Tết này, nhiều người con Sài Gòn vắng bóng cha mẹ, các cháu không còn được đón tết cùng ông bà. Nhiều cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhiều bạn trẻ đành gác lại những uớc mơ còn dang dở của tuổi đôi mươi, hay chỉ đơn giản là không được ăn cơm tấm, bánh mì và uống cà phê vỉa hè Sài Gòn nữa. Họ từ biệt chúng ta, rời xa Sài Gòn trong trận dịch lần này…
SÀI GÒN 100 NGÀY COVID KHỐC LIỆT:
AI ĐONG ĐƯỢC HẾT NƯỚC MẮT? AI “SAO KÊ” NỔI YÊU THƯƠNG?
TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách với chỉ thị 10 và 15 từ 31-5-2021, rồi 16, rồi 16+, 12 rồi giãn cách nghiêm với hàng vạn bộ đội vào cuộc, tới tối 7-9 hôm nay đúng 100 ngày.
100 ngày, dài hơn cuộc chiến Quảng Trị 1972 khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến tối 7-9 là 13.701 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Riêng số bệnh nhân Covid ở TP.HCM không qua khỏi tới giờ cũng đã hơn 10.000 ca, hơn một sư đoàn, nhiều hơn số tử trận mỗi bên ở Quảng Trị 1972. Có thời điểm, mỗi ngày TP.HCM có 300-400 người ra đi, bằng một tiểu đoàn. Như hồi chiến tranh. Ra đi không một người thân bên cạnh.
Xin không nói về cách chống dịch. Covid quá phức tạp, cả thế giới cũng còn rất nhiều cách nhìn nhận, đánh giá lẫn chọn cách phòng chống nó. Cuộc chiến đang hồi cao điểm, lúng túng lẫn lung tung trong biện pháp, cách làm là có thể hiểu được và xin tạm khoan nói vì đó lại là một chuyện khác, có khi không ai chịu ai, dễ sa lầy và rối lòng người.
Chỉ biết là 100 ngày vừa qua, từ quân – dân, chính quyền, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp lẫn bà con tiểu thương, chị vé số, anh phụ hồ tả tơi với nó. Tuyến đầu – ngành y hơn 200.000 y, bác sĩ, điều dưỡng… của thành phố lẫn các tỉnh bạn hỗ trợ vẫn đang chìm trong núi công việc lẫn nguy cơ phơi nhiễm hàng giây hàng giờ ở TP.HCM. Hàng trăm, hàng ngàn con người các ngành tham gia phòng chống Covid đã phơi nhiễm và có người đã ra đi.
Tối qua 6-9, trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, một người mẹ có con là bác sĩ thảng thốt nói với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: “Ông chủ tịch ơi, sẽ chống đến bao giờ, con tôi đi biền biệt mấy tháng nay?”.
Nghe nhói lòng biết bao nhiêu nỗi lo của một người mẹ trong dịch Covid. Bà chỉ là một trong hàng triệu nỗi lo hôm nay của người Sài Gòn hôm nay về dịch giã, sinh kế… Lo đến thắt ruột thắt gan mỗi ngày. Có khi thật sự là bế tắc kiệt cùng trong các dãy trọ 100 ngày thất nghiệp. Đau đớn khôn cùng khi bao nhiêu người ra đi vội vàng, không thể tin nổi. Mới vài hôm trước còn nói, còn cười, còn lên facebook, còn vẽ tranh, làm thơ, còn bàn chuyện Covid…
Không ngành nghề, phường xã, lãnh vực nào không có người ra đi. Ngay anh em Tuổi Trẻ của tôi cũng có mấy gia đình F0 cả nhà. Có bạn là phóng viên trẻ lặn lội cùng Covid suốt 100 ngày và đêm qua. Hàng vạn bà con nhập cư có lúc “bồng bế nhau chạy trốn” Sài Gòn – nơi họ gởi yêu thương, nơi họ nuôi hy vọng…
Suốt 100 ngày đêm vừa qua, Covid là câu chuyện đầu môi của bất kỳ người Sài Gòn nào. Chỉ hơn một giờ tối 6-9, hơn 800.000 lượt xem và 100.000 lượt bình luận của người đang ở Sài Gòn – đô thị lớn nhất nước đã gởi về chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, gởi cho Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. BBC Tiếng Việt ngay lập tức đã nhận định là lãnh đạo TP.HCM “chịu chơi” – đúng kiểu nói của người Sài Gòn.
Tại buổi đối thoại, cả MC Quyền Linh lẫn Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do khá thẳng thắn chuyển cho ông Mãi nhiều comments hóc búa thật sự: từ “Bao giờ TP.HCM nới lỏng giãn cách, tại sao TP.HCM giãn cách hoài mà vẫn không hết dịch?”, gói an sinh đến sau 15-9, bà con nhập cư có được về quê… Hóc búa đến mức ông Mãi thú thật nhiều người bảo ông cân nhắc có nên trả lời trực tuyến hay không.
