Chứng sỹ săn tin!

Tổ chức ngoại kín tiếng mua 25% cổ phần STG, Dragon Capital bán ra 2,3 triệu cổ phiếu VPB

## Một doanh nghiệp logistics Singapore chi gần 1.300 tỷ đồng mua thỏa thuận 24,46 triệu cổ phiếu STG; Dragon Capital bán ra 2,3 triệu cổ phiếu VPB; Đầu tư GEX bán hơn 33 triệu cổ phiếu GEX,… là những giao dịch đáng chú ý nhất tuần qua.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Singapore chi gần 1.300 tỷ đồng mua 25% cổ phần Sotrans

PSA Cargo Solution Vietnam Investments Pte.Ltd - một doanh nghiệp ngành logistics có địa chỉ tại Singapore gần đây đã chi gần 1.300 tỷ đồng mua thỏa thuận 24,46 triệu cổ phiếu STG, tương đương 4,9% vốn điều lệ của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans). Như vậy ước tính giá giao dịch bình quân là 52.520 đồng/cổ phiếu.

Giao dịch này đã lọt top cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trên HOSE phiên 19/5. Trước giao dịch PSA Cargo Solution Vietnam Investments Pte.Ltd không sở hữu cổ phiếu STG nào và cũng không có cá nhân/ tổ chức liên quan trực tiếp tới công ty.

Nhiều khả năng, bên bán là CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần - công ty mẹ của Sotrans. Trước đó, Indo Trần đã đăng ký bán 29,48 triệu cổ phiếu STG trong khoảng thời gian từ ngày 19/5 đến ngày 16/6/2023 nhằm giảm sở hữu tại Sotrans xuống còn 67,73 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 68,93% vốn. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trực tiếp hoặc giao dịch thỏa thuận hoặc thông qua chào mua công khai.

Từ ngày 6/4 đến 4/5/2023, Indo Trần đã đăng ký mua gần 3,2 triệu cổ phiếu STG nhưng chỉ mua được gần 2,15 triệu cổ phiếu. Nguyên nhân không mua hết lượng cổ phiếu đăng ký được Indo Trần đưa ra là do các cổ phiếu còn lại của nhiều cổ đông với số lượng nhỏ lẻ và các cổ đông không bán hoặc bán giá cao không phù hợp nên chưa thực hiện mua hết như đã đăng ký.

Dragon Capital bán ra 2,3 triệu cổ phiếu VPB

Ngày 24/5, Dragon Capital đã bán ra tổng cộng 2,3 triệu cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông qua hai quỹ thành viên Norges Bank và Wareham Group Limited. Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu tại VPBank từ hơn 6% xuống 5,9%.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VPB dừng ở 19.400 đồng/cổ phiếu tại thời điểm kết phiên giao dịch ngày 24/5. Ước tính với thị giá này, Dragon Capital thu về khoảng 44,6 tỷ đồng từ giao dịch trên.

Cũng trong tuần qua, Dragon Capital đã thông qua quỹ thành viên CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 300.000 cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền để nâng sở hữu từ 10,97% lên 11,02% vốn điều lệ.

CII muốn bán toàn bộ 31,7 triệu cổ phiếu quỹ

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII) vừa thông qua việc bán toàn bộ hơn 31,7 triệu cổ phiếu quỹ.

Tính tới 31/3/2023, số cổ phiếu quỹ của CII có giá trị 737 tỷ đồng được ghi nhận trên báo cáo tài chính, tương ứng 23.179 đồng/cổ phiếu, cao hơn 33% so với thị giá CII chốt phiên 25/5 (17.300 đồng/cổ phiếu). Tạm tính theo thị giá hiện tại, CII có thể thu về 548 tỷ đồng nếu giao dịch thành công.

Trước đó đầu năm 2022, CII công bố ý định bán hơn 44 triệu cổ phiếu quỹ vì nhu cầu tài chính. Thực tế, công ty đã bán được lần lượt 3,5 triệu cổ phiếu quỹ trong ngày 24/1 - 22/2/2022, thu về 124 tỷ đồng. Sau đó công ty bán tiếp 9 triệu đơn vị từ ngày 22/3 đến 6/4/2022 và nhận về 290 tỷ đồng với mức giá giao dịch bình quân là 32.222 đồng/cổ phiếu.

Tổ chức liên quan lãnh đạo Hoàng Quân thoái hết vốn tại HQC

CTCP Việt Kiến Trúc, tổ chức liên quan ông Lý Quang Minh, thành viên HĐQT độc lập Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC) đã bán toàn bộ 1.458.000 cổ phiếu HQC để giảm sở hữu từ 0,31% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 24/5 đến 25/5.

Ở một diễn biến tương tự, bà Nguyễn Thị Diệu Phương (vợ ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân), Phó chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân cũng đăng ký bán 18.189.834 cổ phiếu để giảm từ 18.189.840 cổ phiếu (3,82% vốn điều lệ) về 6 cổ phiếu (0% vốn điều lệ). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 17/5 đến ngày 11/6/2023.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 25/5/2023, cổ phiếu HQC đang giao dịch vùng 4.590 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 51,2% so với giá trị sổ sách (9.400 đồng/cổ phiếu); thấp hơn 54,1% so với giá mục tiêu tới năm 2024 về mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, nếu tính từ ngày 15/11/2022 đến ngày 25/5/2023, giá cổ phiếu HQC đã tăng 185%, từ 1.610 đồng lên 4.590 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau khi cổ phiếu bật tăng 185% từ đáy, lãnh đạo Địa ốc Hoàng Quân và tổ chức liên quan lập tức bán ra, thay vì tiếp tục nắm giữ cổ phiếu để chờ về mệnh giá như kỳ vọng của Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn.

Đầu tư GEX bán hơn 33 triệu cổ phiếu GEX

Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX thông báo đã hoàn tất bán toàn bộ gần 33,3 triệu cổ phiếu GEX nắm giữ (tương đương 3,91% tổng số cổ phiếu GEX đang lưu hành) để cơ cấu danh mục đầu tư.

Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian 18/5 – 20/5, theo phương thức giao dịch thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Tạm tính theo giá kết phiên 19/5 là 14.150 đồng/cổ phiếu, ước tính Đầu tư GEX thu về khoảng 470 tỷ đồng sau khi thoái toàn bộ vốn khỏi Tập đoàn Gelex.

Trước đó, vào tháng 12/2023, Đầu tư GEX cũng đã bán thành công 80 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 9,39% vốn theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Tại Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX, người đang sở hữu phần vốn chi phối là người trong gia đình của Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex Nguyễn Văn Tuấn. Cá nhân ông Tuấn hiện sở hữu hơn 202 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 23,76% vốn điều lệ của Tập đoàn Gelex.

CEO Bất động sản Phát Đạt bán thành công gần 19 triệu cổ phiếu PDR

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) thông báo ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc công ty đã bán ra thành công 18,7 triệu cổ phiếu PDR. Giao dịch được thực hiện từ ngày 22/5 - 25/5, thông qua phương pháp khớp lệnh.

Sau giao dịch, Tổng giám đốc Phát Đạt đã giảm tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ xuống còn hơn 2,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,37%.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/5, thị giá cổ phiếu PDR dừng ở mức 13.550 đồng/cổ phiếu. Tạm tính với mức giá này, Tổng giám đốc Phát Đạt có thể thu về hơn 250 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2022 vào thời điểm cổ phiếu PDR liên tiếp giảm sàn mất thanh khoản hàng chục phiên, ông Vũ đã đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu PDR nhưng sau đó chỉ mua thành công 18,01 triệu cổ phiếu.

MWG: Hủy hơn 500.000 cổ phiếu quỹ

Sau khi tiêu hủy 502.564 cổ phiếu, số chứng khoán của Thế Giới Di Động giảm xuống còn 1.463.376.716 cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ là 14.633 tỷ đồng…

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) vừa thông báo sẽ giảm vốn điều lệ bằng việc hủy 502.564 cổ phiếu quỹ.

Theo thông báo của Thế Giới Di Động, tổng số lượng chứng khoán đã phát hành là 1.463.879.280 cổ phiếu. Sau khi tiêu hủy 502.564 cổ phiếu, số chứng khoán của Thế Giới Di Động giảm xuống còn 1.463.376.716 cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ là 14.633 tỷ đồng.

Thời gian giảm vốn điều lệ từ ngày 30/5 . Nguồn vốn sử dụng thực hiện giảm vốn điều lệ là “mua bằng nguồn vốn tự có”.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc dành nguồn tiền để mua cổ phiếu quỹ thay vì chi trả cổ tức bằng tiền mặt, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho rằng: “Việc mua cổ phiếu quỹ không nên nhìn nhận là một cách để đỡ giá cổ phiếu.”

Cũng theo ông Tài, bất cứ khi nào điều kiện tài chính cho phép, Thế Giới Di Động sẽ mua cổ phiếu quỹ với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông. Ngay cả khi mức giá của cổ phiếu MWG tăng thì công ty vẫn sẽ mua cổ phiếu quỹ, ông Tài nhấn mạnh.

Về kết quả kinh doanh, Thế Giới Di Động đã có một kỳ kinh doanh ảm đạm, lợi nhuận thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết.

