Cổ có ngon thì cũng phải cần thời gian tích lũy mới đi xa được
Cổ có ngon thì cũng phải cần thời gian tích lũy mới đi xa được
Chào cả nhà mình ngày mới
Chúc cả nhà mình một ngày tốt lành
Chào bác
PET thanh khoản đâu mất hết rồi, không ai cắt lỗ nữa sao?
pet chả ce gì cả
Xanh tím kệ các bác, đỏ mạnh mới múc
Xanh tím kệ các bác, đỏ mạnh mới múc
PET thanh khoản đâu mất hết rồi, không ai cắt lỗ nữa sao?
Đang chờ đỏ mạnh bác
Cất tủ san năm mở ra
“Mẹ ơi, hăm sáu con về”
Cuộc điện thoại giữa chiều của mẹ làm lòng tôi chùng xuống, tôi thấy có lỗi với mẹ quá, muốn gọi lại nói gì đó với mẹ, nhưng vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết thế nào, nói rồi lỡ không về được như những năm trước, sợ mẹ ngóng rồi lại thêm buồn.
-
Năm ni về không con?
-
Dạ con chưa tính, còn cả tháng nữa mới Tết mà mẹ!
Giọng mẹ ngậm ngùi khi nghe tôi trả lời “con vẫn chưa tính!”.
Cuộc điện thoại giữa chiều của mẹ làm lòng tôi chùng xuống, tôi thấy có lỗi với mẹ quá, muốn gọi lại nói gì đó với mẹ, nhưng vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết thế nào, nói rồi lỡ không về được như những năm trước, sợ mẹ ngóng rồi lại thêm buồn.
Tôi ngẩn người nhìn dòng người qua lại trước mặt mình. Quán tạp hóa cạnh nhà tôi từ bao giờ đã bày biện thêm các kệ hàng phía trước sân, toàn những mặt hàng phục vụ Tết. Có lẽ, tại tôi lơ đễnh không nhớ ngày nhớ tháng chứ chẳng phải “Tết còn lâu mới tới”.
Tháng Chạp rồi. Tầm này ở quê đi đâu cũng đã nghe người ta nhắc đến Tết. “Thằng San Tết có về không?” " Ngày mấy con Mai về!" " Hai tám thì muộn quá nhỉ, nhưng về được là vui rồi!"…
Thì ngày bé tôi mà chẳng đếm ngược từng ngày để chờ ngày dì Năm từ Sài Gòn về đó sao?
Tháng Chạp quê căm căm gió rét
Mẹ chờ trời hửng nắng mang chăn, chiếu, mùng, màn… ra giặt. Ba chất thêm củi lên chạn bếp, chiều chiều tranh thủ ra ao lấy thêm ít cỏ rong về thả xuống hồ cho mẻ cá Tết.
Mẹ ra nhà sau ngó nghiêng cặp mía đã cột làm dấu để lũ trẻ chúng tôi biết đó là mía để dành cho Tết, bóc những tàu lá đã khô rũ xuống cho thân mía lộ ra thêm vàng, bóng mướt, để lũ sâu không ẩn nấp bên dưới đục vào thân mía.
Tết đến, trên bàn thờ tổ tiên của gia đình tôi bao giờ ba cũng trưng một cặp mía, mỗi cây cột vào một bên chân bàn thờ. Mía để dành cho Tết được mẹ chọn lựa kỹ từ trước, đó là cây mía to, thẳng, đều lóng, không sâu.
Có lần tôi thắc mắc, tại sao quê mình Tết hay cúng mía? Ba bảo, thân mía chắc mà ngọt, cúng mía là cầu mong cho năm mới mọi sự trôi chảy và vững chãi, mía cũng tượng trưng cho sự kết nối âm - dương, giao hòa đất - trời.
Lá mía tượng trưng cho mây, trời. Gốc rễ tượng trưng cho đất đai, nguồn cội. Lóng mía là những nấc thang nối liền âm - dương, trời - đất dẫn đón linh hồn tổ tiên về sum vầy với con cháu trong những ngày Tết.
Qua rằm tháng Chạp, căn bếp mẹ đỏ lửa nhiều hơn
Căn bếp nhà tôi là cái chái nhỏ nối liền với nhà ba gian, ở đó cất đủ mọi thứ, từ đôi quang gánh, cái cuốc, cái xẻng… đi làm đồng của ba mẹ, đến chiếc tổ của con gà mái ấp trứng. Cạnh bếp bao giờ cũng có mấy chiếc giống con treo lủng lẳng, mẹ thường cho đồ ăn lên đấy để mèo khỏi ăn vụng.
Căn bếp dù nhỏ và đơn sơ nhưng có bàn tay mẹ lúc nào cũng gọn gàng, ấm cúng. Những buổi tối tháng Chạp mẹ cời than, ngồi gọt cả rổ gừng bự để sên mứt. Tôi phụ mẹ, vừa sưởi ấm, thi thoảng hơ bàn tay lên than rồi áp lên má cho ấm. Mùi gừng cay nồng phả vào hơi lửa, ấm cả gian bếp.
Trong lúc ba mẹ con gọt gừng thì ba soạn bộ lư đồng trên bàn thờ nội, tranh thủ lau chùi lại cho bóng. Ba cắt miếng da trâu treo trên bếp từ bận trước, cạo rửa sạch bồ hóng, cho vào bếp nướng, chia cho chị em tôi mỗi đứa một miếng.
Da trâu treo bếp, nướng ăn thì ngon thôi rồi! Đó là món ba để dành để Tết tiếp mấy chú bạn nhậu cùng xóm, ba bảo, Tết đến nhà nào cũng thịt heo, cá kho, nhà mình da trâu gác bếp cho khác chút.
Tết đến, nhà tôi bao giờ cũng gói rất nhiều bánh chưng, chị em tôi thích thú ngồi lau những chiếc lá dong phụ ba. Đêm đến chẳng đứa nào chịu đi ngủ, cứ ngồi cạnh bếp nghe tiếng sùng sục phát ra từ nồi bánh.
Em tôi thỏ thẻ “mai là Tết rồi chị nhỉ!”. Chao ôi, cái từ ngày mai ấy sao thường ngày thì nó nhanh mà Tết nó lâu đến thế, thiêng liêng đến thế. Chỉ ngày mai thôi là đã thành cũ - mới.
Nhẩm tính cũng đã bốn cái Tết rồi chưa về với mẹ. Cuộc sống cứ cuốn tôi vào những công việc, bộn bề con dại, vậy nên hai chữ “về quê” sao mà xa ngái quá!
Năm nay vợ chồng con gái bác có về không?
Cũng mấy năm rồi chúng nó không về nhỉ!
Tôi tiếng cô Chiến hàng xóm hỏi mẹ vọng vào điện thoại. Mẹ cười cười trả lời cô Chiến “chúng nó còn con dại”. Tôi hình dung đôi mắt mẹ buồn mong ngóng. Giá mà, tôi có thể về ngay với mẹ!
Quanh tôi, dòng người vẫn tấp nập xuôi ngược, phố nơi tôi sống không thấy khói bếp mỗi sớm mai và chiều về, người ta cũng không chưng cây mía lên bàn thờ tổ tiên, Tết cũng không cần phải sắm sửa tất bật từ đầu tháng, thời buổi công nghệ, chỉ cần lướt Facebook chốt đơn là có người mang đến tận nhà không thiếu thứ gì. Tiện và gọn lắm.
Ấy thế mà tôi lại ước mình bé lại để thoải mái sà vào lòng mẹ, cùng mẹ gọt gừng sên mứt bên bếp lửa đầy than ấm của tháng Chạp xưa cũ.
Chồng tôi nhắn “năm nay anh còn mười ngày phép, được nghỉ dịp Tết, mình về quê nhé!”.
