Bác đóng topic nhưng vẫn thỉnh thoảng lên chém gió comment dạo nhé. Em rất thích cách bác chia sẻ với mọi người, sâu sắc, dí dỏm và rất chân tình.
Bác đừng đóng Bác ơi. Em thích cái cách Bác comment “Hả” Chỉ cần bác Hả cái là khối người like àh
Bác Chun đừng đóng pic, em vẫn ngóng pic bác hàng ngày.
Em buồn!
Anh ơi, nếu đóng top này rồi nhưng khi nào có BIẾN anh gửi vài lời cho anh chị em nhé.
Chun tạm khóa topic này nha anh chị. Cả nhà mình qua nhà bác Khoai đàm đạo anh chị nhé.
Việc đầu tư thành công trong cuộc đời không đòi hỏi một chỉ số IQ cao chót vót, tầm hiểu biết kinh doanh sâu sắc khác thường, hay thông tin nội bộ. Những gì cần có là một khuôn khổ trí tuệ sáng suốt để đưa ra quyết định, và khả năng khiến cho cảm xúc không phá huỷ nền tảng đó.
Hiệu ứng 50-80 nói rằng; “xác suất 80% cổ phiếu dẫn dắt sẽ giảm 50% và xác suất 50% cổ phiếu dẫn dắt sẽ giảm 80% sau khi thị trường chung lập đỉnh”. Nên nhớ, nhiều cổ phiếu dẫn dắt không bao giờ trở lại giá vốn (thường là đỉnh cũ) sau khi bước vào thị trường gấu. Nhiều quỹ đầu tư đã phải trả giá đắt vì phương pháp đầu tư kém linh hoạt này. Họ ảo tưởng rằng, về dài hạn thì cổ phiếu sẽ trở lại đỉnh cũ của nó.
Chào cả nhà mình ngày mới
Chúc cả nhà mình một ngày tốt lành
Một cái Tết sung túc - Một mùa Xuân sum vầy, ấm áp
Hai vợ chồng dành dụm ki cóp bao nhiêu năm được mấy chục triệu đồng, tính cuối năm sửa cái nhà. Thấy người ta đánh chứng giàu sang phú quý cũng mon men bắt chuớc, len lén giấu vợ lấy tiền dành dụm mua chứng khoán.
Giờ đây mỗi chiều đi làm về nhìn vợ, nhìn con mà chảy nước mắt.
Anh xin lỗi em, ba xin lỗi con. Chúng nó ăn hết của conn rồi con ơi…huhu…
Đau đớn, xót xa quá các bác à, muốn khóc mà không khóc được, chuyện là thế này:
Sáng sớm thằng cu con đi học xin bố 200 ngàn đóng tiền học, mình bẩu: Học đếch gì mà lắm thế? nói thì nói vậy cũng dúi cho nó 200 ngàn.
Hôm nay, mất toi 200 chai vì chứng.
Đếch biết thằng nào lấy của mình, chỉ biết là mất hai trăm chai - dĩ nhiên không phải là bia rượu hay Coca gì ở đây cả !!!
Ôi cái cuộc đời lày !!!
Ăn vài xu lẻ, cả làng, cả nước, cả Châu Phi đều biết, thậm chí con ch.ó của nhà ông Năm gặp mình còn quẫy đuôi chờ ăn sái. Cháy 8 cái tài khoản, vợ không biết, con không biết, tám chục con bồ nhí cũng không biết luôn, cả thế gian không ai biết cả trừ cái thằng suốt ngày “anh ơi, nạp tiền vào TK gấp anh nhé, không là bọn em bán thẳng tay đới” - Call margin - Khi cô đơn anh gọi tên em !
Trưa nay, cuối tuần rảnh rang, bật Youtube nghe chương trình “Tuyển Tập truyện ngắn hay” - Ta nằm nghe mà cảm xúc bay bổng dâng trào, ta như lạc vào một thế giới khác mà phải mười mấy năm rồi mới gặp lại. Trong truyện ngắn “Rừng Cao su” có đoạn: Khi người con trai đi vào người con gái giống như cây cạo mủ cứa vào thân cây, mủ tứa ra từng dòng trắng toá…Ôi, ta nói sao mà tác giả tài tình đến thế, lãng mạn đến thế, chắc chắn tác giả phải có trải nghiệm sống và có tâm hồn bay bổng và lãng mạn đến dường nào mới cho ra đời được những áng văn để đời như thế.
Chợt bình tâm nghĩ đến anh em chứng khoán quanh năm suốt tháng căng mắt dòm bảng điện, vùi đầu vào các con số chi chít trên báo cáo tài chính, rồi ngấu nghiến, nghiền ngẫm đủ thể loại tin tức vĩ mô, vi mô, rồi phân tích TA, FA…
Nghe mà hoa mắt chóng mặt, xây xẩm mặt mày. Một năm có 365 ngày thì số ngày buồn áp đảo số ngày vui. Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Vì sao? Sao trăng giề nữa, Uptrend thì ngắn ngủi, Downtrend dài lê thê. Tính toán cụ thể, trừ những ngày lễ tết ra thì một năm chỉ có 42 ngày Uptrend, còn lại 185 ngày Downtrend dài lê thê não nề. Em nói hơi dài lòng lê thê, nhưng chốt lại em chỉ muốn hỏi anh em một câu: 1 năm qua, 2 năm qua, 3 năm qua…
Mười năm qua bám sàn, ăn vạ ở sới bạc anh em được gì và mất gì? Bao lâu rồi anh em không ngắm hoàng hôn buông xuống dưới chân bán đảo Sơn Trà? Bao lâu rồi anh em không còn biết đến ánh trăng rằm nơi miền cao nguyên lộng gió trên đỉnh đèo Phượng Hoàng? Hay đơn giản thôi, bao lâu rồi anh em không đọc một cuốn tiểu thuyết kinh điển? Bao lâu rồi anh em lãnh cảm với những vần thơ mà thủa học trò anh em thường mơ mộng? Anh em đã đánh mất một phần đời vì chứng khoán, anh em có nhận ra không?
Tôi luôn thấy một sự phấn khích vô cùng khi đối diện với những điều tĩnh lặng. Giống như khi lướt đi trong chiếc xe êm ru trên con đường quanh co giữa ngàn thông một ngày mưa phùn giăng mỏng. Hay buổi chiều cuối năm từ lầu 68 nhìn xuống thành phố hoàng hôn đầy những ánh đèn nhấp nháy di động trong sự tĩnh mịch vô cùng. Hoặc khi ngồi giữa cả một khán phòng mọi người đột nhiên sững sờ im tiếng trong khi những chỉ số sáng bừng trên bảng điện chứng khoán.
Làm việc cực nhọc mà cảm giác như đi chơi, đó chính là đam mê - Anh Chunjunxo chia sẻ.
Đến một độ tuổi nào đó, người ta chẳng thể làm gì khác hơn ngoài sự im lặng. Buồn bã cũng im lặng, hân hoan cũng im lặng. Thi thoảng, chỉ muốn ngồi ở một góc quán quen, thấy khổ hạnh nào rồi cũng nhẹ nhàng như mây trời. Cuộc đời cứ thế mà biên niên cô đơn.
