Trước khi quyết định vay tiền tại ngân hàng mới để trả nợ ngân hàng cũ, khách hàng cần lưu ý một số thông tin để tránh mất những khoản phí "đáng tiếc".
Hiện nay, nhiều khách hàng đang có những khoản vay tại ngân hàng này và có nhu cầu chuyển khoản vay sang ngân hàng khác với mức lãi suất ưu đãi hơn. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về việc chuyển đổi khoản vay và khách hàng cần lưu ý những gì khi vay tiền ngân hàng này để trả ngân hàng khác?
Theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, cho vay bù đắp tài chính là việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để bù đắp các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng, vốn vay từ cá nhân, tổ chức (không phải tổ chức tín dụng) nhằm thực hiện phương án, dự án hoạt động kinh doanh hoặc phương án phục vụ nhu cầu đời sống.
Có thể nói, pháp luật, quy định hiện nay cho phép khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Điều này có nghĩa là khách hàng có quyền lựa chọn ngân hàng khác có lãi suất vay thấp hơn để trả nợ trước hạn cho khoản vay tại ngân hàng hiện tại.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro khi vay tiền từ ngân hàng khác để trả nợ, khách hàng cần lưu ý một số thông tin sau.
Thứ nhất, khi trả nợ trước hạn tại ngân hàng đang vay, khách hàng sẽ phải trả một khoản phạt do trả trước hạn.
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về khoản phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
Theo đó, phí tất toán vay trước hạn thường được nêu rõ trong hợp đồng cho vay. Nếu trả nợ trước hạn, khách hàng sẽ chịu các khoản phí đã được thỏa thuận, phí này còn được gọi là phí phá vỡ hợp đồng.
Mức phí phạt trả nợ trước hạn có thể sẽ khác nhau tùy từng tổ chức tín dụng cho vay. Cách tính cũng dựa vào thỏa thuận của từng ngân hàng với khách hàng vay. Hiện nay, có thể kể đến phí trả nợ trước hạn của một số ngân hàng như sau:
Phí trả nợ trước hạn của một số ngân hàng |
Thứ hai, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi của ngân hàng mới trong một khoảng thời gian nhất định
Hiện nay, các ngân hàng đang cho vay lãi suất ưu đãi chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ thả nổi.
Chẳng hạn, chính sách này tại Vietcombank đang áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế. Bên cạnh đó, VPBank cũng áp dụng lãi suất từ 4,6%/năm cố định trong 3 tháng và từ 6,8%/năm cố định trong 12 tháng cho gói vay trả nợ ngân hàng khác.
Vì vậy, người vay cần tính toán kĩ cả biên độ thả nổi sau này, trước khi quyết định chuyển khoản vay sang ngân hàng khác.
Thứ ba, khách hàng cần cân nhắc về các khoản chi phí có thể phát sinh khi vay tại ngân hàng mới
Khi khách hàng vay tại ngân hàng mới, hồ sơ cho vay vẫn phải thẩm định từ đầu về mục đích vay vốn, nguồn tiền trả nợ, nên khách hàng cũng không dễ để được vay đảo nợ với lãi suất rẻ. Theo quy định, ngân hàng mới vẫn sẽ thẩm định, đánh giá khoản vay đó như thông thường. Vì vậy, khách hàng sẽ phải trả một khoản phí không nhỏ như phí làm hồ sơ, phí thẩm định, lệ phí đăng ký công chứng…
Ngoài ra, theo cán bộ tín dụng tại một ngân hàng, tài sản thế chấp của các khách hàng sẽ phải định giá lại. Đối với tài sản thế chấp là căn hộ chung cư, đất nền, nhà phố…, giá trị của loại tài sản này phụ thuộc vào từng thời điểm, nên có thể bị giảm giá nếu thị trường bất động sản “đóng băng”. Đối với tài sản thế chấp là phương tiện vận tải, giá trị cũng sẽ bị giảm đi do khấu hao. Do đó, giá trị khoản vay được giải ngân có thể không bằng khoản vay cũ ở ngân hàng cũ. Lúc này, khách hàng sẽ phải bổ sung tài sản thế chấp khác hoặc sổ tiết kiệm, giấy tờ có giá.