Cụ thể, trong quý 1/2023, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động đạt hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 28% so cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của công ty giảm 36%, còn 5.214 tỷ đồng. Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 19% nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn giảm gần 99%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh theo chuỗi, trong quý 1/2023, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận lỗ thêm 353,7 tỷ đồng, lũy kế lỗ 7.748,7 tỷ đồng; chuỗi ở Campuchia lỗ 89,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế 693,8 tỷ đồng; chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ 74,3 tỷ đồng, lũy kế lỗ 392,9 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Thế giới Di động đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022 (giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý 3/2023).

Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Thế giới Di động chỉ mới hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trên thị trường chứng khoán,kêt phiên ngày 26/5 giá cổ phiếu MWG đang dừng ở mức 38.200. Kể từ cuối năm 2022, giá cổ phiếu MWG luôn tục tụt dốc không phanh. So với hồi đạt đỉnh tháng 4/2022, cổ phiếu này đã giảm hơn 76%.

Ngược bão, doanh thu TNG duy trì đà tăng 4 tháng liên tiếp

Trong bối cảnh xuất khẩu vẫn khó khăn, ngành dệt may chưa hồi phục, doanh thu tiêu thụ tháng 5/2023 của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vẫn duy trì đà tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 668 tỷ đồng.

Doanh thu tiêu thụ tháng 5/2023 của TNG

(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: TNG

Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu TNG đạt 2,630 tỷ đồng, tăng 159 tỷ đồng, tương ứng tăng 6.5% so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu vẫn giữ vai trò chủ đạo chiếm tới 98% tổng doanh thu. Trong đó, Mỹ và Pháp là hai thị trường lớn nhất, lần lượt chiếm 47% và 16% thị phần.

Cơ cấu doanh thu tiêu thụ của TNG

Nguồn: TNG

Xu thế tổng cầu dệt may 2023 tiếp tục suy giảm so với năm 2022 được hầu hết tổ chức dự báo lớn của thế giới thống nhất cao. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp dệt may đang trong tình trạng thiếu đơn hàng, nhà máy hoạt động dưới công suất, khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đi xuống trong các tháng đầu năm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 9.5 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ, riêng tháng 4 giảm gần 24%. Điều này phần nào được phản ánh rõ nét trên kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023 của nhóm ngành gắn liền với những sợi vải.

* Dệt may “ăn đong” đơn hàng

Riêng Đầu tư và Thương mại TNG lại đón kết quả khá khả quan với lãi ròng tăng 14% so với cùng kỳ, lên gần 44 tỷ đồng trong quý 1/2023. Theo giải trình của TNG, bên cạnh sự cải thiện của mảng cốt lõi, Công ty còn ghi nhận thêm khoản lợi nhuận 3.3 tỷ đồng từ công ty con TNG Land.

​Ở diễn biến khác, gần đây, Cục thuế tỉnh Thái Nguyên vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với TNG. Theo đó, tổng số tiền thu hồi hoàn thuế GTGT, tiền phạt khai sai, tiền chậm nộp mà TNG phải nộp gần 151 triệu đồng.

https://fili.vn/2023/06/nguoc-bao-doanh-thu-tng-duy-tri-da-tang-4-thang-lien-tiep-737-1075747.htm

Hà Nội có thêm dự án nhà ở xã hội nghìn tỷ

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4, 6, 8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Dự án có quy mô sử dụng đất của công trình khoảng 4.516 m2, thuộc ô quy hoạch F1/HH6 theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6499 ngày 27/11/2015 để xây dựng công trình nhà ở xã hội cao tầng. Mật độ xây dựng khối đế khoảng 66%, khối tháp khoảng 60%, chiều cao khoảng 31 tầng với quy mô dân số tối đa khoảng 1.154 người.

Hà Nội có thêm dự án nhà ở xã hội nghìn tỷ - Ảnh 1.
Phối cảnh nhà ở xã hội 4-6-8 Vĩnh Hưng. Nguồn ảnh: Internet.

Công ty Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình là hai đơn vị thực hiện dự án. Dự kiến tổng số vốn đầu tư khoảng 1.183,4 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của nhà đầu tư khoảng 256,7 tỷ đồng, chiếm 21,69% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác, chiếm 78,31% tổng vốn đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ quý II/2023 đến quý IV/2025.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng nội dung, tiến độ dự án và quy hoạch đã được phê duyệt, đúng nội dung Giấy phép xây dựng được cấp, đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng.

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt, xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kể từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4 năm nay, tại Hà Nội đã có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 4.168 căn hộ.

Ngoài ra, Hà Nội hiện có 40 dựa án nhà ở xã hội đang triển khai. Cụ thể, 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 869.000m2 sàn với 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,6 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.

Thị trường lao động quá ‘nóng’ có thể buộc Fed nâng lãi suất vào cuối mùa Hè

Ngân hàng trung ương Mỹ dự định sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong tháng 6, nhưng sau đó sẽ tiếp tục động thái này trong khoảng thời gian tiếp theo.

Fed chịu sức ép phải nâng lãi suất nếu ngừng nâng một đợt trong tháng 6 (Ảnh: Bankrate) Sức ép nâng lãi suất

Hoạt động tuyển dụng sôi động trên khắp nền kinh tế Mỹ đã gây thêm sức ép cho Fed, có thể khiến ngân hàng trung ương Mỹ phải tăng lãi suất vào cuối mùa Hè năm nay nếu như họ tạm ngừng một đợt nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách tổ chức vào tháng này.

Trong tháng 5, tăng trưởng việc làm lại bùng nổ với gần 340.000 việc làm mới được tạo ra trong nhiều ngành nghề và khu vực, theo dữ liệu được công bố vào cuối tuần trước. Kết quả này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì đà tăng mạnh, và làm Fed cảm thấy rằng việc kiềm chế lạm phát vẫn chưa đủ so với mức cần thiết.

Báo cáo việc làm được đưa ra trong lúc giới chức Fed vẫn đang tranh luận về động thái mà họ sẽ đưa ra trong cuộc họp chính sách sắp tới, trong đó một vài quan chức hàng đầu ủng hộ việc ngừng một đợt nâng lãi suất, trong khi vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất sau đó.

Theo họ, việc này sẽ cho phép Fed có thêm thời gian để đánh giá tác động của các đợt tăng lãi suất trước đây và cả hiệu ứng của cuộc khủng hoảng từng khiến Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank sụp đổ trong tháng 3. Philip Jeferson, người được lựa chọn là Phó Chủ tịch Fed tới đây, là vị quan chức cấp cao gần đây nhất đưa ra lập luận này.

Các quan chức khác, bao gồm một số thành viên có quyền biểu quyết của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC), tỏ ra kiên quyết hơn trong việc cần thiết phải lập tức tăng lãi suất thêm lần nữa, chỉ ra những tiến triển đáng thất vọng trong việc giảm sức ép về giá cả.

“Theo tôi, họ đang tiến vào một giai đoạn chính sách khi chúng ta không thể đưa ra giả định về hành động của họ trong mỗi cuộc họp”, Brian Sack, từng là người đứng đầu nhóm thị trường tại Fed New York, cho hay.

Ông Sack cho rằng tỷ lệ khả năng hiện tại hơi nghiêng về việc tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới và việc tăng lãi suất trong tháng 7 là “rất có thể xảy ra” nếu Fed quyết định không tăng lãi suất trong tháng này.

Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5-5,25%. Đây là mức cao nhất trong hơn 15 năm qua.

Thị trường Mỹ đang có dấu hiệu giảm nhiệt (Ảnh: HR Asia) Thị trường lao động hạ nhiệt?

Việc cho phép Fed áp dụng hướng tiếp cận thận trọng hơn và bỏ qua việc tăng lãi suất trong tháng này mang lại sự đảm bảo nhất định, đồng thời cũng là tín hiệu cho thấy thị trường lao động - mặc dù vẫn tăng trưởng - đang bắt đầu trở nên đầy biến động. Hoạt động tuyển dụng vẫn diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng thêm 0,3% lên mức 3,7%, là mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Đà tăng lương cũng chững lại, hạ xuống mức tăng 4,3% hàng năm, sau khi tăng 0,3% hàng tháng. Trong khi đó, số giờ làm việc trung bình đối với tất cả người lao động cũng giảm, điều này cho thấy các công ty có thể đang bắt đầu cắt giảm nhân viên.

“FOMC sẽ cần phải tìm hiểu sâu hơn đôi chút nếu như họ muốn tìm thấy tín hiệu thị trường lao động đang hạ nhiệt, nhưng tôi nghĩ rằng những dấu hiệu đó đã xuất hiện rồi”, Blerina Uruci, Kinh tế trưởng đến từ T Rowe Price, cho hay.

Bà Uruci kỳ vọng rằng khả năng Fed nâng lãi suất trong tháng 7 tới đã tăng lên. Các nhà kinh tế học tại Morgan Stanley cũng cho rằng báo cáo lao động của Mỹ “làm tăng rủi ro” một đợt nâng lãi suất trong khoảng thời gian 2 tháng sau khi Fed ngừng nâng trong tháng 6. Các nhà đầu tư hiện cũng đang thiên về khả năng Fed bỏ qua đợt nâng lãi suất trong tháng 6 và sẽ nâng 0,25 điểm trong tháng 7.

