MỘT GIAI THOẠI VỀ THƠ HAIKU (HÀI CÚ)
Hơn một lần tôi đã nghe câu chuyện về bài thơ Haiku (hài cú) “Chuồn Chuồn – Ớt”. Thế nhưng lần nào câu chuyện ấy cũng để lại trong tôi nhiều suy nghĩ.
Haiku là một thể thơ truyền thống độc đáo của người Nhật, niêm luật rất chặt, và đặc biệt rất ngắn, thường chỉ có mười bảy âm tiết được chia vào ba câu. Ban đầu đây chỉ là loại thơ mang tính hài hước, bông lơn. Nhưng sau đó, nhờ công của nhà thơ thiên tài Basho (1644-1694), Haiku đã trở nên loại thơ sang trọng, mang tính triết lý, chiêm nghiệm suy tư về cuộc sống con người.
Một giai thoại, tôi đọc đâu đó, kể rằng : Ngày nọ Basho đi cùng người học trò của mình – sau này là nhà thơ nổi tiếng Kikaku – Hai thầy trò băng qua một cánh đồng đầy những con Chuồn Chuồn Ớt đang lao vụt qua, chàng trai trẻ liền làm ngay một bài Haiku :
Hỡi chuồn chuồn đỏ
Đôi cánh rứt
Ồ những trái ớt !
Người thầy sửa ngay : “Không ! Đó không phải là Haiku. Nếu muốn làm một bài hài cú (Haiku) về đề tài này, con phải nói :
"Những trái ớt son
Đôi cánh chắp
Tung tóe lũ chuồn chuồn”
Hôm nay dự lễ tĩnh tâm Mùa Phục Sinh, khi kết thúc bài giảng, tôi lại được vị linh mục mượn hình ảnh trong bài thơ này để nhắc nhở về cái tâm hiếu sinh.
Sở dĩ Basho phản đối cậu học trò, vì anh này mang trong mình cái tâm sát sinh, nỡ rứt đi đôi cánh, tước đi sự sống sinh động lung linh của con chuồn chuồn, biến nó thành quả ớt vô hồn và cay đắng. Âm điệu bài thơ như mang một giọng cười hả hê, ngạo nghễ. Người thầy đã tài tình đảo ngược bài thơ để dạy cho cậu học trò cái tâm hiếu sinh : Chắp đôi cánh sự sống để quả ớt biến thành con chuồn chuồn.
Chỉ là một bài thơ của người phàm, nhưng tôi chắc rằng trong phút giây ấy, nó đã được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần để sờ chạm vào tâm hồn chai đá của tôi. Tôi nghe như lời vị linh mục xoáy vào lòng mình.
Chúa cúi xuống đời tôi bằng cái tâm hiếu sinh, ban cho tôi sự sống, chắp cho tôi đôi cánh tình yêu và hy vọng. Còn tôi, đã bao lần – vô tình và cố ý - tôi sống bằng cái tâm sát sinh với những người xung quanh, những người yêu thương, thân cận với tôi ? Nào tôi có giết ai đâu ?
Nhưng tôi thích tuôn ra những lời cay độc, thoả thuê đắc thắng để ai đó phải bẽ bàng trước mặt tôi. Khi thấy người khác quá vui vẻ, hồ hởi hi vọng, tôi chỉ muốn mỉa mai chua chát để họ phải tiu nghỉu mới thôi. Ngay cả người cùng tôi đầu ấp tay gối, tôi đã bao lần làm người ấy khổ lòng ?
Bao lần tôi đã không mở lòng tha thứ, và khước từ sự cố gắng làm hoà của đối phương ? Làm thế chẳng phải là tôi đã ngắt đi “đôi cánh” của yêu thương, gieo vào đời nhau những cằn cỗi và cay nghiệt – bởi tôi đã lấy cái tâm ác mà ngăn chặn ân huệ của Thiên Chúa là sự sống thiện hảo an vui, mà Ngài luôn muốn trút đổ trên con chiên của ngài. Tôi làm cho những người xung quanh và cả chính tôi nữa, trở thành những quả ớt cay !
Thử hỏi trong một ngày, được bao lần tôi sống bằng cái tâm hiếu sinh ? Tôi cau có, căng thẳng, có cơ hội là “lên lớp”, “quát nạt” ngay. Tôi đội lên đầu mình cái áp lực, âu lo của cuộc sống mà không biết cách buông ra để Thiên Chúa lo liệu, để Ngài đổ đầy lòng tôi sự bình an sâu thẳm, cài trên mắt tôi ánh nhìn thân thiện, trang điểm trên môi tôi nụ cười bao dung… Tôi chăm chăm ngó vào cái khốn khó, chật vật của mình, mà không dám liếc ngang sợ chạm phải nỗi khổ đau của người khác, nhỡ lòng lại trắc ẩn, ray rứt bất an.
Mỗi sớm thức giấc, tôi toan tính hôm nay phải làm gì để sinh ích lợi cho mình, cho gia đình mình, mà hình như chưa bao giờ tôi toan tính làm điều gì để cùng sinh ích lợi cho ai khác. Chúa ban cho tôi thật nhiều nén bạc : sức khoẻ, gia đình, công việc, nhà cửa thảnh thơi… Tôi ôm lấy tất cả, vui vầy, an nhiên và xăn xíu [*] trong cái tổ ấy, chẳng còn thời giờ để bận tâm đến những bất hạnh đầy rẫy xung quanh. Hoá ra lòng tôi hẹp thế sao ?
Ờ, mà hình như là tôi ngại nhìn những mảnh đời lăn lóc, sứt mẻ, bi đát ngoài kia thì phải. Tôi sợ điều gì nhỉ ? Tôi sợ phiền phức, sợ liên luỵ… Nhưng có lẽ trên tất cả, là vì mỗi lần nhìn họ, có cái gì đó chạm vào tôi, nhắc nhở tôi.
Tôi rùng mình không dám nghĩ : nếu một ngày nào đó, những nén bạc của tôi cũng ra đi – không phải do Chúa lấy lại, vì Ngài rất thương con người – nhưng do chính cái tâm lạnh lùng ích kỷ của con người đã đánh mất chính mình và hạ bệ lẫn nhau. Nếu đến ngày ấy, ngày tôi cũng rơi vào cảnh khốn cùng, bế tắc, bị áp bức, bất công, ai sẽ nắm lấy tay tôi, chia sẻ với tôi ? Bởi ngoài kia, người người đều bận rộn, hờ hững như tôi bây giờ !
Chợt nhìn lên Thánh Giá, ánh mắt Chúa nhìn tôi mênh mông, vừa xót thương, vừa chất vấn, vừa như có gì đó cảnh tỉnh tôi. Ánh mắt ấy ôm lấy tôi – một thằng tôi trần trụi, nhếch nhác trong đớn hèn, bạc nhược và ấu trĩ. Tôi thấy trong ánh mắt ấy cũng ôm ấp tất cả những mảnh đời vãi vụn ngoài kia, những mảnh đời mà tôi cứ hoài lảng tránh…!
Mẩu Bút Chì
[*] Từ địa phương : lăn xăn líu xíu, bận rộn.
ST.