Chiều buồn, lục cơm nguội, anh chị đọc chơi
Mười lăm năm ấy, biết bao mặn nồng - chan cả nước mắt !!! Em có biết không?
Mình không cần ba cái danh hão nữa bạn à, nó không làm bụng mình bớt cồn cào. Mình chém vì cơm áo, vì miu sinh, vì đam mê, vì muốn thể hiện bản thân, vì muốn chia sẻ, hay đơn giản nó là tính cách của mình.
Thắng hay thua thì đêm về, một mình bạn trong bóng đêm, bạn vắt tay lên trán: bạn biết, vợ con bạn biết xuân này gia đình bạn có sung túc hay không? Còn ba cái danh ảo, ồn ào, ảo vọng, sĩ diện hảo rồi cũng qua đi như sương khói.
Giờ đi đâu mình cũng khai thật, khai rất nhiều lần là quá khứ 10-15 năm trước tôi từng cháy TK rất nhiều lần.
ĐỜI TRADER AI CŨNG TỪNG BÉ THƠ, AI CŨNG TỪNG DẠI KHỜ.
Cái nguy hiểm nhất của sới bạc không phải là khiến cho con người ta cháy túi mà nó tạo ra một lớp người sống ảo.
Nghe thì rất chua chát, rất cay đắng nhưng ngẫm kỹ sẽ thấy đúng anh chị à.
Không chơi chứng ảo, sai thì nhận là sai, đúng thì nhận là đúng, sai thì sửa, sai thì cắt lỗ, chứng khoán là việc cả đời, không việc gì phải xấu hổ, mắc cỡ ngại ngùng e thẹn gì cả.
Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, không có chuyện tốt khoe xấu che. Không được to mồm: ăn vài xu lẻ thì cả Châu Phi đều biết, cháy tám chục cái tài khoản thì vợ không biết, con không biết, tám chục con bồ nhí cũng không biết nốt, dĩ nhiên là bá tánh, chúng sanh, con nhang đệ tử lại càng không.
Không vẽ ra viễn cảnh mơ mộng cho khách hàng, cho nhà đầu tư… Trước khi mua con nào thì việc đầu tiên là dặn đi dặn lại : Nó mà thủng mốc XYZ là phải cắt lỗ nha anh chị, nhớ nha, nguyên tắc là nguyên tắc, không được lẫn lộn, lập lờ giữa đầu tư & đầu cơ. Không được kẹp bi rồi tìm một tỷ lý do bào chữa, ngụy biện, thủ dâm là đầu tư.
Đánh bạc bịp cùng chứng vịt ung thì không nên câu nệ theo những nguyên tắc thông thường mà nên bồi dưỡng kỹ xảo đánh bạc, khi thua lỗ cố gắng hạn chế tối thiểu rủi ro.
PS1 : 3 năm qua, Chun cứ nhai đi nhai lại ý này với anh em:
5 năm vừa qua (2012 - 2017) có thể ví là tuần trăng mật của TTCK VN. Hàng triệu nhà đầu tư, cũng như các bạn môi giới trẻ mới vào nghề vài năm nay được trời đãi, thời thế đãi, thị trường đãi cho bữa tiệc no nê & thịnh soạn, rồi họ ngộ nhận mình thật giỏi giang & vĩ đại. Thế rồi tuần trăng mật qua đi để lại đống tro tàn.
PS2 : Từng là Admin rất nhiều diễn đàn chứng khoán nhiều năm liền, từ thế hệ đầu tiên của TTCK VN nên mình rất thấu hiểu tâm lý đám đông. So với giờ này năm ngoái hay đầu năm nay, chợ chứng ngày càng thưa vắng người. Những nhà đầu tư non trẻ, những bạn trẻ háu thắng không biết người biết ta, giờ này năm ngoái còn hung hãn lắm, giờ thì đã đi xa, xa mãi về phía mặt trời lặn, đi mãi không về. Trò chơi này khắc nghiệt & tàn nhẫn.
Những dòng này được viết ra bằng sự đánh đổi của những năm tháng tuổi trẻ đầy sương gió !
ai cũng bảo :
“chơi xong ván này rồi nghỉ ngơi ăn tết luôn”…
Đâu có được, đâu có đơn giản vậy, bộ muốn nghỉ thì nghỉ à
Nhà cái said
Chào cả nhà mình ngày mới
Chúc cả nhà mình một ngày tốt lành
Một cái Tết sung túc - Một mùa Xuân sum vầy, ấm áp
Đi ngoài đường những ngày cuối năm rất khác.
Có người thì hối hả sợ như không đủ thời gian, nhưng có những người lại vô cùng chậm rãi, như sợ một điều gì đó trôi qua đi, như một kẻ vấn vương hoài những chuyện cũ, nửa muốn năm cũ trôi qua, nửa muốn níu lại.
Như bao nhiêu lần trong suốt cuộc hành trình, vẫn là một đôi giày, một chiếc nón cũ và cái balo đã sờn.
"Tôi qua đường sáng ấy, nửa nôn nao nửa thất thần, mèn ơi, Tết tới nơi rồi. ɴgày nào cũng xem lịch, cũng biết ngày Xuân đang đến thật gần, nhưng khi thấy hoa tràn về chợ mới thật sự vào cuộc gấp rãi. Rồi bận bịu coi in báo Xuân. Dọɴ dẹp cơ quan. Trang hoàng nhà cửa. Sắm sửa Tết. Túi bụi cắm mặt vào những công việc cuối năm. ɴgẩng lên, bỗng ngộp thở, ngây ngất con đường đến Hội văn nghệ ngập tràn cây kiểng, hoa tươi, đến nỗi vào cơ quan chỉ còn lối đi nhỏ xíu.
Hoa chẳng cần nói gì hết, điềm nhiên rực dưới nắng trời. Con người sững sờ, sướng điên lên với cái đẹp không lời đó. Cái buồn vì sắp “bị” thêm một tuổi biến đâu mất. Mùa xuân quả là đáng chờ đợi, vì ngọn gió hiu hiu này, vì sự đoàn tụ và sum họp này, vì chỉ dịp này, những con đường ở trung tâm thành phố vốn khô khốc bê tông mới trở thành dòng sông hoa, uốn lượn rực rỡ."
Trích Mùa Hoa Giữa Phố - Nguyễn Ngọc Tư
Lòng tốt không mất đi
Nhớ thời sinh viên lúc nào có tiền đi học ngang tiệm báo Tuổi Trẻ cũng ghé vào mua 1 tờ đọc.
Hôm cũng như mọi ngày Bác bán báo cứ đưa bỏ vào túi về nhà mới thấy 2 tờ kẹp lại, mình đạp xe quay lại trả cho Bác 1 tờ. Bác nói trời nắng có tờ báo bao nhiêu đâu mà con đạp xe xa vậy.
Dạ không cháu đạp trả Bác không thì qua ngày mai thành báo cũ.
Vài tháng sau ghé lại Bác hỏi cháu có dạy kèm không? Bác giới thiệu chỗ dạy kèm nhà hàng xóm, vậy là có chỗ dạy.
Nhớ có đợt ai làm rớt cái đồng hồ trước nhà, ông Bố lợm vào mình nói bố dán giấy tìm người trả lại đi, ông già nói biết ai đâu mà trả, nhưng trong lòng mình rất khó chịu và không phục bố mình.
