Tupperware phá sản, Volkswagen sa thải 30.000, Intel nguy cơ bị thâu tóm
Minh Ý - 22/09/2024 13:30
(VNF) - Trong tuần này, quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy giá vàng liên tục lập đỉnh, thương vụ có thể xảy ra giữa Qualcomm và Intel cùng nguy cơ phá sản của Tupperware đã gây chú ý toàn cầu
Fed cắt giảm lãi suất lần đầu sau 4 năm
Ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất 0,5%, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống mức từ 4,75%-5%.
Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cuộc chiến chống lạm phát lịch sử của ngân hàng trung ương Mỹ, giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm trong hơn một năm.
Ngoài các đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong thời kỳ Covid, lần gần nhất Fed cắt giảm 0,5% là vào năm 2008, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Trong tuyên bố tại cuộc họp báo sau phiên họp của Fed, Chủ tịch Jerome Powell cho biết động thái cắt giảm này là một “sự điều chỉnh” đối với ngân hàng trung ương và không cam kết thực hiện các động thái tương tự tại mỗi cuộc họp sắp tới.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết thị trường lao động đang trong tình trạng vững chắc và Fed có ý định duy trì tình hình như vậy thông qua đợt cắt giảm lãi suất mới nhất.
Thông qua “biểu đồ chấm” của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), các chuyên gia kinh tế của Fed cho thấy từ giờ tới cuối năm, ngân hàng trung ương Mỹ có thể cắt giảm lãi suất thêm 0,5%, đưa lãi suất chuẩn của quỹ liên bang xuống mức 4,4% vào cuối năm nay, tương đương với phạm vi mục tiêu từ 4,25%-4,50%.
Bên cạnh đó, các quan chức kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm 1% trong các đợt cắt giảm năm 2025, đưa lãi suất về khoảng 3,4% và giảm thêm 0,5% trong năm 2026 xuống 2,9%.
Thông báo cắt giảm lãi suất sau 4 năm của Cục Dự trữ Liên bang nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường toàn cầu.
Loạt ngân hàng trung ương ra quyết định lãi suất
Sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed, hàng loạt ngân hàng trung ương lớn khác trên toàn cầu cũng đưa ra những động thái liên quan tới chính sách tiền tệ.
Cụ thể, ngày 19/9, trong khi chờ thêm bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát đang giảm dần, Ngân hàng Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, không cắt giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp và cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ sẽ không vội vàng nới lỏng chính sách.
Ủy ban Chính sách tiền tệ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 8-1 để giữ lãi suất ở mức 5%, một kết quả hoàn toàn trái ngược với việc cắt giảm 0,5 điểm % Fed.
Quyết định này phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế và nhà đầu tư, nhưng vẫn đẩy đồng bảng Anh lên mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 3/2022.
Thống đốc Bailey cho biết trong một tuyên bố: “Chúng ta có thể giảm dần lãi suất theo thời gian. Điều quan trọng là lạm phát vẫn ở mức thấp, vì vậy chúng ta cần cẩn thận để không cắt giảm lãi suất quá nhanh hoặc quá nhiều”. Ông nhấn mạnh rằng con đường này sẽ phụ thuộc vào việc tiếp tục giảm bớt áp lực giá cả.
Tại châu Á, đến ngày 20/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết họ sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm ở mức 3,35%, cũng như LPR 5 năm ở mức 3,85%.
Động thái của PBOC trái ngược với kỳ vọng của thị trường, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mạnh tay cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, những người theo dõi thị trường tin rằng các biện pháp kích thích tiếp theo sẽ được triển khai để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn, vì việc nới lỏng của Fed sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ mà không gây tổn hại quá mức đến đồng NDT.
Trước đó, hồi tháng 7, Trung Quốc đã khiến thị trường bất ngờ khi hạ lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn, một động thái nhằm thúc đẩy tăng trưởng khi nền kinh tế này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tâm lý tiêu dùng và kinh doanh suy yếu.
Tương tự, Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức “khoảng 0,25%” - mức cao nhất kể từ năm 2008 - sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào ngày 20/9.