Chỉ có thế thôi mà nước mắt tôi trào chảy. Tôi gọi ngay cho mẹ “mẹ ơi, hai sáu con về!”.
Đi ngoài đường những ngày cuối năm rất khác.
Có người thì hối hả sợ như không đủ thời gian, nhưng có những người lại vô cùng chậm rãi, như sợ một điều gì đó trôi qua đi, như một kẻ vấn vương hoài những chuyện cũ, nửa muốn năm cũ trôi qua, nửa muốn níu lại.
KHÚC BA MƯƠI
(Nguyễn Ngọc Tư)
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực không mà hôm đó cả nhà đều phải làm công chuyện tối mắt tối mũi. Đến nỗi, nhắc tới Tết là thấy chữ “Ba Mươi” chình ình, choán chật cả ký ức.
Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với chuyện của mình. Cánh đàn ông con trai (nói cánh cho ham vậy, chỉ hai người thôi, chứ mấy), cánh này quan trọng, lãnh phần dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà. Nào là quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, tủ bàn, kỳ cọ mấy cái lư đồng, đem phơi nắng. Mệt phờ. Lúc dọn dẹp, bày biện bàn thờ thì mùi chiên xào dưới bếp bay lên, trời, lại phải bỏ ngang công việc đang làm dở, chuẩn bị mâm bàn cúng rước ông bà. Xế chiều rồi, chớ giỡn…
Cúng kiếng xong, cánh đàn ông tiếp tục chuyển sang đánh trận… ngoài sân, còn má vẫn hì hụi trong bếp, vừa trông chừng nồi thịt kho, vừa làm thịt nguội, sau lưng má, củ cải với dưa leo đang chờ tới phiên mình trở thành món… dưa chua. Tết của má dài thăm thẳm, phải kể từ hôm tát đìa bắt cá làm mắm, xẻ khô. Cá còn phơi trên mấy hàng bông bụp má bắt tay vào làm củ kiệu. Hồi chị còn nhỏ, má lãnh luôn phần làm mứt, nướng bánh kẹp, bánh bông lan. Chị lớn, chị giành lấy, nói để chị làm, nên cả ngày ba mươi tụi nhỏ không thấy chị liếc, chị rầy, bởi chị cũng cắm đầu làm mứt, nào là mứt chùm ruột, mứt gừng, không biết ai ăn cho hết mà ôm đồm, vừa ngào chảo mứt dừa vừa chạy ra coi mớ mứt tắc (quất) phơi ngoài sân không biết có kiến bò lên không. Cái dáng chị khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá nhưng vẻ mặt thì tươi rói, ngây ngất. Giống hệt cả nhà, miệng kêu cực mà hớn hở, như thể ngày cuối năm này không có việc gì làm mới là niềm đau khổ lớn.
Tụi con nít cũng bận lắm, chạy đi chạy lại, “lấy dùm ba cây bàn chải”, “chặt dùm má mấy trái dừa”, “ê, coi chừng mấy con ch.ó chạy giỡn làm đổ mớ mứt đang phơi…”, “chạy đi mua cho má mấy bịt muối, cho đầy hũ, nhỏ ơi”. Trên đường chạy đầu này đầu nọ, tụi con nít không quên thò đầu vô tủ vuốt ve mấy bộ đồ mới, ứa nước miếng, trông mau tới chiều để mặc, nên có khi má kêu hai ba lần mới chịu đi làm, bịu xịu càu nhàu trong bụng, không biết ông trời sinh ra ba mươi Tết làm chi, công chuyện quá trời.
Mà, việc nào cũng quan trọng, quan trọng khủng khiếp, không thể để đến ngày mai. Tuyệt nhiên, chẳng ai chần chừ, “để làm sau…”. Cứ như là không còn ngày mai nữa, cả nhà làm cho bằng hết việc, đến xanh mặt, mướt mồ hôi, như ai đó đuổi đằng sau, như làm bây giờ để mai mốt không động tay vào bất cứ việc gì nữa.
Tụi con nít buồn cười, vì cữ kiêng lắm thì chỉ thảnh thơi được ngày mùng Một, bữa sau ba má cũng ra vườn tưới rau, chị nhất định phải rửa chén, giặt đồ, anh đến cơ quan, mọi người trở lại với công việc thường ngày của mình, Ba Mươi cũng đâu có thay đổi được gì mà làm muốn nín thở?
Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.
Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…
nhớ quê cụ ạ
“Tỉnh dậy đã là năm mới. Thấy mình tươi mới, thấy bao nhiêu khó khăn trôi qua hết, thấy mình còn ngon lành, còn sức để đi tiếp…”
- Nguyễn Ngọc Tư
“ÔI NHỚ XUÂN NÀO THUỞ TRỜI YÊN VUI…”
… Chỉ dăm ngày nữa tết Nhâm Dần 2022.
Năm 2020 nhen nhúm Covid-19. 2021 Covid-19, trong và ngoài nước lảo đảo. Ông Tạ cũng vậy, lao đao. Việc giải tỏa nhà dọc đường Cách Mạng Tháng Tám để mở tuyến Metro tạm dừng, để lại những ngổn ngang.
Nhưng đã là một thói quen của gần 70 năm (từ 1954) trên vùng đất mới, trên quê hương mới của bao thế hệ Ông Tạ, từ trung tuần tháng Chạp, những sạp lá dong, khuôn gỗ gói bánh chưng lại thấy xung quanh trường Tân Bình (trước 1975 là Thánh Tâm). Từ sáng sớm, đã thấy dưa hành, kẹo lạc Quế Hương, giò chả Ông Tạ… bày dọc các cung đường, lối ngõ khu Ông Tạ. Gần nửa đêm, hai cửa hàng Tơ Hồng (tiệm ảnh Á Đông cũ), Ngọc Vân… ngay ngã ba Ông Tạ vẫn giăng đèn kết hoa rực rỡ đến gần nửa đêm. Chợ lá dong trước trường Thánh Tâm (nay là Tân Bình) vẫn chong đèn suốt đêm.
Không chỉ vậy, mấy chục “shop” lá dong vỉa hè vẫn ngồn ngộn lá trải dài từ hai bên cầu Ông Tạ ra đến ngã ba. Nửa đêm, trên đường Phạm Văn Hai, tôi về qua, tiệm Hồng Thắm thuở nào, xéo chợ Ông Tạ cũ, với bột sắn, trà Bắc, thuốc lào Ba số 8… vẫn mở đèn bán tết suốt đêm. Như hồi chợ vẫn còn, trước 1989…
Thoáng bùi ngùi một thuở, khi chợ Ông Tạ chưa dời về chợ Phạm Văn Hai hiện nay; khi cầu Ông Tạ chưa bị phá bỏ năm 1999 làm hai cầu mới hai bên mang tên số 2, 3 mà tới giờ, hơn 20 năm rồi nhiều người vẫn chưa thuộc tên cầu…
ÔNG TẠ THUỞ ẤY, TRƯỚC TẾT LÀ MỘT TRỜI VUI
Trước 1975, từ 23 tết, con đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), đoạn từ ngõ Cổng Bom (nay là hẻm chùa Khuông Việt), cổng ấp Hàng Dầu (nay là đường Lưu Nhân Chú) đến ngã ba Ông Tạ đã bị đóng mấy thanh gỗ ngang ngăn xe cộ qua lại; tạo thành một cái chợ ngay trên mặt đường. Nhà lồng chợ Ông Tạ cũ (nay là đường vào trường tiểu học Phạm Văn Hai) không còn sức chứa nổi sức mua bán, hàng hóa tết ê hề của khu Ông Tạ.
Xe cộ qua lại buộc phải đi ngõ Con Mắt (nay là 766 Cách Mạng Tháng Tám), ngõ Cổng Bom (nay là hẻm Chùa Khuông Việt, 202 Phạm Văn Hai)… lúc ấy còn rộng, hai xe cam nhông (camion) qua lại thoải mái, không chật chội, ứ hự như bây giờ.