Khi mình dẫn người yêu đi sắm đồ bơi tiệm tính tiền lộn một bộ đi về mới biết nhưng bạn gái mình chẳng nói năng gì, mình tìm số điện thoại gọi và xin số tài khoản chuyển trả. Một thời gian sau mình nói với bạn gái chuyện và không nên ứng xử như vậy.
Mình lợm được một cái bóp ở sân bay và dành thời gian liên hệ để trả lại cho người đã mất, người đó giờ có cái gì đầu tư hay cũng giới thiệu mình như người bạn.
Người bố có quan hệ nên nhà lắp tới 2 đồng hồ điện 1 đồng hồ chính thống để sử dụng và 1 đồng hồ ăn gian điện để gạt qua khi tối sử dụng máy lạnh.
Nhà tiết kiệm điện hàng tháng nhưng nó ảnh hưởng đến ứng xử của con cái và cháu nhỏ.
Một khách book phòng tại Happyzen farm 3 ngày 2 đêm nhưng ở có 1 đêm thì có việc về nhưng số tiền dư không lấy vì lỗi của họ. Nhưng chính tính phóng khoáng đó mà tôi bán 1 cái farm giá 3 tỷ thay vì 5 tỷ cho người khác. Vì người phóng khoáng, không 5 xu 1 hào là người làm hàng xóm được, chơi được.
Người giàu đích thực họ quan tâm đến ứng xử, thái độ, đến lòng tốt hơn là tiền trăm tiền tỷ.
Vì với họ đó mới làm họ rung động, mới làm họ ghi tâm.
Sự thật thà trung thực , chân thành luôn làm con người gần gũi, hạnh phúc.
Còn các kỹ năng hơn người chỉ phù hợp cho sự giao hảo, làm ăn.
Sự thông mình, giỏi kỹ năng đôi lúc là vách tường ngăn cản mọi Phước lành đến với bạn.
Huệ Phong
“Mẹ ơi, hăm sáu con về”
Cuộc điện thoại giữa chiều của mẹ làm lòng tôi chùng xuống, tôi thấy có lỗi với mẹ quá, muốn gọi lại nói gì đó với mẹ, nhưng vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết thế nào, nói rồi lỡ không về được như những năm trước, sợ mẹ ngóng rồi lại thêm buồn.
-
Năm ni về không con?
-
Dạ con chưa tính, còn cả tháng nữa mới Tết mà mẹ!
Giọng mẹ ngậm ngùi khi nghe tôi trả lời “con vẫn chưa tính!”.
Cuộc điện thoại giữa chiều của mẹ làm lòng tôi chùng xuống, tôi thấy có lỗi với mẹ quá, muốn gọi lại nói gì đó với mẹ, nhưng vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết thế nào, nói rồi lỡ không về được như những năm trước, sợ mẹ ngóng rồi lại thêm buồn.
Tôi ngẩn người nhìn dòng người qua lại trước mặt mình. Quán tạp hóa cạnh nhà tôi từ bao giờ đã bày biện thêm các kệ hàng phía trước sân, toàn những mặt hàng phục vụ Tết. Có lẽ, tại tôi lơ đễnh không nhớ ngày nhớ tháng chứ chẳng phải “Tết còn lâu mới tới”.
Tháng Chạp rồi. Tầm này ở quê đi đâu cũng đã nghe người ta nhắc đến Tết. “Thằng San Tết có về không?” " Ngày mấy con Mai về!" " Hai tám thì muộn quá nhỉ, nhưng về được là vui rồi!"…
Thì ngày bé tôi mà chẳng đếm ngược từng ngày để chờ ngày dì Năm từ Sài Gòn về đó sao?
Tháng Chạp quê căm căm gió rét
Mẹ chờ trời hửng nắng mang chăn, chiếu, mùng, màn… ra giặt. Ba chất thêm củi lên chạn bếp, chiều chiều tranh thủ ra ao lấy thêm ít cỏ rong về thả xuống hồ cho mẻ cá Tết.
Mẹ ra nhà sau ngó nghiêng cặp mía đã cột làm dấu để lũ trẻ chúng tôi biết đó là mía để dành cho Tết, bóc những tàu lá đã khô rũ xuống cho thân mía lộ ra thêm vàng, bóng mướt, để lũ sâu không ẩn nấp bên dưới đục vào thân mía.
Tết đến, trên bàn thờ tổ tiên của gia đình tôi bao giờ ba cũng trưng một cặp mía, mỗi cây cột vào một bên chân bàn thờ. Mía để dành cho Tết được mẹ chọn lựa kỹ từ trước, đó là cây mía to, thẳng, đều lóng, không sâu.
Có lần tôi thắc mắc, tại sao quê mình Tết hay cúng mía? Ba bảo, thân mía chắc mà ngọt, cúng mía là cầu mong cho năm mới mọi sự trôi chảy và vững chãi, mía cũng tượng trưng cho sự kết nối âm - dương, giao hòa đất - trời.
Lá mía tượng trưng cho mây, trời. Gốc rễ tượng trưng cho đất đai, nguồn cội. Lóng mía là những nấc thang nối liền âm - dương, trời - đất dẫn đón linh hồn tổ tiên về sum vầy với con cháu trong những ngày Tết.
Qua rằm tháng Chạp, căn bếp mẹ đỏ lửa nhiều hơn
Căn bếp nhà tôi là cái chái nhỏ nối liền với nhà ba gian, ở đó cất đủ mọi thứ, từ đôi quang gánh, cái cuốc, cái xẻng… đi làm đồng của ba mẹ, đến chiếc tổ của con gà mái ấp trứng. Cạnh bếp bao giờ cũng có mấy chiếc giống con treo lủng lẳng, mẹ thường cho đồ ăn lên đấy để mèo khỏi ăn vụng.
Căn bếp dù nhỏ và đơn sơ nhưng có bàn tay mẹ lúc nào cũng gọn gàng, ấm cúng. Những buổi tối tháng Chạp mẹ cời than, ngồi gọt cả rổ gừng bự để sên mứt. Tôi phụ mẹ, vừa sưởi ấm, thi thoảng hơ bàn tay lên than rồi áp lên má cho ấm. Mùi gừng cay nồng phả vào hơi lửa, ấm cả gian bếp.
Trong lúc ba mẹ con gọt gừng thì ba soạn bộ lư đồng trên bàn thờ nội, tranh thủ lau chùi lại cho bóng. Ba cắt miếng da trâu treo trên bếp từ bận trước, cạo rửa sạch bồ hóng, cho vào bếp nướng, chia cho chị em tôi mỗi đứa một miếng.
Da trâu treo bếp, nướng ăn thì ngon thôi rồi! Đó là món ba để dành để Tết tiếp mấy chú bạn nhậu cùng xóm, ba bảo, Tết đến nhà nào cũng thịt heo, cá kho, nhà mình da trâu gác bếp cho khác chút.
Tết đến, nhà tôi bao giờ cũng gói rất nhiều bánh chưng, chị em tôi thích thú ngồi lau những chiếc lá dong phụ ba. Đêm đến chẳng đứa nào chịu đi ngủ, cứ ngồi cạnh bếp nghe tiếng sùng sục phát ra từ nồi bánh.
