Bên trong nhà máy sản xuất 3 triệu chăn ga gối đệm mỗi năm: Tiêu thụ hơn 4,7 triệu mét vải, 57.200 cuộn chỉ và 7.735 tấn xơ
Năm 2004, khi xem xét mảng kinh doanh Bông tấm và Chăn ga gối đệm của Viko Moolsan - một công ty Hàn Quốc đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993 đang đứng trước bờ vực phá sản, ông Lee Jae Eun có 2 lý do để đi đến quyết định mua lại.
Thứ nhất là ấn tượng về Việt Nam với tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi chiếm trên 70%, dự báo một sức bật đáng kể của nền kinh tế. Thứ hai, trong những cuộc trò chuyện “khảo sát” với các chủ quán ăn, ông Lee Jae Eun nhận thấy thương hiệu chăn ga gối đệm Everon của Viko Moolsan, sau 5 năm ra mắt, đã được phủ sóng tốt, định vị như một sản phẩm đẳng cấp.
Đổi tên thành Everpia từ kết hợp của “forEVER” - mãi mãi và “utoPIA” - một thế giới tươi đẹp, từ một công ty đứng trước nguy cơ giải thể, doanh nghiệp ngày đó đã nhanh chóng mở rộng doanh số lên 1.000 tỷ/năm và là doanh nghiệp FDI tiên phong niêm yết trên sàn chứng khoán.
Không tự nhiên mà trong 2 thập kỷ qua, sản phẩm chăn ga gối đệm mang thương hiệu Everon vẫn giữ vững định vị là những sản phẩm chất lượng cao cấp, giá thành cao. Thị trường trôi nổi rất nhiều sản phẩm ga giường có thương hiệu và không có thương hiệu với giá chỉ từ 500-1 triệu đồng, còn Everpia vẫn có thể “tiêu thụ” những bộ ga mức giá từ 3 triệu đồng trở lên. Bộ ga đắt nhất của Everpia là các bộ ga có giá 22 triệu đồng, được làm từ vải Hanji Modal thuộc thương hiệu Artemis .
Quy trình làm ra một bộ chăn ga của Everpia có gì thú vị?
Nhà máy Everpia (Văn Lâm, Hưng Yên) vào một ngày mùa hè vẫn tấp nập sản xuất chăn ga gối đệm. Đây là một trong những nhà máy sản xuất chăn ga gối đệm lớn nhất Việt Nam với công suất khoảng 3 triệu sản phẩm mang thương hiệu Everon, Artemis… mỗi năm.
Không hề dễ dàng để may một sản phẩm chăn ga có mẫu mã đẹp, hợp thị hiếu khách hàng, đảm bảo chất lượng cả triệu cái như một. Chúng phải trải qua quy trình gồm 8 công đoạn, với sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bộ phận, nhiều phân xưởng.
Công đoạn đầu tiên, Everpia tiến hành nghiên cứu thị trường dựa trên việc phân tích dữ liệu sản phẩm và khách hàng, khảo sát ý kiến các đại lý, tham khảo các nghiên cứu về xu hướng màu, thiết kế, chất liệu và tham khảo thông tin từ các nhà cung cấp.
Lợi thế cạnh tranh của Everpia là sở hữu thiết kế độc quyền. Không nên thắc mắc vì sao một bộ chăn ga gối của Everpia đắt hơn hẳn một bộ chăn ga gối không thương hiệu ở bên ngoài, hay đắt hơn so với các thương hiệu khác. Bởi vì, không chỉ các sản phẩm này không chỉ có chất liệu cao cấp mà còn mang hoạ tiết khác biệt, khó làm nhái.
Các mẫu thiết kế được thiết kế 8 tháng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường và một bộ sưu tập mới có thể được khấu hao trong 3 năm. Ví dụ sắp tới Everpia cho ra mắt bộ sưu tập “Bình minh rạng rỡ” với 36 mẫu thiết kết, nó đã được lên kế hoạch và thiết kế từ tháng 10 năm 2022.
Ở công đoạn thứ 3, thiết kế được chuyển đến cho nhà cung cấp vải để sản xuất ra vải mẫu. Bộ phận thiết kế sẽ kiểm tra màu sắc thực tế của vải để thực hiện các điều chỉnh về thiết kế nếu cần và kiểm tra mật độ vải, kỹ thuật in.
Muốn biết một bộ ga có “xịn” hay không, chúng ta có thể tạm dùng tay để cảm nhận chất vải. Khi mật độ sợi càng dày, vải càng mềm càng “xịn”. Một bộ ga của Everpia có thể dùng chất liệu Hanjin, Tencel, Modal, Cotton và Bamboo… được làm từ sợi 60 với mật độ 300 sợi/ 1 inch vuông.
Tuy nhiên, vải tốt cũng chưa hẳn đã phù hợp để in cùng thiết kế độc quyền của Everpia.
Trong công đoạn thứ 4, bộ sản phẩm mẫu sẽ tiếp tục được kiểm tra bằng cách giặt tay, giặt máy và phơi nắng để đánh giá mẫu thiết kế có được in trên vải với chất lượng tối ưu hay không. “Nếu khách hàng giặt đúng, sản phẩm của Everpia sẽ đẹp mãi và bền mãi”, ông Lee chia sẻ.
Sản phẩm đạt chất lượng sẽ được trưng bày tại Hội nghị khách hàng thường niên.
