Những chiêu thức của “Đội lái” trên thị trường chứng khoán
Thứ Tư, ngày 01/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam chúng ta rất hay nghe được những câu: đội lái này mạnh, đang lái mã kia…. Trong thực tế hiện nay, cũng có nhiều mã tăng rất mạnh, rồi cũng giảm mạnh trong thời gian ngắn mà không rõ nguyên nhân. Vậy có hay không sự can thiệp của “Đội lái” vào diễn biến cổ phiếu? Và sự can thiệp này, có hoàn toàn là “xấu xa” cho thị trường hay không?
Khởi nguồn “Đội lái”
Trong những giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, khi mọi thứ còn mới mẻ, thanh khoản thấp, số lượng nhà đầu tư ít, mọi giao dịch khá đơn giản. Chiến thuật chủ yếu là “mua và nắm giữ”, chờ giá lên (nhiều khi rất lâu, kéo dài vài tháng đến vài năm), rồi có thể bán hoặc nắm luôn (trở thành cổ đông lớn). Chỉ đến khi sự kiện Việt Nam gia nhập WTO vào giữa năm 2006, chứng khoán Việt Nam mới trở nên sôi động và được xã hội quan tâm. Chỉ trong vòng 6 tháng, từ khoảng tháng 9/2006 đến tháng 3/2007, nhiều mã cổ phiếu đã tăng giá một cách thần kỳ. Có thể kể đến những cái tên, như: BMC, SJS, REE, HRC, FPT, SSI, … Mức độ tăng là “khủng khiếp”, như BMC từ 50k lên 1.4 tr, SJS từ 80k lên 1.2 tr.
Tuy nhiên, việc tăng giá này chủ yếu do tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư, không hề có sự tham gia của “Đội lái”. Các nhà đầu tư còn khá non nớt, xa lạ với những khái niệm định giá cơ bản như EPS, P/E, P/B, … Đám đông đã tự tạo ra xu hướng.
Sau đó thị trường bắt đầu rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài. Đến khoảng cuối 2009, bắt đầu xuất hiện trào lưu mới. Bắt đầu từ việc “gom hàng” của các “tay to”, rồi khi chênh lệch cung cầu, giá tăng mạnh. Nhiều nhà đầu tư đã “ăn theo” và kiếm được những khoản lợi nhuận không nhỏ. Có thể kể đến, như: DRC, VPH, TS4, BMP…
Bên cạnh đó, có 3 cổ phiếu nổi bật là KSH, CTM, PVA, trong đó ấn tượng nhất là PVA. Từ tháng 10/2009 đến tháng 5/2010, PVA đã tăng gần 10 lần cho dù doanh nghiệp gần như không hề có thông tin gì chính thức. Có thể nói, “ông tổ” của “Đội lái” Việt Nam chính là từ đây.
Học theo cổ phiếu đầu đàn PVA, nhiều mã khác cũng có những hiện tượng tương tự. Nhiều người chắc chưa quên cảm giác bị “nhồi sóng” ở một số cổ phiếu như AAA, MKV, SHN, SRA, HHC, HTV, VSP. Những bí ẩn xoay quanh các câu chuyện của từng mã cách đây 10 năm, có thể mãi mãi được giữ bí mật. Thế nhưng, có những suy đoán về việc can thiệp của tay to, đội lái.
Suốt giai đoạn từ 2011-2016, hầu như TTCK chỉ đi ngang. Cho dù thị trường chung không có sóng lớn, nhưng luôn tồn tại những lời đồn đoán về “Lái tàu” ở những mã như: KSA, DLG, PTC, FLC, KLS, HSG, QCG, KMR, TCM, TMT, TSC, CDO, HQC, ROS. Nhiều NĐT sau thời gian “ăn theo”, đã bị “Đội lái” làm cho thua lỗ, bị “luộc chín”.