Các lò giò chả của ông trùm Bệ ở giáo xứ Tân Chí Linh, ông đội Ngân xứ Vinh Sơn đối diện… bên kia cầu Ông Tạ gần nhà tôi, tiếng giã giò thình thịch suốt đêm ngày. Thợ toàn trai tráng trong nhà, cứ hai tay hai chày nện liên tục vào cối; mẻ thịt này quăng ra là mẻ thịt mới ném vào. Gần ngã ba có lò Tuyết Hương cạnh nhà in Minh Tâm, đối diện nhà sách Ngọc Lan cũng một thời lừng lẫy. Chủ tên Thành, bà con gọi là Thành “giò”. Ngay chợ có lò ông Phán “giò”, nằm giữa hẻm vô chợ Gà (264 Phạm Văn Hai) và hẻm Đông Kinh. Hàng chục lò giò chả ngõ Con Mắt tràn hàng ra chợ Ông Tạ ra. Một loạt tiệm giò chả Ông Tạ xưa tới giờ vẫn còn…
Tất cả lò giò chả Ông Tạ chỉ vài bước chân là tới lò heo trong ngõ Cổng Bom, nơi cung cấp thịt heo ra lò còn nóng hôi hổi. Trước và sau 1975, một số lò vẫn còn giã tay.
Bao nhiêu đòn giò lụa, chả quế ra lò trong một cái tết xưa ấy, tôi không rõ. Chỉ biết là hầu như không gia đình khu Ông Tạ nào không mua một vài cây giò ăn tết. Đến 1975, khu Ông Tạ có khoảng 150.000 dân/250.000 dân xã Tân Sơn Hòa; tức khoảng 25.000 gia đình. Không chỉ vậy, giò Ông Tạ còn lên xích lô máy, xích lô đạp, xe máy lẫn xe đạp… chạy sang nhiều chợ khác. Chẳng hạn lò nhà ông trùm Bệ mở cả cửa hàng giò chả Hòa, Nghĩa bên chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3). Nhiều gia đình Bắc ở Bảy Hiền, Bùi Phát, Lăng Cha Cả, Tân Phú, Phú Nhuận, xóm Lách (quận 3)… thì tết dứt khoát phải về Ông Tạ mua giò chả mới gọi là có tết.
Không chỉ giò chả, có những mặt hàng hầu như chỉ làm và bán dịp tết và nhiều gia đình khu Ông Tạ coi là món tết không thể thiếu như kẹo lạc, “thèo lèo cứt chuột”… chẳng hạn thì hàng chục lò cho ra hàng tấn kẹo lạc mỗi ngày. Nghĩa Hòa có một loạt lò kẹo ông Xót, ông bà chánh Chuyên, lò chú Thi, lò chú Xuyên… Đặc biệt là hai lò Hòa Thành, Thủ Đô với hai anh em ông Hòa, ông Thủ làm chủ. Nam Thái có lò Quế Hương cho tới giờ vẫn bọc kẹo vuông vức thành từng ký. Lò Quế Hương gốc trong hẻm bánh mì Nam Thành Phong, gần nhà thờ Nam Thái; miếng kẹo giòn thanh… tới giờ vẫn là mặt hàng kẹo lạc chủ yếu ở Ông Tạ. Lò nào cũng đầy thợ và… trẻ con. Đám trẻ con vừa coi vừa chực ăn mấy rìa kẹo chủ lò dúi cho.
Hàng chục tiệm bánh kẹo, tạp hóa lớn nhỏ dọc đường Thoại Ngọc Hầu, khu ngã ba Ông Tạ như Quang Minh, Tiến Thành, Lan Hương…, không tiệm nào không bày bán kẹo lạc, bánh xu xê, bánh in…
Rồi măng khô, bóng bì, trà B’lao… từ Gia Kiệm, Long Khánh, Bảo Lộc đưa về ngồn ngộn. Rồi bột sắn, miến dong có nhà tự mua hàng tấn sắn dây, củ dong… về ngâm, làm suốt ngày đêm cho kịp chợ tết. Gạo nếp, đậu xanh từ miền Tây đưa lên để nấu xôi, làm bánh chưng… vun đầy các cửa hàng. Xe chở gạo đậu ở ngã ba, thợ vác hàng tấn đi thoăn thoắt hoặc kéo xe kéo, đẩy xe ba gác bỏ mối cho các sạp. Gà vịt trong từng bu (lồng) tre đan chen chật đường vô hẻm Gà…
Bên ngoài khu ngã ba Ông Tạ, cơ man là hàng hoa, chợ hoa, chợ lá dong, quầy dưa hấu trải suốt từ hồ tắm Cộng Hòa đến nhà sách Ngọc Lan, gần đầu đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân). Hàng hoa từ Hóc Môn, Bà Điểm đưa xuống. Hàng củ quả như su hào, súp lơ… từ Hố Nai đưa lên. Xe tải đổ hàng liên tục, vun hàng đống hai bên đường…
Những con hẻm thông từ ngõ Con Mắt, đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) ra Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám)… người qua lại suốt ngày đêm. Học trò đi học qua cũng vui tươi chen lấn - trẻ con nào không thích đông vui; trẻ con Bắc càng vui sướng lắm. Tôi và chúng bạn ngồi học chỉ mong về, ra chợ tết chơi, lượm cong lá dong làm súng, làm gươm. Cha mẹ thấy con vắng là biết chúng đi đâu, làm gì. Đang tối mày tối mặt làm, buôn bán hàng tết không ngơi tay, ngớt miệng nên cũng chẳng buồn gọi về…
Những đêm cuối năm ấy, không biết bao nhiêu nồi bánh chưng sôi sùng sục khắp đường ngang ngõ tắt, hẻm hóc khu Ông Tạ. Nhà nào cũng con đàn cháu đống. Để nhà ăn, biếu hàng xóm, láng giềng và đặc biệt bà con, làng mạc cùng quê Bắc xưa, anh em, họ hàng vốn sống quần tụ quanh đấy, gần đấy – vào Nam nhiều nhà đi gần cả làng, cả họ, cả nhà.
Những chiếc bánh chưng được gói chăm chút. Cả nhà xúm vào làm. Riêng gói bánh, cột bánh thường là chuyện của đàn ông thanh niên khỏe tay để bánh chắc. Trẻ con bu quanh cũng được ông bà, cha mẹ gói cho những chiếc bánh tí hon để chúng có phần tết, khoe chúng bạn, khỏi quẩn chân.
Anh Nguyễn Ninh, một dân Ông Tạ quả quyết: “Bánh chưng Ông Tạ ngon không đâu bằng. Mở chiếc bánh ra: nếp, đậu, thịt thơm phưng phức – đúng hương vị Bắc 54 mang từ quê nhà, không lẫn vào đâu được. Màu lá dong xanh biếc trong những cọng lạt mềm buộc chặt”.
Lạt phải chẻ thật mỏng, ngâm nước, buộc mới chặt tay. Đêm 30, cứ cách vài nhà lại một nồi bánh chưng đầu nhà cuối sân. Chuyện canh nồi bánh thường của nam thanh nữ tú, trải chiếu ngồi, nằm canh; chuyện trò, chọc phá nhau ran như pháo tết. Tình làng nghĩa xóm quyện bay trong khói nồi bánh chưng đêm se lạnh cuối năm, trong tiếng pháo lẻ của trẻ con không biết nhà nào đốt trong xóm…
“Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui”, đông đủ; tứ xứ vùng miền mà như một nhà.
