CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) sáng 28/4 vừa công bố nghị quyết HĐQT chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng là 18/5, thời gian lấy ý kiến là trong quý 2/2023.
Ở lần xin ý kiến cổ đông này, lãnh đạo Phát Đạt đề xuất 2 phương án tăng vốn khủng nhằm tăng vốn điều lệ công ty.
Đầu tiên là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, số lượng phát hành bằng 20% vốn điều lệ hiện tại của công ty, tương đương với hơn 134 triệu cổ phần. Ngoài ra, công ty này cũng muốn phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược với số lượng bằng 10% vốn điều lệ hiện tại, tương đương với hơn 67 triệu cổ phần.
Giá chào bán cho cả hai phương án sẽ không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Nếu thực hiện thành công các phương án trên, Phát Đạt sẽ phát hành thêm 201,5 triệu cổ phiếu PDR, qua đó huy động tối thiểu thêm 2.015 tỷ đồng. Vốn điều lệ của PDR cũng sẽ được tăng lên thành 8.371 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, HĐQT Phát Đạt ngày 26/4 đã có nghị quyết gia hạn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 chậm nhất tới ngày 30/6. Thời gian tổ chức Đại hội sẽ được HĐQT công bố sau.
Trước đó, vào ngày 20/2, HĐQT Phát Đạt cũng có quyết định hủy ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ niên 2023 là 28/2/2023 theo quyết định HĐQT số 5/2023/QĐ-HĐQT ngày 7/2/2023.
Về tình hình kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm 2023, Phát Đạt ghi nhận 192 tỷ đồng doanh thu, giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm hơn 67% về còn 172 tỷ đồng.
Trong kỳ, công ty không ghi nhận các khoản doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính, cùng với đó, các chi phí hoạt động dù giảm đáng kể so với quý 1/2022 nhưng vẫn duy trì ở mức cao, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 91% về còn 31,5 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, Phát Đạt báo lãi 22,4 tỷ đồng, giảm 92% so với thực hiện của cùng kỳ năm ngoái. Giải thích cho điều này, trong văn bản giải trình, công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu là do tình hình khó khăn chung của thị trường, đặc biệt là đối với ngành bất động sản, bên cạnh chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của công ty.