Thư giãn ngắn: ÔN CỐ TRI TÂN!
( Internet)
Đỉnh lịch sử VN-Index ngày 12/3/2007 và bong bóng thị trường chứng khoán 2007 - 2008**
15:23 | 12/03/2018
Nhìn lại những phiên giảm kỷ lục của VN-Index, thổi bay hàng tỷ USD vốn hoá
Ngày 12/3/2007 VN-Index lập đỉnh lịch sử
Ngày 12/3/2007, tức cách đây 11 năm chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử khi kết phiên ở 1.170,67 điểm. Từ mức chỉ 300 điểm thời kỳ đầu năm 2006 thì chỉ hơn 1 năm sau, VN-Index đã gấp khoảng 3,9 lần. Nếu như năm 2006, vốn hóa của thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 22% GDP thì năm 2007 đã lên tới hơn 40% GDP.Tác động chính khiến VN-Index lập đỉnh ngày 12/3/2007 đến từ làn sóng IPO của doanh nghiệp nhà nước mà điển hình là IPO của Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank, Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam… Bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các yếu tố vĩ mô, chính sách tiền tệ, Việt Nam gia nhập WTO cũng góp phần đẩy thị trường chứng khoán lên đỉnh.
Diễn biến VN-Index từ năm 2000 đến nay (Nguồn: VNDirect)
Trước khi VN-Index lên đỉnh thì ngày 1/3/2007, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước công bố bản đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó IMF đã cảnh báo Việt Nam rằng việc cho vay mua chứng khoán của ngân hàng không được kiểm tra và luồng vốn đầu tư gián tiếp ngày càng tăng tiếp tục làm thị trường chứng khoán tăng rủi ro và dự báo khả năng thị trường có sự điều chỉnh lớn.Tính đến tháng 1/2007, theo đánh giá của IMF thì P/E trung bình của 20 công ty lớn nhất (chiếm 99% vốn hóa của thị trường) niêm yết trên HOSE khoảng 73 lần, ở mức rất cao so với các thị trường khác.
Việc IMF công bố bản đánh giá và dự báo VN-Index sẽ có điều chỉnh lớn thời gian tới cũng như việc định giá P/E của thị trường ở một con số khủng khiếp là 73 lần khiến các nhà đầu tư dậy sóng, thậm chí phẫn nộ cho rằng IMF đã định giá sai.
Sau bản báo cáo được nhà đầu tư coi là “nhảm nhí và vô lý” của IMF thì VN-Index tiếp tục xu hướng tăng và đạt đỉnh lịch sử vào ngày 12/3/2007 sau đó thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh. Lúc bấy giờ các nhà đầu tư vẫn cho rằng thị trường điều chỉnh chẳng qua do đã tăng quá nóng và liên tiếp nên nhịp điều chỉnh một vài trăm điểm là lẽ thường tình.
Vài tháng sau, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố bản báo cáo đi ngược lại quan điểm của IMF khi nói 20 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chưa được định giá đúng mức cũng như giá cổ phiếu chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực.
Danh sách 20 công ty có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán thời điểm 2007 (Nguồn: VnExpres/SSI)
Điều này liệu có củng cố thêm cho việc IMF đã quá bi quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, dù số ít nhà đầu tư lo lắng song nhiều người vẫn giữ niềm tin vào việc VN-Index tiếp tục tăng trưởng.Bong bóng chứng khoán bùng nổ
Thời kỳ 2006 - 2007 người ta gọi thị trường chứng khoán là cơn sóng thần, nhà nhà đổ xô đi đầu tư chứng khoán, câu chuyện đầu tư chứng khoán len lỏi từ quán trà đá hay ngoài chợ đến bất kể bữa cơm trong gia đình nào. Thời kỳ đó, chỉ cần mở một tài khoản chứng khoán mua cổ phiếu là có lãi dù bất kể là cổ phiếu nào. Việc kiếm tiền quá dễ dàng trên thị trường khiến từ những người không có kiến thức đầu tư cũng tham gia vì nghiễm nhiên đầu tư là có lãi.Khi đó, có những cổ phiếu ở thị trường Việt Nam thị giá hàng trăm nghìn đồng/cp là điều bình thường; đơn cử như FPT lúc đó còn có giá đến hơn 600.000 đồng/cp…
Thị trường có dấu hiệu giảm sâu bắt đầu những tháng cuối năm 2007. Cuối quý I/2008, mức tăng trưởng tín dụng Việt Nam đạt đỉnh điểm 63%, trong đó một phần không nhỏ được bơm vào bất động sản, chứng khoán. Đi kèm tăng trưởng tín dụng là lạm phát tăng cao khiến Chính phủ phải vào cuộc thông qua tăng lãi suất.
Tuy nhiên việc điều chỉnh lãi suất nhằm thắt chặt tiền tệ được cho là cú đánh mạnh vào thị trường chứng khoán đặc biệt là hoạt động margin trong khi thời kỳ bùng nổ 2007 đòn bẩy trên thị trường được nâng lên quá cao.
Cơn hoảng loạn bắt đầu xảy ra.
Các công ty chứng khoán liên tục giải chấp cổ phiếu, thị trường lao dốc không phanh. Thậm chí ngày 5/3/2008 nhiều nhà đầu tư còn kéo nhau đến Uỷ ban Chứng khoán biểu tình song “một con chim én không thể làm nên mùa xuân”.Đến ngày 27/3/2008, biên độ dao động giá của HOSE đã phải hạ từ +/-5% xuống còn +/-1%, tại HNX được hạ từ +/-10% xuống +/-2%. Bên cạnh đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được phép tham gia mua cổ phiếu bình ổn. Các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán được vận động ngừng giải chấp cùng với việc kêu gọi doanh nghiệp niêm yết mua vào cổ phiếu quỹ.
Giải pháp đưa ra cũng chỉ giúp VN-Index tăng được chục phiên sau đó lại ghi nhận chuỗi dài giảm giá và ba tháng sau VN-Index chỉ còn chưa đến 370 điểm. Đến tháng 2/2009 VN-Index ở khoảng 240 điểm.
Giai đoạn 2007 - 2008 có thể nói là thời kỳ “kẻ khóc người cười”, ai kịp tháo chạy khỏi thị trường lúc đỉnh thì đổi đời còn người vẫn cố chấp tin vào VN-Index sẽ sáng trở lại thì thậm chí mất cả gia sản.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc cũng bắt nguồn một phần từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 - 2008 mà bắt đầu từ khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp ở Mỹ.
Có thể nói, cơn địa chấn 2007 - 2008 là bài học lớn cho không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới khi các chính sách được thả cửa mà không có cơ chế quản lý rủi ro.
Sau 11 năm phiên VN-Index đạt đỉnh lịch sử thì kết phiên 12/3/2018, VN-Index chốt ở 1.126,29 điểm; tức chỉ còn cách đỉnh 44,38 điểm. Theo dự báo từ 10 chiến lược gia của Bloomberg, VN-Index có khả năng lên 1.210 điểm vào cuối năm 2018, tức vượt đỉnh lịch sử. Không chỉ Bloomberg và nhiều chuyên gia ở Việt Nam cũng dự báo VN-Index sẽ vượt đỉnh trong năm.
Hoàng Kiều
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
https://vietnambiz.vn/dinh-lich-su-…ng-thi-truong-chung-khoan-2007-2008-48177.htm