Trong báo cáo tài chính quý 1/2023, Vietjet Air và Vietnam Airlines cho thấy tình hình kinh doanh khả quan hơn so với cùng kỳ.
Cả Vietjet Air và Vietnam Airlines đều thực hiện niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Mã chứng khoán lần lượt là VJC và HVN. Hàng không trong nước và quốc tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do các động tác đảm bảo an toàn phòng dịch trên thế giới trong hai năm 2021-2022. Đến đầu năm nay, tình hình đã tốt hơn. Báo cáo tài chính quý đầu năm 2023 cho thấy điều đó. Cả hai doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan.
Hai hãng hàng không lớn của Việt Nam đều có tình hình kinh doanh khả quan hơn. Ảnh: Dy Khoa.
Vietjet Air thu 12.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 173 tỷ đồng
Theo báo cáo quý 1/2023, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet Air đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet Air ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng. Trong ba tháng đầu năm, Vietjet Air đã khai thác an toàn 31,3 nghìn chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng 57% và 75% so với quý I/2022. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân cao 85%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,59%.
Trong quý, tổng sản lượng hàng hóa Vietjet vận chuyển đạt hơn 14,8 nghìn tấn, tăng 20% so cùng kỳ 2022.
Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục là điểm sáng với việc đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách và chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vietjet Air đạt hơn 69,2 nghìn tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.
Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp trong quý 1/2023 là 1.053 tỷ đồng.
Vietjet Air đã mở mới 10 đường bay trong quý 1/2023. Ảnh: Dy Khoa.
Những kết quả trên đến từ chiến lược kinh doanh được Vietjet Air đưa ra phù hợp tình hình phát triển của nền kinh tế sau đại dịch. Theo đó, trong quý 1/2023, hãng này đã mở thêm 10 đường bay mới (4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay lên 105 đường bay (55 đường bay nội địa, 50 đường bay quốc tế).
Ngay từ đầu năm 2023, Vietjet đã tăng thêm nhiều chuyến bay trên các chặng bay kết nối Hà Nội, TP HCM với nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu về quê đoàn tụ gia đình của người dân, đồng thời tăng chuyến trên các chặng bay đến những điểm du lịch.
Hãng mở các đường bay quốc tế mới từ Việt Nam đến Ấn Độ, Kazakhstan và Australia, khai thác những điểm đến mới tại những thị trường hãng đang khai thác hiệu quả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, thu hút đầu tư và du lịch từ các nước đến Việt Nam.
Vietjet Air đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tập trung phát triển mạnh ở thị trường quốc tế, nghiên cứu và đầu tư khai thác những đường bay còn nhiều tiềm năng và tiên phong khai mở những đường bay mới. Hãng dự kiến tăng đội tàu bay lên 87 chiếc, khai thác 139.513 chuyến bay, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách trong năm 2023.
Vietnam Airlines thu 23.494 tỷ đồng, lỗ 37,3 tỷ đồng
Trong quý 1/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 23.494 tỷ đồng, gấp hơn đôi cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi giá vốn hàng hóa ở mức 21.534 tỷ đồng nên hãng chỉ thu về được 1.959 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Dù vậy, khoản lãi này vẫn tốt hơn so với con số âm của năm trước.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng tăng 262 tỷ đồng so với cùng kỳ lên mức 366 tỷ đồng,
Chi phí tài chính tăng 46% so với cùng kỳ lên 773 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh tới 187% lên gần 1.048 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác đều cao hơn so với quý 1/2022.
Trong kỳ, công ty ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức 57 tỷ đồng trong khi năm 2022 lỗ 2.742 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Vietnam Airlines có lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý 1/2023 là 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.600 tỷ đồng.
Còn lợi nhuận sau thuế Vietnam Airlines vẫn âm 37,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.685 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia ghi nhận 13 quý lỗ liên tiếp, đây là quý lỗ nhẹ nhất.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 59.578 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó lượng tiền và tương đương tiền ở mức 2.845 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 16% so với đầu năm, đạt 3.570 tỷ đồng.
Tổng số nợ của Vietnam Airlines giảm gần 1 tỷ đồng so với đầu năm còn 69.817 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng thêm 1.639 tỷ đồng, ở mức 54.77 tỷ đồng và nợ dài hạn ở mức 15.039 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị chuyển diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 12/5. Ảnh: Dy Khoa.
Vốn chủ sở hữu của HVN vẫn âm 10.239 tỷ đồng cuối quý 1/2023. Trước đó, vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2022 của Vietnam Airlines là âm 10.199 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định đưa hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị chuyển diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 12/5. Quyết định này đến từ việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Hồi cuối tháng 3, Vietnam Airlines từng xin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã không chấp thuận đề nghị này.
Giải trình việc chậm công bố thông tin, ngày 5/5, Vietnam Airlines cho rằng công ty đang tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.
Theo hãng bay, đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian để thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính. Vietnam Airlines khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để công bố báo cáo tài chính trong thời gian sớm nhất.