Nhiều nhà kinh tế học kỳ vọng Fed sẽ đánh tín hiệu tiếp tục thắt chặt chính sách bằng cách nâng ước tính trung bình về lãi suất trong năm nay lên ít nhất 0,25 điểm trong cái gọi là “biểu đồ dot plot”, biểu đồ chuyên theo dõi dự báo cá nhân của các quan chức về chính sách trong tương lai.

Trong tháng 3, khi các con số ước tính được tổng hợp lần cuối cùng, hầu hết các quan chức tin rằng lãi suất tham chiếu của Mỹ đạt đỉnh trong khoảng 5%-5,25%, mức hiện tại. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng sự việc nhiều ngân hàng sụp đổ trước khi cuộc họp diễn ra đã dập tan những kỳ vọng về động thái của Fed. Thế nhưng, vẫn có 7 nhà hoạch định chính sách ước tính rằng lãi suất sẽ cần phải vượt qua mức nêu trên tại thời điểm đó.

“Điều khiến cho tình hình chính sách hiện tại khó khăn hơn là Fed muốn phản ứng trước động lực của nền kinh tế, nhưng họ có thể lo ngại rằng các vấn đề trong hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế theo thời gian”, ông Sack nhận định./.

Theo Financial Times

Dùng 46 tài khoản thao túng cổ phiếu, một cá nhân bị phạt 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch 2 năm

Nữ nhà đầu tư đã đã sử dụng 46 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 45 tài khoản của 34 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán APG nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân là bà Lê Thị Hải Bình. Cụ thể, bà Lê Thị Hải Bình bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng do có hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán.

Văn bản của UBCKNN ghi rõ, trong khoảng thời gian từ ngày 22/8/2018 đến ngày 15/6/2021, bà Lê Thị Hải Bình đã sử dụng 46 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 45 tài khoản của 34 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã chứng khoán: APG) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu APG.

Kết quả kiểm tra, kết quả tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của bà Lê Thị Hải Bình cho thấy không có khoản thu trái pháp luật.

Đồng thời, UBCKNN cũng ban hành Quyết về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Lê Thị Hải Bình. Thứ nhất, cá nhân này bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 02 năm, kể từ ngày 01/6/2023. Thứ hai, bà Bình còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 02 năm, kể từ ngày 01/6/2023.

Về cổ phiếu APG, giai đoạn bà Bình thao túng giá cổ phiếu, thị giá tăng từ mức 2.810 đồng/cp lên ngưỡng 6.670 đồng/cp, tăng gấp 2,4 lần. Giá APG sau đó còn lập đỉnh 20.700 đồng/cp hồi đầu năm 2022 trước khi quay đầu giảm sâu, hiện chốt phiên 5/6/2023 còn 7.700 đồng/cp.

Về tình hình kinh doanh, Chứng khoán APG ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 50 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua, giảm 57% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 42 tỷ đồng,giảm 46% so với cùng kỳ.

Him Lam Land bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN)

## CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam (Him Lam Land) vừa có báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN - sàn HOSE).
Him Lam Land bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN)

Him Lam Land bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN)

Theo báo cáo, Him Lam Land đã mua thành công 2.557.245 cổ phiếu SGN, nâng tỷ lệ sở hữu tại SGN từ 0% lên 7,6% và trở thành cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn từ ngày 1/6/2023.

Trên thị trường, ngày 1/6/2023, cổ phiếu SGN có thị giá 74.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính, Him Lam Land phải chi hơn 189 tỷ đồng cho thương vụ trở thành cổ đông lớn tại SGN.

Đáng chú ý, tại ngày 1/6/2023, thậm chí là cả trong tháng 5, cổ phiếu SGN không ghi nhận bất kỳ giao dịch khớp lệnh hay thỏa thuận lớn nào. Có thể Him Lam Land đã nhận chuyển nhượng cổ phần mà không thông qua giao dịch trên sàn. Bên chuyển nhượng vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo danh sách cổ đông lớn của SGN, số lượng cổ phiếu SGN mà Him Lam Land mua vào đúng bằng số lượng mà CTCP Đầu tư Khai thác Cảng đang sở hữu.

SGN được thành lập từ năm 2004 và cổ phần hóa vào năm 2014 với 2 mảng hoạt động chính: dịch vụ hàng không và dịch vụ phi hàng không. Đây là những ngành nghề có điều kiện nên đối thủ cạnh tranh không nhiều. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh với các khách hàng lớn là VietJet, Asiana Airlines, Emirates Airlines, Qatar Airways, Turkish Airlines.

Dịch vụ hàng không chiếm 95% doanh thu của SGN, bao gồm các dịch vụ chính: phục vụ hành khách (làm thủ tục, quầy soát vé…), sân đỗ (làm vệ sinh, cung cấp nước sạch…), hành lý, cân bằng trọng tải, phục vụ khách thương gia…, kéo đẩy, quầy thủ tục, xe chở khách. Dịch vụ phi hàng không bao gồm sữa chửa, bảo dưỡng, đào tạo, cho thuê trang thiết bị.

Công ty hiện nằm trong mạng lưới thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV, tỷ lệ sở hữu hiện 48,1% vốn).

Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 35% và 46% so với thực hiện năm 2022.

Kết thúc quý I/2023, Công ty đạt doanh thu 329 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 55 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch của năm 2023 đề ra, SGN đã hoàn thành được 25,7% mục tiêu về doanh thu và thực hiện được 27,4% mục tiêu lợi nhuận năm.

Sở dĩ có kết quả kinh doanh tốt trong ba tháng đầu năm vừa qua, SGN cho biết tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới những tháng đầu năm tiếp tục được kiểm soát tốt, giúp sản lượng khai thác của các hãng hàng không, đặc biệt là các chuyến bay quốc nội, tăng cao trong tháng 1, đầu tháng 2, sau đó giảm dần và ổn định.

Cuối năm 2020, Him Lam Land cũng đã bất ngờ chi hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu hơn 21% vốn điều lệ của DIC Corp (DIG). Tưởng chừng đây là thương vụ hợp tác chiến lược giữa 2 doanh nghiệp địa ốc để phát triển các dự án mà DIC Corp đang sở hữu tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, sau đó khi cổ phiếu DIG tăng mạnh, Him Lam Land đã lần lượt thoái vốn khỏi DIG từ cuối tháng 8/2021 đến tháng 5/2022 và kiếm được khoản lợi nhuận khủng.

1 Likes

Quỹ tỷ USD của Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu, tiền mặt tăng thêm hơn nghìn tỷ đồng chỉ sau 2 tuần

Lượng tiền sẵn sàng chờ giải ngân của VEIL đạt hơn 1.500 tỷ đồng tại ngày 1/6, mức cao nhất trong gần 3 tháng.

Cập nhật hoạt động đến hết 1/6, tỷ trọng tiền mặt của quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý – Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) tăng lên 3,85%. Với quy mô tài sản lên tới gần 1,7 tỷ USD, giá trị tiền mặt trong danh mục đạt 65,4 triệu USD, tương ứng hơn 1.500 tỷ đồng. Đây là lượng tiền mặt lớn nhất mà VEIL nắm giữ trong gần 3 tháng qua (kể từ ngày 9/3).

Đáng chú ý, sau khi đẩy tỷ trọng tiền xuống dưới mức 1% vào ngày 18/5, quỹ đã bắt đầu có động thái bán bớt cổ phiếu. Nhờ đó, lượng tiền mặt nắm giữ tăng thêm 49 triệu USD (~1.150 tỷ đồng) chỉ sau 2 tuần.

Tại ngày 1/6, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/share) VEIL đạt 8,27 USD, tăng 1,1% so với tuần trước. Thành quả đầu tư tạm tính từ đầu năm đến thời điểm 1/6 của VEIL nâng lên mức 5,35%, song vẫn kém hơn VN-Index khi ghi nhận mức tăng 8,31% (tính theo USD).

Về danh mục top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL, cổ phiếu VPB vượt ACB trở thành cái tên đứng đầu danh sách với tỷ trọng lần lượt 13,19% và 13%. Theo sau vẫn là những cái tên quen thuộc là VCB (tỷ trọng 6,97%); HPG (6,44%); VHM (5,36%),…

Thời gian gần đây, không chỉ VEIL mà nhiều quỹ thành viên của Dragon Capital cũng có động thái bán ròng mạnh tay trong nhịp hồi của VN-Index. Cụ thể, vào phiên 25/5, các quỹ thành viên do do Dragon Capital quản lý đã bán 1,75 triệu cổ phiếu của Hoa Sen Group (mã HSG). Trong đó, Amersham Industries Limited bán 250.000 cổ phiếu; VEIL bán 500 nghìn cổ phiếu và Wareham Group Limited bán 1 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, nhóm quỹ đã giảm sở hữu xuống còn 4,8% và không còn là cổ đông lớn của từ ngày 29/5.