QUÊ HƯƠNG ÔNG TẠ VẪN CÒN ĐÂY, ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG
Đến cuối thập niên 1980, chợ Ông Tạ cũ - nơi khởi phát cả một khu Ông Tạ sầm uất từ năm 1954, bị giải tỏa để chuyển sang chợ Phạm Văn Hai hiện nay.
Chợ đâu lò đó. Lò heo trong ngõ Cổng Bom cũng ngưng hoạt động để dắt díu, tùm húm theo nhau ra chợ Phạm Văn Hai. Trước khi về chợ đầu mối của thành phố, chợ Phạm Văn Hai trở thành chợ heo lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh. Thịt heo từ đây đi nhiều chợ trong thành phố. Tuy nhiên, chợ Phạm Văn Hai không còn lò heo mà chỉ nhận heo giết mổ từ nhiều nơi về phân phối lại.
Từ hai, ba giờ sáng, chợ heo Phạm Văn Hai cách nhà tôi vài chục mét, đối diện rạp hát Đại Lợi (lúc đó vẫn còn) này đã rần rần người mua kẻ bán thịt heo. Từ 23 tết thì một, hai giờ sáng đã náo nhiệt. Ngày 28, 29 tết, ngay sau 0g đã ồn ào cho tới sáng. Ca sĩ Duy Mạnh có lúc ở chung cư xưa là building Đại Lợi, bên kia chợ, than với cô phóng viên Lê Nguyễn Hương Trà: “Mấy giờ sáng đã rần rần, không ngủ được”.
Xe tải chở thịt heo đậu hai bên đường trước chợ cho thợ heo vác heo mảnh từ xe tải xuống, tấp nập và chạy tới chạy lui tấp nập, có khi rất “hỗn”, bất chấp xe qua lại. Có thợ vai vác heo mảnh, tay cầm dao xẻ thịt sắc lẹm nhìn rất sợ. Vừa vác heo họ vừa la hét xe cộ qua lại nhường đường ầm ĩ.
Hà rầm chuyện va chạm với người đi đường. Máu me dính đầy quần áo người ta. Có lần gần tết, từ một vụ va chạm này, dẫn đến cãi cọ, đánh nhau; một thợ heo đã cầm ngay con dao xả thịt đâm chết một khách đi đường.
Thịt heo từ chợ lên các xe máy, hầu hết không biển số, cũ rích, tơi tả. Có xe để nguyên từng tảng thịt nửa con heo vắt qua yên sau, có xe cẩn thận xả sơ mảnh, bỏ vô hai thùng nhôm hay inox sau xe. Thế là các anh tài rú ga chạy bạt mạng cho kịp buổi chợ sớm của các chợ khác.
Chợ Ông Tạ cũ, thật kỳ lạ, nó vẫn hoạt động, tết vẫn sôi động. Tất nhiên các mẹ các chị không thể buôn bán ở khu nhà lồng chợ cũ vì nó đã thành trường tiểu học Phạm Văn Hai. Các cửa hàng dọc đường Thoại Ngọc Hầu cũ lên đến ngã ba Ông Tạ vẫn buôn bán những mặt hàng như ngày nào. Mới đây thôi, trước khi nhà bánh kẹo Tiến Thành giải tỏa cho Metro, bà con xung quanh đã thấy mọc lên hai tiệm Tiến Thành mới: một đối diện tiệm cũ, một trên đường Phạm Văn Hai – đối diện hẻm Gà. Tiệm nào cũng một kiểu bảng hiệu, cũng bánh cốm, trà Bắc, kẹo lạc… như thuở nào…
Ngoài những tiểu thương trong nhà chợ Ông Tạ cũ mua, sang sạp buôn bán tiếp tục ở chợ Phạm Văn Hai, không ít bà con, nhất là hàng rong vẫn tiếp tục “bám trụ” cho tới giờ, với hàng trăm sạp hàng, bạt trải nilông trong hẻm 264, tức hẻm Gà xưa, chạy dài dài vòng ra hẻm Đông Kinh cũ… Không quy mô bằng, nhưng cũng không thiếu thứ gì…
Kẹo lạc Quế Hương từng khối vuông vức, hũ dưa hành, măng khô, trà Bắc, thuốc lào Ba số 8… vẫn thấy bày dọc đường Phạm Văn Hai, từ ngã ba Ông Tạ xuống ngõ Cổng Bom xưa, trên đường Lưu Nhân Chú, Nghĩa Phát và khu Lộc Hưng, Chí Hòa… Dù nhiều người Ông Tạ “muôn năm cũ” đã đi đâu về đâu, hay không còn trên cõi thế gian này, nhưng tất cả đã chọn nơi này định hình cho mình một quê hương…
… Tôi nhớ hồi nhỏ và cả lúc lớn lên, không chỉ tôi, nhiều người Ông Tạ cũng có phần tủi thân không có quê để về dịp tết. Quê Bắc xưa đã xa lắm rồi, có về chắc cũng chỉ để thăm chứ không để ở lại: “Mai đây hòa bình, con tàu chở đoàn người di cư, về thăm quê Bắc thân yêu đã xa lìa cả thời niên thiếu…” (“Hòa bình ơi! Việt Nam ơi” - Trầm Tử Thiêng).
Thế hệ F0, ông bà cha mẹ đến đây khi tuổi 20, 30, 40… sau 1975 cũng có người sau 1975 về thăm quê, giờ hầu hết đã về với Trời, với Đất. Con cháu F1, F2, F3… đa số chỉ nghe quê Bắc xưa qua lời kể, “phai nhạt mấy màu”. Nên dù đi đâu, kể cả ra nước ngoài, quê hương cụ thể của họ hôm nay vẫn là Ông Tạ; “là con diều biếc con thả trên đồng” rau muống ông Nghi ở An Lạc. Một vùng đất mới nay đã thành cũ – để nhớ để thương… Ngay California (Mỹ) cũng có tiệm Bánh Cuốn Ông Tạ, giò chả Ông Tạ đấy thôi…
GIAO THỪA, NĂM HẾT, TẾT ĐẾN
Ầm ĩ, chộn rộn những ngày trước tết, đêm 29 rạng sáng 30 tết, nhiều người Ông Tạ cũng không ngủ. Chợ Ông Tạ càng không ngủ - đêm cuối trước tết còn chợ, sau đó sẽ nghỉ đến mùng ba, mùng bốn tùy năm. Thực tế mùng bảy mới hy vọng chợ hoạt động như cũ. Ấn tượng thuở nhỏ của tôi là chợ búa khu Ông Tạ nghỉ tết khá lâu, mùng sáu vẫn loe hoe ít sạp hàng buôn bán. Phải mùng bảy hạ nêu, chợ mới chính thức vào công việc một năm mới.
Đêm 29 rạng 30 là một chợ Ông Tạ của nhà nghèo, hàng hóa bán rẻ cho xong buổi chợ. Có bà vừa bán vừa mừng tuổi cho khách: dúi thêm ít hàng, ít bánh kẹo “mang về cho cháu ở nhà”. Lò heo cũng vào mẻ thịt ra chợ cuối cùng trong năm. 30 tết và sau đó mấy ngày, chợ nghỉ, lò heo cũng phải nghỉ theo.
Chín, mười giờ sáng 30, hầu như các chợ đã quang hẳn; ai cũng vội về nhà. Trưa 30, xe rác vừa xong những mẻ rác cuối đã xe cứu hỏa của Gia Định trờ tới, phun rửa đường ồ ạt. Nhà nhà cũng dọn dẹp nhà mình lần cuối, mai mùng một sẽ không quét nhà. Chị tôi bảo: “Không được quét nhà mùng một kẻo quét tiền bạc ra khỏi nhà”. Dân Công giáo mà cũng tin như vậy, bảo sao bà con các đạo khác.
