I. KHƠI NGUỒN
Sóng thủy sản bao giờ nổi là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đang đặt ra lúc này. Nhưng câu trả lời hiện tại thì chưa có.
Với rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan thì sự lặng sóng này là hợp lý.
- Đầu tiên, khi nói về thủy sản, người ta luôn nói về xuất khẩu. Sự tăng hay giảm của giá trị xuất khẩu là thước đo trực quan nhất cho sự thành công hay thất bại của nhóm ngành đặc thù này.
- Kế đến là chính sách thuế có thật sự đang hỗ trợ cho nông lâm thủy hải sản phát triển hay không.
- Cuối cùng phải nhắc đến lãi suất. Phần lớn các doanh nghiệp làm hải sản đều có những khoảng vay nhất định. Nếu lãi suất càng tăng thì lợi nhuận càng teo tóp, lãi suất càng giảm thì lợi nhuận sẽ phình ra.
Nhắc lại điều này để thấy rằng 4 tháng đầu năm nay, thủy sản khó khăn nhường nào. Tình hình lãi suất cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp và chính sách xuất khẩu cũng là rào cản. Hãy nhìn những số liệu thống kê của Tuổi trẻ Online bên dưới như là một minh chứng hùng hồn cho sự khó khăn đó.
II. TỪ XUẤT PHÁT ĐIỂM THẤP ĐI LÊN
Hãy nhìn doanh thu và lợi nhuận của những doanh nghiệp niêm yết trên sàn trong quý 1 năm 2023. Những con số biết nói này đang cho thấy đáy lợi nhuận của quý 1, và có thể cả quý 2.
Trong top 5 của các doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỷ thì có 2 mã nổi bật với lợi nhuận tốt hơn phần còn lại là VHC và ANV. Nhưng biên lợi nhuận cũng đã không còn đạt mức trên 10% là một điều rất đáng nói.
Khó khăn chung là ai cũng nhận ra và nếu xét đến MPC người ta còn thấy lợi nhuận âm.
Trong nhóm này thì chỉ có ABT có mức sinh lời tốt hơn 10% nhưng nó không đến từ… thủy sản.
VHC và ANV đều có P/B khoảng từ 1.3-1.4, P/E từ 6-7. Hai chỉ số này đều cho thấy sự tương đồng gần 90% về mặt TA doanh nghiệp.
Mức cổ tức hàng năm của VHC khoảng 2k còn ANV khoảng gần 1.5k. Nếu so sánh tỷ suất cổ tức thì ANV nhỉnh hơn VHC khoảng từ 15-20%.
- ANV: 1.5k/32 = 4.7%
- VHC: 2k/57.5 = 3.7%.
III. SÓNG THỦY SẢN THƯỜNG DIỄN RA DỊP CUỐI NĂM.
(phần này người viết trích nguyên văn đoạn cuối một bài viết của tác giả Thảo Đan trên báo Người Quan Sát)
Có thể phục hồi từ quý 3/2023?
Bước sang năm 2023, những dự báo về tình thế khó khăn của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã được đưa ra khi lực cầu của nhiều thị trường xuất khẩu chính chững lại trong bối cảnh lãi suất neo cao, lạm phát vẫn còn kéo dài. Thực tế đã chứng minh, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản trong quý 1/2023 đã lùi sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu cho ngành thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay, ngoài những giải pháp trọng yếu được giao cho ngành nông nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thị trường, thể chế, thuế phí; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Giới chuyên gia khuyến nghị, trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp có thể tận dụng để chuẩn bị nguyên liệu cũng như quy mô sản xuất khi thị trường bắt đầu phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, tiết giảm chi phí sản xuất là điều mỗi doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ hồi phục chậm do cạnh trạnh với Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra khả quan hơn ở một số thị trường, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng là một cơ hội lớn.
Cũng theo VASEP, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh với các nước khác rất lớn. Còn các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước. Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý 3/2023.
IV. LỜI KẾT: KHÔNG CHỜ ĐẾN KHI MƯA ĐẾN MỚI ĐI MUA DÙ
- Nếu biết sóng thủy sản sẽ nổi lên vào dịp cuối năm và bây giờ mua có sớm quá không?
- Nếu thường lệ là sớm nhưng năm nay đặc biệt nên sẽ không sớm.
- TQ và Mỹ cùng Châu Âu là 3 thị trường chính xuất khẩu. Những dấu hiệu suy thoái tạm lắng xuống và nhu cầu tiêu dùng của các thị trường này tăng lên là cơ hội cho ngành thủy sản trở lại một các ấn tượng.
- Đối với cá nhân người viết, mua một loại cổ phiếu tốt trong giai đoạn giá xấu luôn là lựa chọn hàng đầu.
- Với những phân tích và lập luận ở phần II về thuận lợi của 12 cổ phiếu đầu ngành, người viết chọn ANV theo cái cách riêng của mình.
- Phương pháp mua vẫn theo sơ đồ quen thuộc của cổ tăng trưởng 3-5-2
- Giải ngân lần 1: 30% khi giá rớt dưới MA20
- Giải ngân lần 2: 50% khi đường MA20, 50, 100 gần hội tụ.
- Giải ngân lần 3: 20% khi RSI nằm trong vùng 30-35 kèm khối lượng giao dịch nhỏ và không có tin xấu.
CHÚC CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CÂU ĐƯỢC CON CÁ BỰ VÀ THƯỞNG THỨC HƯƠNG VỊ CÁ NƯỚNG NGON LÀNH CỦA MÙA HÈ RỰC RỠ