Buổi đối thoại cho thấy hàng loạt lo nghĩ về chính sách đến 15-9 và sau đó của cả chính quyền lẫn dân chúng. Lấy việc an sinh xã hội chẳng hạn,ông Mãi cho biết tới giờ này, ngân sách thành phố đã chi gần 4.800 tỉ đồng, nguồn vận động 1.200 tỉ, tổng cộng 6.000 tỉ đồng để hỗ trợ khoảng 4,7 triệu người dân. Ba tháng, mỗi người khó khăn nhận được khoảng 1,2 triệu đồng, mỗi tháng 400.000 đồng rõ ràng không đủ để sống. Nhất là khi thực tế giá cả tăng vọt, hiện vẫn ở mức cao.
TP.HCM đang chuẩn bị tiếp tục những hỗ trợ mới sau hai gói an sinh, cho tất cả mọi người. Có lẽ đã tính toán trước, ngày 18-8, TP.HCM đã làm việc với Thủ tướng cũng như các bộ, ngành để kiến nghị hỗ trợ cho TP.HCM số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo. Số tiền và gạo này dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Chính phủ.
Rất tiếc, chiều 7-9, Bộ Tài chính cho rằng, TPHCM đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng là để hỗ trợ lao động và người nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch COVID-19, đây là chính sách đặc thù nên địa phương tự cân đối ngân sách để hỗ trợ.
Không khó để nhận ra nỗi lo, gánh nặng chồng chất nỗi lo, gánh nặng của TP.HCM sau trả lời này. Tiền đâu để lo tiếp khi Covid còn dài, giãn cách còn nghiêm đến mức không ai không cảm thấy nghẹt thở?
Ngày 6-8, TP.HCM công bố có 2 triệu hộ với 5,3 triệu dân TP.HCM khó khăn sẽ được hỗ trợ 750.000 đồng/người, bình quân mỗi ngày 25.000 đồng/người. Tổng số tiền hỗ trợ 8.000 tỉ đồng.
Và chính lúc này, ông Mãi đã nói về bao nhiêu con người, chương trình thiện nguyện của dân lo cho dân thời gian qua trong cuộc chiến mà ông Mãi phải nói là “khốc liệt” hơn ba tháng qua. Ông nói cụ thể: Mỗi ngày hàng trăm ngàn suất ăn của dân lo cho dân, và cho rằng: “Không có lực lượng này, chính quyền khó mà lo nổi”.
Ông khẳng định: Không thể nào kể hết được, sau dịch sẽ tổng kết, nhưng chắc chắn sẽ không đầy đủ.
Ông Mãi nói đúng. Làm sao có thể thông kê, “sao kê” được lòng dân Sài Gòn lo cho dân Sài Gòn 100 ngày qua. Sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chưa bap giờ tôi thấy dân Sài Gòn mở lòng trải tình như vậy. Không nơi nào không có quầy cơm, gói quà từ thiện; không hẻm hóc nào ở Sài Gòn không có yêu thương, chia sớt.
100 ngày qua, một ngôi chùa nhỏ ở quận 4, các sư thầy và bao con Phật nơi đây đã nấu gần 1,5 triệu suất ăn, cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc và thiết bị điều trị cho bệnh nhân, y bác sĩ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, công nhân môi trường, người nghèo các địa phương… Ngày 25-8, nhà chùa còn trao tặng sáu xe cứu thương, tổng trị giá 7,2 tỉ đồng, cho các bệnh viện: Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Bình Dân, Ung bướu, quận 4 và một xe cứu thương cho tăng ni, phật tử ở thành phố.
100 ngày qua, suốt từ nửa đêm đến tối mịt, mấy chục nữ tu dòng Đaminh Rosa Lima đã tự khuân vác hàng chục, hàng trăm tấn gạo, mì, rau củ quả, sữa… đến nhiều phòng trọ ở TP.HCM. Nhìn các nữ tu “chân yếu tay mềm” mang vác từng bịch gạo, bó rau, thùng sữa… đến bà con mình, tôi thầm nghĩ họ đang lặng lẽ làm theo điều Chúa dạy với đồng bào mình, bất kể lương giáo, ai chẳng là máu thịt Việt Nam: “Ai muốn theo ta thì vác thánh giá theo chân ta”.