Ai sẽ là “giám khảo” đánh giá mẫu mã nào có khả năng bán chạy? Đó chính là các chủ đại lý - những người nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực chăn ga gối, hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tiêu dùng cuối cùng và là người thấu hiểu gu của khách hàng ở từng địa bàn hơn cả. Việc đánh giá của đại lý cùng với số lượng đặt hàng sớm là cơ sở để công ty quyết định số lượng vải đặt và số lượng sản phẩm dự kiến sẽ sản xuất trong năm.
Tất cả các mẫu chăn ga gối đệm đều cắt theo kích thước giường tiêu chuẩn gồm 160x200 cm, 180x200 cm và 200x220 cm và được bán rời hoặc bán bộ theo 05 quy cách đóng gói gồm: bộ ga phủ, bộ chăn bốn mùa, bộ ga chun chần chăn bốn mùa, bộ ga chun chần và bộ ga chun.
Đối với sản phẩm chần bông, sau khi cắt, vải sẽ được chuyển qua xưởng chần. Sản phẩm chần bông thường nhẹ, có thể giặt máy mà không lo bị xù. Đây là một nữ công nhân đang kiểm tra hình chần.
Thực tế, Bông tấm là sản phẩm đã tạo nên tên tuổi cho Everpia từ những ngày đầu tiên. Cho đến nay, mặt hàng Bông tấm vẫn chiếm 25% doanh thu của công ty.
Trong xưởng làm bông, một người công nhân đang “rắc xơ”. Xơ polyester được lấy ra từ kiện sẽ được xới tung để nhanh chóng đàn hồi lại trạng thái tơi xốp ban đầu. Sau đó sẽ được chuyển qua máy thổi để thổi tơi xơ đảm bảo từng sợi xơ đã được tơi xốp tối đa.
Sau đó, máy dàn định hình sẽ dàn và nén từng lớp xơ mỏng để tạo thành lớp bông tấm với độ dày theo yêu cầu. Nó có thể dùng để chần bông hoặc trải qua những khâu ép khác để tạo nên chiếc đệm.
Trở lại với chăn ga, đối với những sản phẩm thêu thì vải sẽ được vận chuyển đến xưởng thêu.
Các máy thêu công nghiệp chạy tự động theo bản thiết kế được nhập trong máy tính. Con người hầu như chỉ đóng vai trò điều khiển máy, nối chỉ và kiểm tra sản phẩm.
Sau khi thêu, chúng sẽ được chuyển qua xưởng may. Đây là bộ phận lớn nhất và có nhiều nhân công nhất trong quy trình sản xuất. Hiện tại, Everpia có 318 công nhân làm việc tại 6 tổ thuộc xưởng may như thế này.
Tính đến cuối năm 2022, thâm niên bình quân của nhân viên Everpia là 8,19 năm, trong đó tỷ lệ người lao động có thâm niên trên 05 năm đạt 59%, trên 03 năm đạt 75%. Đây là những con số ấn tượng so với bình quân ngành may mặc tại Việt Nam.
Mỗi sản phẩm sau khi may đều phải được kiểm tra, cắt chỉ thừa trước khi đóng gói.
Sẽ phải cần đến 7-8 công nhân để xử lý phần cắt chỉ thừa như vậy.
Vấn nạn hàng nhái, hàng giả là điều khiến Everpia “đau đầu” nhất. Mỗi sản phẩm của đơn vị này đều được dán mã vạch và tem chống hàng giả. Mỗi mã vạch chỉ tương ứng với một sản phẩm duy nhất. Nếu khách hàng bắt gặp hai hoặc nhiều sản phẩm có cùng số mã vạch thì chắc chắn đó không phải là hàng chính hãng.
Bên cạnh đó, công ty còn có tem chống hàng giả với công nghệ cà đá lạnh. Khi tiếp xúc đá lạnh (đá uống nước), logo “ EVERON ” màu đỏ sẽ xuất hiện phía trên bề mặt tem. Mặt khác, tem chỉ sử dụng được một lần, khi bóc tem ra khỏi sản phẩm, tem sẽ bị vỡ và không thể dán lại.
Các sản phẩm được nhập kho trước khi chuyển đi xuất khẩu, phân phối cho các khách sạn hay đại lý. Kho hàng thành phẩm của Everpia rộng 1.820 m2, được quản lý bằng phần mềm ERP.
Hiện Everpia có khoảng 500 cửa hàng trên toàn quốc. Năm 2022, Everpia đã bán ra 2,6 triệu sản phẩm, Tiêu thụ hơn 4,7 triệu mét vải, 57.200 cuộn chỉ và 7.735 tấn xơ, đem về doanh thu hơn 700 tỷ đồng ở ngành hàng chăn ga gối đệm.
Được biết, Everpia chốt giá bán các mẫu mã, sản phẩm mới từ khi bắt đầu tung ra thị trường và duy trì chính sách giá giữ nguyên cho đến hết sản phẩm. “Theo đó, khách hàng mua hôm nay, hay 2 tháng sau, 1 năm sau đi nữa vẫn sẽ được mua sản phẩm theo giá ban đầu, ngay cả khi giá nguyên liệu đầu vào có tăng mạnh” - Ông Lee cho biết.
Năm ngoái, Everpia lần đầu công bố về chiến lược mở rộng ngành nghề với bước đi đầu tiên là nhóm sản phẩm “home textile” - các mặt hàng đồ dùng trong gia đình làm từ vật liệu vải như rèm, khăn trải bàn, khăn tắm, đồ dùng trong nhà bếp… Ông Lee Jae Eun bật mí, ngày kỷ niệm thành lập Everpia năm nay (11/11/2023) được lựa chọn là thời điểm để công bố sản phẩm dệt may gia dụng đầu tiên.