TTCK Tháng 7/2024

, , , , , , , , ,

Chào mừng Quý Anh Chị NĐT đã đến với chủ đề: “TTCK Tháng 7/2024”

Hi vọng sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ Quý Anh Chị NĐT một cách hiệu quả, giúp Quý Anh Chị khai thác thêm chiều sâu về tư duy và nhận thức trên hành trình đầu tư tài chính của riêng mình, cùng nhau hướng đến các giá trị đầu tư bền vững

Chúc tất cả mọi người đầu tư thành công và vạn sự viên mãn!

8 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG]: SỰ PHÂN HOÁ LAN RỘNG

Kết phiên thị trường Tháng 6 đã cho thấy áp lực vùng cung diễn ra ở quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1300đ. Xét trên chỉ số VNIndex, thị trường chung vẫn đang trong một trạng thái phục hồi, xu hướng sideway dốc lên trong trung hạn. Trong giai đoạn sideway dốc lên trên, thị trường cũng đã có những sự phân hoá nhất định giữa các cổ phiếu dẫn dắt có quán tính tăng giá vượt trội so với các nhóm cổ phiếu khác.

Trong một bức tranh ngắn hạn hơn, kể từ khi thị trường tạo đáy và phục hồi từ cuối Tháng 4, thị trường đã xuất hiện các “Siêu cổ phiếu” tạo xu hướng tăng giá và chinh phục những đỉnh cao để tạo những mặt bằng nền giá mới như nhóm Công nghệ với đại diện tiêu biểu là FPT, sự vận động tăng giá riêng biệt ở các cổ phiếu như LPB, VGI…, ngoài ra còn có những cổ phiếu nặng tính đầu cơ giá cũng đã thuận theo sự luân chuyển dòng tiền trong ngắn hạn để đi lên.

Ở hướng ngược lại, sự suy yếu thể hiện ở các nhóm cổ phiếu nặng tính chu kỳ như Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản. Với đặc tính của một thị trường cận biên và phần lớn tỷ trọng nằm ở các nhóm cổ phiếu nặng tính chu kỳ như trên, sự suy yếu của các nhóm này sẽ tạo ra áp lực trên chỉ số và chỉ số chung thường sẽ vận động thận trọng ở các ngưỡng kháng cự tâm lý trọng yếu.

Hiện tại với 2 Key Bar (Nến chủ chốt) từ phía cung (áp lực từ người bán) có độ biến động biên độ lớn (trên 20đ, >1%) so với các phiên gần đó đi kèm khối lượng (vượt trung bình 20 phiên) vào 2 phiên 14.06 và 24.06; bên cạnh đó còn là sự khựng lại, tạm suy yếu của các cổ phiếu dẫn dắt; hay những cú Break-out (phá vỡ) thất bại của các cổ phiếu đi lên từ nền tích luỹ trong những phiên gần đây, là những chất xúc tác tác động đến thị trường chung gần đây, khiến chỉ số đang trong trạng thái điều chỉnh ngắn hạn và sẽ tiếp tục duy trì trạng thái này đến khi có sự bùng nổ của các cổ phiếu dẫn dắt để mở ra giai đoạn tăng giá mới.

Để một thị trường xuất hiện những cơ hội đầu tư hấp dẫn, ắt phải có sự đi lên bền vững của các cổ phiếu dẫn dắt, cổ phiếu dẫn dắt là những cổ phiếu được xuất phát từ nền giá, các mẫu hình tích luỹ chặt chẽ, bền vững để dòng tiền lớn “trú ngụ”, làm bàn đạp để dòng tiền vào mạnh mẽ mà bùng nổ đi lên. Khi chưa có sự xác nhận của các yếu tố nền tảng cấu trúc nền giá cần thiết và dòng tiền trong bối cảnh hiện tại, kiên nhẫn quan sát chờ đợi “quả ngọt” thật sự đang nằm ở đâu giữa “khu vườn” rộng lớn.

3 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 02.07.2024]: CỔ PHIẾU DẪN DẮT XUẤT HIỆN TIẾP ĐÀ PHỤC HỒI CHUNG

Kết phiên mở bát đầu Tháng 7 hôm qua, chúng ta thấy được sự phục hồi chung về mặt điểm số của thị trường mang tính lan toả đến phần lớn các nhóm ngành suy yếu trong giai đoạn trước đi kèm mức thanh khoản thấp. Điểm sáng trong ngày hôm qua của thị trường đến từ cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) khi bật tăng từ hộp tích luỹ ngắn (khoảng 1 tháng) + trạng thái Pullback khi kéo về đường trung bình động EMA 21 và bật nảy lên từ đây, đây cũng là Key Bar xác nhận của riêng MWG trong giao dịch khi dòng tiền đổ vào sau tích luỹ.

Với bối cảnh như vậy, chúng ta đã thấy rõ về nỗ lực trong hành động giá của MWG (trước áp lực giảm giá của thị trường chung) để xem đây là cổ phiếu dẫn dắt có trạng thái sức mạnh giá vượt trội ở thời điểm hiện tại để làm “kim chỉ nam” định hướng cơ hội cho thị trường giai đoạn sắp tới, khi thị trường có lại sắc xanh sau chuỗi phiên giảm giá với cổ phiếu dẫn dắt “đang xuất hiện”, chúng ta sẽ ghi nhận đây phiên phục hồi “có giá trị và tầm ảnh hưởng cao” để kỳ vọng vào sự thay đổi xu hướng điều chỉnh ngắn hạn trong thời gian tới.