Em tôi thỏ thẻ “mai là Tết rồi chị nhỉ!”. Chao ôi, cái từ ngày mai ấy sao thường ngày thì nó nhanh mà Tết nó lâu đến thế, thiêng liêng đến thế. Chỉ ngày mai thôi là đã thành cũ - mới.
Nhẩm tính cũng đã bốn cái Tết rồi chưa về với mẹ. Cuộc sống cứ cuốn tôi vào những công việc, bộn bề con dại, vậy nên hai chữ “về quê” sao mà xa ngái quá !
Năm nay vợ chồng con gái bác có về không?
Cũng mấy năm rồi chúng nó không về nhỉ!
Tôi tiếng cô Chiến hàng xóm hỏi mẹ vọng vào điện thoại. Mẹ cười cười trả lời cô Chiến “chúng nó còn con dại”. Tôi hình dung đôi mắt mẹ buồn mong ngóng. Giá mà, tôi có thể về ngay với mẹ!
Quanh tôi, dòng người vẫn tấp nập xuôi ngược, phố nơi tôi sống không thấy khói bếp mỗi sớm mai và chiều về, người ta cũng không chưng cây mía lên bàn thờ tổ tiên, Tết cũng không cần phải sắm sửa tất bật từ đầu tháng, thời buổi công nghệ, chỉ cần lướt Facebook chốt đơn là có người mang đến tận nhà không thiếu thứ gì. Tiện và gọn lắm.
Ấy thế mà tôi lại ước mình bé lại để thoải mái sà vào lòng mẹ, cùng mẹ gọt gừng sên mứt bên bếp lửa đầy than ấm của tháng Chạp xưa cũ.
Chồng tôi nhắn “năm nay anh còn mười ngày phép, được nghỉ dịp Tết, mình về quê nhé!”.
Chỉ có thế thôi mà nước mắt tôi trào chảy. Tôi gọi ngay cho mẹ “mẹ ơi, hai sáu con về!”.
Tết này, nhiều người con Sài Gòn vắng bóng cha mẹ, các cháu không còn được đón tết cùng ông bà. Nhiều cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhiều bạn trẻ đành gác lại những uớc mơ còn dang dở của tuổi đôi mươi, hay chỉ đơn giản là không được ăn cơm tấm, bánh mì và uống cà phê vỉa hè Sài Gòn nữa. Họ từ biệt chúng ta, rời xa Sài Gòn trong trận dịch lần này…
SÀI GÒN 100 NGÀY COVID KHỐC LIỆT:
AI ĐONG ĐƯỢC HẾT NƯỚC MẮT? AI “SAO KÊ” NỔI YÊU THƯƠNG?
TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách với chỉ thị 10 và 15 từ 31-5-2021, rồi 16, rồi 16+, 12 rồi giãn cách nghiêm với hàng vạn bộ đội vào cuộc, tới tối 7-9 hôm nay đúng 100 ngày.
100 ngày, dài hơn cuộc chiến Quảng Trị 1972 khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến tối 7-9 là 13.701 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Riêng số bệnh nhân Covid ở TP.HCM không qua khỏi tới giờ cũng đã hơn 10.000 ca, hơn một sư đoàn, nhiều hơn số tử trận mỗi bên ở Quảng Trị 1972. Có thời điểm, mỗi ngày TP.HCM có 300-400 người ra đi, bằng một tiểu đoàn. Như hồi chiến tranh. Ra đi không một người thân bên cạnh.
Xin không nói về cách chống dịch. Covid quá phức tạp, cả thế giới cũng còn rất nhiều cách nhìn nhận, đánh giá lẫn chọn cách phòng chống nó. Cuộc chiến đang hồi cao điểm, lúng túng lẫn lung tung trong biện pháp, cách làm là có thể hiểu được và xin tạm khoan nói vì đó lại là một chuyện khác, có khi không ai chịu ai, dễ sa lầy và rối lòng người.
Chỉ biết là 100 ngày vừa qua, từ quân – dân, chính quyền, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp lẫn bà con tiểu thương, chị vé số, anh phụ hồ tả tơi với nó. Tuyến đầu – ngành y hơn 200.000 y, bác sĩ, điều dưỡng… của thành phố lẫn các tỉnh bạn hỗ trợ vẫn đang chìm trong núi công việc lẫn nguy cơ phơi nhiễm hàng giây hàng giờ ở TP.HCM. Hàng trăm, hàng ngàn con người các ngành tham gia phòng chống Covid đã phơi nhiễm và có người đã ra đi.
Tối qua 6-9, trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, một người mẹ có con là bác sĩ thảng thốt nói với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: “Ông chủ tịch ơi, sẽ chống đến bao giờ, con tôi đi biền biệt mấy tháng nay?”.
Nghe nhói lòng biết bao nhiêu nỗi lo của một người mẹ trong dịch Covid. Bà chỉ là một trong hàng triệu nỗi lo hôm nay của người Sài Gòn hôm nay về dịch giã, sinh kế… Lo đến thắt ruột thắt gan mỗi ngày. Có khi thật sự là bế tắc kiệt cùng trong các dãy trọ 100 ngày thất nghiệp. Đau đớn khôn cùng khi bao nhiêu người ra đi vội vàng, không thể tin nổi. Mới vài hôm trước còn nói, còn cười, còn lên facebook, còn vẽ tranh, làm thơ, còn bàn chuyện Covid…
Không ngành nghề, phường xã, lãnh vực nào không có người ra đi. Ngay anh em Tuổi Trẻ của tôi cũng có mấy gia đình F0 cả nhà. Có bạn là phóng viên trẻ lặn lội cùng Covid suốt 100 ngày và đêm qua. Hàng vạn bà con nhập cư có lúc “bồng bế nhau chạy trốn” Sài Gòn – nơi họ gởi yêu thương, nơi họ nuôi hy vọng…
Suốt 100 ngày đêm vừa qua, Covid là câu chuyện đầu môi của bất kỳ người Sài Gòn nào. Chỉ hơn một giờ tối 6-9, hơn 800.000 lượt xem và 100.000 lượt bình luận của người đang ở Sài Gòn – đô thị lớn nhất nước đã gởi về chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, gởi cho Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. BBC Tiếng Việt ngay lập tức đã nhận định là lãnh đạo TP.HCM “chịu chơi” – đúng kiểu nói của người Sài Gòn.
Tại buổi đối thoại, cả MC Quyền Linh lẫn Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do khá thẳng thắn chuyển cho ông Mãi nhiều comments hóc búa thật sự: từ “Bao giờ TP.HCM nới lỏng giãn cách, tại sao TP.HCM giãn cách hoài mà vẫn không hết dịch?”, gói an sinh đến sau 15-9, bà con nhập cư có được về quê… Hóc búa đến mức ông Mãi thú thật nhiều người bảo ông cân nhắc có nên trả lời trực tuyến hay không.
Buổi đối thoại cho thấy hàng loạt lo nghĩ về chính sách đến 15-9 và sau đó của cả chính quyền lẫn dân chúng. Lấy việc an sinh xã hội chẳng hạn,ông Mãi cho biết tới giờ này, ngân sách thành phố đã chi gần 4.800 tỉ đồng, nguồn vận động 1.200 tỉ, tổng cộng 6.000 tỉ đồng để hỗ trợ khoảng 4,7 triệu người dân. Ba tháng, mỗi người khó khăn nhận được khoảng 1,2 triệu đồng, mỗi tháng 400.000 đồng rõ ràng không đủ để sống. Nhất là khi thực tế giá cả tăng vọt, hiện vẫn ở mức cao.
