Mảng BOT được dự báo tiếp tục đem lại dòng tiền ổn định cho Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV trong nửa cuối năm nay. Doanh nghiệp này cũng hưởng lợi lớn từ các hoạt động đầu tư công khi tham gia loạt dự án giá trị cao.
Mảng BOT đang đem lại dòng tiền ổn định cho Giao thông Đèo Cả.
Luỹ kế nửa đầu năm nay, doanh thu và lãi ròng của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV - sàn HoSE ) lần lượt đạt 1.150 tỷ đồng và 167 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 20% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng hoàn thành 47,4% mục tiêu doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Hai mảng đóng góp doanh thu chính của Giao thông Đèo Cả là xây dựng hạ tầng và quản lý dự án BOT (Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao).
Doanh thu của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm 2023 đã tăng lên đáng kể nhờ nhu cầu đi lại phục hồi sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn từ năm 2022, cũng như hoạt động xây dựng công trình hạ tầng đang trong giai đoạn cao điểm. Dữ liệu lịch sử cho thấy mảng BOT thường chiếm từ 60% - 70% doanh thu thuần và khoảng 50% tổng lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này.
Mảng BOT tiếp tục là động lực tăng trưởng chính nửa cuối năm
Theo đánh giá mới đây của SSI Research, mảng BOT vẫn là động lực tăng trưởng chính của Giao thông Đèo Cả trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, SSI Research lưu ý, tốc độ tăng trưởng lưu lượng giao thông giữa các dự án là khác nhau.
Cụ thể, trên các tuyến dọc Quốc lộ 1 ở miền Trung mà Giao thông Đèo Cả đang sở hữu, lượng xe qua các tuyến đường này duy trì tăng trưởng ổn định trong các năm trước khi dịch COVID-19 diễn ra và hiện đã quay về mức trước khi có dịch bệnh. Do đó, lưu lượng giao thông trên các tuyến này dự kiến sẽ tăng ổn định từ 5% - 7%/năm như các năm trước đây, không còn tạo ra sự đột phá như nửa đầu năm nay.
Biên lợi nhuận các mảng hoạt động của Giao thông Đèo Cả. (Nguồn: Giao thông Đèo Cả, SSI Research)
Trong khi đó, trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tốc độ tăng trưởng lưu lượng giao thông được kỳ vọng sẽ ở mức cao, từ 10%-15%/năm. Hiệu quả hoạt động của tuyến đường này trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào nhu cầu trao đổi và đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng với việc hoàn thiện hệ thống đường cao tốc nối biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Đáng chú ý, SSI Research hiện cho rằng, khả năng Giao thông Đèo Cả được phép tăng phí cầu đường là khá thấp mặc dù trong các hợp đồng BOT đã có cam kết cho phép sau 03 năm, phí cầu đường được tăng 18%/lần.
Trước đây, chỉ có 2 trạm (trong tổng số 8 trạm) của các dự án thuộc Giao thông Đèo Cả gặp khó khăn tài chính được phép tăng giá vé theo lộ trình. Trong khi trạm thu phí ở Đèo Cả (dự án đường hầm Đèo Cả) đã có mức tăng phí là 57% so với năm 2019 (mức tăng gần nhất vào năm 2017) thì trạm thu phí Bắc Hải Vân (dự án Phước Tường Phú Gia) có mức tăng phí là 69% so với năm 2021 (mức tăng gần nhất vào năm 2019). Ngoài ra, các trạm thu phí khác không ghi nhận tăng phí trong thời gian vận hành, mặc dù các dự án này đều chưa hoàn thành kế hoạch tài chính trong hợp đồng BOT.
Theo SSI Research, những lý do trên có thể tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng nâng phí cầu đường và qua đó gây áp lực lên dòng tiền, trong khi dư nợ sắp đến hạn của Giao thông Đèo Cả sẽ tăng lên trong các năm tới.
Do các chi phí lớn như khấu hao và chi phí tài chính được tính theo tỷ lệ trên doanh thu, biên lợi nhuận gộp mảng BOT của Giao thông Đèo Cả dự báo sẽ giữ ổn định ở mức 50%-60%, và biên lợi nhuận ròng ổn định ở mức 11,5%.
Mảng xây dựng là điểm sáng trong giai đoạn 2024 – 2025
Giao thông Đèo Cả được nhận định sẽ hưởng lợi đáng kể khi Chính phủ thúc đẩy đầu tư công trên toàn quốc ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Trên thực tế, trong nửa đầu năm nay, doanh thu mảng xây dựng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, lên mức 320 tỷ đồng. Trong đó, riêng dự án Đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo (theo hình thức PPP, Tập đoàn Đèo Cả là chủ đầu tư) và dự án Đèo Prenn đóng góp khoảng 90% tổng doanh thu thuần mảng xây dựng. Biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng trong nửa đầu năm 2023 là 15% (so với mức 23% trong nửa đầu năm 2022).
Khối lượng backlog hiện nay của Giao thông Đèo Cả. (Nguồn: Giao thông Đèo Cả, SSI Research)
Tính đến thời điểm hiện tại, lượng công việc còn tồn đọn (backlog) của Giao thông Đèo Cả trong 3 năm tới là khoảng 4.000 tỷ đồng; trong đó có khoảng 500-600 tỷ đồng dự kiến sẽ được ghi nhận trong nửa cuối năm 2023.
Dự án trọng điểm của doanh nghiệp này trong thời gian tới là cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với tổng giá trị hợp đồng là khoảng 1.800 tỷ đồng, dự kiến sẽ được ghi nhận một phần trong giai đoạn 2023 – 2026.
Với lượng backlog lớn cùng với việc công ty chuẩn bị tận dụng làn sóng của giai đoạn phục hồi xây dựng cơ sở hạ tầng, SSI Research dự báo Giao thông Đèo Cả sẽ duy trì biên lợi nhuận gộp hiện tại là 15% cho mảng xây dựng, so với mức 5% - 17% của các doanh nghiệp cùng ngành.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HHV của Giao thông Đèo Cả từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Trong dài hạn, việc đầu tư mới vào các dự án hạ tầng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho Giao thông Đèo Cả. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ tham gia vào 2 dự án BOT kết nối biên giới Trung Quốc - Việt Nam là Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong giai đoạn 2024 - 2025 và Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong giai đoạn 2023 - 2026.
Tập đoàn Đèo Cả sẽ là nhà đầu tư chính, tỷ lệ sở hữu của Giao thông Đèo Cả tại mỗi dự án dự kiến là 30% (tương đương vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng). Nguồn vốn huy động thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (thời gian thực hiện chưa được công bố). Các dự án này vẫn đang trong quá trình phê duyệt thủ tục pháp lý.
SSI Research dự báo doanh thu thuần và lãi ròng cả năm 2023 của Giao thông Đèo Cả lần lượt ở mức 2.734 tỷ đồng và 378 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,5% và 27% so với năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 12/10, cổ phiếu HHVcó giá tham chiếu tại mức 17.450 đồng/cổ phiếu, tăng gần 92% so với thời điểm đầu năm nay.