Khi thị trường đã xuất hiện cổ phiếu dẫn dắt mới thì chúng ta sẽ theo dõi những phiên tiếp theo của MWG, nếu MWG vẫn giữ được sức mạnh giá mạnh mẽ và thị trường có sự cải thiện hơn cho phe cầu (sức mạnh từ người mua) thì sẽ là tín hiệu khả quan hơn để săn tìm các cổ phiếu có sức bật hấp dẫn khi chúng xuất hiện. Ở chiều ngược lại, nếu sắp tới MWG thất bại trong nỗ lực phục hồi (áp lực người bán phủ nhận Nến chủ chốt 01.07 của MWG) và thị trường thiếu sự dẫn dắt, dòng tiền chưa cải thiện, thì sẽ thật thử thách cho sự lan toả dòng tiền khắp thị trường và sẽ “e dè hơn” để các siêu cổ phiếu có thể xuất hiện. Khi ấy câu chuyện sẽ quay về cũ, chờ đợi cổ phiếu mạnh mẽ dẫn dắt khác.

3 Likes

Anh Chị NĐT có đang quan tâm về cổ phiếu nào thì có thể Bình luận, em sẽ chia sẻ thêm quan điểm của bản thân để mọi người có thêm góc nhìn đầu tư cho riêng mình

3 Likes

[BÀI HỌC PHÂN TÍCH KỸ THUẬT - VGI]: "HÀNH TRÌNH VẠN DẶM” BẮT ĐẦU TỪ NỀN GIÁ ĐẦU TIÊN

Nhìn lại hành trình tăng giá vĩ đại (chưa hồi kết) của một trong những siêu cổ phiếu nổi bật nhất năm 2024 này, chúng ta sẽ nói đến siêu cổ phiếu của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel - VGI. Khi tham gia đầu tư trên TTCK, mỗi NĐT chúng ta vào thị trường này với mỗi tâm thế, những sự chuẩn bị khác nhau nhưng phần lớn sẽ xuất phát với mục tiêu giống nhau - đó là kiếm tiền, tạo thêm nguồn thu nhập thông qua các khoản đầu tư trên thị trường này.

Đối với phần lớn các Anh Chị NĐT cá nhân, chúng ta thường sẽ tìm kiếm lợi nhuận thông qua cách thức “Chênh lệch giá”; và vì định hướng như thế, nên chúng ta sẽ ưu tiên những cơ hội có thể tạo được những khoảng chênh lệch giá lớn và đầy hấp dẫn trong tương lai để kỳ vọng rằng cổ phiếu ấy sẽ giúp mình đạt được tỷ suất sinh lợi vượt trội. Vậy câu hỏi đặt ra, điều gì sẽ tạo nên “điều kỳ diệu ấy”?

Với một cấu trúc tích luỹ Nền giá đầu tiên được hình thành trong khoảng 5,5 năm, VGI đã tạo ra được một môi trường “gom hàng” lý tưởng để Dòng tiền thông minh “trú ngụ” và “bày binh bố trận” trước “trận đánh lớn”. Khi đã “gom hàng” đủ cũng là điều kiện cần đầu tiên, điều kiện đủ sẽ đến từ những sự bùng nổ, sự đồng thuận giữa giá - khối lượng - thời gian, để có thể hình thành nên nhịp tăng giá kéo dài theo quán tính sau tích luỹ.

Một bức tranh lớn như vậy đã phản ảnh đầy đủ cả 3 quy luật nền tảng của Wyckoff:

+ Quy luật Cung - Cầu: Sức mạnh của dòng tiền thông minh đại diện cho phe Cầu, mục đích gom hàng là để “Dòng tiền ấy” đánh lên tìm kiếm lợi nhuận, chính sự “sẵn sàng” đấy đã góp phần thúc đẩy sự tăng giá bền vững của cổ phiếu.

+ Quy luật Nguyên nhân - Kết quả: Kết quả của các giai đoạn tăng giá bền vững (khác hoàn toàn tăng giá phục hồi) đều xuất phát từ Nguyên nhân là cổ phiếu VGI có nền giá tích luỹ bền vững + Sự xác nhận và duy trì của dòng tiền thúc đẩy vào Giai đoạn tăng giá

+ Quy luật Nỗ lực - Kết quả: Nỗ lực của VGI là kết tinh của dòng tiền đã xây dựng cấu trúc, gom hàng “cật lực” trong suốt hơn nửa thập kỷ qua, rồi sẽ mang lại một Kết quả tương xứng cho thành công trong tương lai. Nỗ lực càng lớn - Thành Quả càng lớn

Câu trả lời đầy đủ chính cho câu hỏi: “Điều gì/Nguyên nhân gì đã tạo nên những cú tăng giá “diệu kỳ” của cổ phiếu?” là Thuận theo Dòng tiền thông minh xây dựng Nền tảng tích luỹ + Dòng tiền thúc đẩy giá mạnh mẽ sau tích luỹ.

