật của con người, từ sự bất đắc dĩ của các gia đình khi phải rời xa người đã khuất, nhưng từ góc độ pháp lý, việc sử dụng đơn vị nhà ở như vậy được cho là trái pháp luật.

Ông Trịnh Ninh, Giám đốc Khoa Luật thuộc Trường Quản lý Ngành Công nghiệp Văn hóa Truyền thông, Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho biết: "Mục đích của nhà ở thương mại là để ở chứ không phải để lưu trữ tro cốt của người đã khuất, điều này đi ngược lại với hiểu biết thông thường về nhà ở".

Ông Trịnh nhấn mạnh rằng việc mua nhà ở thương mại để chứa tro cốt là trái với nguyên tắc trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc. Người bị ảnh hưởng có thể nộp đơn xin công ty quản lý tài sản giải quyết hoặc khởi kiện, yêu cầu khôi phục lại mục đích sử dụng ban đầu và bồi thường những tổn thất tinh thần.

Ông Trương Đại Thành, Giám đốc Tập đoàn Luật Công nghệ Sync ở thành phố Thượng Hải, cũng cho biết các luật và quy định hiện hành ở Trung Quốc đặt ra một số hạn chế đối với cư dân sử dụng nhà ở thương mại để lưu trữ hũ tro cốt người đã khuất.

Ông Trương cho rằng khi người mua thay đổi mục đích "ở" của nhà ở thành "nơi an táng" để lưu trữ hũ tro cốt, trên thực tế đã cấu thành sự thay đổi mục đích sử dụng đất và vi phạm các quy định liên quan. Ông cho biết thêm rằng việc chủ nhà sử dụng nhà ở thương mại để lưu trữ hũ tro cốt mà không được phép là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật dân sự về trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, Bào Hoa, một luật sư bất động sản cấp cao, cho rằng việc chủ nhà cất giữ tro cốt của người thân đã khuất trong nhà và tỏ lòng thành kính với họ là không vi phạm pháp luật nếu những hoạt động này không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người khác. Dù vậy, việc cất giữ tro cốt của người khác ngoài người thân và biến ngôi nhà thành cơ sở kinh doanh là bất hợp pháp.

Theo Hoa Vũ/VTC News

VTC News

https://cafef.vn/xu-huong-ky-la-o-trung-quoc-mua-nha-chung-cu-lam-noi-an-tang-188240502141043336.chn