Khủng thật cho VNI sắp tới
Dư nợ margin/vốn chủ sở hữu thấp kỷ lục, room cho vay thừa “khổng lồ” gần 300.000 tỷ
An Nhiên
Dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán trong tổng số 85 công ty chứng khoán tính đến cuối tháng 3/2024 đạt gần 191,3 nghìn tỷ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10% so với cuối năm 2023…
Ảnh minh họa.
Số liệu thống kê mới nhất từ FiinTrade cho thấy, dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán trong tổng số 85 công ty chứng khoán tính đến cuối tháng 3/2024 đạt gần 191,3 nghìn tỷ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng so với cuối năm 2023, chỉ tăng 10%.
Một số công ty có tỷ lệ margin tăng cao như Chứng khoán TCBS margin cuối quý 3 đạt 19.000 tỷ đồng, đây là mức cho vay đạt kỷ lục của công ty chứng khoán này. Mặc dù vậy, so với vốn chủ sở hữu tỷ lệ cho vay chỉ khoảng 60,7%.
Chứng khoán ACB cho vay tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái; VPBS cho vay tăng 181%; MBS cho vay tăng 153%… Hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận cho vay tăng mạnh trung bình khoảng 50-60% so với năm ngoái.
Một số công ty chứng khoán có tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu cao như Mirae Asset 153%; HSC 127%; MB 126,6%; KB 134%; PHS cá biệt 195%.
So với ngưỡng quy định là 2,0 lần tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức thấp cho thấy room cho vay vẫn còn lớn.
Đặc biệt, dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu cuối tháng 3/2024 ở mức thấp kỷ lục nhiều năm là 54,5% so với mức 80% cuối năm 2023 hay 120% giai đoạn đầu năm 2022.
Room cho vay margin còn lại khổng lồ gần 300.000 tỷ đồng đây cũng là mức cao kỷ lục về nguồn thừa cho vay margin. Trong khi thực tế dư nợ cho vay margin thực tế hiện nay còn thấp hơn rất nhiều do đợt điều chỉnh nhanh và mạnh trong tháng 4 vừa qua. Vn-Index đã bay 120 điểm giảm 9% tính từ đỉnh đạt được vào ngày 28/3.
Nguồn cho vay thừa nhiều chủ yếu nhờ động thái tăng vốn hàng loạt của các công ty chứng khoán trong giai đoạn vừa qua. Trước đó, năm 2023, TCBS nhận thêm 10.242 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 97.542 đồng/cổ phiếu. ACBS cũng hoàn tất đợt tăng vốn vào ngày 13/11/2023 tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 1.000 tỷ đồng…cùng hàng loạt công ty chứng khoán khác.
Nhận định về con số margin, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng margin không phải là vấn đề đáng ngại. Câu chuyện margin quay lại nhưng đỉnh cũ của năm 2021-2022 là thời điểm vốn của công ty chứng khoán chưa tăng nhiều, vốn của họ giờ cao chót vót sau đợt tăng vốn ồ ạt vừa rồi thì margin không phải là điều đáng ngại, một khi nguồn dư thừa thì còn thoải mái.
Margin ngoài công ty chứng khoán giờ còn ngân hàng, nhà đầu tư quăng tài sản vào vay ngân hàng lãi suất 6-8% còn rẻ margin, lãi suất thấp cũng là động lực vay margin từ ngân hàng.
Trong bối cảnh nguồn còn nhiều, từ đầu năm đến nay hàng loạt công ty chứng khoán vẫn tiếp lên kế hoạch tăng vốn. Theo thống kê của VisRating, tổng lượng vốn dự kiến tăng mới của 30 công ty chứng khoán lớn nhất tính theo tài sản đến tháng 3/2024 khoảng 15.000 tỷ đồng.
Trong đó, Vietcap lên phương án tăng vốn từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng; Chứng khoán SSI sẽ phát hành thêm hơn 453,3 triệu cổ phiếu mới tăng vốn điều lệ thêm 30%, lên mức 19.645 tỷ đồng HSC cũng sẽ phát hành cổ phần để tăng vốn từ 4.581 tỷ đồng lên hơn 7.552 tỷ đồng. ACBS được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng. LPBS có kế hoạch tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 3.880 tỷ đồng. VFS cũng trình cổ đông tăng vốn từ 1.200 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng…
Mục đích tăng vốn ồ ạt của các công ty chứng khoán chủ yếu cho vay margin đón đầu cơ hội sau khi hệ thống KRX đi vào hoạt động.
Đặc biệt, nhằm đáp ứng giải pháp các công ty chứng khoán sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (Non-Prefunding Solution – NPS), các công ty chứng khoán cần bổ sung nguồn vốn.
Trong mô hình CCP hay dịch vụ NPS, trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về công ty chứng khoán, do đó, tất yếu các công ty chứng khoán phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Tại Việt Nam, đa số các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này.