Nhưng đối với câu hỏi: “Chúng ta sẽ kiếm tiền như thế nào?”, đáp án chính là chúng ta tham gia tại thời điểm có sự xác nhận bứt phá khỏi vùng Tích luỹ để bước vào giai đoạn Tăng giá - cũng chính là thời điểm chuyển giao giữa 2 giai đoạn, chúng ta kiếm tiền trong giai đoạn Tăng giá này, không phải trong “sự nhọc nhằn” của Tích luỹ với vị thế của một NĐT cá nhân, tránh bị găm hàng thời gian dài, mất cơ hội hấp dẫn khác, bị tâm lý đầu tư…

Bức tranh từ giai đoạn Tích luỹ bền vững đến Tăng giá bền vững là bức tranh đẹp tuyệt vời của TTCK nói chung và các cổ phiếu hấp dẫn nói riêng, không chỉ riêng VGI trong trường hợp này, chúng ta có thể dùng bất kỳ từ ngữ mĩ miều nào để miêu tả vẻ đẹp của nó, nó phản ánh rõ ràng cách vận hành của TTCK một cách toàn diện và phù hợp với mỗi NĐT cá nhân chúng ta để hướng tới mục tiêu đã đề ra.

Cần lưu ý: Phân biệt rõ ràng khái niệm giữa Tăng giá phục hồi và Tăng giá bền vững. Bài viết mang tính chất chia sẻ kiến thức về phương pháp Wyckoff dưới minh hoạ thực tế bằng cổ phiếu VGI, không nhằm mục đích khuyến nghị đầu tư

3 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 08.07]: BỨT PHÁ TRONG PHÂN HOÁ?

Sau tuần giao dịch đầu tiên Tháng 7, chúng ta thấy được sự phục hồi chung được lan toả trên diện rộng của thị trường, khác với sự “ảm đạm chóng vánh” trong tuần giao dịch cuối cùng của Tháng 6. Sự lan toả dòng tiền, phục hồi của chỉ số đến từ 2 nhóm cổ phiếu: (1) Nhóm cổ phiếu có sự tăng giá mang tính phục hồi của các cổ phiếu có cấu trúc giá suy yếu trước đó; và (2) Nhóm cổ phiếu có sự tăng giá xác nhận nhịp tăng mang tính bền vững của nhóm cổ phiếu dẫn dắt có cấu trúc giá mạnh mẽ của thị trường. Và để có được một tỷ suất sinh lợi hấp dẫn (đi kèm các yếu tố về mức độ rủi ro sẵn sàng chấp nhận của bản thân), chúng ta thường sẽ ưu tiên hơn cho nhóm cổ phiếu thứ (2).

Chính bởi bối cảnh “mạnh - yếu” cùng hoà nhịp lan toả, việc nhận diện dòng tiền thông minh tăng giá chủ đạo hiện diện ở đâu ít nhiều sẽ khiến cho các Anh Chị NĐT thận trọng, lưỡng lự hơn khi ra quyết định. Để tìm hướng giải quyết cho vấn đề này và cho chúng ta tập trung nhiều hơn đối với các cổ phiếu dẫn dắt đang có sức mạnh giá vượt trội, chúng ta có thể xem xét qua việc so sánh, nhìn nhận về cấu trúc giá giữa cổ phiếu và thị trường chung (xem các đồ thị giá minh hoạ).

Các cổ phiếu dẫn dắt hiện tại sau điều chỉnh, chủ đạo có thể kể đến như Nhóm hoá chất (CSV, LAS), nhóm phân bón (DDV, BFC), các cổ phiếu mạnh riêng lẻ khác như: GEG, POW, FPT, LPB, VGI… là các cổ phiếu có cấu trúc giá mạnh so với mặt bằng chung của thị trường, các nhóm ngành dẫn dắt sẽ có cổ phiếu tăng trước - tăng sau nhưng đều sẽ thuận theo quán tính tăng giá đồng thuận, khác với nhóm cổ phiếu phục hồi sau điều chỉnh, các cổ phiếu có cấu trúc phục hồi sau nhịp điều chỉnh thường sẽ cần thêm thời gian để hấp thụ lượng cung hình thành từ dư âm điều chỉnh, tỷ suất sinh lợi phần lớn sẽ thấp hơn cổ phiều dẫn dắt trong cùng giai đoạn.

Trong môi trường phân hoá đầy biến động, những cổ phiếu đã bứt phá được từ nền tảng tích luỹ bền vững sẽ thuận theo quán tính để tăng giá bền vững (ít nhất cho đến khi xuất hiện tín hiệu bất thường để phải điều chỉnh hành động). Cổ phiếu điều chỉnh mạnh chưa chắc sẽ hồi phục mạnh, nhưng cổ phiếu xác nhận vào nhịp tăng sau tích luỹ (đi kèm dòng tiền duy trì tiếp đà tăng) thường có xác suất thành công cao, sẽ tăng mạnh để dẫn dắt các cơ hội đầu tư thực sự.

1 Likes

[CẤU TRÚC GIÁ CỦA BID]

Gần đây trên thị trường đang quan tâm nhóm giảm sâu trước đó điển hình như nhóm Ngân hàng quốc doanh, lấy ví dụ với BID với mức điều chỉnh về ngưỡng 0.618 Fibonacci thoái lui, hiện tại BID đang trong nhịp hồi phục và sau đó cần thời gian tái tích luỹ trước khi vào một xu hướng tăng bền vững mới. Với rất nhiều cổ phiếu trên thị trường, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu chính là chọn được cổ phiếu mạnh để từ đó ưu tiên đầu tư đúng cổ phiếu phù hợp trong từng giai đoạn

Ban đầu với MWG là cổ phiếu xác nhận đầu tiên sau cú bùng nổ ngày 01.07, sau đó các phiên kế tiếp, những cổ phiếu mạnh mẽ khác có cấu trúc giá tương tự cũng đã xuất hiện và tăng mạnh như CSV, LAS, BFC, DDV, DCM, GEG…

Khi thị trường dần có sự lan toả của các cổ phiếu/nhóm ngành dẫn dắt, đây cũng sẽ là các cổ phiếu được sử dụng như “kim chỉ nam” để định hướng các cơ hội đầu tư của thị trường, nếu như nhóm này có “hắt xì hơi” thì mặt bằng chung thị trường sẽ bị hạn chế rất nhiều các điểm mua/cơ hội giao dịch.

