Chuyện phiếm đầu tư - Cập nhật diễn biến thị trường thường xuyên

2023/03/13 - Đầu tiên - SVB sụp đổ

Sự kiện SVB sụp đổ sẽ không trở thành một con cờ domino. Đó là tin vui. Nhưng nó là một dấu hiệu rất rõ ràng về những rủi ro của hệ thống tài chính, đang chịu ảnh liên tiếp của những chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ. Những nơi yếu hơn sẽ bị chọc thục sớm hơn. Dù vậy, có lẽ FED sẽ không chùn tay, vì SVB không phải là một con cờ domino.

Thị trường đã phản ánh sự diều hâu của FED. Vậy chỉ còn chờ xem, con số công bố thực sự sẽ là: 0.5% hay 0.25%. Nếu là 0.25% thì thị trường sẽ lấy lại một chút từ sự bi quan quá đà vừa qua.

SBV mua vào 3 tỉ USD tính từ đầu năm. Đẩy một lượng tiền đồng tương ứng ra thị trường. Lãi suất huy động đã giảm. Lãi suất cho vay vẫn neo cao. Nhưng cơ hội để giảm sẽ cao dần lên. Nếu SBV có thể nâng thêm dự trữ USD theo thời gian, cơ hội để can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tương lai, khi ảnh hưởng của sự diều hâu của FED tăng lên, là khá vững chắc. Điều này sẽ tạo nhiều dư địa hơn cho một môi trường lãi suất thấp hơn ở Việt Nam.

Thị trường sẽ èo uột hơn. Chờ những chuyển biến trong chính sách của FED.

2023/03/15

Gần cuối ngày 14/03, SBV đã thông báo về việc giảm lãi suất điều hành. Đi ngược với động thái thắt chặt ngày càng mạnh của FED. Điều này đã tạo nên một phiên tăng điểm mạnh của VNINDEX hôm nay.
Nếu tất cả những người cầm hàng đều đang vui, hoặc hú hồn vì xuýt bán cắt lỗ trong phiên ngày 14/03, thì trong số đó, những nhà đầu tư kinh nghiệm và luôn đặt quản trị rủi ro lên hàng đầu, chắc hẳn đang cân nhắc nhiều hơn về những rủi ro tiềm ẩn có thể sẽ bất ngờ nhảy ra và xô đổ tất cả, cũng như cái cách mà SBV lật ngược thế cờ hôm qua.

Tất nhiên ai cũng thấy, hành động của SBV là kết quả của một loạt các đồng thuận từ hệ thống ngân hàng khi tất cả đã giảm lãi suất huy động của mình trong thời gian vưà qua. Sắp tới, chắc chắn sẽ làm các động thái giảm lãi suất cho vay. Môi trường lãi suất thấp sẽ là đất diễn cho các thể loại chứng lái.

Nhưng biên độ lãi suất đang được mở ra. Trần lãi suất không hề bị thu hẹp. Đây là một vết tích của toàn bộ chính sách tiền tệ vừa qua, thứ đang cho thấy, vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn ổn. Cho đến khi vấn đề trái phiếu được giải quyết, nợ xấu được kiểm soát, tỉ giá ổn định một cách vững mạnh, thì môi trường lãi suất thấp được dàn binh bố trận này mới có thể yên ổn được.

2023/03/16 - Tiếp theo - CS sụp đổ

Chính sách tiền tệ thắt chặt đang nả đại bác vào từng định chế tài chính một. Nếu SVB là 1 ngân hàng nhỏ, không có tính domino, thì CS lại là một mối nguy to bự. Có thể kéo cả thế giới vào một cuộc đại suy thoái.

Ngân hàng trung ương thụy sỹ lập tức chấp nhận thỉnh cầu trợ giúp từ CS. Điều này đã làm tâm lý thị trường Mỹ đêm qua dịu bớt cơn khủng hoảng.

Các chuyên gia kinh tế tài chính chứng khoán đã lên news feed tiêu cực, quan ngại đủ các kiểu từ đêm qua. Tâm lý chung lập tức được phản ánh trong sáng nay.

Chính sách tiền tệ là điều đáng theo dõi nhất hiện nay. Nếu không có chuyển biến, khó mà ngăn được những quả đại bác tiếp theo được bắn ra.