23g đêm 30, các nhà thờ xong lễ nửa đêm, các chùa thơm phức mùi hương trầm… Cả Ông Tạ im lặng trong đêm, chỉ còn mùi nhang trầm trên bàn thờ Chúa, bàn thiên ngoài trời. Ông bà, bố mẹ réo con về khi những tiếng pháo lẻ đã lác đác, ngày càng nhiều.
Đang im lặng thênh thang
Chợt vỡ ra náo động
Pháo nổ rung mặt trống
Trời đất chuyển giao thừa
… Có lẽ Ông Tạ là khu vực pháo nổ nhiều nhất Sài Gòn, có khi hơn cả Chợ Lớn. Giàu nghèo gì cũng ít là một phong, thường cả thước. Những nhà cao tầng khu ngã ba có nhà nổ cả chục thước. Đường sá ngập hồng xác pháo, không ai quét dọn. Xe cộ qua lại cuốn tung xác pháo. Người đi lễ nhà thờ, chùa, chúc tết đầu năm, chân đi như reo trên màu hồng pháo…
Nồi bánh chưng đêm giao thừa cũng đã ra lò, đưa lên ép cho ráo nước cúng gia tiên, ông bà. Trẻ con đã xúng xính quần áo mới chuẩn bị theo cha mẹ đi chúc tết ông bà, có thể ở Ông Tạ, có thể ở Bình An, Xóm Mới, Phú Nhuận… Các ông trùm, ông quản vào chúc tết các cha, các dì (soeur) để nhận lì xì, chỉ vài đồng.
Khác với hiện nay, tết khu Ông Tạ thời ấy ít nhà đóng cửa. Đa số mở cửa đón khách với phòng khách trang hoàng ấm cúng, sạch sẽ - như một cách “báo cáo” một năm “ăn nên làm ra” của nhà mình. Cả chủ lẫn khách đều ăn mặc lịch sự, nói năng vui vẻ, từ tốn, lịch sự. Tôi nhớ ba tôi đi chúc tết một vòng xóm, mỗi nhà ít phút, đến trưa mới xong.
Các ông đi chúc tết hàng xóm, bạn bè; các bà đón khách viếng thăm. Trẻ con mon men chờ lì xì. Thanh niên nam nữ thì hồi đó còn nhỏ, tôi không biết họ tếch đi đâu không biết, hay kéo nhau đi xem phim ở Đại Lợi. Tết cuối cùng trước 1975, nếu tôi nhớ không lầm thì mùng một rạp Đại Lợi chiếu phim Thái Lan “Tình cô gái rắn”, nam nữ chen nhau chật rạp. Trẻ con thì cha mẹ cấm cửa không được coi. Mùng hai là phim về 108 vị hảo hớn Lương Sơn Bạc, mùng ba là một phim Mỹ.
Đâu đâu cũng thấy các sòng bầu cua, kể cả trước rạp hát Đại Lợi. Xung quanh, nam phụ lão ấu đủ mặt, đông nhất vẫn là thanh thiếu niên. Thỉnh thoảng cũng có kẻ thua, xót, giựt tiền bỏ chạy. Có lúc một đám thanh niên bên Bảy Hiền mò xuống một sòng bầu ngõ Con Mắt, vơ tiền trên bàn bầu cua. Chẳng may, trong sòng bâu cua ấy có nữ võ sĩ đấm bốc nổi tiếng khu Ông Tạ, tên Tâm. Chị là em anh Tư “dê”, con bà Phúc nhà cạnh đền Phúc Trí linh điện trong ngõ. Chị Tâm xách dao chặt đá tua tủa răng nhọn xông trận. Cả đám giựt tiền bỏ chạy mất dép, cạch mặt hẳn. Có năm, tiền lì xì trong túi bỗng cảm thấy nặng, tôi lén nhà mò ra rạp hát Đại Lợi đặt tiền vào ô bầu cua. Thua sạch, tôi lủi thủi về, bỗng thấy như… hết tết. “Xuân ơi xuân, nếu chẳng vui gì, hãy đừng, đừng tìm đến chi…”.
… Từ 23 tháng Chạp trở đi, dân mình đã gọi là tết: 23 tết. Tết năm nay đâu đâu cũng vất vả cuộc mưu sinh khó khăn vì Covid chứ không chỉ Ông Tạ. Nhưng ngay cả những năm sau 1975, khó khăn đến tận cùng, người Ông Tạ vẫn gói bánh, vẫn nổ pháo rền vang. “Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết”. Thời ấy, thịt thà thiếu thốn, năm bảy nhà, cả chục nhà trong các khu Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Tân Chí Linh… đã mở những đường dây ‘hụi heo” để cuối năm mổ heo chia nhau.
Trong hẻm Gà và cả chợ Phạm Văn Hai, những phần thịt đông vẫn như thuở nào. Chỉ khác là xưa các nhà tự nấu, giờ ra chợ, có người nấu sẵn rồi. Cạnh trụ sở Công an phường 3, có năm, mấy nồi bánh chưng đỏ lửa suốt ngày đêm. Nấu và bán tại chỗ… Nhiều nhà thờ đã ra mẻ bánh chưng thứ hai cả trăm cặp cho bà con nghèo…
Ông Tạ nhìn bên ngoài nhà cửa xây mới nhiều, có vẻ không như xưa - đâu chả vậy chứ riêng gì Ông Tạ. Ngày xưa ấy, tối lửa tắt đèn có nhau; nhà nào có chuyện gì cả xóm biết, cả xóm chung tay. Nhưng nếp nhà, nếp Ông Tạ gần 70 năm dễ gì phai nhạt.
… Những ngày này, từ sáng sớm đến gần nửa đêm, dọc đường Phạm Văn Hai, hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám, dài dài mấy trăm mét hai bên ngã ba, cả một trời xuân, mùa tết Ông Tạ vẫn ê hề lá dong, bánh chưng, dưa hành, kẹo lạc… từ sáng tới tối, tấp nập hơn nhiều chợ khác. Nhiều nhà thờ, nhà chùa trưng bày lộng lẫy, tết lắm. Khuôn viên sân nhà thờ Tân Sa Châu những ngày này, qua cổng như bước vào một làng quê ngày tết.
Như ngày nào ông bà chúng ta, cha mẹ chúng ta mới lần đầu bước chân đến đây, mái tranh - vách ván - nền đất nện, lập “làng Ông Tạ”…
Tác giả : Cù Mai Công
Tết này, nhiều người con Sài Gòn vắng bóng cha mẹ, các cháu không còn được đón tết cùng ông bà. Nhiều cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhiều bạn trẻ đành gác lại những uớc mơ còn dang dở của tuổi đôi mươi, hay chỉ đơn giản là không được ăn cơm tấm, bánh mì và uống cà phê vỉa hè Sài Gòn nữa. Họ từ biệt chúng ta, rời xa Sài Gòn trong trận dịch lần này…
SÀI GÒN 100 NGÀY COVID KHỐC LIỆT:
AI ĐONG ĐƯỢC HẾT NƯỚC MẮT? AI “SAO KÊ” NỔI YÊU THƯƠNG?
TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách với chỉ thị 10 và 15 từ 31-5-2021, rồi 16, rồi 16+, 12 rồi giãn cách nghiêm với hàng vạn bộ đội vào cuộc, tới tối 7-9 hôm nay đúng 100 ngày.
100 ngày, dài hơn cuộc chiến Quảng Trị 1972 khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến tối 7-9 là 13.701 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Riêng số bệnh nhân Covid ở TP.HCM không qua khỏi tới giờ cũng đã hơn 10.000 ca, hơn một sư đoàn, nhiều hơn số tử trận mỗi bên ở Quảng Trị 1972. Có thời điểm, mỗi ngày TP.HCM có 300-400 người ra đi, bằng một tiểu đoàn. Như hồi chiến tranh. Ra đi không một người thân bên cạnh.