TP.HCM đang chuẩn bị tiếp tục những hỗ trợ mới sau hai gói an sinh, cho tất cả mọi người. Có lẽ đã tính toán trước, ngày 18-8, TP.HCM đã làm việc với Thủ tướng cũng như các bộ, ngành để kiến nghị hỗ trợ cho TP.HCM số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo. Số tiền và gạo này dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Chính phủ.
Rất tiếc, chiều 7-9, Bộ Tài chính cho rằng, TPHCM đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng là để hỗ trợ lao động và người nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch COVID-19, đây là chính sách đặc thù nên địa phương tự cân đối ngân sách để hỗ trợ.
Không khó để nhận ra nỗi lo, gánh nặng chồng chất nỗi lo, gánh nặng của TP.HCM sau trả lời này. Tiền đâu để lo tiếp khi Covid còn dài, giãn cách còn nghiêm đến mức không ai không cảm thấy nghẹt thở?
Ngày 6-8, TP.HCM công bố có 2 triệu hộ với 5,3 triệu dân TP.HCM khó khăn sẽ được hỗ trợ 750.000 đồng/người, bình quân mỗi ngày 25.000 đồng/người. Tổng số tiền hỗ trợ 8.000 tỉ đồng.
Và chính lúc này, ông Mãi đã nói về bao nhiêu con người, chương trình thiện nguyện của dân lo cho dân thời gian qua trong cuộc chiến mà ông Mãi phải nói là “khốc liệt” hơn ba tháng qua. Ông nói cụ thể: Mỗi ngày hàng trăm ngàn suất ăn của dân lo cho dân, và cho rằng: “Không có lực lượng này, chính quyền khó mà lo nổi”.
Ông khẳng định: Không thể nào kể hết được, sau dịch sẽ tổng kết, nhưng chắc chắn sẽ không đầy đủ.
Ông Mãi nói đúng. Làm sao có thể thông kê, “sao kê” được lòng dân Sài Gòn lo cho dân Sài Gòn 100 ngày qua. Sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chưa bap giờ tôi thấy dân Sài Gòn mở lòng trải tình như vậy. Không nơi nào không có quầy cơm, gói quà từ thiện; không hẻm hóc nào ở Sài Gòn không có yêu thương, chia sớt.
100 ngày qua, một ngôi chùa nhỏ ở quận 4, các sư thầy và bao con Phật nơi đây đã nấu gần 1,5 triệu suất ăn, cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc và thiết bị điều trị cho bệnh nhân, y bác sĩ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, công nhân môi trường, người nghèo các địa phương… Ngày 25-8, nhà chùa còn trao tặng sáu xe cứu thương, tổng trị giá 7,2 tỉ đồng, cho các bệnh viện: Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Bình Dân, Ung bướu, quận 4 và một xe cứu thương cho tăng ni, phật tử ở thành phố.
100 ngày qua, suốt từ nửa đêm đến tối mịt, mấy chục nữ tu dòng Đaminh Rosa Lima đã tự khuân vác hàng chục, hàng trăm tấn gạo, mì, rau củ quả, sữa… đến nhiều phòng trọ ở TP.HCM. Nhìn các nữ tu “chân yếu tay mềm” mang vác từng bịch gạo, bó rau, thùng sữa… đến bà con mình, tôi thầm nghĩ họ đang lặng lẽ làm theo điều Chúa dạy với đồng bào mình, bất kể lương giáo, ai chẳng là máu thịt Việt Nam: “Ai muốn theo ta thì vác thánh giá theo chân ta”.
Cha xứ Mẫu Tâm (Lăng Cha Cả) và cộng đoàn dân Chúa của mình, 100 ngày qua, cũng gởi đến cho bà con mình bao nhiêu là gạo, là rau, là mì gói và cả gà. Ngày 3-9, nghe nói 32 phòng trọ của những người lao động buôn ve chai, vé số không được một lần cứu trợ ở một chung cư cũ nát 481 Lê Văn Sỹ, ngày 4-9, vị linh mục chánh xứ nơi đây đã lập tức chuyển mì gói ,trứng, rau củ… tới. Ít ra bà con nơi đây cũng thêm được ít ngày yên bụng…
Rồi “cô gái ném dép” có vẻ ngổ ngáo Nguyễn Thùy Dương, nhà có em trai nhiễm Covid, một lần tôi thấy bữa cơm của hai mẹ con chỉ là đậu hủ xào trứng và rau luộc vẫn quần quật cơm nước từ thiện và quà từ tâm. Hơn 40.000 phần cơm cho những người khó khăn, các khu phong tỏa. Đến trước 23-8, cô gái “Dương dịu dàng” đã cùng nhóm bạn mình gởi 150 tấn gạo, hàng ngàn phần quà trao đến bà con khó khăn, vé số, cơ nhỡ…; gần 100 trường ở trọ được hỗ trợ trong chương trình “Ở lại với Sài Gòn”. Sau đó, vỡ trận do người tới xin đông quá phải phát đại trà tiếp; lo thực phẩm bổ sung cho nhiều bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Ngày 22-3, sợ bà con không trụ nổi 7-14 ngày hoặc có thể hơn. Ngày cuối cùng, cô gởi nhiều phần gạo, mỗi phần 25kg, vì biết mỗi gia đình bốn, năm miệng ăn và cá khô, mắm muối, cá hộp, trứng…
Rồi một tổng giám đốc buôn bán xe hơi tánh tình, tôi xin nói thật “rất cà chớn” là Hoa Kim Cương, dịch giã làm ăn “đứng hình”, thua lỗ, vậy mà cũng lò mò đi vác gạo làm từ thiện mấy tháng nay…
Anh trai Thùy Dương vốn là là môn sinh sân võ tôi hơn 20 năm trước. Hoa Kim Cương hồi còn sinh viên đến nhà tôi chơi, học nghề báo khi tôi làm anh Cỏ Cú 30 năm xưa… Hiện giờ họ là ai, như thế nào với xã hội thì đó là chuyện của họ với xã hội, tôi không quan tâm. Chỉ biết là tất cả những gì, bất kỳ những ai lo cho bà con mình lúc khó khăn muôn phần này cần phải được kính trọng.
“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người”
Và họ cũng chỉ là những giọt nước trong biển yêu thương của Sài Gòn 100 ngày qua. Không ai kể hết nổi đâu. Mà có lẽ họ cũng không cần ai kể. Làm sao có thể “sao kê” lòng dân Sài Gòn muôn dặm khi ai cũng muốn làm một giọt nước trong.
23-8, TP.HCM siết chặt giãn cách. Tới giờ 7-9 là hơn nửa tháng. Hầu như ngày nào Sài gòn cũng mưa. Mưa đã buồn, mưa Covid càng thảm. Những nhiều nhóm từ thiện vẫn tiếp tục công việc của mình khi bà con mình nhiều người càng lúc càng thắt ngặt. Giãn cách, không ai không khó khăn nên tôi nghĩ đây là lúc”lá rách dùm lá nát” chứ lá nào ở Sài Gòn hiện nay còn lành nổi.