Sau đó 1 ngày, nhóm quỹ Dragon Capital thông báo đã bán ra 1,75 triệu cổ phiếu của Đất Xanh Group (mã DXG) vào ngày 26/5. Trong đó, Amersham Industries Limited bán 1 triệu cổ phiếu; Grinling International Limited bán 500 nghìn cổ phiếu; và Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) bán 250 nghìn cổ phiếu.

Cùng ngày, nhóm quỹ ngoại tiếp tục bán ra 1,21 triệu cổ phiếu của một doanh nghiệp bất động sản là Nhà Khang Điền (mã KDH), trong đó, VEIL bán ra 500 nghìn cổ phiếu,…

Nhận định về thị trường, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán bị chi phối bởi hai yếu tố là chính sách tiền tệ và tăng trưởng lợi nhuận. Chính sách tiền tệ đang đi theo xu hướng tốt, nhưng chưa đủ nới lỏng để chứng khoán tăng trưởng trong khi tăng trưởng lợi nhuận vẫn rất khó khăn, dự báo khoảng 5% năm 2023.

Về chiến lược đầu tư trong thời điểm này, ông Lê Anh Tuấn cho rằng nhà đầu tư nên cân bằng vị thế, có nghĩa không rời bỏ thị trường và nhưng cũng không nên mua đuổi. Chuyên gia cho rằng năm 2023 không nên kỳ vọng những đợt tăng quá mạnh của thị trường. Năm nay là năm tích luỹ, tận dụng cơ hội để mua tích luỹ cổ phiếu.

“Năm nay nhà đầu tư không nên kỳ vọng 30-50% lợi nhuận, những người đạt được mức này phải nói là thiên tài. Tuy nhiên, trong năm 2023, nếu thấy thị trường giảm mà các bạn sợ hãy nhắm mắt lại và mua. Đây là thời điểm tốt để chúng ta tích luỹ cho pha tăng trưởng mạnh trong năm 2024” , Giám đốc Dragon Capital cho biết.

Trong một báo cáo gần đây, Dragon Capital tin rằng quý 1/2023 đã đánh dấu mức tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất năm do mức nền cao từ sự hồi phục mạnh mẽ trong quý 1/2022.

Với chi phí tài chính giảm, mức tăng trưởng dự kiến có thể được cải thiện trong quý 2/2023 và sẽ đạt được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 so với mức cơ sở thấp trong nửa cuối 2022. Nhóm phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 không thay đổi ở mức ~5-7%.

1 Likes

Doanh nghiệp của Chủ tịch Hoàng Quân (HQC) đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội 3.305 tỷ đồng tại Hải Phòng

Liên danh CTCP Tập đoàn Tasmania & Partner, CTCP Đầu tư Thành phố Vàng là 1 trong số 4 nhà đầu tư muốn tham gia Dự án nhà ở xã hội tại phường Đông Hải 2.

Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hải Phòng vừa công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư Xây dựng Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Hải 2, quận Hải An thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP Hải Phòng (dự án Khu nhà ở xã hội Đông Hải 2).

Dự án có diện tích 22,5 ha, bao gồm các sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, trong đó khu nhà ở xã hội được xây dựng trên khu đất 6,86 ha, diện tích xây dựng 3,09 ha, diện tích sàn khoảng 27,8 ha, gồm 13 tòa chung cư 9 tầng, tương đương 2.347 căn hộ.

Khu nhà ở thương mại có diện tích đất 1,7ha trong đó khu nhà ở liên kế chiếm gần 1,3 ha (diện tích xây dựng 1,02 ha, diện tích sàn 5,1ha) gồm 117 căn nhà cao 5 tầng; một tòa chung cư cao 10 tầng khoảng 138 căn được xây dựng trên diện tích 0,3 ha với diện tích sàn 3,3 ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.305 tỷ đồng, trong đó sơ bộ chi phí thực hiện là 3.268 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 37 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị TP Hải Phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và giải quyết nhu cầu về chỗ ở đô thị cho khoảng 12.000 người.

Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, 4 nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án phường Đông Hải 2, bao gồm liên danh CTCP Tổng Công ty MBLand, CTCP Phát triển Bất động sản MBHomes, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2, CTCP Xây dựng – Thương mại Xuân Trường; Liên danh CTCP MBLand Đà Nẵng, Công ty TNHH Thăng Long, CTCP Đầu tư Trung tâm Thương mại Vinh; Liên danh Công ty TNHH Tùng Dương, CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đô thị Tân Thái Bình Dương và cuối cùng là liên danh CTCP Tập đoàn Tasmania & Partner, CTCP Đầu tư Thành phố Vàng.

Được biết, Thành phố Vàng hiện là chủ đầu tư Dự án Golden City quy mô 3,35 ha, vốn đầu tư 1.776,6 tỷ đồng. CTCP Đầu tư Thành phố Vàng thành lập ngày 6/2020 với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất sở hữu 50% cổ phần là ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân (HQC).

Doanh nghiệp của Chủ tịch Hoàng Quân (HQC) đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội 3.305 tỷ đồng tại Hải Phòng
Nguồn: HQC

Đáng chú ý, hồi tháng 5/2023, HQC đã thông qua phương án chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp để huy động 1.000 tỷ đồng mua cổ phần của CTCP Đầu tư Thành phố Vàng. Mục đích là bổ sung vốn cho Dự án Chung cư Nhà ở xã hội Thành phố Vàng.

1 Likes

NVL: Novagroup đính chính giao dịch, sở hữu tại Novaland của “nhà” ông Bùi Thành Nhơn trở lại ngưỡng 51%

Theo Điều lệ của Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL), 51% vốn điều lệ là mốc sở hữu để cá nhân/ nhóm nhà đầu tư nắm quyền chi phối tại tập đoàn.

NVL đính chính giao dịch của Novagroup

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (HoSE: NVL) vừa có thông báo đính chính giao dịch của CTCP Novagroup. Cụ thể, từ ngày 10/5 đến 8/6, Novagroup đã bán 14,4 triệu cổ phiếu NVL. Theo thông tin ban đầu, lượng cổ phiếu Novagroup sở hữu sau giao dịch là 484,7 đơn vị, tương ứng 24,8 vốn điều lệ Novaland.

Theo đó, tổng tỷ lệ sở hữu của “nhóm” Chủ tịch Bùi Thành Nhơn tại NVL giảm xuống dưới ngưỡng 51%, mốc quan trọng để đạt được nhiều quyết sách trong hoạt động của Novaland.

Cụ thể, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn, đang nắm hơn 96,7 triệu cổ phiếu NVL, tương ứng chiếm 4,96% vốn; bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Nhơn sở hữu 2,6%; ông Bùi Cao Nhật Quân và bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh, con của ông Nhơn nắm giữ lần lượt 78,24 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4%) và 21,64 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,11%). 2 tổ chức liên quan là Novagroup và Diamond Properties lần lượt sở hữu 27,8% và 10,1% vốn NVL.

Tỷ lệ sở hữu của “nhóm” Chủ tịch Bùi Thành Nhơn tại NVL (trước đính chính)

Tuy nhiên, theo bản đính chính, lượng cổ phiếu NVL mà Novagroup sở hữu trước giao dịch là 555,1 triệu, tỷ lệ 28,46%. Sau khi bán 14,4 triệu cổ phiếu NVL, Novagroup hạ sở hữu tại đây về mức 28,43% vốn.

Với sự thay đổi này, sở hữu của gia đình ông Bùi Thành Nhơn tại doanh nghiệp nhà đã quay trở lại ngưỡng 51,1 % vốn. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình tỷ phú Bùi Thành Nhơn và tổ chức có liên quan vẫn đang nắm quyền chi phối tại NVL.

Nguồn: Một công ty "họ" IDICO tiến hành mua lại lô trái phiếu 150 tỷ đồng

1 Likes

Dragon Capital: Hàng trăm triệu USD tiền gửi ngân hàng sẽ đáo hạn nửa cuối năm 2023, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội tích luỹ cổ phiếu

Theo Dragon Capital, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác khi mà trong nửa cuối năm 2023 sẽ có hàng trăm triệu USD tiền gửi ngân hàng đáo hạn.

Chỉ số VN-Index đã tăng 2,5% trong tháng 5 sau thông tin Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản. Mặc dù khối ngoại bán ròng 131 triệu USD, tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân vẫn tích cực, họ tin rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi. Điều này đã giúp gia tăng khối lượng giao dịch bình quân phiên lên 591 triệu USD, tăng 10,6% so với tháng trước.

Thị trường có thể phục hồi trong quý 3?

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách vĩ mô, báo cáo Dragon Capital nhận thấy giai đoạn phục hồi đang bắt đầu với 4/5 tiêu chí chuyển biến tích cực là lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản cải thiện và giải pháp cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn. Tiêu chí duy nhất còn lại là sự cải thiện về mặt tăng trưởng lợi nhuận.

Mặc dù vẫn tăng trưởng lợi nhuận vẫn chưa rõ ràng, nhưng Dragon Capital dự báo lợi nhuận của 80 doanh nghiệp hàng đầu đã chạm đáy trong quý 4/2022 và tăng trưởng dương sẽ bắt đầu quay trở lại trong nửa cuối năm 2023, với khả năng phục hồi vào năm 2024.