2023/03/18 - Hệ thống tài chính bắt đầu rà soát rủi ro - Thắt chặt hơn là tất yếu

Nếu theo dõi thông tin liên quan đến các ngân hàng của Mỹ và Châu Âu sau ngày 16/03, ai cũng có thể thấy, các ông lớn, lẫn ông nhỏ đều đang rà soát lại hệ thống cho vay của mình. Trong bối cảnh vấn đề thanh khoản đang phồng to, và chưa có gì có thể ngăn nó lại. Tình thế gần như là đang vượt tầm kiểm soát. Các gánh nặng đang trầm trọng thêm trên vai các ngân hàng trung ương. Tăng lãi suất sẽ không thể tránh khỏi.

SBV sẽ phải để ý đến vấn đề tỉ giá trong thời gian tới.

2023/03/19 - 2 xu hướng nghịch: Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nới lỏng - Của Mỹ và Châu Âu là thắt chặt.

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao lại đột nhiên có sự nghịch pha này, khi Việt Nam là một nền kinh tế mở khá lớn và tỉ giá là một vấn đề rất quan trọng. Vậy liệu sự nghịch pha này là do một xu hướng chính sách tiền tệ mà SBV dự tính trong khoảng thời gian 6 tháng - 1 năm, hay chỉ là đến đâu tính đến đó.

Một số yếu tố chính cho phép sự lệch pha này xảy ra có thể là: 1. Lạm phát của Việt Nam hoàn toàn có dư địa, cho chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại. Tất nhiên lạm phát của Mỹ và đặc biệt là Châu Âu thì hoàn toàn không. 2. Nguồn ngoại tệ được SBV dự trữ đang tăng lên một cách rất chủ động và đáng kể, tạo ra một khả năng can thiệp bằng nghiệp vụ mua bán ngoại tệ, để giữ ổn định tỉ giá, dù kinh tế thế giới biến động thế nào. 3. Vấn đề của Việt Nam không phải chỉ có BDS mà còn cả nội tại yếu ớt của sản xuất. Rõ ràng, chính phủ hạn chế cho vay BDS, để đẩy dòng vốn sang sản xuất, nhưng lãi suất cao và rủi ro của khu vực sản xuất trong thời kì kinh tế toàn cầu ngấp nghé trước nguy cơ của một cuộc đại suy thoái, khiến ngân hàng không thể cho vay được, tín dụng (động lực duy nhất của mọi tăng trưởng) đang hầu như bị vô hiệu. Hiện tại, khi tỉ giá không còn là một áp lực hằng ngày, thì tất nhiên ưu tiên sẽ dành cho việc hạ lãi suất. Nhưng hạ lãi suất liệu có giải được bài toán: dòng vốn sẽ chảy sang ngành sản xuất hay không, hay lại vào bds và chứng khoán? thì phải chờ xem. Ai cũng hiểu, Trái phiếu, chứng khoán, ngân hàng cần phải được lưu thông lẫn nhau. Và trước hết phải làm cho nó lưu thông trở lại. Rồi muốn làm gì thì làm.

2023/03/20 - Tất cả chỉ là tâm lý - Những biến số tác động

  1. Biến số khủng hoảng thanh khoản của các ngân hàng: SVB; CS; …
  2. Lộ trình tăng lãi suất, chống lạm phát của FED
  3. SBV có thực sự đang bơm tiền không? hay chỉ đang cố gắng cứu chữa vấn đề thanh khoản?
  4. Một số ngành, đang có cổ phiếu vượt đỉnh?
  5. Kết quả kinh doanh quý 1 sẽ tệ đến mức nào, và ám chỉ gì về quý 2?

2023/03/21 - Tất cả chỉ là tâm lý - Đợt rũ bỏ cuối cùng mà tất cả chờ đời đang diễn ra- còn chờ gì?

Có vẻ những gì xảy ra hôm nay, không còn là một điều gì lạ lùng. Thị trường tất yếu phải thế. Tâm lý tất yếu phải được phản ánh như thế. Tâm lý đang kéo tất cả các thể loại tài sản đi vào chỗ tự giảm giá mà cứu thân. Sẽ không cần tiền ngoại nào rút đi cả, không cần tin đồn nào xảy ra cả… chỉ cần những mối nguy đó cứ lơ lững, giá cổ phiếu sẽ tự động chiết khấu mạnh.

Ai cũng biết, GDP không bao giờ tăng lên bằng tiền thật in ra cả, tất cả những phần trăm tăng thêm đều phải xuất phát từ niềm tin. Khi người ta vui, người ta mới tin. Khi người ta tuyệt vọng, người ta nghi ngờ.

Nếu muốn GDP tăng đúng KPI, tín dụng phải được phục hồi.