Xin không nói về cách chống dịch. Covid quá phức tạp, cả thế giới cũng còn rất nhiều cách nhìn nhận, đánh giá lẫn chọn cách phòng chống nó. Cuộc chiến đang hồi cao điểm, lúng túng lẫn lung tung trong biện pháp, cách làm là có thể hiểu được và xin tạm khoan nói vì đó lại là một chuyện khác, có khi không ai chịu ai, dễ sa lầy và rối lòng người.
Chỉ biết là 100 ngày vừa qua, từ quân – dân, chính quyền, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp lẫn bà con tiểu thương, chị vé số, anh phụ hồ tả tơi với nó. Tuyến đầu – ngành y hơn 200.000 y, bác sĩ, điều dưỡng… của thành phố lẫn các tỉnh bạn hỗ trợ vẫn đang chìm trong núi công việc lẫn nguy cơ phơi nhiễm hàng giây hàng giờ ở TP.HCM. Hàng trăm, hàng ngàn con người các ngành tham gia phòng chống Covid đã phơi nhiễm và có người đã ra đi.
Tối qua 6-9, trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, một người mẹ có con là bác sĩ thảng thốt nói với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: “Ông chủ tịch ơi, sẽ chống đến bao giờ, con tôi đi biền biệt mấy tháng nay?”.
Nghe nhói lòng biết bao nhiêu nỗi lo của một người mẹ trong dịch Covid. Bà chỉ là một trong hàng triệu nỗi lo hôm nay của người Sài Gòn hôm nay về dịch giã, sinh kế… Lo đến thắt ruột thắt gan mỗi ngày. Có khi thật sự là bế tắc kiệt cùng trong các dãy trọ 100 ngày thất nghiệp. Đau đớn khôn cùng khi bao nhiêu người ra đi vội vàng, không thể tin nổi. Mới vài hôm trước còn nói, còn cười, còn lên facebook, còn vẽ tranh, làm thơ, còn bàn chuyện Covid…
Không ngành nghề, phường xã, lãnh vực nào không có người ra đi. Ngay anh em Tuổi Trẻ của tôi cũng có mấy gia đình F0 cả nhà. Có bạn là phóng viên trẻ lặn lội cùng Covid suốt 100 ngày và đêm qua. Hàng vạn bà con nhập cư có lúc “bồng bế nhau chạy trốn” Sài Gòn – nơi họ gởi yêu thương, nơi họ nuôi hy vọng…
Suốt 100 ngày đêm vừa qua, Covid là câu chuyện đầu môi của bất kỳ người Sài Gòn nào. Chỉ hơn một giờ tối 6-9, hơn 800.000 lượt xem và 100.000 lượt bình luận của người đang ở Sài Gòn – đô thị lớn nhất nước đã gởi về chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, gởi cho Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. BBC Tiếng Việt ngay lập tức đã nhận định là lãnh đạo TP.HCM “chịu chơi” – đúng kiểu nói của người Sài Gòn.
Tại buổi đối thoại, cả MC Quyền Linh lẫn Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do khá thẳng thắn chuyển cho ông Mãi nhiều comments hóc búa thật sự: từ “Bao giờ TP.HCM nới lỏng giãn cách, tại sao TP.HCM giãn cách hoài mà vẫn không hết dịch?”, gói an sinh đến sau 15-9, bà con nhập cư có được về quê… Hóc búa đến mức ông Mãi thú thật nhiều người bảo ông cân nhắc có nên trả lời trực tuyến hay không.
Buổi đối thoại cho thấy hàng loạt lo nghĩ về chính sách đến 15-9 và sau đó của cả chính quyền lẫn dân chúng. Lấy việc an sinh xã hội chẳng hạn,ông Mãi cho biết tới giờ này, ngân sách thành phố đã chi gần 4.800 tỉ đồng, nguồn vận động 1.200 tỉ, tổng cộng 6.000 tỉ đồng để hỗ trợ khoảng 4,7 triệu người dân. Ba tháng, mỗi người khó khăn nhận được khoảng 1,2 triệu đồng, mỗi tháng 400.000 đồng rõ ràng không đủ để sống. Nhất là khi thực tế giá cả tăng vọt, hiện vẫn ở mức cao.
TP.HCM đang chuẩn bị tiếp tục những hỗ trợ mới sau hai gói an sinh, cho tất cả mọi người. Có lẽ đã tính toán trước, ngày 18-8, TP.HCM đã làm việc với Thủ tướng cũng như các bộ, ngành để kiến nghị hỗ trợ cho TP.HCM số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo. Số tiền và gạo này dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Chính phủ.
Rất tiếc, chiều 7-9, Bộ Tài chính cho rằng, TPHCM đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng là để hỗ trợ lao động và người nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch COVID-19, đây là chính sách đặc thù nên địa phương tự cân đối ngân sách để hỗ trợ.
Không khó để nhận ra nỗi lo, gánh nặng chồng chất nỗi lo, gánh nặng của TP.HCM sau trả lời này. Tiền đâu để lo tiếp khi Covid còn dài, giãn cách còn nghiêm đến mức không ai không cảm thấy nghẹt thở?
Ngày 6-8, TP.HCM công bố có 2 triệu hộ với 5,3 triệu dân TP.HCM khó khăn sẽ được hỗ trợ 750.000 đồng/người, bình quân mỗi ngày 25.000 đồng/người. Tổng số tiền hỗ trợ 8.000 tỉ đồng.
Và chính lúc này, ông Mãi đã nói về bao nhiêu con người, chương trình thiện nguyện của dân lo cho dân thời gian qua trong cuộc chiến mà ông Mãi phải nói là “khốc liệt” hơn ba tháng qua. Ông nói cụ thể: Mỗi ngày hàng trăm ngàn suất ăn của dân lo cho dân, và cho rằng: “Không có lực lượng này, chính quyền khó mà lo nổi”.
Ông khẳng định: Không thể nào kể hết được, sau dịch sẽ tổng kết, nhưng chắc chắn sẽ không đầy đủ.
Ông Mãi nói đúng. Làm sao có thể thông kê, “sao kê” được lòng dân Sài Gòn lo cho dân Sài Gòn 100 ngày qua. Sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chưa bap giờ tôi thấy dân Sài Gòn mở lòng trải tình như vậy. Không nơi nào không có quầy cơm, gói quà từ thiện; không hẻm hóc nào ở Sài Gòn không có yêu thương, chia sớt.
100 ngày qua, một ngôi chùa nhỏ ở quận 4, các sư thầy và bao con Phật nơi đây đã nấu gần 1,5 triệu suất ăn, cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc và thiết bị điều trị cho bệnh nhân, y bác sĩ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, công nhân môi trường, người nghèo các địa phương… Ngày 25-8, nhà chùa còn trao tặng sáu xe cứu thương, tổng trị giá 7,2 tỉ đồng, cho các bệnh viện: Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Bình Dân, Ung bướu, quận 4 và một xe cứu thương cho tăng ni, phật tử ở thành phố.
100 ngày qua, suốt từ nửa đêm đến tối mịt, mấy chục nữ tu dòng Đaminh Rosa Lima đã tự khuân vác hàng chục, hàng trăm tấn gạo, mì, rau củ quả, sữa… đến nhiều phòng trọ ở TP.HCM. Nhìn các nữ tu “chân yếu tay mềm” mang vác từng bịch gạo, bó rau, thùng sữa… đến bà con mình, tôi thầm nghĩ họ đang lặng lẽ làm theo điều Chúa dạy với đồng bào mình, bất kể lương giáo, ai chẳng là máu thịt Việt Nam: “Ai muốn theo ta thì vác thánh giá theo chân ta”.