2 Likes

ĐIỂM NHẤN GIAO DỊCH 08.07: Thị trường phân hoá, khối ngoại bán ròng với quy mô trên 2.000 tỷ đồng

Phiên đầu tuần diễn ra khá rung lắc, giằng co trên TTCK Việt Nam, tuy nhiên thị trường cũng lấy lại cân bằng giữa phe bán và phe mua khi đóng cửa. Chỉ số VNIndex đóng cửa gần như đi ngang tại 1,283.56 điểm, tăng nhẹ 0.52 điểm (+0.04%) so với phiên trước. Mức thấp nhất của chỉ số trong phiên là 1,277.68 điểm, mức cao nhất là 1,287.14 điểm. Với 12 mã tăng, VN30 cũng đóng cửa sát mốc tham chiếu khi giảm nhẹ -0.03%. Nhóm vốn hoá trung bình VNMidcap tăng nhẹ +0.09%, riêng nhóm vốn hoá thấp VNSmallcap tiếp tục duy trì đà tăng tốt với +0.86%. Độ rộng sàn HOSE khá cân bằng với 243 mã tăng, 214 mã giảm và 48 mã tham chiếu.

Nhóm Hoá chất & Phân bón diễn biến tích cực trong phiên hôm nay với sự tăng giá lan toả khắp các cổ phiếu trong ngành, sắc tím được ghi nhận ở CSV, LAS, DCM, BFC, sắc xanh cũng tích cực không kém với DDV (+9.85%), DPM (+3.74%), DGC (+1.84%). Bên cạnh đó, nhóm Xi măng cũng có những vận động giá tích cực với BCC (+6.9%) và HT1 (+4.65%).

Các cổ phiếu nhóm Bất động sản dân cư là điểm trừ của phiên hôm nay, và đây là nguyên nhân gây áp lực lớn lên 2 chỉ số vốn hoá lớn và trung bình. DXS giảm kịch sàn, DXG (-4%) là 2 cổ phiếu thuộc nhóm Đất Xanh dẫn đầu chiều giảm của VNMidcap. Với chỉ số VN30, cổ phiếu nhóm Vingroup là áp lực giảm giá chính với VIC (-2.42%), VHM (-1.17%), VRE (-2.4%).

Với chỉ số VNIndex, ngoài nhóm Bất động sản dân cư cản trở đà tăng, còn có sự suy yếu của phần lớn nhóm ngân hàng và các cổ phiếu vốn hoá lớn như SAB (-2.76%). Dù vậy, vẫn có nhiều cổ phiếu đi lên khá tốt như PLX (+5.8%), GVR (+3.99%), SZC (+3.81%)…Nhìn chung, Nhóm Bất động sản khu công nghiệp, Dầu khí, Bán lẻ, Cảng biển…là các nhóm có diễn biến tích cực trong hôm nay.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ, với gần 19,9 tỷ dồng trên HOSE qua kênh khớp lệnh. Trên quy mô 3 sàn, DXG dẫn đầu KLGD với 28,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh; các mã VRE (~18,45 triệu), HPG (~18,43 triệu), DCM (17,2 triệu) có thanh khoản tốt liền kề theo sau. Trong đó, đáng chú ý là DCM có KLGD đột phá cùng với giá tăng.

Khối ngoại hôm nay đẩy mạnh quy mô rút ròng lên đến 2,3 nghìn tỷ đồng. Nhóm Ngân hàng bị bán ròng mạnh mẽ, chủ đạo với -502 tỷ đồng trên HDB (dù phần lớn được thực hiện qua kênh thoả thuận) và -247 tỷ đồng trên STB, FPT tiếp tục quán tính bị bán ròng với giá trị -263 tỷ đồng; lực mua ròng đến từ VNM với +117 tỷ đồng và DCM với +82 tỷ đồng.

CẬP NHẬT THỊ TRƯỜNG TƯƠNG LAI

VN30F1M tiếp tụ giằng co trong phiên đầu tuần, đóng cửa giảm -2.3 điểm, về mức 1,314 điểm. Basis âm thu hẹp ở mức -1.83 điểm. Khối lượng giao dịch tính trên F1M đạt 180,7 nghìn hợp đồng, không thay đổi nhiều so với phiên liền trước. Khối lượng mở (OI) đạt 58,28 nghìn hợp đồng.

1 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 09.07]: SÓNG NGÀNH DẪN DẮT TIẾP TỤC THĂNG HOA

Phiên hôm qua, chúng ta có thể thấy được rõ ràng hơn sự xác nhận phá vỡ vùng tích luỹ đi kèm khối lượng của phần lớn các cổ phiếu của nhóm Hoá chất & Phân bón như LAS, BFC, DCM, DDV đi kèm một cấu trúc hành động giá “tương tự” như cấu trúc CSV đã hình thành trước đó.

