5,5 triệu doanh nghiệp mới đăng ký trong 1 năm: Người Mỹ sục sôi khởi nghiệp trở lại, có startup ra đời bởi cựu nhân viên Twitter sau khi bị sa thải

Hàng loạt dữ liệu cho thấy người Mỹ đang tìm lại tinh thần dám nghĩ dám làm của mình.

Ở Greenville, Nam Carolina, Mỹ, hai nhà sáng lập đã tạo ra những chiếc khuyên tai trông giống như đồ trang sức nhưng chứa một cụm thiết bị vi điện tử để theo dõi nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và thậm chí cả chu kỳ kinh nguyệt của người đeo.

Incora Health được thành lập vào năm 2022. Họ có kế hoạch bắt đầu bán những chiếc khuyên tai hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng này trong vài tháng nữa. Theresa Gevaert, người đồng sáng lập công ty cho biết: "Chúng tôi là những người sáng lập lần đầu tiên ở một thành phố nhỏ đang cố gắng thay đổi dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và điều đó không hề ảnh hưởng đến chúng tôi".

Công ty trẻ đầy táo bạo này chỉ là một phần của làn sóng khởi nghiệp đã ra đời ở Mỹ trong vài năm qua. Nhiều công ty sẽ thất bại. Một số sẽ thành công nhưng những sự thay đổi sâu sắc đang bắt đầu diễn ra.

Mặc dù Mỹ xứng đáng có được danh tiếng là một quốc gia đi đầu trong đổi mới, được thúc đẩy bởi tinh thần doanh nhân, nhưng trong những năm gần đây, một số nhà kinh tế lo ngại rằng danh tiếng này không còn đúng nữa.

Các công ty khởi nghiệp ngày càng chiếm một phần nhỏ hơn trong bối cảnh kinh doanh: Năm 1982, khoảng 38% công ty Mỹ có tuổi đời dưới 5 năm, đến năm 2018, tỷ lệ này chỉ còn 29%. Tỷ lệ người Mỹ làm việc cho các công ty khởi nghiệp cũng giảm. Thung lũng Silicon sôi sục với công nghệ cao, nhưng các công ty khổng lồ tại đây lại giữ chân những nhà nghiên cứu giỏi nhất, dẫn đến việc truyền bá những ý tưởng mới trên khắp đất nước chậm hơn.

Tuy nhiên, hàng loạt dữ liệu cho thấy người Mỹ đang tìm lại tinh thần dám nghĩ dám làm của mình. Bằng chứng nổi bật nhất đến từ đơn xin thành lập doanh nghiệp, đại diện cho hoạt động khởi nghiệp. Những con số này tăng vọt vào giữa năm 2020, khi nước Mỹ vẫn đang trong trận chiến kiểm soát của Covid-19. Nhưng thời gian này, xuất hiện nhiều công ty mới lừa đảo, chỉ đơn giản là họ cố gắng kiếm lợi từ sự hỗ trợ tài chính của chính phủ cho các doanh nghiệp nhỏ.

Nhưng giờ đây, sau khi đại dịch đã qua đi, sự gia tăng số lượng doanh nghiệp mới vẫn tiếp tục. Năm ngoái số đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp đạt 5,5 triệu, kỷ lục chưa từng có. Mặc dù con số này đã làm chậm lại một chút trong năm nay, nhưng mức trung bình hàng tháng vẫn cao hơn khoảng 80% so với thập kỷ trước khi có dịch bệnh, so với mức tăng chỉ 20% ở châu Âu.

5,5 triệu doanh nghiệp mới đăng ký trong 1 năm: Người Mỹ sục sôi khởi nghiệp trở lại, có startup ra đời bởi cựu nhân viên Twitter sau khi bị sa thải- Ảnh 1.

Vậy điều gì đã thúc đẩy sự bùng nổ kể trên? Đại dịch đã khiến mọi thứ diễn ra khi hàng triệu người mất việc và nhiều người chuyển sang làm việc từ xa. Jeanette Brewster đến từ tổ chức phi lợi nhuận Village Launch cho biết: "Mọi người nhận ra rằng họ thích ở bên gia đình mình và điều đó mang lại cho nhiều người cảm giác tự do".

Hầu hết các công ty mới đều có quy mô nhỏ và sẽ tiếp tục hoạt động như vậy. Các công ty khởi nghiệp trong mạng lưới của Ms Brewster bao gồm xe bán đồ ăn, thợ thủ công và trợ lý pháp lý. Tuy nhiên, đây có thể là những bước quan trọng để hướng tới sự giàu có hơn.

Sức mạnh của nền kinh tế cũng đã giúp ích cho xu hướng này. Khi thị trường việc làm eo hẹp, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp tiềm năng sẽ dễ dàng chấp nhận rủi ro hơn vì biết rằng họ có thể quay lại làm công việc được trả lương nếu cần. Sự ra đời của các công nghệ mới, đặc biệt là AI, cũng góp phần vào điều đó. Các doanh nhân đang tạo ra các công cụ được hỗ trợ bởi AI để tương tác với khách hàng, chuẩn bị thuế, sàng lọc hồ sơ tòa án…

Một đặc điểm nổi bật là trái với truyền thống, sự đổi mới của Mỹ tập trung vào Vùng Vịnh của California và các khu đô thị năng động như Austin và New York. Làn sóng mới đã lan rộng đến các thành phố nhỏ hơn trên khắp đất nước, từ Boise đến Raleigh.

Khi đại dịch bắt đầu, John Barnett đã chuyển đến Greenville. Vào năm 2022, chỉ vài ngày sau khi bị Twitter sa thải, anh đã cùng với những người bạn xây dựng Supermoon, một ứng dụng sử dụng AI để giúp các công ty nhỏ quản lý hộp thư đến và trả lời khách hàng. Ở Greenville, anh biết thông tin từ các doanh nghiệp địa phương rằng họ đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát hộp thư đến của mình, vì vậy anh đã yêu cầu họ dùng thử công cụ này. "Thật dễ dàng để kết nối với mọi người. Đây giống như một nơi thử nghiệm cho nghiên cứu".

Incora, công ty sản xuất khuyên tai theo dõi sức khỏe,đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng nhờ được trường y địa phương của Đại học Nam Carolina mua lại. Gevaert nói: "Ở các thành phố lớn hơn, sẽ mất nhiều thời gian hơn để tạo ra những cơ hội như vậy".

Một ẩn số kinh tế lớn là liệu sự bùng nổ khởi nghiệp có chuyển thành tăng năng suất hay không. Về lý thuyết, sự xuất hiện của các công ty mới sẽ thổi sức sống vào nền kinh tế: Các doanh nhân có xu hướng sử dụng công nghệ mới và tạo ra các mô hình kinh doanh mới, trong quá trình đó, các doanh nghiệp đương nhiệm vẫn phải đảm bảo quyền lợi của mình.

Theo: The Economist

Theo Phương Linh

An Ninh Tiền Tệ

https://cafef.vn/55-trieu-doanh-nghiep-moi-dang-ky-trong-1-nam-nguoi-my-suc-soi-khoi-nghiep-tro-lai-co-startup-ra-doi-boi-cuu-nhan-vien-twitter-sau-khi-bi-sa-thai-188240516141748213.chn