ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
VỰA LÚA, THỦY SẢN VÀ CÂY TRÁI CỦA CẢ NƯỚC, ĐANG ‘KHÁT’ NƯỚC!
"Chủ động để đối phó với hiểm hoạ khô hạn, thiếu ngọt, bị xâm nhập mặn ở ĐBSCL là việc làm to lớn và cấp bách của Việt Nam lúc này. Không thể cứ vô tư sống mãi với những ân huệ trời cho ở ĐBSCL như trước đây. Không thể cứ thoả thuê với nguồn nước ngọt khi lũ về, tha hồ với tôm cá, với những dòng sông nồng nàn phù sa, vườn cây xanh tốt. Thời hoàng kim ấy không còn nữa. Hãy nghĩ đến những chum vại trữ nước ngọt về mùa mưa ở những vùng xa nguồn nước ngọt như Sóc Trăng, Cà Mau. Hãy nghĩ đến nguồn nước ngọt ở Đồng Tháp Mười do mưa tại chỗ sinh ra đến 40 tỉ mét khối hàng năm vào mùa mưa! Có cách gì để giữ lại một phần của 40 tỉ mét khối nước ngọt này không? Hãy nghĩ đến những con người kiên cường của đất nước Israel chỉ có sa mạc, quanh năm không có mưa mà người ta vẫn phát triển được nông nghiệp một cách diệu kì. Hãy đến một trường học ở Israel để thấy các em học sinh ở đây tiết kiệm từng giọt nước như giọt máu của mình ở các vòi nước trong nhà vệ sinh của trường. Hãy cử người đi học ở Israel về cách người ta tiết kiệm nước, đưa việc tiết kiệm nước vào trường học. Quốc hội có nên đưa ra luật về sử dụng tài nguyên nước hay không?
Phải thay đổi tư duy cho vùng ĐBSCL về nước ngọt. Hay nói khác đi, mọi tư duy ở ĐBSCL phải bắt nguồn từ khả năng cung cấp nước ngọt. Vàng có thể làm ra, nhưng nước ngọt thì không thể làm ra được! Ở đâu có nước ngọt, ở đó có sự sống. Người ĐBSCL đã phát hiện ra điều kì diệu ấy từ chính cuộc sống của mình khi nguồn nước ngọt bị đe doạ. Hãy nhìn sang miền Đông Nam Bộ. Con sông Đồng Nai là con sông lớn nhất ở nước ta, nó chảy trọn vẹn trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là một mỏ vàng của đất nước. Có cách gì để “chia sẻ” nước ngọt của Đồng Nai cho Miền Tây Nam Bộ, đó phải là những đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia của các giáo sư, tiến sĩ, thay vì các đề tài nghiên cứu khoa học nhận kinh phí nhà nước, khi nghiệm thu đề tài xong thì xếp nó vĩnh viễn vào các ngăn tủ như ta vẫn làm từ trước đến nay!!! Có cách gì để tạo ra những cây trồng vật nuôi thích nghi với mặn đang xâm lấn ĐBSCL? Đó là những câu hỏi cấp bách cho khoa học nông nghiệp ở nước ta."
TỪ DỰ ÁN KÊNH ĐÀO PHÙ NAM PÉCHO NGHĨ ĐẾN “NHỮNG BĂN KHOĂN SIÊU HÌNH” CỦA LÃO TỬ TRƯỚC CÔNG NGUYÊN
LÊ PHÚ KHẢI
Sông Mê Kông lớn nhất Đông Nam Á, dài 4600km xếp thứ 6 trên thế giới, bắt nguồn từ những dãy núi tuyết phủ vùng Tây Tạng (Trung Quốc). Lưu vực Mê Kông 795.000 km2 chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Mỗi năm dòng sông vĩ đại này chảy đi 500 tỉ mét khối nước, chuyên chở 100 triệu tấn phù sa màu mỡ.
Đồng bằng song Cửu Long là phần cuối của châu thổ Mê Kông có diện tích tự nhiên 39.000 km2, chiếm 5% diện tích toàn lưu vực. Mê Kông có lưu lượng là 10.700 mét khối giây, vào mùa lũ, lưu lượng tăng gấp bội. Lũ năm 1961 lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, có lưu lượng đỉnh lũ ở Karatre (Campuchia) là 62.400 mét khối giây với tổng cộng là 90 ngày lớn nhất là 339*109 mét khối. Lũ Mê Kông vào Việt Nam theo hai hướng: Từ vùng ngập lụt trên đất Campuchia khoảng 10 – 15% tổng lượng, theo sông Tiền và sông Hậu khoảng 80 – 90% tổng lượng. Một phần lũ ở Đồng Tháp Mười do mưa tại chỗ sinh ra, khoảng 3,5 – 4,0 tỉ mét khối. Khi tràn vào Việt Nam lũ Mê Kông đổ vào sông Tiền, 20% vào sông Hậu. Nhưng sông Vàm Nao đã thông nước sông Tiền qua sông Hậu và bình quân từ đó mỗi sông chiếm 50% lưu lượng chảy ra biển. (Tài liệu của Phân viện khảo sát quy hoạch thuỷ lợi Nam Bộ - 9/1998).