Từ giai đoạn 2017 đến nay, TTCK lại biến chuyển, tiến lên một tầm cao mới. Dựa vào sự tích cực của thị trường cả về điểm số và thanh khoản, các “Đội lái” đã chuyển đổi mô hình. Họ không còn hoạt động đơn lẻ như thời đầu, mà đã tổ chức tinh vi, xây dựng chiến lược và kế hoạch đầy đủ hơn. Ngay cả những công ty chứng khoán là nơi có bộ máy quản trị rủi ro tốt, cũng là đối tượng bị tấn công. Có thể kể đến những vụ kinh điển, như: TNT, BII, SJF, TTF, JVC, FTM.
Chiêu thức “Đội lái”
Khởi nguồn “Đội lái” là những “tay to”, tức những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính. Họ thường “bắt tay” cùng doanh nghiệp, để tạo ra sức hút cổ phiếu cho thị trường. Những doanh nghiệp họ nhắm đến thường có tính đại chúng thấp, do một hoặc vài ông chủ nắm lớn. Để chuẩn bị cho “trận đánh”, các “Đội lái” phải tổ chức hạ tầng, sẵn sàng tiền, cổ phiếu. Vậy các chiêu thức thường gặp là gì?
1. Gom hàng: “Đội lái” sẽ tìm mọi cách “đè giá”. Họ đè giá bằng cách “dọa dẫm” treo bán lệnh lớn trên bảng điện. Họ còn có những “đòn đánh” ATC bất ngờ, làm giá giảm sâu mà không mất quá nhiều hàng. Họ gom mua rất khéo léo, gần như không nhìn thấy lệnh chờ mua.
2. Tạo thanh khoản: Sau khi gom được một lượng hàng nhất định, khoảng 2/3 so với mục tiêu, “Đội lái” bắt đầu tạo thanh khoản. Họ mua bán trao tay với khối lượng lớn, không quá chú trọng về việc làm tăng giá cổ phiếu, hay mua ròng, bán ròng.
3. “Rắc thính”: giai đoạn này nhằm tạo sự chú ý của thị trường. Sẽ có những phiên thanh khoản cao đột biến, giá tăng trần với dư mua lớn. Giai đoạn này họ sẵn sàng mua ròng ở giá trần hoặc xanh. Họ sẽ “đánh” tiết cung, vì hầu hết cổ phiếu đã nằm trong tay họ. Cùng lúc này, trên media, diễn đàn, bắt đầu hé lộ những thông tin nào đó của doanh nghiệp. Hầu hết đều là những tin “nửa giả, nửa thật”, mang tính đồn đoán.
4. “Thả mồi câu”: Giai đoạn này “Đội lái” muốn tạo sự sôi động của cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ có thanh khoản rất cao, các nhà đầu tư đều dễ dàng “ra vào” với số lượng lớn. Dù giá cổ phiếu có thể có biến động, thậm chí điều chỉnh đỏ, hay sàn, nhưng vẫn duy trì chart tích cực. Đây là lúc mà mọi người hay nói, “lái cho ăn”.
5. “Xả hàng”: Đây là giai đoạn cuối cùng. Doanh nghiệp sẽ ra những thông tin rất tốt, tin đồn về thương vụ thâu tóm của “ông lớn” nào đó bắt đầu lan truyền. Giá cổ phiếu tăng trần liên tục, với dư mua hàng triệu đơn vị. Sau khi “nhỏ lẻ” bắt đầu tham gia lớn, sẽ có hiện tượng “rút củi đáy nồi”. Quá trình phân phối sẽ diễn ra không chỉ một vài phiên, mà còn nhiều nhịp tăng giảm. Cổ phiếu có thể sẽ dư bán sàn vài triệu đơn vị, sau đó sẽ có những cú hồi lên, thậm chí đảo lên trần. Nhưng mua vào là sẽ bị kẹp. Sau khi “Đội lái” xả hàng thành công, nhiều khi cổ phiếu có hiện tượng “tự lái” một thời gian, rồi mới tắt hẳn.