Cha xứ Mẫu Tâm (Lăng Cha Cả) và cộng đoàn dân Chúa của mình, 100 ngày qua, cũng gởi đến cho bà con mình bao nhiêu là gạo, là rau, là mì gói và cả gà. Ngày 3-9, nghe nói 32 phòng trọ của những người lao động buôn ve chai, vé số không được một lần cứu trợ ở một chung cư cũ nát 481 Lê Văn Sỹ, ngày 4-9, vị linh mục chánh xứ nơi đây đã lập tức chuyển mì gói ,trứng, rau củ… tới. Ít ra bà con nơi đây cũng thêm được ít ngày yên bụng…
Rồi “cô gái ném dép” có vẻ ngổ ngáo Nguyễn Thùy Dương, nhà có em trai nhiễm Covid, một lần tôi thấy bữa cơm của hai mẹ con chỉ là đậu hủ xào trứng và rau luộc vẫn quần quật cơm nước từ thiện và quà từ tâm. Hơn 40.000 phần cơm cho những người khó khăn, các khu phong tỏa. Đến trước 23-8, cô gái “Dương dịu dàng” đã cùng nhóm bạn mình gởi 150 tấn gạo, hàng ngàn phần quà trao đến bà con khó khăn, vé số, cơ nhỡ…; gần 100 trường ở trọ được hỗ trợ trong chương trình “Ở lại với Sài Gòn”. Sau đó, vỡ trận do người tới xin đông quá phải phát đại trà tiếp; lo thực phẩm bổ sung cho nhiều bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Ngày 22-3, sợ bà con không trụ nổi 7-14 ngày hoặc có thể hơn. Ngày cuối cùng, cô gởi nhiều phần gạo, mỗi phần 25kg, vì biết mỗi gia đình bốn, năm miệng ăn và cá khô, mắm muối, cá hộp, trứng…
Rồi một tổng giám đốc buôn bán xe hơi tánh tình, tôi xin nói thật “rất cà chớn” là Hoa Kim Cương, dịch giã làm ăn “đứng hình”, thua lỗ, vậy mà cũng lò mò đi vác gạo làm từ thiện mấy tháng nay…
Anh trai Thùy Dương vốn là là môn sinh sân võ tôi hơn 20 năm trước. Hoa Kim Cương hồi còn sinh viên đến nhà tôi chơi, học nghề báo khi tôi làm anh Cỏ Cú 30 năm xưa… Hiện giờ họ là ai, như thế nào với xã hội thì đó là chuyện của họ với xã hội, tôi không quan tâm. Chỉ biết là tất cả những gì, bất kỳ những ai lo cho bà con mình lúc khó khăn muôn phần này cần phải được kính trọng.
“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người”
Và họ cũng chỉ là những giọt nước trong biển yêu thương của Sài Gòn 100 ngày qua. Không ai kể hết nổi đâu. Mà có lẽ họ cũng không cần ai kể. Làm sao có thể “sao kê” lòng dân Sài Gòn muôn dặm khi ai cũng muốn làm một giọt nước trong.
23-8, TP.HCM siết chặt giãn cách. Tới giờ 7-9 là hơn nửa tháng. Hầu như ngày nào Sài gòn cũng mưa. Mưa đã buồn, mưa Covid càng thảm. Những nhiều nhóm từ thiện vẫn tiếp tục công việc của mình khi bà con mình nhiều người càng lúc càng thắt ngặt. Giãn cách, không ai không khó khăn nên tôi nghĩ đây là lúc”lá rách dùm lá nát” chứ lá nào ở Sài Gòn hiện nay còn lành nổi.
Kệ, tới đâu hay tới đó. Trưa 5-9, tôi ghé siêu thị mua ít đồ cho nhà. Qua ngã ba Phạm Văn Hai – Nguyễn Thị Thu Minh (Tân Bình) tôi gặp anh L.M.Q. gầy guộc đang ngồi co ro bên vỉa hè, đôi mắt vô hồn trên đường vắng. Anh Q. quê Long Hồ, Vĩnh Long đang ngồi, trước dịch bán vé số, phụ hồ, thuê trọ ở cầu số 1 kênh Nhiêu Lộc, cách nhà tôi khoảng 300m. Giọng anh tuyệt vọng: “Nghỉ vé số hai tháng rồi, về quê không được, túi không còn một đồng. Sáng giờ chưa ăn gì…”. Đồ mua về nhà, tôi sẻ anh một nửa: sữa tươi, mì gói, xúc xích… và ít tiền để anh “lây lất” thêm chục ngày, chờ hết 15-9. Nhận quà, người thanh niên 32 tuổi cúi đầu, ứa nước mắt đàn ông. Ngày 6-9, tài khoản ATM của tôi nhận lương cơ quan, lại đi, gởi quà một anh bảo vệ khu Ông Tạ nửa tháng nay thui thủi một mình “ba tại chỗ” gác công ty vì không có giấy đi đường: “Giờ mì gói cũng không còn”…
Rồi chuyển qua tài khoản cho ba mẹ con thuê trọ ở Gò Vấp kẹt ở Sài Gòn ít quà mua gạo. Rồi chạy giao 20 “Túi thuốc chăm sóc sức khỏe F0” mà anh Nguyễn Phước Lộc, phó Ban Dân vận TW gởi tôi để “anh gởi cho bà con nào F0 giùm em”. Mỗi túi thuốc là một hy vọng của một con người, một gia đình, người thân…
Hôm nay 7-9, chín ngày nữa là 15-9. Chín ngày dài lắm, khi Sài Gòn rõ ràng đã như kiệt sức sau 100 ngày “ai ở nhà nấy”…
Nguồn : Cù Mai Công