Lũ ở ĐBSCL được xem là hiền hoà, còn được gọi là lũ lành, mực nước mùa lũ dâng lên trung bình 6cm/ngày, cao nhất cũng không quá 30cm/ngày. (Ở sông Hồng mức nước dâng nhanh có khi đến 9cm/giờ! ). Nhiều nơi như ở Đồng Tháp Mười, Châu Đốc lũ ngập sâu đến 3 – 4 mét, kéo dài hàng tháng. Lũ là tài nguyên lớn ở ĐBSCL, nó đem nước ngọt phù sa bón cho đất đai đồng ruộng và vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ sâu bệnh, diệt trừ chuột, giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân. Lũ còn đem lại nguồn lợi tôm cá vô cùng dồi dào cho nông dân.
Chính nhờ có lũ mà cả ĐBSCL là một bức tranh bao la đồng lúa, xum xuê cây trái, chằng chịt sông ngòi… ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá cho cả nước. Chỉ với 2,5 triệu héc ta đất nông nghiệp, ĐBSCL đã tạo ra sản lượng 12 triệu tấn lúa vào năm 1990 bằng 50% tổng sản lượng lúa của Thái Lan canh tác trên 9,5 triệu héc ta. Đến năm 1999 ĐBSCL đã xuất khẩu được 4,4 triệu tấn gạo. Từ những năm đầu thế kỉ 20, nông dân ĐBSCL đã tạo nên những kĩ thuật làm vườn độc đáo. Các nhà nghiên cứu gọi đó là là “Văn minh miệt vườn”. Đó là cách đào mương liên tiếp, tạo giồng đất cao nơi đất thấp, vét phù sa dưới mương lên bón cho liếp, không cần đến phân mà cây vẫn tươi tốt. Kĩ thuật trồng tỉa, lai ghép… đều đạt đến trình độ già dặn. Đặc biệt là giữ vệ sinh vườn mà không dùng đến thuốc sâu. Người ta trồng mãng cầu là thứ cây kiến thích làm tổ để dụ kiến đến, bắt tổ kiến nơi khác về nuôi. Người ta còn treo ruột gà, vịt trên cây để làm thức ăn cho kiến. Dùng giây chuối, dây thừng nối các cành làm hệ thống giao thông cho kiến đi lại… Nhờ hệ thống giao thông, kiến dễ dàng tập trung nơi có sâu bọ và không đánh lộn nhau! Những vườn cây quả có đội kiến vàng bảo vệ như thế rất sạch sâu bệnh. Đến đầu những năm 2000, vườn cây trái ở ĐBSCL đã có gần 300.000 héc ta cho sản lượng hơn 3 triệu tấn quả, xuất khẩu đến 76 nước trên thế giới, trong đó trái dứa của đồng bằng chiếm 16% tổng kim ngạch, dừa 27,2%, thanh long chiếm 4%… Giá trái cây hơn hẳn giá lúa vì thế vùng miệt vườn luôn là vùng giàu có và trù phú, có đời sống cao hơn hẳn vùng trồng lúa. Sau lúa, trái cây, thuỷ sản luôn là thế mạnh ở ĐBSCL. Sản lượng cá tra ở đồng bằng chiếm đến 95% sản lượng cá tra trong cả nước. Tuy chỉ với 6100 héc ta nuôi ở 9 tỉnh trong vùng, đến năm 2008 sản lượng cá tra nuôi đạt trên 1,2 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,433 tỉ USD, chiếm 32,2% giá trị xuất khẩu thuỷ sản cả nước. ĐBSCL có 1,4 triệu héc ta đất chịu ảnh hưởng của mặn, tạo ra 600.000 héc ta nuôi tôm sú, nhiều nhất là ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014 con tôm sú đã xuất khẩu trị giá 1,4 triệu USD, chiếm 49% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước.
