Hàng loạt ngân hàng TW họp kín, toàn cầu hồi hộp chờ quyết định
Quỳnh Anh - 11/12/2024 09:00
(VNF) - Thời điểm cuối năm đang đến gần và các ngân hàng trung ương trên thế giới bước vào chu kỳ thảo luận chuyên sâu về lãi suất.
Trong hai tuần tới, các cuộc họp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ lần lượt diễn ra, với nhiều quyết định lãi suất có khả năng khuấy động thị trường.
Theo lịch trình, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), Ngân hàng Canada (BoC), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ lần lượt công bố các quyết định về lãi suất trong tuần này (9-15/12).
Trong khi đó, các cuộc họp và quyết định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Anh (BoE) sẽ được đưa ra trong tuần sau (16-22/12).
Các cuộc họp đáng chú ý trong tuần 9-15/12
Tuần này, tâm điểm được cho là thuộc về ECB. Do hoạt động kinh tế ở khu vực đồng EUR chậm lại và tình hình chính trị ở châu Âu, các chuyên gia đã chắc chắn về việc ngân hàng này sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 12. Tuy nhiên, thị trường vẫn phân vân giữa việc cắt giảm 0,25% hay 0,5%.
Ông Ricardo Amaro, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết: “Chúng tôi tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tuân thủ cách tiếp cận từng bước và cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp thứ 3 liên tiếp”.
Đối với Ngân hàng Canada và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, việc cắt giảm lãi suất là điều “chắc chắn”.
Ngân hàng Canada (BoC) là một trong những ngân hàng đi đầu trong làn sóng cắt giảm lãi suất cho đến nay. Ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất 4 lần và trong cuộc họp gần nhất hồi tháng 10 đã đưa ra mức cắt giảm 0,5%. Kỳ vọng của thị trường là Ngân hàng Canada sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm cơ bản trong cuộc họp tới đây.
Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3, tung ra “phát súng đầu tiên” cắt giảm lãi suất giữa các nước G10. Thị trường kỳ vọng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa với mức 25 điểm cơ bản, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất thứ 4 liên tiếp.
Trái lại, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vẫn chưa bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất. Các nhà phân tích tại Gain Capital Group cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP đáng lo ngại của Australia và giá hàng hóa yếu đã tác động rất rõ ràng đến đồng đô la Australia (AUD) và cũng làm gia tăng đồn đoán trên thị trường về việc Ngân hàng Dự trữ Australia cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới. Do đó, dự kiến, RBA sẽ tiếp tục trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong tuần này.
Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất?
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến sẽ công bố quyết định lãi suất cuối cùng trong năm nay vào ngày 18/12 (giờ địa phương). Quyết định lãi suất này và nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ trở thành tâm điểm của thị trường trước khi năm mới 2025 tới.
Nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang lần lượt đưa ra các tín hiệu “diều hâu” trước cuộc họp này, nhấn mạnh sự thận trọng về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai và các cuộc thảo luận về khả năng đình chỉ cắt giảm lãi suất đã được đưa ra xem xét.
Dữ liệu công bố gần đây cho thấy Mỹ đã bổ sung thêm 227.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 11, cao hơn kỳ vọng của thị trường là 200.000. Giá trị trong tháng 10 đã được điều chỉnh tăng từ 12.000 lên 36.000; tỷ lệ thất nghiệp là 4,2%, cao hơn dự kiến của thị trường và con số trước đó là 4,1%.
Sau khi công bố dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 12 đã tăng lên, nhưng thị trường vẫn đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 11/12.
Đối với Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), được hỗ trợ bởi dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến và kết hợp với suy đoán của thị trường về bài phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda, kỳ vọng tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhật Bản đã được củng cố.
Mặc dù vậy, vẫn còn các báo cáo truyền thông về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong tuần này cùng một số dữ liệu kinh tế khác khả năng cũng sẽ trở thành cơ sở cho phán quyết của BOJ.
Thị trường ngoại hối thu hút chú ý
Với việc các ngân hàng trung ương toàn cầu sắp có động thái lớn vào cuối năm, thị trường ngoại hối khó có thể bình lặng.
Nhìn lại xu hướng tỷ giá trong vài năm qua, chỉ số USD có xu hướng thể hiện sự yếu kém trong quý IV. Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh đầy biến động vào cuối tháng 11, chỉ số USD đã có mức tăng vừa phải vào đầu tháng 12.
Vào ngày 9/12, chỉ số USD đã tăng trên mốc 106 trong phiên. Các đồng tiền không phải của Mỹ đang chịu áp lực, với tỷ giá hối đoái của đồng won Hàn Quốc so với USD đạt gần 1.440 won/USD.
Đồng EUR đã phục hồi nhẹ từ mức thấp so với đồng USD nhưng vẫn ở dưới mức 1,05 EUR đổi 1 USD. Đồng yên có khả năng chịu áp lực tương đối, với tỷ giá hối đoái của đồng yên Nhật so với đồng bạc xanh dao động quanh mức 150 điểm.
Sức mạnh của đồng USD một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các loại tiền tệ không phải của Mỹ.
Mới đây, ngân hàng trung ương Indonesia tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ để ổn định tỷ giá đồng rupiah của Indonesia, do tỷ giá rupiah/USD đã giảm xuống ngưỡng quan trọng 16.000.
Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ có thể đang bán USD để hỗ trợ đồng rupee.
Bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn chính trị ở Hàn Quốc, tỷ giá hối đoái của đồng won đang phải đối mặt với áp lực giảm giá. Cơ quan quản lý tài chính của Hàn Quốc tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để ổn định thị trường tài chính và ngoại hối, bao gồm cả việc cung cấp “thanh khoản không giới hạn”.
Đồng NDT của Trung Quốc cũng sẽ biến động theo USD, tuy nhiên, đồng tiền này được cho là tương đối ổn định.
Theo Sina