Việc thị trường đã có nhóm cổ phiếu có tính chất sóng ngành dẫn dắt đi lên đồng thuận, thị trường đang tạo ra các cơ hội đầu tư bền vững hơn trong một giai đoạn phân hoá đầy khắc nghiệt. Tuy nhiên với những định hướng truyền thông hiện tại, chúng ta sẽ dễ bị “lạc trôi” vào các cổ phiếu đang xảy ra “chính biến” nội tại, đơn cử như nhóm Đất Xanh, tâm lý săn đáy cổ phiếu “High Risk - Return vô định” có vẻ như đang dần được tiếp nhận trong tiềm thức của NĐT, khiến chúng ta dồn tâm huyết vào những mục tiêu đầu tư đầy mạo hiểm mà bỏ qua những mục tiêu Low Risk - High Return thực sự của hiện tại. Tính bền vững của một cơ hội đầu tư không chỉ thể hiện qua tiềm năng về lợi nhuận mà còn ở việc những xem xét các mức độ rủi ro tiềm ẩn mà chúng ta có thể sẵn sàng chấp nhận, tỷ lệ Risk:Reward thế nào sẽ đủ hấp dẫn chúng ta?

Với quán tính tăng giá hiện tại của sóng ngành dẫn dắt, thị trường đã có “mặt bằng niềm tin” đầu tiên sau điều chỉnh để kỳ vọng rõ nét hơn cho một sự lan toả trên diện rộng. Để đón nhận từ sự lan toả này cần xem xét kỹ càng những nền tảng cấu trúc giá đã hình thành (cũng chính là nguyên nhân, điều kiện cần để cổ phiếu có thể tăng giá bền vững), từ đó phân biệt với các cổ phiếu mang tính tăng giá phục hồi để có những “sự ưu tiên” cần thiết cho danh mục đầu tư của bản thân.

1 Likes

Về mặt hình thức, chỉ số VNIndex đã phục hồi được gần 50 điểm từ đáy ngắn hạn quanh 1240±, phía trên là vùng 1287đ-1295đ, được xem như vùng cản trở chỉ số chung; tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhiều cổ phiếu đã vào pha tăng giá bền vững, vượt qua mức giá đỉnh cũ khi VNIndex vượt 1300± trước đây.

Nếu tập trung quá nhiều công sức để dự đoán từng mức điểm số của thị trường qua “hình vẽ” từng ngày, nếu chúng ta đặt vị trí của thị trường cao hơn cả các cổ phiếu trong đánh giá, chúng ta sẽ bỏ lỡ những cổ phiếu đang tạo ra hiệu suất đầu tư vượt trội.

Chỉ số thị trường là chỉ số được tính toán tạo ra từ các số liệu tổng hợp của các cổ phiếu trên thị trường, Cung - Cầu là Cung - Cầu của từng cổ phiếu, hình thành nên những vận động thực sự của hành động giá, chứ thị trường vốn không có Cung - Cầu độc lập của riêng nó.

1 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 10.07]: DÒNG TIỀN LAN TOẢ

Thị trường khi đã xác nhận có sóng ngành dẫn dắt vươn lên thành công sau quá trình điều chỉnh, cũng sẽ mở ra thêm các cơ hội đầu tư cho các cổ phiếu đón nhận hiệu ứng lan toả tích cực của dòng tiền, những cổ phiếu “lướt đi” đầu tiên đã qua vùng giá mua an toàn nên chúng ta sẽ không ưu tiên mở vị thế mới cho nhóm cổ phiếu này nữa (cho đến khi có sự pull-back hay cấu trúc giá cần thiết xuất hiện), việc mở vị thế mua quá xa so với vùng mua an toàn có thể đẩy vị thế ấy vào những vùng biến động giá vượt ngưỡng chịu đựng của tâm lý giao dịch, qua đó có thể gián tiếp phát sinh những quyết định/hành động đầu tư thiếu sáng suốt.

Theo sau nhịp tăng mở màn của sóng ngành dẫn dắt, hiệu ứng lan toả xuất hiện sẽ kích hoạt thêm các nhóm cổ phiếu khác có nền tảng cấu trúc giá vượt trội đi theo, sẽ hình thành được những điểm mua an toàn từ cấu trúc giá của chính các cổ phiếu ấy, những cơ hội này sẽ đáp ứng được một mức tỷ lệ Risk:Reward phù hợp hơn để chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát chúng cũng như các quyết định đầu tư của bản thân.

1 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 11.07]: CÂN BẰNG ĐỂ ĐI LÊN?

Sau một khoảng thời gian tăng giá đi kèm động lượng (sức mạnh giá của cổ phiếu) đang cao so với mặt bằng thị trường chung của nhóm cổ phiếu/sóng ngành dẫn dắt, phiên qua chúng ta thấy sự rung lắc nhưng lại khá cần thiết xuất hiện. Sự đi lên bền vững của giai đoạn tăng giá thường đi kèm những sự rũ bỏ lượng cung không cùng chí hướng, áp lực đóng lệnh ngắn hạn khi trạng thái giá đang tạm quá đà cho phe cầu, đã nằm ngoài dải biến động cân bằng (nằm ngoài ở vùng trên của Bollinger Bands + RSI >70). Tuy về mặt động lượng đang tạm điều chỉnh để tạo một mức giá cân bằng hơn, nhưng về mặt xu hướng, các cổ phiếu mạnh ấy vẫn chưa bị thay đổi xu hướng tăng đã xác nhận trước đó, xu hướng mới là yếu tố nòng cốt để ra quyết định.