Ở cả ba môi trường nước lợ, nước ngọt, nước mặn ĐBSCL có tới 567 loài cá tôm. Trong đó có hơn 200 loài có căn cứ địa là Biển Hồ (Campuchia). Có nghĩa là, cá tôm di chuyển từ Biển Hồ vào trong theo mùa nước rồi lại lui về Biển Hồ nơi nó “đăng kí hộ khẩu” ở đó!
Nói một cách hình ảnh, hình như có sự hẹn hò của lịch sử, dòng sông vĩ đại Mê Kông đã cần mẫn chuyên chở hàng tỉ hàng tỉ hạt phù sa màu mỡ từ bao triệu năm để chờ đón dân tộc ta từ phương bắc đi mở cõi về phương nam. Là cái dạ dày lúa gạo, là vườn trái cây, là vựa tôm cá của dân tộc ta vốn xưa nay chỉ sống bằng nghề nông…
Thật thiếu sót nếu nói đến ĐBSCL mà không nói tới hệ thống sông ngòi chằng chịt vô cùng tiện lợi cho giao thông đường thuỷ với những người đi mở cõi. Với một chiéc ghe tam bản… có khác nào có một con ngựa, một cỗ xe với một gia đình nông dân đi khai hoang lập nghiệp.
Đồng bằng sông Cửu Long có 37 con sông với tổng chiều dài 1706 km, 137 kênh rạch với chiều dài 2780 km , 33 rạch dài 466km, các luồng rạch nhỏ 11.404km. Hệ thống kênh rạch có độ sâu từ 1 mét trở lên chiếm 30% tổng chiều dài sông toàn quốc. Mật độ kênh rạch đạt 0,3km/1km2. Hệ thống sông rạch này tạo nên thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá ở vùng ĐBSCL vốn là nơi có kinh tế hàng hoá phát triển nhất trong cả nước. Tất cả các nhà máy xay xát lúa gạo ở ĐBSCL đều ở ngay bên các con kinh lớn, tất cả các vựa trái cây, vựa tôm cá khô cũng ở ngay bên bờ kinh, chỉ cần ghe tàu ghé vào bờ là có thể bốc hàng trở đi. 75% khối lượng hàng hoá trong vùng đều do đường sông đảm nhiệm. Hành khách ở ĐBSCL cũng được vận chuyển bằng đường sông đến 30%.
15 năm làm phóng viên thường trú cho Đài phát thanh quốc gia (TNVN) ở ĐBSCL, người viết bài này đi lại chủ yếu bằng đường sông, và chứng kiến những sự việc mà có lẽ không ở đâu xuất hiện trên hành tinh này ngoại trừ ở Đồng bằng sông Cửu Long! Đó là: Bến đò… “trên ngọn cây”! Ban đầu những hành khách trong vùng khai hoang Đồng Tháp Mười muốn đi tàu khách tuyến kênh đào xuyên Đồng Tháp Mười từ Long An đi Đồng Tháp phải trèo lên một ngọn cây cổ thụ có cành vươn ra mặt nước bờ kinh. Khi thấy tàu đi qua thì hô to kêu tàu cập sát bờ kinh để họ tụt từ trên cây xuống mui tàu! Lâu ngày cách đi này được làm theo, đã hình thành một … bến đò trên ngọn cây! Người ta đã tay xách nách mang trèo lên cây như thế để… đi đò!!!
Viết về những vui buồn ở cái đồng bằng cuối trời nam của đất nước không biết đến bao giờ mới hết. Nhưng vui nhất là sau bao nhiêu năm tháng, chúng ta đã vì những hoang tưởng mà đề ra những đường lối kiến quốc sai lầm chết người, như “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”, vv… và… vv. Mãi đến hôm nay mới ngộ ra là “nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế” đất nước. Nông nghiệp là gì? Ở đâu?.. Nếu không phải ở Đồng bằng sông Cửu Long! “Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang” thì hung tin Campuchia sẽ làm kênh Phù Nam Pécho dẫn nước Mê Kông ra vịnh Thái Lan để làm đường vận tải thuỷ! Nhiều năm nay ở ĐBSCL đã điêu đứng vì hạn mặn thâm nhập do các quốc gia thượng nguồn chặn dòng Mê Kông làm thuỷ điện. Nay thêm kênh đào Phù Nam lấy nước trực tiếp từ Mê Kông cho chảy đi hướng khác thì số phận của ĐBSCL sẽ đi về đâu?! Người Campuchia lấy cớ là lấy nước từ sông Bassac, một dòng phụ của sông Mê Kông trên đất nước họ, nhưng Campuchia còn đào ở phía trên một con kênh nối sông Tiều là nhánh chính của sông Mê Kông vào sông Bassac, vậy là dòng phụ cũng thành dòng chính! Họ nói là làm kinh giao thông nhưng trên đoạn đường 180km này, cư dân hai bên bờ kinh dẫn nước vào đồng làm ruộng thì sao? Nên nhớ là 1 héc ta ruộng lúa cần 5000 mét khối nước! Vẫn theo lời người Campuchia thì kênh đào Phù Nam là để khỏi bị thu phí giao thông khi hàng hoá của Campuchia vận chuyển qua Việt Nam để ra Biển Đông qua đường sông Tiền sông Hậu. Tôi trộm nghĩ, nếu Việt Nam tuyên bố không thu phí của Campuchia nữa khi vận chuyển qua đường thuỷ Việt Nam thì Campuchia có thôi không làm kênh đào Phù Nam Pécho nữa hay không?!