Cha xứ Mẫu Tâm (Lăng Cha Cả) và cộng đoàn dân Chúa của mình, 100 ngày qua, cũng gởi đến cho bà con mình bao nhiêu là gạo, là rau, là mì gói và cả gà. Ngày 3-9, nghe nói 32 phòng trọ của những người lao động buôn ve chai, vé số không được một lần cứu trợ ở một chung cư cũ nát 481 Lê Văn Sỹ, ngày 4-9, vị linh mục chánh xứ nơi đây đã lập tức chuyển mì gói ,trứng, rau củ… tới. Ít ra bà con nơi đây cũng thêm được ít ngày yên bụng…
Rồi “cô gái ném dép” có vẻ ngổ ngáo Nguyễn Thùy Dương, nhà có em trai nhiễm Covid, một lần tôi thấy bữa cơm của hai mẹ con chỉ là đậu hủ xào trứng và rau luộc vẫn quần quật cơm nước từ thiện và quà từ tâm. Hơn 40.000 phần cơm cho những người khó khăn, các khu phong tỏa. Đến trước 23-8, cô gái “Dương dịu dàng” đã cùng nhóm bạn mình gởi 150 tấn gạo, hàng ngàn phần quà trao đến bà con khó khăn, vé số, cơ nhỡ…; gần 100 trường ở trọ được hỗ trợ trong chương trình “Ở lại với Sài Gòn”. Sau đó, vỡ trận do người tới xin đông quá phải phát đại trà tiếp; lo thực phẩm bổ sung cho nhiều bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Ngày 22-3, sợ bà con không trụ nổi 7-14 ngày hoặc có thể hơn. Ngày cuối cùng, cô gởi nhiều phần gạo, mỗi phần 25kg, vì biết mỗi gia đình bốn, năm miệng ăn và cá khô, mắm muối, cá hộp, trứng…
Rồi một tổng giám đốc buôn bán xe hơi tánh tình, tôi xin nói thật “rất cà chớn” là Hoa Kim Cương, dịch giã làm ăn “đứng hình”, thua lỗ, vậy mà cũng lò mò đi vác gạo làm từ thiện mấy tháng nay…
Anh trai Thùy Dương vốn là là môn sinh sân võ tôi hơn 20 năm trước. Hoa Kim Cương hồi còn sinh viên đến nhà tôi chơi, học nghề báo khi tôi làm anh Cỏ Cú 30 năm xưa… Hiện giờ họ là ai, như thế nào với xã hội thì đó là chuyện của họ với xã hội, tôi không quan tâm. Chỉ biết là tất cả những gì, bất kỳ những ai lo cho bà con mình lúc khó khăn muôn phần này cần phải được kính trọng.
“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người”
Và họ cũng chỉ là những giọt nước trong biển yêu thương của Sài Gòn 100 ngày qua. Không ai kể hết nổi đâu. Mà có lẽ họ cũng không cần ai kể. Làm sao có thể “sao kê” lòng dân Sài Gòn muôn dặm khi ai cũng muốn làm một giọt nước trong.
23-8, TP.HCM siết chặt giãn cách. Tới giờ 7-9 là hơn nửa tháng. Hầu như ngày nào Sài gòn cũng mưa. Mưa đã buồn, mưa Covid càng thảm. Những nhiều nhóm từ thiện vẫn tiếp tục công việc của mình khi bà con mình nhiều người càng lúc càng thắt ngặt. Giãn cách, không ai không khó khăn nên tôi nghĩ đây là lúc”lá rách dùm lá nát” chứ lá nào ở Sài Gòn hiện nay còn lành nổi.
Kệ, tới đâu hay tới đó. Trưa 5-9, tôi ghé siêu thị mua ít đồ cho nhà. Qua ngã ba Phạm Văn Hai – Nguyễn Thị Thu Minh (Tân Bình) tôi gặp anh L.M.Q. gầy guộc đang ngồi co ro bên vỉa hè, đôi mắt vô hồn trên đường vắng. Anh Q. quê Long Hồ, Vĩnh Long đang ngồi, trước dịch bán vé số, phụ hồ, thuê trọ ở cầu số 1 kênh Nhiêu Lộc, cách nhà tôi khoảng 300m. Giọng anh tuyệt vọng: “Nghỉ vé số hai tháng rồi, về quê không được, túi không còn một đồng. Sáng giờ chưa ăn gì…”. Đồ mua về nhà, tôi sẻ anh một nửa: sữa tươi, mì gói, xúc xích… và ít tiền để anh “lây lất” thêm chục ngày, chờ hết 15-9. Nhận quà, người thanh niên 32 tuổi cúi đầu, ứa nước mắt đàn ông. Ngày 6-9, tài khoản ATM của tôi nhận lương cơ quan, lại đi, gởi quà một anh bảo vệ khu Ông Tạ nửa tháng nay thui thủi một mình “ba tại chỗ” gác công ty vì không có giấy đi đường: “Giờ mì gói cũng không còn”…
Rồi chuyển qua tài khoản cho ba mẹ con thuê trọ ở Gò Vấp kẹt ở Sài Gòn ít quà mua gạo. Rồi chạy giao 20 “Túi thuốc chăm sóc sức khỏe F0” mà anh Nguyễn Phước Lộc, phó Ban Dân vận TW gởi tôi để “anh gởi cho bà con nào F0 giùm em”. Mỗi túi thuốc là một hy vọng của một con người, một gia đình, người thân…
Hôm nay 7-9, chín ngày nữa là 15-9. Chín ngày dài lắm, khi Sài Gòn rõ ràng đã như kiệt sức sau 100 ngày “ai ở nhà nấy”…
Nguồn : Cù Mai Công
Dran là thị trấn huyện lỵ Đơn Dương trước kia. Từ Đơn Dưong có hai hướng lên được thành phố hoa Đà Lạt: hướng đi qua ngã ba Phi Nôm, qua đèo Prenn; hướng qua đèo Dran, qua Cầu Đất - một địa danh rất nổi tiếng, còn cao hơn cả Đà Lạt, nơi nhà thám hiểm - bác sỹ A. Yersin - người khám phá ra Đà Lạt đã từng trồng thử nghiệm cây canh - ky - na để chế biến thuốc trị bệnh sốt rét.
Phóng túng và lãng mạn
Năm 1978, lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt từ hướng Nha Trang. Chiếc Peugeot cũ kỹ dùng để chở khách chạy mệt mỏi từ thung lũng Ninh Sơn thuộc tỉnh Ninh Thuận ì ạch leo đèo Ngọan Mục. Đến thị trấn Đơn Dương xe vượt đèo Dran lên Đà Lạt. Khi ấy hai ngọn đèo Ngoạn Mục và Dran đã cuốn hút tôi. 10 năm sau Đà Lạt trở thành quê hương thứ 2 của tôi và tôi nhận ra đó là những miền cảm hứng bất tận mà thiên nhiên hào phóng tặng cho Cao nguyên Langbian. Và mùa xuân này, Ngoạn Mục và Dran, một lần nữa làm tâm hồn tôi ngất ngây khi được đặt chân lên những thảm cỏ xanh mát lạnh ven đèo, ngắm nhìn những ngọn núi hùng vĩ chìm dần trong chiềc xanh thẫm…
Từ thị trấn Tân Sơn của huyện Ninh Sơn, bạn đã hình dung ra sự “ngoạn mục” của đèo Ngoạn Mục, khi nhìn thấy hai đường ống dẫn nước sáng loáng của Nhà máy thủy điện Đa Nhim như từ trên trời đổ xuống. Đường lên đèo, thỉnh thoảng xe bạn chui dưới hai đường ống dẫn nước thủy điện, lao vào những khu rừng già như có từ ngàn năm. Những khúc cua “chết người” và những độ dốc dựng đứng cho bạn biết thế nào là đèo “Ngoạn Mục”. Nhưng thú vị nhất là sự thay đổi thời tiết, càng lên cao không khí càng dịu mát. Những ngọn gió càng phóng túng và lãng mạn, lồng ngực bạn thoải mái hít thở không khí trong lành, dịu mát của rừng, của núi, của mây. Gần hết đèo Ngọan Mục, một vài cây thông xuất hiện, như báo hiệu cho bạn biết cách đó không xa là Đà Lạt thông reo. Hết đèo Ngoạn Mục là đến thị trấn Đơn Dương, một thị trấn bé nhỏ và hiền dịu đến nhu mì. Những quán cà phê yên tĩnh, cô độc; những vườn cà chua “trái hồng như trái ngực”; những vườn hồng trơ cành vào mùa đông, trĩu quả vào hạ; những vườn rau thơm ngát, xanh rì; những thiếu nữ má hồng như những quả cà chua mới ửng chín, khép nép trong những chiếc áo lạnh hờ hững…
Có nhiều thời gian sống ở thị trấn nhỏ bé này, tôi vẫn chưa hiểu hết về Đơn Dương. Nhưng có thể hình dung nó như là một cô gái dậy thì vào buổi sáng; một nàng tiên nữ thuần khiết và kiêu hãnh khi chiều xuống. Sự thuần khiết và kiêu hãnh đó chinh phục bạn đến cuồng si. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thời kỳ dạy học ở B’lao cũng rất mê Đơn Dưong, Ka Đô- một thị trấn cũng gần với Đơn Dương. Một số bài tình ca của ông đã ra đời ở đây, bên cạnh cây ghi-ta bập bùng làm núi rừng thêm hoang vu.