“Mặt bằng niềm tin” từ các cổ phiếu dẫn dắt của thị trường vẫn sẽ chưa bị phá vỡ cho đến khi một tín hiệu đảo chiều giảm giá mạnh mẽ hơn xuất hiện. Sự cân bằng sau điều chỉnh khi hình thành có thể tạo được vùng mua an toàn để gia nhập các cổ phiếu dẫn dắt của thị trường hiện tại. Trong bối cảnh phân hoá khắc nghiệt, nhìn nhận rõ vấn đề về xu hướng, cấu trúc giá của từng nhóm cổ phiếu để “ưu tiên” những cơ hội tạo được hiệu suất đầu tư vượt trội so với mặt bằng chung. Những cổ phiếu tăng giá phục hồi sau giảm giá khốc liệt trước đó sẽ cần kha khá thời gian để hấp thụ lượng cung còn tồn đọng để dòng tiền thúc đẩy vào nhịp tăng (nhưng có vẻ chưa phải là thời điểm này).

1 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 12.07]: ĐIỀM TĨNH ĐỂ CẢM NHẬN

Thị trường đi ngang phân hoá là một thị trường chúng ta dễ đưa ra các quyết định sai lầm nhất, dễ bị cuốn theo guồng quay của các giao dịch “mua mua - bán bán”. Thị trường cũng là nơi tổng hoà, hội tụ các phương pháp đầu tư để từ đó sinh ra các mức giá kỳ vọng cho từng cổ phiếu, những mức giá mà bên phía người bán hay người mua đều sẵn sàng hành động.

Giữa bối cảnh như vậy, niềm tin về phương pháp đầu tư của chúng ta sẽ bị lung lay trước những biến động và rất dễ tự phá vỡ những quy tắc mà bản thân đã xây dựng, tự hoài nghi bản thân, rồi từ đó dẫn đến quyết định thiếu thấu đáo. Chúng ta thường găm quan điểm thực dụng trong não bộ: “Cổ phiếu mạnh là cổ phiếu tăng giá”, tuy nhiên, liệu đó có phải là một đợt tăng giá bền vững hay không?, ẩn đằng sau một cổ phiếu tăng giá mang tính bền vững hội tụ nhiều yếu tố cấu thành, không phải chỉ đơn thuần có tăng là sẽ thành công. Ngạn ngữ có câu “Nửa trái táo thì vẫn là trái táo nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”.

Trong giai đoạn phát triển tư duy đầu tư của chúng ta, những trải nghiệm thực tế về một phương pháp đầu tư nào đó theo thời gian sẽ tạo nên một niềm tin bền vững để chúng ta hành động, đó cũng là một trong những niềm tin cơ bản nhất đã níu giữ chúng ta ở lại TTCK này - với một khát vọng chinh phục. Những sự thích nghi, sáng tạo và chuẩn hoá về phương pháp đầu tư sẽ xảy ra một cách tự nhiên nhất khi nền tảng được củng cố để có thể hoàn thiện hơn nữa. Ranh giới giữa “sự thích nghi” và “sự lung lay” vốn rất mong manh, phụ thuộc ở tâm thế, lòng kiên định, sự tỉnh táo trước những cám dỗ của bản thân mình, nên đôi khi điềm tĩnh để thực sự nhìn thấu chính mình cũng như cách thị trường vận động là thực sự rất cần thiết.

Vốn không phải ngày nào cũng có cổ phiếu “thực sự phù hợp” với tiêu chí của mình để đầu tư. Thị trường đi ngang phân hoá chính là “cái bẫy niềm tin” để thị trường thử thách lòng kiên định, sự nhất quán của bản thân với chính nền tảng mà bản thân đã xây dựng. Vượt qua được cạm bẫy ấy, Ngài Thị Trường sẽ mang “món quà đích thực” đến chúng ta.

1 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 15.07]: THUẬN XU HƯỚNG

Diễn biến chủ đạo của thị trường tuần qua, chúng ta thấy được phần lớn là sự rung lắc, kiểm định lại cung - cầu của các cổ phiếu tăng giá dẫn dắt và cả những cổ phiếu tăng giá mang tính phục hồi. Những trạng thái rung lắc thế này, khiến chúng ta hay bị vướng mắc, hoài nghi về sự đảo chiều tiềm năng của xu hướng, nhất là khi chỉ số chung VNIndex đang ở vùng 1287đ-1295đ, vùng được xem như kháng cự khi “vẽ kỹ thuật” của chỉ số này.

Những “tín hiệu nhạy cảm” diện rộng đã kích hoạt lượng cung nhất định trào ra để dòng tiền thông minh rũ bỏ những niềm tin mong manh trên các cổ phiếu mạnh. Những nhầm lẫn cơ bản qua lại giữa các kỹ thuật đánh giá xu hướng và động lượng đang gây ra những khó khăn nhất định trong việc ra các quyết định của chúng ta, chúng ta không phủ nhận phần lớn các cổ phiếu mạnh đã có sự suy yếu động lượng ngắn hạn trong tuần vừa rồi để có thể tạo những vận động giá cân bằng hơn nhưng điều đó chưa bao giờ là tín hiệu đủ tin cậy để xác nhận cho một sự đảo chiều trong cấu trúc của xu hướng.

Quán tính giá của dòng tiền thông minh đối với các cổ phiếu/sóng ngành mạnh vẫn đang duy trì, các cổ phiếu này vẫn đang thuận xu hướng tăng được giữ nguyên kể từ khi Break-out từ nền giá. Các cổ phiếu/nhóm ngành mạnh tăng giá thời gian qua chủ đạo là các cổ phiếu thuộc nhóm Vốn hoá vừa và nhỏ, tính biến động của nhóm này khá cao so với các cổ phiếu Vốn hoá lớn, rất nhạy cảm với sự “lướt đi” của dòng tiền.

