10 doanh nghiệp liên quan vụ AIC bị đề nghị xem xét cấm tham gia đấu thầu

Ngoài làm rõ sai phạm của Công ty AIC trong vụ đấu thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, cơ quan chức năng còn xác định hành vi liên quan của 10 doanh nghiệp nên kiến nghị xử lý theo Luật Đấu thầu.

Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt làm Tổng Giám đốc đã liên danh với Công ty AIC để trúng một số gói thầu tại Dự án 12 phòng thí nghiệm. Ảnh: N.Phương

Trong kết luận điều tra vụ án sai phạm đấu thầu của Công ty AIC tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có các kiến nghị.

Theo đó, cơ quan chức năng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý hành chính đối với các công ty thẩm định giá, thẩm định viên có sai phạm trong vụ án tại các doanh nghiệp: Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TPHCM (nay là Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học Moore AISC), Công ty CP Tư vấn và thẩm định định giá Đông Nam Á.

Hình thức kiến nghị là tạm đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Mặt khác, cơ quan điều tra kiến nghị UBND TPHCM và các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 10 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Công nghệ cao, Công ty TNHH Y sinh Nam Anh, Công ty TNHH Vật tư khoa học kỹ thuật Đông Dương, Công ty TNHH Thiết bị khoa học và công nghệ Kim Ngân;

Công ty Cổ phần Công nghệ cao Gene Việt, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu kỹ thuật Vimedimex, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Công ty Cổ phần Tư vấn và quản lý xây dựng Hồng Hà, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Nguyên Châu.

Việc xử lý theo thẩm quyền và quy định của Luật Đấu thầu. Hình thức đề nghị là cảnh cáo, phạt tiền, cấm tham gia hoạt động đấu thầu.

Theo kết luận, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã liên danh với Công ty AIC do Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc để tham gia dự thầu tại Dự án 12 phòng thí nghiệm Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.

Tại giai đoạn 1 của dự án, Công ty Gene Việt (Việt Á có 10% cổ phần tại doanh nghiệp), Công ty Việt Á đã liên danh với Công ty AIC thực hiện 3 gói thầu. Sau đó, Trần Mạnh Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC, Trần Đăng Tấn - Trưởng đại diện Công ty AIC tại TPHCM phối hợp với Gene Việt, Việt Á xây dựng danh mục, cấu hình, dự toán thiết bị gói thầu trước khi đấu thầu.

Kết quả liên danh AIC - Việt Á trúng 2 gói thầu số 2 và 3, trong khi đó, Công ty Vimedimex được nhờ đứng tên trúng thầu số 4.

Triển khai thực hiện hợp đồng đã ký, Việt Á đã liên hệ mua các thiết bị từ nhiều nhà cung cấp, lắp đặt và bàn giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ở gói thầu số 2 và 3, Việt Á đứng tên mua hàng, sau đó ký hợp đồng bán lại cho Gene Việt. Gene Việt tiếp tục bán lại cho AIC để cung cấp vào dự án.

Ngoài ra, các công ty còn lại (trong số 10 doanh nghiệp bị kiến nghị UBND TPHCM xem xét xử lý) cơ quan chức năng xác định có những liên quan khác nhau trong vụ án.

Ở vụ án trên, kết luận cáo buộc, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chịu trách nhiệm chính về các sai phạm của Công ty AIC tại Dự án 12 phòng thí nghiệm.

Theo kết luận, riêng sai phạm của bà Nhàn cùng đồng phạm tại 6/10 gói thầu trúng thầu, gây thiệt hại hơn 83 tỉ đồng của Nhà nước.

Link gốc

https://laodong.vn/phap-luat/10-doanh-nghiep-lien-quan-vu-aic-bi-de-nghi-xem-xet-cam-tham-gia-dau-thau-1336919.ldo