Bản thân “Đội lái” cũng có những rủi ro nhất định. Chủ yếu là do mâu thuẫn nội bộ, rò tỉ thông tin, thị trường chung bất ngờ, không thuận để “tạo sóng”. Hoặc có những trường hợp, “Đội lái” thay đổi mục đích, từ việc “tạo sóng”, biến thành cổ đông lớn, thôn tính doanh nghiệp luôn.
Tích cực và tiêu cực của “Đội lái”
Ở những thị trường phát triển như Mỹ, ”Đội lái” luôn tồn tại với danh xưng Market Maker. Đây là thành phần chính thức được pháp luật cho phép. Market Maker có trách nhiệm và nghĩa vụ “tạo sóng” trong một số điều kiện chi tiết. Nhà đầu tư cá nhân khi tham gia TTCK, đều biết và chấp nhận cuộc chơi với sự hiện diện của Market Maker (MM). Xu hướng tất yếu sẽ có những tổ chức tài chính đăng ký làm dịch vụ MM ở Việt nam. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng từng đề cập đến vấn đề này. Ngay cả trong sản phẩm Covered warrant mới ra đời, cũng có phần tham gia bắt buộc làm MM của các tổ chức phát hành Chứng quyền.
Những mặt tích cực của “Đội lái” là không thể chối cãi. Đó là tạo ra niềm hứng khởi cho thị trường, tăng thanh khoản, giới thiệu nhiều cổ phiếu ra “ánh sáng”, đưa cổ phiếu về giá trị thật. Nhiều “cơn sóng” cũng mang lại lợi nhuận rất tốt cho nhà đầu tư nhỏ lẻ ăn theo. Nhiều doanh nghiệp cũng nhận được những giá trị tư vấn từ những câu chuyện của “Đội lái”. Có những doanh nghiệp đã thay đổi theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, mặt tiêu cực của “Đội lái” cũng không hề nhỏ. Nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thua lỗ, mất niềm tin vào tính minh bạch của thị trường. Sự thao túng giá của “Đội lái” cũng làm sai lệch bản chất cung cầu thật. Nhiều chủ doanh nghiệp sau khi “đi đêm” với “tà đạo” đã bị bỏ rơi một cách không thương tiếc. Có trường hợp phá sản, mất trắng doanh nghiệp.
Trong ngành hàng không và hàng hải, khi xảy ra tai nạn, “Tổ lái” luôn là những người rời tàu cuối cùng. Trong chứng khoán thì ngược lại, “Tổ lái” lại là những người tìm cách rời tàu trước, khi cuộc chơi không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Trong thực tế, đại đa số “Lái tàu” đều ở lại con tàu rất lâu. Có thể vì những ràng buộc, vì những tính toán sai lệch so với thực tế. Bản thân họ cũng bị kẹp.
"Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".
Tôi đã ở trong thị trường đủ lâu, để chứng kiến rất nhiều điều. Có những điều tốt, tấm lòng chân thiện, nhưng chưa chắc đã được hiểu đúng. Ngay cả “Đội lái” cũng không hẳn là xấu xa, không hẳn là vô tình, vô nghĩa, hay lừa đảo, nhưng việc xảy ra không như người tính. Chính những điều này, thúc đẩy tôi xây dựng cộng đồng nhà đầu tư, nơi tất cả có thể chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và cách thức tạo thành công.
TTCK là kênh đầu tư vô cùng hấp dẫn. Nó có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, mang lại dòng vốn huy động cho doanh nghiệp. Nhưng TTCK cũng có những cạm bẫy. Nếu nhà đầu tư mất cảnh giác, non nớt và thiếu kinh nghiệm, sẽ gặp phải những chiêu thức tinh vi, làm cho thua lỗ. Muốn tránh được những điều này, phải không ngừng học hỏi, tìm kiếm những sự tư vấn chuẩn mực, để có thể nhận biết và hành động kịp thời. Bạn có thể tải App 24HMoney - trang về tài chính, chứng khoán để cập nhật thông tin về đầu tư chứng khoán nhanh chóng, hiệu quả nhất.