Hiện tại, để có những hành động ứng biến hợp lý cho những diễn biến bất thường có thể xuất hiện, chúng ta sẽ quan sát trạng thái mạnh - yếu được phân hoá trong chính các cổ phiếu dẫn dắt này để có những quyết định tái cấu trúc danh mục khi những sự phá vỡ cấu trúc xu hướng xuất hiện.

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 22.07]: DÒNG TIỀN DẪN DẮT?

Thị trường tuần qua chủ đạo là một tuần rũ bỏ của những cổ phiếu đã tạo nên những nhịp tăng mạnh/break-out trước đó như CSV, LAS, GEG, POW, DCM, DDV…; phần lớn những cú bùng nổ trên đều đến từ các đại diện của nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, qua đó cho thấy dòng tiền đang vận động cực kỳ nhanh nhạy và mang tính thời điểm rất cao trong việc tạo ra các cơ hội giao dịch, việc thiếu sự đồng hành của các cổ phiếu đầu ngành có quy mô vốn hoá lớn đã khiến cho dòng tiền ở các nhóm ngành dẫn dắt trên đã không còn đủ niềm tin để duy trì xu hướng tăng mạnh trong thời gian dài.

Giữa “chảo lửa” rũ bỏ của thị trường đã xuất hiện bóng dáng của các cổ phiếu đang có cấu trúc giá vượt trội hiện tại, đó là nhóm Ngân hàng (MBB, ACB, TCB, LPB) và Bán lẻ (MWG, FRT, DGW), những cổ phiếu có nền tảng cấu trúc mạnh là điều kiện cần thiết đầu tiên của bất kỳ một đợt tăng giá nào, điều kiện đủ là dòng tiền có thể tham gia mạnh mẽ liên tục sau đó để các cổ phiếu có thể chinh phục những mặt bằng giá phía trên. Trong điều kiện để hình thành một sóng ngành dẫn dắt mạnh sẽ có thêm 2 yếu tố lớn quyết định thành công: (1) Sự lan toả dòng tiền của các cổ phiếu cùng ngành; (2) Được dẫn dắt từ các cổ phiếu đầu ngành, nội tại mạnh, vốn hoá lớn. Đây là những điều kiện đã góp phần giúp cho sóng Chứng khoán Q2/2023 hay sóng Ngân hàng Q1/2024 đạt được thành công lớn.

Một tuần vượt qua “biển lửa” của 2 nhóm Ngân hàng và Bán lẻ, trong một giai đoạn mà dòng tiền đang rất nhạy, liệu dòng tiền đã thực sự đủ sẵn sàng để đánh lớn vào 1 trong các nhóm ngành có quy mô lớn nhất thị trường hiện tại? Nếu như cả 2 nhóm này có thể tạo được 1 cú vụt tăng để chặn được đà giảm chung của thị trường thì sẽ là một điểm sáng.

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 24.07]: SỰ XÁC NHẬN CỦA XU HƯỚNG GIẢM?

Phiên hôm qua chúng ta thấy được phần nào về sự suy yếu của các cổ phiếu đang có cấu trúc giá mạnh trước đó như nhóm Ngân hàng và nhóm Bán lẻ, điểm sáng về sóng ngành dẫn dắt đã không xuất hiện như kỳ vọng khi lượng cung trào ra đã tạo ra mặt bằng kiểm soát chủ đạo phía trên thiên về phe người bán.

Sự yếu đi của của các cổ phiếu có cấu trúc mạnh nhất của thị trường cũng chính là sự báo hiệu rủi ro thị trường đã gia tăng lên rất nhiều, đặc biệt là khi thị trường đã đánh mất đi niềm tin cơ bản nhất của nó là tạo được các cơ hội đầu tư bền vững. Hiện tại trên tinh thần là thị trường sẽ thuận theo quán tính giảm giá sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi các cổ phiếu dẫn dắt đủ chất lượng có thể xuất hiện. Sự xác nhận về việc thị trường đảo chiều vào xu hướng giảm đã có, quá trình chuyển đổi xu hướng tăng trở lại sẽ cần thời gian để các cổ phiếu dẫn dắt xây dựng những nền tảng cấu trúc tích luỹ cần thiết có thể tạo đà đi lên sau này.

Đây là giai đoạn mà chúng ta cần đủ sự bình tĩnh để lặng lẽ quan sát chờ những tín hiệu tích cực hơn sẽ xuất hiện, đó chính là những sự xác nhận bảo đảm về xu hướng tăng của các cổ phiếu dẫn dắt có thể hình thành trở lại, những hành động “dò đáy” hay trung bình giá xuống đối với các cổ phiếu vào xu hướng giảm mạnh sẽ không phù hợp đối với danh mục, chúng có thể bào mòn dần niềm tin và nguồn lực vốn của chúng ta theo thời gian.

[TÂM LÝ ĐẦU TƯ]: ĐỪNG NHƯ THÓI QUEN

Trong một xu hướng tăng, những nhịp thoái lui của xu hướng là những nhịp để cổ phiếu có thể tạo được những trạng thái cân bằng trong một giai đoạn tăng giá bền vững, đây là lúc các cổ phiếu sẽ rũ bỏ đi lượng cung đã không còn cùng chí hướng, được xem như là “bước đệm nhảy” để các siêu cổ phiếu có thể chinh phục những mức giá đỉnh cao.