Nói cho vui vậy thôi, một người khờ khạo nhất cũng hiểu, khi kênh đào Phù Nam có yếu tố Trung Quốc hợp tác bỏ vốn vào thì không còn là chuyện giao thông đơn thuần nữa. Con sông Mê Kông khi chảy trên đất Trung Quốc có tên là sông Lan Thương. Trung Quốc đã làm 11 con đập thuỷ điện. Nhưng có đập chỉ để giữ nước, không làm thuỷ điện. Trung Quốc có cả một chiến dịch giữ nước để khống chế, nô dịch các quốc gia vùng châu Á phụ thuộc vào nguồn nước ngọt. Bởi lẽ, tất cả các con sông của Châu Á đều bắt nguồn từ những dãy núi tuyết phủ của Tây Tạng. Đến nay, tất cả các quốc gia văn minh đều từ giã các đập thuỷ điện vì nhận rõ sai lầm của con người khi chống lại tự nhiên. Duy chỉ có Trung Quốc, vì dã tâm muốn lợi dụng địa chính trị để khống chế, nô dịch các quốc gia láng giềng. Chẳng những không phá bỏ đập thuỷ điện mà Trung Quốc còn xây thêm những đập thuỷ điện lớn hơn cả đập Tam Hiệp ở phía tây nam, chặn dòng nước chảy xuống Ấn Độ và Băng-la-đét, gây phẫn nộ lớn cho hai quốc gia này. Tại lục địa, 433 con sông trên toàn cõi Trung Quốc cũng đã bị hàng ngàn con đập chặn lại. Trung Quốc muốn phát triển nóng, phát triển vượt bậc về thuỷ điện nên “sức nặng” của hàng ngàn con đập chứa nước này đã gây ra động đất, sóng thần, lụt lội, vỡ đê kinh hoàng… gây điêu đứng cho hàng chục tỉnh thành, hàng trăm triệu dân. Từ ngàn đời nay, nước chảy chỗ trũng, sông chảy ra biển… nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc đã làm ngược lại quy luật tự nhiên này!
Từ trước Công nguyên, Trung Quốc đã có hàng ngàn năm lịch sử, khi nhân loại còn bán khai thì xã hội Trung Quốc đã tiến hoá đến mức “những băn khoăn siêu hình đã xuất hiện” (trang 265 – Tổ quốc ăn năn – NGK).Người Trung Quốc đã đặt ra những quẻ bói toán để dò ý trời đất, quỷ thần. Lão Tử (571 – 471 TCN), Khổng Tử (551 – 479 TCN), Mạnh Tử (372 – 289 TCN) và sau các vị thánh này, cuối thời Xuân Thu - Chiến Quốc còn xuất hiện nhiều nhà khai phóng tư tưởng như Tuân Tử, Mặc Tử, Hàn Phi… có tầm vóc còn lớn hơn nhiều giai đoạn hoàng kim của tư tưởng Hy-La phương Tây.
Chính từ buổi bình minh của nhân loại đó, Lão Tử đã dạy: Ngươi phải thuận theo đất, đất phải thuận theo trời, trời phải thuận theo đạo, đạo phải thuận theo tự nhiên. Vậy mà Đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay đã chống lại chính tổ tiên của mình. Đắp hàng ngàn con đập không cho nước chảy chỗ trũng, sông chảy ra biển! Kênh đào Phù Nam Pécho là tiếp nối những dã tâm đã được lập trình của Trung Quốc với cuồng vọng thống trị loài người.