Kệ, tới đâu hay tới đó. Trưa 5-9, tôi ghé siêu thị mua ít đồ cho nhà. Qua ngã ba Phạm Văn Hai – Nguyễn Thị Thu Minh (Tân Bình) tôi gặp anh L.M.Q. gầy guộc đang ngồi co ro bên vỉa hè, đôi mắt vô hồn trên đường vắng. Anh Q. quê Long Hồ, Vĩnh Long đang ngồi, trước dịch bán vé số, phụ hồ, thuê trọ ở cầu số 1 kênh Nhiêu Lộc, cách nhà tôi khoảng 300m. Giọng anh tuyệt vọng: “Nghỉ vé số hai tháng rồi, về quê không được, túi không còn một đồng. Sáng giờ chưa ăn gì…”. Đồ mua về nhà, tôi sẻ anh một nửa: sữa tươi, mì gói, xúc xích… và ít tiền để anh “lây lất” thêm chục ngày, chờ hết 15-9. Nhận quà, người thanh niên 32 tuổi cúi đầu, ứa nước mắt đàn ông. Ngày 6-9, tài khoản ATM của tôi nhận lương cơ quan, lại đi, gởi quà một anh bảo vệ khu Ông Tạ nửa tháng nay thui thủi một mình “ba tại chỗ” gác công ty vì không có giấy đi đường: “Giờ mì gói cũng không còn”…
Rồi chuyển qua tài khoản cho ba mẹ con thuê trọ ở Gò Vấp kẹt ở Sài Gòn ít quà mua gạo. Rồi chạy giao 20 “Túi thuốc chăm sóc sức khỏe F0” mà anh Nguyễn Phước Lộc, phó Ban Dân vận TW gởi tôi để “anh gởi cho bà con nào F0 giùm em”. Mỗi túi thuốc là một hy vọng của một con người, một gia đình, người thân…
Hôm nay 7-9, chín ngày nữa là 15-9. Chín ngày dài lắm, khi Sài Gòn rõ ràng đã như kiệt sức sau 100 ngày “ai ở nhà nấy”…
Nguồn : Cù Mai Công
"Tết này không có 30, 29 rồi tới mùng một, như người ta bước hụt, thấy thiếu một ngày. Những khóm vàng hoa của ông Chín nở sớm từ 24, 25 đã ngả mầu vàng sậm. 4 giờ sáng, ông đi qua bên kia đường gánh nước về tưới, than : « Thời tiết năm nay kỳ cục quá » ông vấn điếu thuốc, phà khói bảo : « Con biết không, nghề bán bông tết cũng như bán lồng đèn Trung thu, qua rằm tháng 8 có cho người ta cũng không thèm lấy. "
“Người ta vẫn muốn cùng nhau đi hết Tết này.”
GIAO THỪA
(Nguyễn Ngọc Tư)
Đã thấy mấy vạt hoa vàng lòe xòe, đã thấy những trái dưa hấu bóng mẫy thẫm xanh chất tầng tầng trên chợ. Thế là Tết thật rồi. Tết cứ làm người ta nao lên nôn nóng ngóng chờ, rồi lại nuối tiếc cho tuổi xuân qua.
Chợ Tết chạy dọc theo các vỉa hè quanh ngã năm, bán toàn dưa với hoa. Vô tình chỗ Đậm bán đối diện với khu nhà đẹp nhất, cao nhất và sầm uất nhất thị xã. Sau lưng, cách một lớp chì gai oặt quẹo là một bãi cát trống, cỏ xanh theo gió chạy líu ríu từng triền, từng triền mải miết. Cánh bán dưa ra chợ từ 20 tháng chạp, chở từ sáng tới khuya, hịch hụi. Lúc nghỉ mệt tay chống hông ngó qua. Những ngôi nhà cao. Những bảng hiệu sặc sỡ. Đèn đủ thứ mầu. Sang quá. Người ta đợi tết để trang hoàng cho thật đẹp, mà càng đẹp thì cánh bán dưa trong ruộng ra càng buồn. " Biết chừng nào mình xây được cái nhà cỡ đó hen?" . " Bán dưa, làm ruộng cỡ 40 năm" . " Giỡn hoài, cỡ đó thì xuống lỗ rồi còn gì" . " ừ" …
Chỗ Đậm ngồi dưới tán cây còng bị tỉa nhánh chỏng chơ như bàn tay cụt. Bên trái là vạt bông của ông Chín từ miệt Sa Đéc xuống. Và chỉ Đậm là ngồi bán một mình chứ người ta chồng vợ đùm đề, xoong nồi lủ khủ. Ngày đầu cô chất dưa chưa khéo, dưa cứ ỷ mình tròn, lăn long lóc ra đường. Dưa lăn, người hì hục đuổi theo. Xe cộ giáp Tết đông nghẹt, người ta cười, người ta cằn nhằn. Tủi cực trào lên như người ta nhận cái thùng vô lu nước đầy. Đậm lầm lũi khóc nghẹn. Đậm 29 tuổi, hơi đen, trên khuôn mặt lam lũ còn sót lại chút duyên ngầm. Chưa thấy chanh chua như đã từng quen chợ. Lúc chở dưa ra, có anh chàng trẻ tuổi cao lỏng khỏng, nước da đen lùi, lúc cười chỉ thấy hơi hới hàm răng, chạy tới làm giúp. Kéo tấm ni-lông che nắng, chặt mấy cây chuối đem ra bao lại cho dưa khỏi lăn, anh chàng cũng giúp. Đậm nằng nặc bảo thôi đi, anh chàng cãi cố: " Tôi tiếp cho, có sao đâu" . Quần anh chàng lấm nhớt, tóc bù xù đỏ quạch như rễ vú sữa. Già Chín bán bông thắc mắc:
- Con gái ơi! Bác thấy thằng đó hiền khô hà, ai vậy?
Đậm bảo:
-
Tên Quí, chạy xe lam, ở xóm thôi, bác à.
-
Chà, giỏi, tốt thiệt. Làm hăng vậy tính kiếm tiền để cưới vợ hả?
Anh chàng nghe lóm, cười chéo mắt:
- Có ai đâu mà cưới, bác.
Ông Chín cười khà khà, vuốt chòm râu cụt ngủn.
Cái nắng xuân kỳ lạ, không gay gắt đỏ, không nhàn nhạt như nắng chiều hè mà vàng thắm thiết như mầu bông sao nhái. Bấc lồng lộng lẫy qua từng ngọn cỏ sau chợ, mang theo mù mịt cát. Mặt mũi đầu tóc Đậm lúc nào cũng nham nhám như hột me rang cát. Người ta quần là áo lượt kìn kìn chạy qua mà chợ dưa với hoa vẫn chưa sôi động. Năm nay dưa trúng mùa cả núi vầy ăn gì cho hết. Người ta nán đợi tới ngày rước ông bà, lúc đó coi dưa có rẻ hơn bây giờ không. Những người bán ngồi chéo queo, buồn teo. Bông vạn thọ, bông cúc trái nết nở bung từng khóm, lái bông than như bọng: " Năm nay chắc thua rồi" .