Quyết định được đưa ra khi BOJ đang thận trọng thực hiện nhiệm vụ bình thường hóa chính sách tiền tệ sau thời gian dài duy trì chính sách cực kỳ dễ dãi, đồng thời không gây ra cú sốc cho nền kinh tế.
Tháng trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế và lạm phát vẫn nằm trong phạm vi dự báo của ngân hàng trung ương.
Giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới
Giá vàng trong những tuần gần đây liên tục thiết lập các đỉnh cao mới và tiếp tục tăng cao sau khi Cục Dự trữ Liên bang tung ra chu kỳ nới lỏng tiền tệ trong tuần này.
Theo đó, giá vàng giao ngay một lần nữa vượt quá 2.600 USD/ounce vào ngày 20/9, đạt mức cao nhất gần 2.610 USD/ounce. Giá vàng tương lai trên COMEX tăng 1,2%, đóng cửa ở mức kỷ lục 2.619,90 USD/ounce.
Việc Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất mạnh 50 điểm cơ bản vào thứ Tư đã khiến đồng đô la suy yếu, điều này hỗ trợ giá vàng. Việc cắt giảm lãi suất được coi là một khởi đầu lớn trong một sự thay đổi chính sách, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết động thái này nhằm đảm bảo thị trường lao động Mỹ vẫn kiên cường và ngăn chặn nền kinh tế suy yếu hơn nữa.
Will Rhind, người sáng lập GraniteShares Advisors, công ty quản lý quỹ ETF vàng, cho rằng: “Điều này tốt cho vàng và chất xúc tác tiếp theo cho vàng sẽ là nếu mọi người cảm thấy nền kinh tế đang tiến tới suy thoái và nỗi sợ hãi xuất hiện, mọi người cần bắt đầu mua vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro”.
UBS cho biết trong một báo cáo: “Theo quan điểm của chúng tôi, đợt phục hồi này của giá vàng có thể còn tiến xa hơn. Chúng tôi đặt mục tiêu vàng đạt 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025. Ngoài các yếu tố gây rủi ro trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu về vàng ETF sẽ tăng tốc trong thời gian tới”.
Qualcomm muốn mua lại Intel
Theo truyền thông phương Tây, Qualcomm được cho là đang tiếp cận Intel để tìm cách mua lại nhà sản xuất chip đang gặp khó khăn.
Tờ Wall Street Journal - đơn vị đầu tiên đưa tin về vấn đề này, trích dẫn nguồn tin cho rằng CEO của Qualcomm, ông Cristiano Amon, đang đích thân tham gia vào các cuộc đàm phán để mua lại Intel đã tồn tại 5 thập kỷ.
Một nguồn tin khác cho biết thêm rằng ông Amon đã tích cực xem xét nhiều lựa chọn khác nhau cho một thỏa thuận khả thi. Các cuộc đàm phán với Intel đang ở giai đoạn đầu. Theo người thứ ba hiểu rõ vấn đề này, Qualcomm vẫn chưa đưa ra lời đề nghị chính thức nào cho Intel.
Trước đó, hồi đầu tháng 9, Reuters đã đưa tin rằng Qualcomm xem xét khả năng mua lại một phần mảng kinh doanh thiết kế của Intel và đơn vị thiết kế PC của công ty.
Động thái của Qualcomm diễn ra đúng vào thời điểm Intel đang suy yếu, vốn từng là nhà sản xuất chip có giá trị nhất thế giới, nhưng cổ phiếu của công ty đã mất gần 60% giá trị kể từ đầu năm.
Đây sẽ là nỗ lực thâu tóm lớn nhất trong ngành công nghệ kể từ khi Broadcom tìm cách mua lại Qualcomm với giá 142 tỷ USD vào năm 2018, trước khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận này với lý do rủi ro an ninh quốc gia.
Thỏa thuận này, nếu xảy ra, sẽ là một trong những vụ sáp nhập công nghệ lớn nhất từ trước đến nay. Đồng thời, nó cũng có thể sẽ phải chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý chống độc quyền tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Qualcomm có thể phải thoái vốn khỏi một số bộ phận của Intel để có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Tupperware nộp đơn xin phá sản
Tupperware, nổi tiếng khắp thế giới với các hộp đựng thực phẩm bằng nhựa đầy màu sắc, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 (Phá sản theo Chương 11 cho phép các công ty giải quyết các vấn đề tài chính bằng cách tái cấu trúc ) vào ngày 17/9, sau nhiều năm mất uy tín và gặp khó khăn về tài chính.