Chúng ta không có ảo vọng làm thay đổi những tham vọng điên cuồng thống trị nguồn nước để nô dịch các quốc gia lân bang. Chủ động để đối phó với hiểm hoạ khô hạn, thiếu ngọt, bị xâm nhập mặn ở ĐBSCL là việc làm to lớn và cấp bách của Việt Nam lúc này. Không thể cứ vô tư sống mãi với những ân huệ trời cho ở ĐBSCL như trước đây. Không thể cứ thoả thuê với nguồn nước ngọt khi lũ về, tha hồ với tôm cá, với những dòng sông nồng nàn phù sa, vườn cây xanh tốt. Thời hoàng kim ấy không còn nữa. Hãy nghĩ đến những chum vại trữ nước ngọt về mùa mưa ở những vùng xa nguồn nước ngọt như Sóc Trăng, Cà Mau. Hãy nghĩ đến nguồn nước ngọt ở Đồng Tháp Mười do mưa tại chỗ sinh ra đến 40 tỉ mét khối hàng năm vào mùa mưa! Có cách gì để giữ lại một phần của 40 tỉ mét khối nước ngọt này không? Hãy nghĩ đến những con người kiên cường của đất nước Israel chỉ có sa mạc, quanh năm không có mưa mà người ta vẫn phát triển được nông nghiệp một cách diệu kì. Hãy đến một trường học ở Israel để thấy các em học sinh ở đây tiết kiệm từng giọt nước như giọt máu của mình ở các vòi nước trong nhà vệ sinh của trường. Hãy cử người đi học ở Israel về cách người ta tiết kiệm nước, đưa việc tiết kiệm nước vào trường học. Quốc hội có nên đưa ra luật về sử dụng tài nguyên nước hay không? Phải thay đổi tư duy cho vùng ĐBSCL về nước ngọt. Hay nói khác đi, mọi tư duy ở ĐBSCL phải bắt nguồn từ khả năng cung cấp nước ngọt. Vàng có thể làm ra, nhưng nước ngọt thì không thể làm ra được! Ở đâu có nước ngọt, ở đó có sự sống. Người ĐBSCL đã phát hiện ra điều kì diệu ấy từ chính cuộc sống của mình khi nguồn nước ngọt bị đe doạ. Hãy nhìn sang miền Đông Nam Bộ. Con sông Đồng Nai là con sông lớn nhất ở nước ta, nó chảy trọn vẹn trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là một mỏ vàng của đất nước. Có cách gì để “chia sẻ” nước ngọt của Đồng Nai cho Miền Tây Nam Bộ, đó phải là những đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia của các giáo sư, tiến sĩ, thay vì các đề tài nghiên cứu khoa học nhận kinh phí nhà nước, khi nghiệm thu đề tài xong thì xếp nó vĩnh viễn vào các ngăn tủ như ta vẫn làm từ trước đến nay!!! Có cách gì để tạo ra những cây trồng vật nuôi thích nghi với mặn đang xâm lấn ĐBSCL? Đó là những câu hỏi cấp bách cho khoa học nông nghiệp ở nước ta.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện. Đó là lần tôi theo một đoàn du lịch của công ty Du lịch tỉnh Vĩnh Long. Nhân viên du lịch của công ty phát cho các du khách mỗi người một cái áo mưa. Khi một cơn mưa to ập đến kéo dài suốt mấy tiếng, mọi người đều lấy áo mưa ra mặc. Duy chỉ có một du khách không chịu mặc áo, để mưa ướt suốt mấy tiếng đồng hồ. Thấy vậy tôi phỏng vấn ông khách này qua cô hướng dẫn viên của đoàn. Ông khách đặc biệt này cho biết, ông là người Israel, nước ông quanh năm không có mưa. Vì thế, đến Việt Nam ông phải dầm mưa cho đã! Rồi ông kết luận: Nước các bạn sung sướng quá!!!
Có lẽ vì quá sung sướng mà chúng ta đã ỉ lại bao nhiêu năm nay?!
Bài này tác giả viết khá hay và hấp dẫn.
HHT đã đi thăm hết ĐBSCL. Rất ấn tượng nơi đây. Có một điều khá thú vị là Cà Mau: đi bằng tầu cao tốc xem cảnh hoạt động sông nước…Hôm HHT đang trên tàu cao tốc thì tầu chết máy ngồi chờ mất 3 tiếng, xong phải chuyển sang tầu khác. Vào đến tận cùng của Mũi Cà Mau. Không đi được ô tô, phải đi bằng xe ôm đưa đường và được mục kỉnh nhìn thấy trước cửa mỗi ngôi nhà rất nhiều mộ xây tại nhà dân ở. HHT có hỏi thì họ bảo là phong tục của họ là khi chết, tất cả mọi người đều được chôn cất tại trước mặt tiền ngôi nhà của họ…