Theo Dragon Capital, các vấn đề bất động sản vẫn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và tổ công tác đặc biệt được thành lập để hỗ trợ Novaland (NVL) đang bắt đầu thu được kết quả, với việc doanh nghiệp tái khởi động lại một trong những dự án trọng điểm tại Phan Thiết và các ngân hàng cũng bắt đầu hỗ trợ trở lại cho các dự án NVL, dẫn đến hoạt động vay mua nhà dần trở nên khởi sắc.

Bên cạnh đó là sự gia tăng thanh khoản trên cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp, khi các chủ đầu tư bắt đầu triển khai các dự án thuộc phân khúc tầm trung nhằm thu hút người mua có nhu cầu thực. Mặc dù lãi suất vay thế chấp còn cao, Dragon Capital vẫn lạc quan một cách thận trọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để thị trường phục hồi một cách bền vững vẫn cần sự kiên nhẫn trong 18 – 24 tháng tới.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, Dragon Capital thấy có sự cải thiện trong hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và trái chủ. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ đạt đỉnh từ tháng 6 đến tháng 8 và các vấn đề lớn đã và đang được giải quyết triệt để.

Tận dụng nhịp điều chỉnh để đầu tư

Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác khi mà trong nửa cuối năm 2023 sẽ có hàng trăm triệu USD tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Các cuộc khảo sát môi giới của Dragon Capital cho thấy nhu cầu vay ký quỹ đang dần gia tăng.

Với việc có thêm hơn 100.000 tài khoản chứng khoán mở mới cùng với sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch trong tháng 5 vừa qua, nhà đầu tư đã quan tâm đến các loại hình tài sản rủi ro nhiều hơn, đặc biệt khi định giá rẻ đang mang lại lợi suất hấp dẫn hơn so với lãi suất tiền gửi đang có xu hướng giảm gần đây.

“Chúng tôi duy trì quan điểm 2023 là năm tích lũy những cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư nên thận trọng trong việc chọn lọc cổ phiếu tốt và sẵn sàng tận dụng cơ hội để đầu tư khi thị trường điều chỉnh. Lịch sử cho thấy vào những năm khi lãi suất giảm nhưng chưa xuất hiện tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ suất sinh lời kỳ vọng của VN- Index là 15- 17%”, báo cáo Dragon Capital nêu.

https://markettimes.vn/dragon-capital-hang-tram-trieu-usd-tien-gui-ngan-hang-se-dao-han-nua-cuoi-nam-2023-nha-dau-tu-nen-tan-dung-co-hoi-tich-luy-co-phieu-31363.html

Nay căng đét quá

Khẩn trương có các giải pháp để giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 năm 2023

(Chinhphu.vn) - Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất; trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 năm 2023.

Khẩn trương có các giải pháp để giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 năm 2023

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua

Trong đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất; trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 năm 2023 và định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6 năm 2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Tập trung điều hành thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần lãi suất, bảo đảm vốn cho các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân; cương quyết cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn.

Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực;

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng;

Rà soát gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng và 120 nghìn tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn;

Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.

Chỉ đạo, kêu gọi các ngân hàng thương mại đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, phát huy tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân.

Nguồn: Giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 năm 2023

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau”

Bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, theo Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital, việc thị trường chứng khoán đang được định giá thấp, kết hợp với mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng có xu hướng giảm thời gian gần đây đang giúp thị trường chứng khoán Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi chỉ số Quản trị Mua hàng (hoặc chỉ số quản lý thu mua) - Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) liên tục ghi nhận giảm. Và có ý kiến cho rằng ngành sản xuất của Việt Nam đang trải qua một sự suy giảm trong dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Ông đánh giá ra sao về nhận định này?

Như chúng ta đã biết, chỉ số PMI chỉ đạt 45,3 điểm trong tháng 5, mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua. Có thể thấy, ngành sản xuất Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Nhưng nếu như nhận định rằng đây là dấu hiệu của một sự suy giảm trong dài hạn thì theo tôi không hoàn toàn đúng.

Nguyên nhân khiến ngành sản xuất ở Việt Nam hiện đang gặp khó là nhu cầu đối với các sản phẩm “made in Vietnam” của người tiêu dùng ở Hoa Kỳ, cũng như các nước phát triển khác đang giảm.

Cụ thể, các nhà bán lẻ Hoa Kỳ, chẳng hạn như Walmart & Target, đã đặt khối lượng lớn hàng hoá trong năm 2022 để bù đắp cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra. Việc này khiến khối lượng hàng tồn kho tăng vọt, đặc biệt là hàng tồn kho của các mặt hàng giày dép, may mặc. Kết quả là, các doanh nghiệp bán lẻ đang giảm số lượng đơn đặt hàng, thậm chí có những doanh nghiệp huỷ đơn để giải quyết lượng hàng tồn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất khẩu các mặt hàng điện tử tiêu dùng của Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính đã tăng 8% trong tháng 5 so với tháng trước. Chúng tôi kỳ vọng đơn hàng cho các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Còn đối với hàng may mặc và giày dép, có thể phải đến đầu năm 2024 chúng ta mới thấy dấu hiệu phục hồi.

Những yếu tố nào có thể tác động đến nền kinh tế trong thời gian tới, thưa ông?

Như tôi vừa đề cập ở trên, vì nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang chững lại, sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu có thể được xem là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Chúng tôi kỳ vọng, các nhà bán lẻ ở Hoa Kỳ cũng như ở các thị trường phát triển khác sẽ bắt đầu nối lại đơn đặt hàng với các nhà máy ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trái ngược với sản xuất và xuất khẩu, du lịch có thể được xem là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Lượng khách quốc tế vào Việt Nam hiện đã đạt khoảng 70% so với mức trước dịch Covid-19 và khách du lịch Trung Quốc đã bắt đầu quay lại Việt Nam từ giữa tháng 3. Theo đánh giá của VinaCapital, ngành này có thể phục hồi hoàn toàn vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024 và du lịch ước tính sẽ đóng góp hơn 2% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay.

Đối với nội tại nền kinh tế, đầu tư công là vấn đề cần phải quan tâm. Chính phủ đặt mục tiêu tăng 50% ngân sách cho cơ sở hạ tầng trong năm nay. Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng rằng các vấn đề khác liên quan đến ngành bất động sản có thể sẽ được giải quyết vào năm 2023 và 2024.

Liên quan đến lãi suất, ở thời điểm hiện tại, lãi suất và chi phí huy động vốn đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Do đó, chúng tôi không kỳ vọng lãi suất sẽ giảm đáng kể cho đến đầu năm 2024. Điều này chủ yếu là do thanh khoản của hệ thống ngân hàng bị thắt chặt trong 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng đã vượt xa tăng trưởng huy động. Lãi suất huy động đã tăng khoảng 2,5% trong năm ngoái và chỉ giảm một phần nhỏ so với mức tăng đó trong năm nay, bất chấp việc NHNN liên tục cắt giảm lãi suất.

Chính phủ và NHNN có thể đã đưa ra những giải pháp để tăng tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, bao gồm mua thêm USD, giải ngân tiền thông qua gói tín dụng nhà ở xã hội…. Sự kết hợp giữa tính thanh khoản được cải thiện trong hệ thống ngân hàng (dẫn đến lãi suất cho vay thấp hơn), cùng với việc phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản nhanh hơn, sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Đấy là nói chung về bối cảnh kinh tế vĩ mô, nếu nói riêng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông, yếu tố nào được VinaCapital cho là có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong thời điểm hiện tại?

Rủi ro đối với thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được chia thành hai loại: ngoại sinh và nội sinh.

Các rủi ro đến từ bên ngoài có thể kể đến như lạm phát cao liên tục của thế giới nói chung hay Hoa Kỳ nói riêng, đồng USD mạnh và bất ổn địa chính trị.

Trong khi đó, rủi ro nội sinh đến từ nền kinh tế có thể bao gồm doanh thu của doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng, các khoản thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cũng như một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản hay ngân hàng.

Ông có thể nói rõ hơn về rủi ro đến từ nội tại kinh tế Việt Nam?

Như chúng ta đã biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I/2023 tương đối thấp, GDP chỉ tăng 3,3%. Điều này đã phản ánh doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tương đối ảm đạm. Lợi nhuận ròng quý I/2023 của các doanh nghiệp đã giảm 18% so với cùng kỳ. Không chỉ vậy, tiêu dùng tiếp tục suy yếu và lãi suất cao cũng là những rủi ro khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm xuống trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, một rủi ro khác cũng tác động đến thị trường chứng khoán là lượng trái phiếu sắp đến thời điểm đáo hạn, đặc biệt là các khoản trái phiếu lớn dự kiến sẽ đến hạn thanh toán ​​vào tháng 7-8. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã ban hành các Thông tư kéo dài thời hạn thanh toán trái phiếu cho các doanh nghiệp, song, theo tôi đây vẫn là một yếu tố cần phải được theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng.

Ngoài ra, lãi suất huy động của các ngân hàng duy trì ở mức cao, nên các nhà đầu tư sẽ có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn, thay vì rót tiền vào thị trường chứng khoán.

Dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán nhưng đang tập trung chính tại cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (midcaps & penny), trong khi nhóm vốn hóa lớn (large caps) như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vẫn chưa hoàn toàn bứt phá. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Từ đầu năm 2022 đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 11%, trong khi nhóm chỉ số vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng tốt hơn như VNMidCap tăng 12% và VNSmallCap thậm chí tăng tới 26%. Điều này là dễ hiểu, khi thanh khoản đang chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Nguyên nhân phần lớn đến từ việc nhóm cổ phiếu này đã phải trải qua một nhịp điều chỉnh sâu trong giai đoạn thị trường lao dốc trong năm 2022, mức giảm cũng mạnh hơn đáng kể so với nhóm bluechips. Do đó khi thị trường dần ổn định trở lại và phục hồi thì nhóm cổ phiếu này sẽ có xu hướng thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhiều hơn. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng từ khối ngoại ghi nhận mạnh tại nhóm cổ phiếu lớn phần nào khiến nhóm bluechips bị ảnh hưởng.

Đáng nói, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm sau ba lần NHNN liên tiếp hạ lãi suất điều hành. Điều này có thể dẫn đến việc một phần tiền gửi ngân hàng sẽ được chuyển hướng sang thị trường chứng khoán với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn. Điểm đến của dòng tiền tới đây có thể sẽ là các cổ phiếu bluechips có hoạt động kinh doanh tăng trưởng bền vững và triển vọng đầy hứa hẹn.

Vậy triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023 sang tới năm 2024 sẽ ra sao, thưa ông?

Theo ước tính mới nhất, tăng trưởng EPS năm 2024 có thể đạt mức 14,1%, tương ứng định giá VN-Index ở khoảng 10,7 lần P/E, mức tương đối rẻ và hấp dẫn.

Theo nhận định chung của các công ty chứng khoán, triển vọng thị trường nửa cuối năm 2023 rất khả quan, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 đến 1.250 điểm trong năm 2023 và tiếp tục hướng tới mục tiêu 1.300, thậm chí là trở lại mốc 1.500 điểm trong năm 2024. Kỳ vọng về việc lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ phục hồi từ nửa cuối năm nay và sang tới cả năm 2024 giúp thị trường chứng khoán có thêm dư địa để tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, chúng tôi dự đoán mặt bằng lãi suất sẽ có thể hạ xuống trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn được kiểm soát và Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) cũng như các Ngân hàng sẽ bớt thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát áp lực giá cả.

Từ góc nhìn của ông, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối khả quan. Tuy nhiên, thời gian qua khối ngoại liên tục bán ròng hàng nghìn tỷ đồng. Quan điểm của VinaCapital về điều này là gì?

Khối ngoại đã mua ròng rất mạnh vào tháng 11 và tháng 12/2022, tập trung vào những thời điểm giá cổ phiếu ở mức thấp. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tháng qua, khối ngoại có xu hướng bán ròng. Tôi cho rằng có một số lý do chính cho việc này.

Thứ nhất, mặt bằng giá cổ phiếu nói chung, dù vẫn rẻ so với triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, đã không còn quá hấp dẫn như vào giai đoạn chỉ số VN Index ở vùng 900-1.000 điểm. Đáng lưu ý là các cổ phiếu phi tài chính đã không còn rẻ so với quá khứ nữa. Với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, lãi suất đồng USD được dự báo vẫn sẽ ở mức cao cho đến khi lạm phát về mức kỳ vọng của FED. Trong môi trường lãi suất đồng USD ở mức cao, dòng tiền có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, vốn được coi là có rủi ro nhiều hơn các thị trường phát triển. Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Thứ hai, có thể các nhà đầu tư nước ngoài có một số lo ngại về tình hình kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu. Ở Mỹ, đó là lo ngại về suy thoái kinh tế, dù các dự báo thiên về kịch bản “hạ cánh mềm”. Bế tắc trong việc thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ cũng ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian qua, tuy nhiên vấn đề này về cơ bản đã được giải quyết, và các nhà đầu tư không còn phải lo lắng về kịch bản “nước Mỹ vỡ nợ” nữa.

Tôi cho rằng khi Fed ngưng tăng lãi suất và nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp trong nước có triển vọng phục hồi rõ ràng hơn, dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại Việt Nam.

Khi nhìn vào các danh mục đầu tư, có thể thấy thời gian qua VinaCapital tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Bất động sản, nguyên vật liệu và tài chính. Tại sao VinaCapital lại đầu tư vào những nhóm ngành này?

Nhóm quỹ đầu tư thuộc VinaCapital quản lý luôn duy trì danh mục đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, được xác định theo chiến lược riêng của từng quỹ. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã phân bổ khoản đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực như ngân hàng, vật liệu và bất động sản. Đây là ba ngành được coi là trụ cột của nền kinh tế, triển vọng kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu đã chạm đáy và đang trong giai đoạn phục hồi.

Vậy ông đánh giá ra sao về tiềm năng của những ngành này trong thời gian tới?

Ngoài ra, những ngành này chứng tỏ tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mạnh mẽ trong những năm tới. Đáng chú ý, chúng tôi dự đoán rằng các công ty đầu ngành như Hòa Phát (HPG), Khang Điền (KDH) và ACB có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2024.

Bên cạnh những nhóm ngành nói trên, liệu VinaCapital có thấy được triển vọng đầu tư của nhóm ngành nào khác trong nửa cuối năm?

Bản thân tôi cũng như các nhà đầu tư ở VinaCapital tin rằng cổ phiếu ngành hàng không sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023. Lý do bởi hoạt động đi lại của hành khách trong nước và quốc tế đang tiếp tục phục hồi và tiệm cận dần về đến mức trước dịch Covid-19.

Chúng tôi đang đặc biệt quan tâm đến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đã đầu tư phát triển Nhà ga số 3 Tân Sơn Nhất, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Với việc mở rộng này, công suất chung của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng lên 50 triệu hành khách/năm. Với nhiều dấu hiệu rất tích cực, chúng tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng của ACV là rất hấp dẫn.

VinaCapital có ý định rót tiền gom thêm cổ phiếu trong thời gian tới không?

VinaCapital là tập đoàn đầu tư đa dạng trong các lĩnh vực, quản lý nguồn vốn và mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam và ủy thác sự đầu tư của họ cho VinaCapital. Từ đó, chúng tôi có nhiều nguồn lực để đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán.

Theo trung tâm lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản mở mới cao nhất trong 9 tháng qua, vậy trong giai đoạn này, ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu mới trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động?

Nếu chúng ta nhìn lại những con số của năm 2022, có thể thấy rằng, hiệu suất của VN-Index năm ngoái đã giảm tới 32%. Nếu không tính đến đợt giảm giá trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra vào tháng 3/2020, định giá của thị trường chứng khoán hiện đang rẻ hơn so với mức giá trong vòng 10 năm trở lại đây.

Thành thật mà nói, đây là một tín hiệu đáng mừng khi các nhà đầu tư trong nước đang nhận ra cơ hội này. Việc thị trường chứng khoán đang được định giá thấp, kết hợp với mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng có xu hướng giảm thời gian gần đây đang giúp thị trường chứng khoán Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều có doanh thu cao. Mặc dù VinaCapital rất lạc quan về thị trường trong nửa cuối năm và đầu năm 2024, song, chúng tôi khuyên các nhà đầu tư nên xem xét đầu tư một cách có hệ thống, cụ thể là đầu tư đều đặn mỗi tháng hoặc có thể xem xét việc mua các quỹ mở. Điều này sẽ cho phép họ tiếp cận và “thuê” các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức vốn tối thiểu rất thấp.

Các quỹ mở cung cấp sự đa dạng hóa và cho phép các nhà đầu tư tập trung vào công việc cá nhân mà không cần cố gắng tính thời điểm thị trường và trở thành chuyên gia về thời điểm mua/bán các chứng khoán riêng lẻ.

Ngoài ra, các quỹ mở thường hoạt động tốt hơn các chỉ số, vì các nhà quản lý danh mục đầu tư không phải mua tất cả các công ty trên thị trường và có thể tập trung vào các công ty mạnh nhất. Ví dụ, trong 3 năm qua, các quỹ đầu tư VESAF và VEOF của VinaCapital được xếp hạng số 1 và 2 tại Việt Nam, vượt trội đáng kể so với hiệu suất của VN-Index. Tại thời điểm đầu tháng 6/2023, hiệu suất VESAF tăng 27% trong khi hiệu suất VEOF tăng 16% so với mức 8,1% của VN-Index trong ba năm qua.

Nguồn bài viết: CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau”

Quỹ ngoại Singapore tiếp tục bán cổ phiếu MWG, Dragon Capital gom PVD, GEX

Trong vòng gần 3 tháng trở lại đây quỹ ngoại Arisaig Asian Fund Limited đã bán ra gần 4,4 triệu cổ phiếu MWG trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của “ông lớn” bán lẻ này chưa có dấu hiệu khởi sắc và giá cổ phiếu vẫn trong xu hướng đi ngang sau khi giảm mạnh từ đỉnh.

Quỹ ngoại Singapore tiếp tục bán cổ phiếu MWG

Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) thông báo đã bán ra 668.900 cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) trong phiên ngày 21/6 với mục đích tái cơ cấu đầu tư.