Bà Laurie Ann Goldman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Tupperware Brands Corporation, cho biết trong một tuyên bố: “Trong vài năm qua, tình hình tài chính của công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức”.
Việc nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 tự nguyện của Tupperware mang lại cho công ty này và một số công ty con nhất định cơ hội bán cho các bên cho vay hoặc người mua bên ngoài để bảo vệ thương hiệu đã hơn 75 năm tuổi này.
Công ty có ý định tiếp tục hoạt động và tiến hành quá trình đấu thầu kéo dài 30 ngày để tìm người mua toàn bộ công ty.
Theo hồ sơ tòa án, công ty có 812 triệu USD nợ, phần lớn trong số đó được các nhà đầu tư nợ khó đòi mua với mức chiết khấu lớn vào tháng 7. Những người cho vay mới này đã tìm cách tịch thu tài sản của Tupperware bao gồm cả tài sản trí tuệ như thương hiệu của công ty, thúc đẩy công ty tìm kiếm sự bảo vệ phá sản, Tupperware cho biết.
Tupperware có tài sản ước tính từ 500 triệu đến 1 tỷ USD, trong khi nợ phải trả ước tính từ 1-10 tỷ USD. Công ty này liệt kê số lượng chủ nợ từ 50.001 đến 100.000 người.
Trong nhiều thập kỷ, Tupperware đã trở thành cái tên quen thuộc, không chỉ vì các loại hộp đựng mà còn vì hoạt động tiếp thị bán hàng trực tiếp đến tận nhà, với một đội ngũ đại lý độc lập trưng bày sản phẩm tại những “bữa tiệc Tupperware”.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng của công ty đã giảm trong những năm gần đây đại dịch Covid-19 và lạm phát cũng như những ảm đạm từ nền kinh tế vĩ mô làm cho hiệu quả của hoạt động bán hàng trực tiếp giảm mạnh.
Mặc dù cố gắng đưa các sản phẩm của mình vào các cửa hàng bán lẻ cũng như các nền tảng bán hảng trực tuyến, nhưng sự thay đổi muộn màng này dường như không thể cứu vãn được tình hình công ty.
Volkswagen có thể cắt giảm 30.000 việc làm ở Đức?
Theo báo cáo từ tờ Manager Magazin, khi thị trường ô tô châu Âu thu hẹp, Tập đoàn Volkswagen có thể cắt giảm tới 30.000 việc làm ở Đức để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Được biết, Giám đốc điều hành Tập đoàn Volkswagen Oliver Blume tin rằng trong trung hạn, việc Tập đoàn Volkswagen giảm 30.000 nhân viên ở Đức (khoảng 10% tổng số nhân viên ở Đức) là khả thi.
Theo báo cáo, bộ phận R&D của Tập đoàn Volkswagen có thể có đợt sa thải lớn nhất, với 4.000-6.000 trong số 13.000 nhân viên R&D ở Đức mất việc.
Đầu tháng này, Tập đoàn Volkswagen cho biết họ cần cắt giảm chi phí tại thương hiệu Đức do chi phí cao, năng suất thấp và cạnh tranh khốc liệt. Sau đó, Volkswagen tuyên bố sẽ bãi bỏ một loạt thỏa thuận lao động, trong đó có thỏa thuận đảm bảo việc làm kéo dài đến năm 2029 tại 6 nhà máy ở Đức. Động thái này làm tăng khả năng đóng cửa nhà máy và buộc sa thải.
Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng Giám đốc tài chính của Tập đoàn Volkswagen Arno Antlitz muốn giảm đầu tư từ 170 tỷ euro xuống còn 160 tỷ euro trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, Volkswagen đã phủ nhận báo cáo cho biết họ đang có kế hoạch sa thải tới 30.000 nhân viên.
“Chúng tôi không xác nhận con số này”, một phát ngôn viên của Volkswagen cho biết, sau khi tạp chí kinh doanh Đức Manager Magazin đưa tin về kế hoạch cắt giảm việc làm.