Đậm bắt chước cánh lái dưa xóm Vàm Xáng, đi chợ mua xấp liễn dán dưa cho bắt mắt khách, tiện thể mua cho bé Lý bộ đồ. Mứt gừng, mứt dừa ở nhà má làm rồi để coi mua gì thêm. Má thì thích bánh ngọt. Con út thích cắn hột dưa, Đậm mua mỗi thứ vài trăm gam. Về khui ra thấy bộ đồ bé Lý hơi lớn, nhưng không sao, lớn thì mặc tới năm sau. Già Chín hỏi: " Đồ ai mà bây ôm ấp vậy?" . Đậm bảo của con gái con. Hỏi thêm một chút về ba của đứa nhỏ, Đậm cúi mặt thưa: " Không có" . Nghĩa là không có. Ông Chín không phăng tới nữa. Ông già rồi, lăn lộn trên đời, ông biết chắc có chi lầm lỡ. " Con lầm lỡ tới mức phải bỏ nhà đi luôn đó, bác Chín à. Tới lúc ba con buồn rồi chết, má mới rước con về. Bây giờ, có cực khổ thế nào con cũng ráng chịu, miễn sao năm tháng cuối đời má con vui. Mà, chắc bù bi nhiêu cũng không đủ" . Sau này, Đậm mở lời. Giọng Đậm khao khai. Cô thấy mình giống như cỏ ven đường, người ta đi qua đạp, đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống cỗi cằn.
Những mùa lam lũ. Những mùa cực nhọc. Một mình chống chọi. Đàn ông con trai coi được một chút mới lòng vòng ở ngoài đã nghe thiên hạ rần lên: " Thứ gái hư đâm đầu vô làm gì" . Ai mà muốn, chỉ tại còn nhỏ, thấy gió yêu gió, thấy hoa yêu hoa, đam mê bồng bột. Nghĩ mình học chưa tới đâu nhưng là học những bài học bự nhất, đắt nhất. Đếm đi đếm lại chỉ còn Quí, khi biết được còn mỗi Quí thì Đậm đã sắp 30. Nhà Quí ở Lung Giữa, Quí gửi xe sân nhà cô. Làm một vài chuyện nhỏ như chở Đậm đi chợ không lấy tiền, tiếp Đậm cất cái nhà củi… thì cho là có qua có lại đi. Nhưng ánh mắt Quí ngày càng nồng nàn trói buộc, bắt Đậm phải day dứt giữa nỗi khát khao và tủi hổ. Quí trai tơ, chưa vợ, lại nhỏ hơn Đậm gần 4 tuổi. Nhưng Quí tốt quá, rất tốt. Má Quí già rồi, than với Đậm hoài, có một mối trong Nhà Phấn Ngọn, coi được lắm, vậy mà biểu thằng Quí cưới vợ mà nó hổng nghe, làm như nó còn chờ ai đâu.
Thời gian bị người ta chở kĩu kịt đi. Khiếp, mới đó đã 29 Tết. Bánh mứt, dưa hành, quần mới, áo mới như nước tràn lên phố. Đây là một thời điểm rộn rịp nhất, phơi phới nhất trong năm. Tết này không có 30, 29 rồi tới mùng một, như người ta bước hụt, thấy thiếu một ngàỵ Những khóm vàng hoa của ông Chín nở sớm từ 24, 25 đã ngả mầu vàng sậm. 4 giờ sáng, ông đi qua bên kia đường gánh nước về tưới, than: " Thời tiết năm nay kỳ cục quá" ông vấn điếu thuốc, phà khói bảo: " Con biết không, nghề bán bông tết cũng như bán lồng đèn Trung thu, qua rằm tháng 8 có cho người ta cũng không thèm lấy. Buôn bán kiểu vậy như con gái có thì, qua rồi, khó lắm…" Ông nói tới đây, thấy Đậm ngẩng đầu ngó sao muộn, ông thôi không nói nữa. Đậm nhớ con gái quá. Nghe Quí đem đồ về lại đem tin ra bảo: " Bộ đồ bé Lý mặc vừa lắm, nó đòi ra với Đậm. Buôn bán như vầy cực quá, chở nó ra đây, tội nghiệp…" . Rồi Quí bảo mớ bông mồng gà Đậm gieo sao mà khéo quá, bông đỏ bông vàng trổ ngay Tết.
Đó là lúc chờ sáng, còn rỗi rãi xẻ dưa mời nhau, chứ ngày 29 là một ngày tất bật, nói theo dân đá banh là thắng với thua. Người mua xúm xa xúm xít. Mới một buổi đã lử lả, Đậm một mình phải coi trước coi sau. Tưởng dưa hấu đắp đập ngăn sông mà đã vợi đi quá nửa. Nhưng chắc phải đợi cho tới giao thừa. Người ta chờ tới đó sẽ rẻ nữa. Chạy xong mấy chuyến xe buổi sáng, chiều Quí lại giúp. Từ bến xe lam lại đằng chợ chừng 100 m. Quí kêu: " Có ai mua nhiều, Đậm hứa đi, tôi chở tới nhà cho" . Đậm thấy vui, phần thì bớt lo dưa ế, phần thấy nao nao trong lòng. Cái không khí đẹp thế này, ấm thế này, không vui sao được. Quí hỏi: " Nhà Đậm có gói bánh tét không?" . Đậm hỏi lại: " Có, mà chi?" . " Tôi cho, má tôi gói nhiều lắm" . Quí mặc áo đứt mất tiêu cái nút trên, lồ lộ ra mảng ngực ráp nắng. Trong Đậm nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong nép đầu vào đó để quên nhọc nhằn, để quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời.
Lúc ngẩng lên được đã năm mới mất rồi. Nghe được tiếng trống giao thừa vọng về từ trung tâm thị xã. Ở đó có một lễ hội thật tưng bừng. Ông Chín đốt 6 nén nhang, chia cho Đậm nửa, biểu: " Con cúng giao thừa đi. Cầu an khang, sức khỏe, cầu năm tới giàu hơn năm nay" . Mùi nhang thơm trong gió sực lên mũi Đậm một nỗi nhớ nhà. Dù đây về đấy chưa tới một tiếng đi xẹ ở chợ, người muốn về trước giao thừa thì đã bán thốc tháo để về. Những người còn lại cũng cố dọn dẹp làm sao mùng một có mặt ở nhà, pha bình trà cúng tổ tiên. Ông Chín đứng chỉ huy cho con trai ông bưng mươi chậu hoa còn lại lên xe hàng, quyến luyến: " Hồi nãy con tặng bác dưa ăn, giờ bác tặng lại cho con với cậu nhỏ hai chậu cúc đại đóa này. Năm tới, bác có xuống không biết được ngồi gần cháu như vầy không. Cha, đây về Sa Đéc chắc phải nhâm nhi dài dài cho đỡ buồn quá" .
- Dạ, bác về mạnh giỏi, ăn Tết cho thiệt vui.
Đậm vén tóc, cười, thấy thương ông quá. Ông Chín leo lên xe còn ngoắc Quí lại nói thì thào: " Ê cậu nhỏ, tôi nói cậu nghe, ông bà mình có câu: Ra đường thấy cánh hoa rơi. Hai tay nâng lấy, cũ người mới ta. Mạnh dạn lên, cậu thương con gái người ta mà cà lơ phất phơ thấy rầu quá. Cháu Đậm, thấy vậy mà như trái dưa, xanh vỏ đỏ lòng" . Nói rồi xe vọt đi, mấy người nữa lên xe vỗ vào thùng xe thùm thùm như gửi lại lời chào tạm biệt. Khói xe xoắn ra từng ngọn tròn tròn như con cúi. Đậm lui cui quét dọn chỗ của mình, hỏi:
-
Ông Chín nói gì vậy?