Sau giao dịch, quỹ ngoại Arisaig Asia giảm sở hữu tại đây từ 87,85 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6%) xuống còn 87,18 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,96%).

Tạm tính theo mức giá đóng cửa phiên ngày 21/6 của cổ phiếu MWG là 42.700 đồng/cổ phiếu, ước tính Arisaig Asian Fund Limited có thể thu về gần 3 tỷ đồng sau khi thoái bớt vốn tại MWG.

Trước đó, ngày 11/4, quỹ ngoại này bán ra gần 2,4 triệu cổ phiếu MWG để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 6,87%. Đến ngày 24/5, Arisaig Asia tiếp tục bán ra hơn 1,3 triệu cổ phiếu MWG, hạ tỷ lệ sở hữu về còn 7,99% vốn điều lệ.

Ngoài Arisaig Asia, hồi đầu tháng 4/2023, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital cũng bán ra 979.600 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,01% về còn 7,94% vốn điều lệ.

Động thái giảm sở hữu tại MWG của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG có diễn biến kém khả quan. Sau khi giảm mạnh từ mức đỉnh hồi giữa tháng 4/2022 đến nay, cổ phiếu MWG vẫn đang trong xu hướng đi ngang và vẫn mất gần 45% so với mức đỉnh 79.580 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 15/4/2022)

Ngoài ra, động thái bán ra này cũng diễn ra giữa lúc kết quả kinh doanh của MWG kém khởi sắc. Trong 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu của MWG đạt 47.144 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 35% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu của hai chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 35.000 tỷ đồng.

Dragon Capital gom cổ phiếu GEX, PVD

Ngày 26/6, nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital mua vào 2 triệu cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn GELEX (mã GEX – sàn HOSE) để nâng sở hữu từ 4,86% lên 5,1% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn.

Trong đó, Quỹ Amersham Industries Limited mua 1.230.000 cổ phiếu; quỹ Balestrand Limited mua vào 280.000 cổ phiếu; Quỹ Wareham Group Limited mua 200.000 cổ phiếu; Quỹ Grinling International Limited mua 120.000 cổ phiếu; Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited mua 170.000 cổ phiếu.

Cùng ngày, nhóm Dragon Capital cũng mua vào 800.000 cổ phiếu PVD của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí. Trong đó, quỹ thực hiện mua là Hanoi Investments Holdings Limited.

Sau giao dịch, tổng số lượng cổ phiếu PVD được nhóm Quỹ đầu tư Dragon Capital nắm giữ tăng lên mức 61,388 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 11,04% vốn điều lệ của PVD.

Em gái Chủ tịch Thép Pomina muốn bán 5,5 triệu cổ phiếu

Bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina (mã POM) đăng ký bán 5,5 triệu cổ phiếu POM.

Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/7 đến ngày 28/7, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, bà Đỗ Thị Kim Ngọc sẽ giảm sở hữu tại Thép Pomina từ hơn 15,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,51% xuống còn hơn 9,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,54%.

Trong khi đó, người có liên quan - ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Pomina - hiện chỉ nắm giữ 869.400 cổ phiếu POM, tỷ lệ 0,31%.

Trên thị trường, nhóm cổ phiếu thép vừa trải qua đợt tăng mạnh mẽ, trong đó POM là điểm sáng khi tăng gần 70% chỉ trong hơn 2 tuần, xác lập vùng đỉnh trong nửa đầu năm 2023 khi đóng cửa phiên ngày 13/6 tại mức giá 7.360 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu POM đã quay đầu giảm trước áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu POM đã giảm về mức 6.450 đồng/cổ phiếu. Tạm tính với mức thị giá này, bà Kim Ngọc sẽ thu về khoảng 35,5 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu POM.

Kinh Bắc sắp chi 1.188 tỷ đồng mua cổ phần của SHP

Tổng Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) gần đây công bố nghị quyết thông qua việc thực hiện giao dịch mua cổ phần bán riêng lẻ của công ty con là Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP).

Cụ thể, KBC sẽ mua 11,88 triệu cổ phần SHP mệnh giá 100.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị thực hiện 1.188 tỷ đồng.

Hiện, SHP có vốn điều lệ 416 tỷ đồng và Kinh Bắc nắm 86,54% tương đương 3,6 triệu cổ phiếu. Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng.

Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) hiện là chủ đầu tư của khu nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ gần 1.594 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ.

CII bán vốn một công ty con cho Năm Bảy Bảy

Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) mới đây cho biết đã thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần từ công ty con của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã CII).

Cụ thể, Năm Bảy Bảy thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH MTV NBB Quảng Ngãi từ Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII.

Tính tới ngày 31/3/2023, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sở hữu trực tiếp 89,3% vốn tại Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII và đồng thời sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV NBB Quảng Ngãi thông qua Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII.

Trước đó, ngày 22/6, Năm Bảy Bảy thông qua việc chấp thuận nhận chuyển nhượng tài sản của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, giá trị chuyển nhượng dự kiến 857,49 tỷ đồng và dự kiến triển khai chậm nhất vào ngày 31/7/2023.

Trong quý I/2023, Năm Bảy Bảy cũng đã thực hiện nhiều giao dịch với CII như vốn góp hợp tác đầu tư dự án Sơn Tịnh 45,36 tỷ đồng; hoàn trả vốn hỗ trợ 125 tỷ đồng; trả lãi phát sinh từ hợp đồng hỗ trợ vốn 24,4 tỷ đồng; lợi nhuận phát sinh từ hợp tác đầu tư dự án 152 Điện Biên Phủ là 25,5 tỷ đồng…

HoSE cắt margin với 76 mã chứng khoán trong quý 3/2023: PVD, NVL, HBC, IBC, HSG, POM, NKG, HAG, ITA,…đều có trong danh sách

Nhà đầu tư sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng (đòn bẩy tài chính-margin) do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua 76 mã cổ phiếu này.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã công bố danh sách 76 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 3/2023, tổng số lượng tăng thêm 2 mã so với số lượng trong danh sách công bố hồi đầu quý 2.

Đây chủ yếu là những cổ phiếu quen thuộc nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như ABS, APC, AST, BCE, CIG, DXV, EVG, FDC, GMC, HVN, ITA, LDG, OGC, POM, PPC, PVP, SCD, SJF, TDH, TGG, TTF, VCA, VNL,… VDS là cổ phiếu công ty chứng khoán duy nhất bị cắt margin, nguyên nhân do mã thuộc diện cảnh báo.

Các cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình, HPX của Hải Phát, IBC của Apax Holdings… đang trong diện hạn chế giao dịch của HoSE cũng không thể giao dịch ký quỹ, hai mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai và HNG của HAGL Agrico hay cổ phiếu NVL của Novaland cũng tiếp tục bị cắt margin quý 3 do trong diện cảnh báo/kiểm soát của HoSE.

Không chỉ vậy, kết quả kinh doanh trong năm 2022 lao dốc cũng khiến nhiều mã cổ phiếu bị cắt margin trong quý 3, có thể kể tới như SMC, NKG, PSH, PVD, HAR, APH, DTL, HII, HSG, ,… Nguyên nhân đều do lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ/LNST trên BCTC kiểm toán là số âm.

Bên cạnh đó, danh sách 76 cổ phiếu bị cắt margin quý 3 còn một loạt chứng chỉ quỹ do giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp (FUEKIV30, FUEKIVFS, FUEIP100, FUEDCMID, FUCVREIT, FUCTVGF3) hay chứng chỉ quỹ mới niêm yết như FUEMAVND, FUEFCV50.

Một vài nguyên nhân dẫn đến việc cắt margin còn là việc chứng khoán bị đình chỉ giao dịch hay hủy niêm yết như TTB, EMC.

Theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng (đòn bẩy tài chính-margin) do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua 76 mã cổ phiếu bị xếp vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ này.

1 Likes

Cá mập từng dự báo VN-Index đạt 2.400 điểm năm 2024 vừa báo lãi trở lại

## 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán đều ghi nhận hiệu suất đầu tư khả quan so với năm trước đó.

Kết thúc quý 2/2023, VN-Index tăng hơn 5% lên mức 1.120 điểm với thanh khoản cải thiện đáng kể. Sau 6 tháng, chỉ số tăng hơn 11%. Dòng tiền không giao dịch cố định mà thay phiên đồn trú ở các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, dầu khí, than, thép, đầu tư công, mía đường, thủy sản,… đã giúp hàng loạt cổ phiếu hồi phục mạnh.

Dù không tăng bằng lần như nhóm cổ phiếu penny song mức tăng vài chục % ở không ít cổ phiếu trụ cột cũng đã giúp hầu hết tổ chức lớn trên thị trường ghi nhận hiệu suất hoạt động khả quan so với năm trước đó.

Sau nửa đầu năm, SSIAM VNFinlead ETF ghi nhận hiệu suất đầu tư dương 23,6% - gấp đôi mức tăng của VN-Index. Quỹ ETF này sử dụng chỉ số tham chiếu là VNFinLead Index - nơi có đến 90% là cổ phiếu ngân hàng.