Một cấu trúc xu hướng tăng “Tăng - Chỉnh - Tăng” kéo dài liên tục được duy trì như vậy, vô hình trung đã tạo thành những nhận thức về mặt “hình ảnh” của một xu hướng tăng được lưu giữ trong não bộ, sẽ khiến ta hành động với điều mà chúng ta cho là chính đáng. Theo thời gian, những hành động ấy sẽ tạo thành thói quen giao dịch được lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn; lúc này đây, một “niềm tin” được nhen nhóm bên trong chúng ta khi những tưởng chúng ta đã tìm được “chén thánh” cho những thành công của hiện tại.

TTCK là thị trường của niềm tin, là thị trường đã chất chứa kỳ vọng của NĐT qua bao phong ba, chúng ta trong men say chiến thắng thường dễ ra quyết định sai lầm trong thời khắc đảo chiều chủ chốt với những nhầm lẫn giữa “Tăng - Chỉnh - Tăng” và “Giảm - Hồi - Giảm”. Cạm bẫy của TTCK chính là luôn biết cách làm cho chúng ta chìm đắm trong niềm tin của chính mình, nó đã sắp xếp cho chúng ta thấy được con đường mà nó muốn cho chúng ta thấy, nó cũng đã chứng minh những thành công của nó với chúng ta để chúng ta dần chấp nhận nó, và để chúng ta có thể tin vào nó; một lần…hai lần…ba lần…tăng rồi lại chỉnh - chỉnh rồi lại tăng, cứ như thể nó là điều bất biến không thể bị lung lay giữa chứng trường này.

Niềm tin thường được củng cố bằng những trải nghiệm, nhưng một niềm tin một chiều ắt sẽ sản sinh ra những chấp niệm, những sự cố chấp trong hành động thường sẽ dẫn đến những nghịch cảnh đầy khốc liệt. Trong vô thức, những chấp niệm đó sẽ khiến chúng ta không kịp thích nghi với những sự thay đổi của cuộc chơi này - trước một “bức tranh mờ” mà chúng ta chỉ có thể nhích lên một cách cẩn trọng trong từng bước chân, từng hành động. Những hoài niệm, những thành tựu cũ, những dư âm hưng phấn của xu hướng tăng trong quá khứ khiến chúng ta vô tình chấp nhận sẵn sàng đánh đổi/hi sinh nhiều hơn trên Bàn cân Được - Mất ở những thời khắc chuyển giao trọng yếu, thậm chí những đánh đổi này vượt quá ngưỡng chịu đựng thường thấy của bản thân mình.

“Trade what you see - Not what you think”, như một lời nhắc nhở thân tình dành cho NĐT chúng ta phải luôn tỉnh táo để có thể thích nghi được với một môi trường đầu tư đầy biến động và không chắc chắn. Những cạm bẫy thói quen thường khiến chúng ta dễ hài lòng với những điều đang hiện hữu mà bỏ qua bối cảnh thực tế đang âm thầm chuyển biến.

1 Likes

[BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG 01.08]: CỔ PHIẾU DẪN DẮT MẤT HÚT?

Vậy là tháng 7 đã đi qua với một bối cảnh khá trầm lắng nửa cuối tháng, thị trường đang đối mặt với trạng thái dòng tiền đang mất hút sau một nhịp điều chỉnh trên diện rộng. Thị trường có phiên ngừng đà giảm vào ngày 24.07, cũng là cơ hội để dòng tiền cân nhắc chọn nhóm ngành/cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt giai đoạn kế tiếp.

Ở giai đoạn sau khi thị trường điều chỉnh vào tháng 4, chúng ta có thể thấy FPT là cổ phiếu dẫn dắt của thị trường khi có cú Break-out xác nhận cho xu hướng tăng của cổ phiếu vẫn tiếp tục được duy trì, từ đó FPT làm trụ đỡ niềm tin để dòng tiền lan toả và bùng nổ mạnh ở các cổ phiếu cùng ngành như CMG, FOX…từ đó sóng ngành Công nghệ đã được hình thành để dẫn dắt các cơ hội đầu tư của thị trường tại thời điểm đấy - một thời điểm khá nhọc nhằn sau điều chỉnh.

Điểm tương đồng chúng ta có thể thấy ở thị trường giữa hai nhịp điều chỉnh tháng 4 và tháng 7, là đều bật lên được từ hỗ trợ MA 150 sau điều chỉnh; tuy nhiên, sự khác biệt rõ nét là sau nhịp điều chỉnh tháng 7, thị trường vẫn chưa xuất hiện một nhóm ngành/cổ phiếu dẫn dắt nào đủ mạnh mẽ. Dù những phiên gần đây, VNM và GAS có những cú bật tăng trong một vùng giá trị tích luỹ kéo dài; tuy nhiên về mặt cấu trúc xu hướng, các cổ phiếu này chưa phải là cổ phiếu nằm trong xu hướng tăng để dẫn dắt, đây cũng chưa phải là những cổ phiếu phù hợp cho NĐT giao dịch theo xu hướng ở hiện tại.

Việc thiếu nhóm ngành/cổ phiếu dẫn dắt đang đưa thị trường vào một bối cảnh trầm lắng và rủi ro gia tăng; qua đó, có thể gián tiếp tạo ra một trạng thái hoảng loạn tiềm năng khi dòng tiền đang không tìm được một môi trường phù hợp để trú ẩn. Việc thận trọng và quan sát kỹ lưỡng trước một giai đoạn thị trường đang khá kén các cơ hội cũng là đang giúp cho tài khoản của chúng ta được an toàn.

Cấu trúc của cổ phiếu VNM, phù hợp cho các anh chị NĐT theo trường phái đầu tư giá trị