-
Đâu có gì - Quí cười bối rốị
-
Về nghen, chạy xe chất đồ chở về. Biểu Quí đứng chờ mà không nghe, vì tôi mà ngày nay Quí bỏ mấy mối xe, uổng quá.
-
Đâu có gì còn 31 trái dưa…
-
Tôi tặng Quí chục trái ăn dài dài.
Quí cười :
- Nhà tôi đơn chiếc, có mấy người đâu, ăn gì nhiều vậy.
Những chiếc xe vẫn nối đuôi nhau chạy về phía đại lộ. Lễ hội giao thừa vẫn chưa tan, chưa muốn tan. Người ta vẫn muốn cùng nhau đi hết Tết này. Một vài anh bạn trẻ chạy xe qua, gọi Đậm: " Nhanh lên chế ơi, trễ rồi. Tết đâu có đợi" . Lúc Đậm lên xe thì đã qua lâu giao thừa, Đậm ngồi đằng trước ngang với Quí. Xe ra khỏi thị xã, con đường nhỏ lại, vắng hoe. Đậm ngoái lại nơi cô từng nếm sương, nếm nắng, nghe gió. Những đóa cúc sau sàn xe rung rinh những sắc mầu rực rỡ. Quí bảo:
- Đậm biết cúc đẹp gì không?
Đậm lắc đầu. Quí cười:
-
Lòng chung thủy. " Diệp bất ly chi, hoa bất ly đài" .
-
Ai nói với Quí vậỷ
-
Bác Chín. Năm tới, tôi trồng cúc đi bán với Đậm nghen.
Đậm muốn cười, rất muốn cười mà sao nghẹn lại. Làm sao vượt qua những trở ngại trong lòng người. Hai bên đường rập rờn hoa dại. Những đống lửa rơm còn nghi ngút khói, bọn trẻ cơi lên khoe áo mới rồi mỏi mòn đi ngủ.
Quí cho xe chạy thật chậm, nghe gió thổi qua lỗ tai lạnh quánh. Lạnh như khoảng chiếu nửa đêm Quí chạm tay vào, tượng lên một nỗi nhớ rờn rờn lúc mờ lúc tỏ. Những nỗi nhớ phơ phất mái tóc một người, đôi mắt một người, dáng dấp một người. Đến tỉnh dậy vẫn còn bồng bềnh như khói. Quí nhìn Đậm, ánh nhìn rất lạ. Anh không biết vì một nỗi gì mà tới bây giờ anh chưa nói lời thương với người ta. Anh không ngại đứa con, anh không ngại chuyện lỡ lầm xưa cũ, tuổi tác cũng không thèm nghĩ đến. Cô luống cuống khi thấy chiếc xe chạy chậm dần:
- à… ờ… Tết này nữa, Quí bao nhiều tuổi rồi hả
Quí im lặng, dừng xe hẳn. Lúc này anh thấy cần nắm lấy bàn tay lạnh tái của Đậm, rất cần. Khi ấy giao thừa đã đi qua lâu, lâu lắm rồi nhưng rõ ràng vẫn chưa hết Tết. Mai là mùng một.
“Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.”
KHÚC BA MƯƠI
(Nguyễn Ngọc Tư)
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực không mà hôm đó cả nhà đều phải làm công chuyện tối mắt tối mũi. Đến nỗi, nhắc tới Tết là thấy chữ “Ba Mươi” chình ình, choán chật cả ký ức.
Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với chuyện của mình. Cánh đàn ông con trai (nói cánh cho ham vậy, chỉ hai người thôi, chứ mấy), cánh này quan trọng, lãnh phần dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà. Nào là quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, tủ bàn, kỳ cọ mấy cái lư đồng, đem phơi nắng. Mệt phờ. Lúc dọn dẹp, bày biện bàn thờ thì mùi chiên xào dưới bếp bay lên, trời, lại phải bỏ ngang công việc đang làm dở, chuẩn bị mâm bàn cúng rước ông bà. Xế chiều rồi, chớ giỡn…
Cúng kiếng xong, cánh đàn ông tiếp tục chuyển sang đánh trận… ngoài sân, còn má vẫn hì hụi trong bếp, vừa trông chừng nồi thịt kho, vừa làm thịt nguội, sau lưng má, củ cải với dưa leo đang chờ tới phiên mình trở thành món… dưa chua. Tết của má dài thăm thẳm, phải kể từ hôm tát đìa bắt cá làm mắm, xẻ khô. Cá còn phơi trên mấy hàng bông bụp má bắt tay vào làm củ kiệu. Hồi chị còn nhỏ, má lãnh luôn phần làm mứt, nướng bánh kẹp, bánh bông lan. Chị lớn, chị giành lấy, nói để chị làm, nên cả ngày ba mươi tụi nhỏ không thấy chị liếc, chị rầy, bởi chị cũng cắm đầu làm mứt, nào là mứt chùm ruột, mứt gừng, không biết ai ăn cho hết mà ôm đồm, vừa ngào chảo mứt dừa vừa chạy ra coi mớ mứt tắc (quất) phơi ngoài sân không biết có kiến bò lên không. Cái dáng chị khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá nhưng vẻ mặt thì tươi rói, ngây ngất. Giống hệt cả nhà, miệng kêu cực mà hớn hở, như thể ngày cuối năm này không có việc gì làm mới là niềm đau khổ lớn.
Tụi con nít cũng bận lắm, chạy đi chạy lại, “lấy dùm ba cây bàn chải”, “chặt dùm má mấy trái dừa”, “ê, coi chừng mấy con ■■■ chạy giỡn làm đổ mớ mứt đang phơi…”, “chạy đi mua cho má mấy bịt muối, cho đầy hũ, nhỏ ơi”. Trên đường chạy đầu này đầu nọ, tụi con nít không quên thò đầu vô tủ vuốt ve mấy bộ đồ mới, ứa nước miếng, trông mau tới chiều để mặc, nên có khi má kêu hai ba lần mới chịu đi làm, bịu xịu càu nhàu trong bụng, không biết ông trời sinh ra ba mươi Tết làm chi, công chuyện quá trời.
Mà, việc nào cũng quan trọng, quan trọng khủng khiếp, không thể để đến ngày mai. Tuyệt nhiên, chẳng ai chần chừ, “để làm sau…”. Cứ như là không còn ngày mai nữa, cả nhà làm cho bằng hết việc, đến xanh mặt, mướt mồ hôi, như ai đó đuổi đằng sau, như làm bây giờ để mai mốt không động tay vào bất cứ việc gì nữa.
Tụi con nít buồn cười, vì cữ kiêng lắm thì chỉ thảnh thơi được ngày mùng Một, bữa sau ba má cũng ra vườn tưới rau, chị nhất định phải rửa chén, giặt đồ, anh đến cơ quan, mọi người trở lại với công việc thường ngày của mình, Ba Mươi cũng đâu có thay đổi được gì mà làm muốn nín thở?
Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.
Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…