Trong cùng thời điểm, Fubon ETF hay VNM ETF lần lượt đạt hiệu suất tăng 18,45% và 13,28%. VNM ETF hút ròng 76,26 triệu USD (~1.800 tỷ đồng) trong khi Fubon ETF cũng mua ròng 56,2 triệu USD (~1.300 tỷ đồng).

Nhiều quỹ đầu tư như DCDS, DCVFM VN30 ETF hay VNMidcap ETF cũng tăng trưởng tốt hơn mức tăng của 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index. Ngược lại, VEIL, DCVFM VNDiamond ETF, VOF VinaCapital hay Pyn Elite Fund (cá mập từng dự báo VN-Index cán mốc 2.500 điểm vào năm 2024) đều ghi nhận hiệu suất thấp (dưới 9% sau 6 tháng).

Trong khi đó, Ballad Fund - quỹ đầu tư thuộc SGI Capital chỉ đạt hiệu suất đầu tư xấp xỉ 6%. Sau giai đoạn gần như không giao dịch, quỹ này bất ngờ mua mạnh cổ phiếu trong tháng 6; tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục từ mức dưới 23% (cuối tháng 5) lên xấp xỉ 90% - cao nhất trong hơn 1 năm trở.

Số mã trong danh mục của Ballad Fund tăng từ 7 lên 19 cổ phiếu. Các cổ phiếu được mua mới có CTG, TCB, MBB, VIB, BMP , VNM , PNJ, SSI, VCI,… một số mã được tăng mua như ACB , QTP.

Đến cuối tháng 6, lượng tiền mặt tại quỹ chỉ còn hơn 10 tỷ đồng.

Cựu sếp PWC là ứng viên duy nhất cho vị trí Thành viên HĐQT độc lập của Novaland

Ông Hoàng Đức Hùng sinh năm 1973, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) vừa có Nghị quyết thông qua danh sách ứng viên được cổ đông đề cử vào vị trí Thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ứng viên duy nhất là ông Hoàng Đức Hùng.

Ông Hoàng Đức Hùng sinh năm 1973, trình độ Thạc sĩ Tài chính quốc tế Đại học Oxford Brookes (Anh), Cử nhân kinh tế Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, ông từng có thời gian dài công tác tại Công ty Ernst & Young (EY) Việt Nam trước khi trở thành Phó Tổng giám đốc công ty PWC Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.

Ở thời điểm hiện tại, ông Hoàng Đức Hùng là Chủ tịch phân viện Kiểm toán Nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Vietnam Chapter), Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Việt Nam (VNIDA), Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn quản trị Doanh nghiệp CGS Việt Nam và Thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ Phân tích Di truyền.

Ở thời điểm hiện tại, HĐQT của Novaland đang có 4 người bao gồm nhà sáng lập Bùi Thành Nhơn, ông Dennis Ng Teck Yow, ông Phạm Tiến Vân và bà Nguyễn Mỹ Hạnh.

Trong đó, ông Dennis Ng Teck Yow cũng vừa mới được bầu vào HĐQT Novaland tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 6 vừa qua. Đáng chú ý, ông Ng Tech Yow vừa được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc NVL thay thế cho người tiền nhiệm Nguyễn Ngọc Huyên vào ngày 17/3.

Ông Ng Teck Yow tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Hull, Anh Quốc, là thành viên của nhiều hiệp hội về tài chính – ngân hàng và xây dựng quốc tế. Giai đoạn 2012 – 2023, ông gắn bó với Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam, kinh qua nhiều chức vụ như Giám đốc Tài chính, Phó Tổng giám đốc và Tổng giám đốc công ty.

Năm nay được dự báo sẽ là một năm khó khăn của Novaland. Tại đại hội hồi tháng 6, ông Ng Tech Yow cho biết trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, từ cuối năm 2022, Novaland đã phối hợp với các đối tác chuyên nghiệp, uy tín, các chuyên gia trong nước và các đơn vị tư vấn hàng đầu như YKVN, Deloitte, E&Y Parthenon, KPMG…để nỗ lực thực hiện tái cấu trúc toàn diện với những kế hoạch cụ thể, giãn hoãn, bán tài sản giảm nợ, chuyển nợ thành cổ phần, thành tài sản, kiểm soát nguồn tiền…

Tính đến ngày 31/12/2022, doanh thu chưa ghi nhận của Novaland đạt hơn 251.000 tỷ đồng đến từ các dự án đã bàn giao, đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và các dự án Novaland đang là chủ đầu tư và đang hợp tác phát triển. Giai đoạn 2024 - 2025, Công ty dự kiến triển khai thêm hai dự án bất động sản đô thị tại TP.HCM và một dự án đô thị vệ tinh lân cận TP.HCM.

Riêng trong năm nay, công ty cũng đề ra những kế hoạch cụ thể về hoạt động phát triển xây dựng dự án, sắp xếp lại ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thiện để tiếp tục bàn giao sản phẩm cho khách hàng; chọn những dự án tốt có khả năng thanh khoản cao, đẩy nhanh các bước hoàn thiện pháp lý để kịp thời đáp ứng khi thị trường hồi phục.

Ngoài ra, Novaland đang tiếp tục rà soát các quỹ đất, thoái vốn các quỹ đất chưa được ưu tiên phát triển để giảm nợ và thương lượng, đàm phán thu xếp vốn cổ đông cho các dự án sẽ phát triển trong thời gian tới.

Nguồn bài viết: Cựu sếp PWC là ứng viên duy nhất cho vị trí Thành viên HĐQT độc lập của Novaland

1 Likes

Giao dịch khối ngoại (14/7): Đảo chiều bán ròng hơn 300 tỷ đồng trên HOSE, tâm điểm STB phiên giảm sâu

Giao dịch khối ngoại hôm nay trên sàn HOSE

Giao dịch khối ngoại hôm nay trên HOSE, họ bán ròng gần 301 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 12,8 triệu đơn vị cổ phiếu.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes dẫn đầu bên mua với giá trị gom ròng hơn 74,6 tỷ đồng.

Theo sau là HPG được mua ròng hơn 50,9 tỷ đồng và KBC (35,6 tỷ đồng). Nối tiếp, lực cầu còn được ghi nhận ở SSI (35,5 tỷ đồng), PNJ (34,5 tỷ đồng), VND (26,6 tỷ đồng), NLG (23,5 tỷ đồng).

Danh mục top10 mã được mua ròng nhiều nhất trong phiên còn có sự góp mặt của những mã là VCI (21,3 tỷ đồng), HDB (16,8 tỷ đồng) và MSN (16,7 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Tại chiều bán, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank bị xả ròng mạnh nhất với quy mô hơn 269 tỷ đồng.

Theo sau đó là VNM bị bán ròng hơn 107,1 tỷ đồng, VPB (42,9 tỷ đồng). Nối tiếp, lực bán được ghi nhận ở những mã như VRE (35,5 tỷ đồng), DGC (30,7 tỷ đồng), MWG (30,2 tỷ đồng), CTG (29,4 tỷ đồng), EIB (28,8 tỷ đồng), POW (24,6 tỷ đồng) và VCB (24,3 tỷ đồng).

Giao dịch khối ngoại hôm nay trên sàn HNX

Giao dịch khối ngoại hôm nay trên HNX, họ mua ròng gần 34,2 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 1,5 triệu đơn vị cổ phiếu.

Ở chiều mua, nhóm này gom ròng hơn 19,4 tỷ đồng ở cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O. Theo sau là SHS (13,6 tỷ đồng), PVS (3,9 tỷ đồng) và các giao dịch dưới 1 tỷ đồng ở các mã như DTD (898 triệu đồng), VNR (418 triệu đồng), HUT (417 triệu đồng), …

Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng gần 2,1 tỷ đồng ở cổ phiếu SVN của Tập đoàn Vexilla Việt Nam. Kế tiếp là PVI (1,9 tỷ đồng) và các giao dịch dưới 1 tỷ đồng ở các mã như IDC (945 triệu đồng), NVB (749 triệu đồng), PVB (746 triệu đồng), …

Giao dịch khối ngoại hôm nay trên thị trường UPCoM

Giao dịch khối ngoại hôm nay trên UPCoM, họ bán ròng gần 11,2 tỷ đồng, tương đương với khối lượng 139.099 đơn vị cổ phiếu.

Tại chiều mua, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời dẫn đầu với quy mô gần 3,2 tỷ đồng. Kế tiếp là MPC (1,1 tỷ đồng) và các giao dịch tương tự dưới 1 tỷ đồng ở các mã như BSR (905 triệu đồng), MCH (658 triệu đồng), PHP (226 triệu đồng), …

Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất hơn 6,6 tỷ đồng ở cổ phiếu VGG của Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến. Theo sau là VEA (4,2 tỷ đồng), VTP (3,5 tỷ đồng), ACV (2,8 tỷ đồng) và các giao dịch dưới 1 tỷ đồng ở các mã như OIL (274 triệu đồng), LMH (243 triệu đồng), TTN (41 triệu đồng), …

https://dongvon.doanhnhanvn.vn/giao-dich-khoi-ngoai-147-dao-chieu-ban-rong-hon-300-ty-dong-tren-hose-tam-diem-stb-phien-giam-sau-422023714154930534.htm