Thời tiết ở Đơn Dương cũng hết sức lạ lùng, buổi chiều tối và sáng sớm mùa đông thì giá rét, rét chịu không nổi, giống như cái rét Hà Nội mùa đông, nhưng đến trưa lại nồng ấm đến vô cùng, đó là thời tiết đặc trưng của miền thung lũng ở độ cao gần 1.000 mét. Một đêm ở Đơn Dương bên ly rượu, ngắm sao trời trong vắt, buổi sáng tinh mơ bên ly cà phê đen, bạn đủ trầm tĩnh để hiểu về cái thị trấn đặc biệt này, vì sao nó chinh phục được bạn. Dran hút hồn Đèo Dran nối liền Đơn Dưong với Trạm Hành, Trại Mát, Cầu Đất, Xuân Thọ, Xuân Trường, để đến Đà Lạt. Thực chất đèo Dran chỉ dài hơn 10 km, từ thị trấn Đơn Dương đến Cầu Đất - điểm được coi là cao hơn cả Đà Lạt. Từ Cầu Đất, đèo Dran bắt đầu đổ đèo xuôi về Đà Lạt. Đây là vùng đất cũng hết sức đặc biệt, mà A. Yersin gọi là “Langbian nhỏ” trong lần thứ 3 chinh phục Langbian năm 1893. Thời Pháp thuộc, vượt qua đèo Dran là con đường chính để đến Đà Lạt từ hướng Ninh Thuận, sau này người ta khai thông con đường qua Thạnh Mỹ - ngã ba Phi nôm để lên đèo Prenn đến Đà Lạt, làm cho con đường đèo Dran trở nên hoang phế. Nhưng chính sự hoang phế này tạo nên một sức hút khác, sức hút của sự hoang sơ của núi đồi “Langbian nhỏ”. Đèo Dran ngắn nhưng cực kỳ hiểm trở với những khúc cua không tưởng. Những rừng thông bạt ngàn, gìa cỗi như có tự bao giờ chìm lẩn khuất trong mây. Du khách có thể “sờ” được mây, được sương, bởi mây và sương luôn bất chợt hiện ra lúc ở giữa lưng chừng đèo, lúc ở đỉnh đèo, như muốn ôm bạn vào lòng. Cứ mỗi km vượt đèo Dran, bạn như đang đi thẳng vào xứ sở ôn đới, bởi nhiệt độ thay đổi rất nhanh chóng, chẳng bao lâu bạn chìm trong khí hậu lạnh mát của Đà Lạt. Đặc biệt ở Cầu Đất, nếu tiết trời đang xuân, bạn có thể hưởng cái lạnh khỏang 4-5 độ C vào ban đêm hoặc sáng sớm. Đó là cái lạnh trong ngần, hoang dã, tinh khiết trong thoang thỏang hương chè bạt ngàn, xanh rì từ những nông trường chè bất tận. Một ly rượu canh -ky - na làm buổi tối Cầu Đất ấm lại; một ly cà phê đen buổi sáng, làm tan sương đặc quánh bên quán nhỏ ven đồi, bạn mới hiểu rằng vì sao Cầu Đất từng thu hút người Pháp đến vậy. Chính con đường này A. Yersin đã đi trong lần thứ 3 thám hiểm Langbian. Ở đó ông gặp bộ tộc người Lat bên dòng suối xanh biếc. Ông gặp một cảnh quan huyền diệu của “Langbian nhỏ” và chợt nhớ đến câu ngạn ngữ Latin: “Dat Aliis Laetitian Aliis Temperriem” (cho người này niềm vui, cho người khác sự mát dịu). Như một sự tình cờ, 5 chữ đầu tiên của câu ngạn ngữ có 5 từ kia ghép lại thành DALAT !
Đến Cầu Đất, bạn nên biết về cây chè ở đây. Nó mới làm nên thương hiệu trà Lâm Đồng. Những cây chè cổ thụ, có tuổi trăm năm vẫn còn. Những nông trang chè xanh mướt, hình ảnh những người công nhân lặng lẽ hái che trong sương xanh tịch đến vô ưu. Chiều sâu Dran Dọc tuyến du lịch này, bạn có thể tắm mình trong thiên nhiên nếu biết cách tổ chức và thưởng thức nó, bằng những cuộc picnic nho nhỏ vài ba ngày với bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Dọc đèo Ngoạn Mục vô cùng bình yên, bạn có thể hạ trại. Dọc đèo Dran cũng vậy, hoàn toàn yên tĩnh và tinh anh, cái tinh anh của đất trời buổi sáng, buổi chiều và khi màn đêm buông xuống, để bạn không phải bị chi phối bởi bất kỳ điều gì ngoài lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên. Mùa xuân, bạn có thể ngắm hoa đào Cầu Đất, Trạm Hành. Những cây đào cổ có tuổi gần năm, hoa chi chít, màu hồng quí phái, thân đào như có hoa văn của thời gian. Hoa cà phê trắng tinh anh, ngọt ngào khoe sắc bên trong những khu vườn nhà yên tĩnh. Những đóa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ bên đường làm bạn nao lòng. Và còn nữa: những ngôi nhà gỗ trong sương. Hầu hết cư dân ở vùng đất này đều sống trong những ngôi nhà làm bằng gỗ thông nghe như nhựa thông tỏa mùi ấm áp. Tôi thích ngắm những làn khói xanh trong màu lam chiều Cầu Đất, Trạm Hành…
Những làm khói ấy làm cho người lữ khách cô đơn như càng cô độc hơn, nó làm bạn thấy cuộc hành trình ấy thi vị biết chừng nào. Ở đó còn có những người con gái cao nguyên hiền lành nhưng phảng phất vẻ bí ẩn của những đóa dã quỳ cuồng dại, đa tình… Chiều sâu của Dran là bất tận như đỉnh Langbian huyền diệu, như những ngọn gió phóng túng thổi ào ạt, bất tận trên cao nguyên huyền bí, ẩn chứa những điều hư huyền nhưng rất thực. Chiều sâu ấy thúc giục người lữ khách lên đường…
LƯU NHI DŨ
An Đình đọc bài này không hiểu sao con cứ nhớ về Hà Lan ta 25 - 30 năm trước, giờ chỉ còn là hoài niệm, mọi thứ nhạt nhoà.