7 năm dưới 'triều đại' Thaibev, điệu nhảy Rumba khiến Sabeco (SAB) bị Heineken qua mặt: Có gì khác so với 'thời chúng tôi làm'?

Tổng Giám đốc Sabeco (SAB) nhấn mạnh: "Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, mà phải có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa".

Từ tiếp thị đến... giữ và gia tăng thị phần

Tại ĐHCĐ thường niên 2024 kết thúc hồi cuối tháng 4 vừa qua, liên quan đến một số giải pháp tiếp thị, truyền thông, mở rộng mạng lưới trong năm 2024, cổ đông Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn - Sabeco (Mã SAB - HoSE) đặt câu hỏi: "Kế hoạch kinh doanh bán hàng online của công ty trong năm nay ra sao?".

Trả lời, Tổng Giám đốc Tan Teck Chuan Lester cho biết: "Sabeco bước vào kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) khá trễ, từ tháng 10/2023 và rất nhanh sau đó (tháng 11-12/2023) đã chiếm top đầu trên một số trang TMĐT.

Ông Tan đánh giá thị trường online rất tiềm năng, đầy hứa hẹn. Hiện tại, có rất nhiều nhà bán hàng am hiểu công nghệ, sử dụng phần mềm mua bán thành thạo nên công ty sẽ tập trung nghiên cứu thêm để làm sao gia tăng được doanh thu kênh bán hàng này".

7 năm dưới 'triều đại' Thaibev, điệu nhảy Rumba khiến Sabeco (SAB) bị Heineken qua mặt: Có gì khác so với 'thời chúng tôi làm'?
Đã bước sang năm thứ 8 thể từ khi Sabeco về tay Thaibev

Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh đối với kênh tiêu thụ mua về, CEO Sabeco thông tin: Có hai kênh chính, hiện đại (siêu thị, TMĐT) và truyền thống (các cửa hàng tạp hoá). Đối với kênh hiện đại, công ty đã thành lập một công ty thương mại chuyên phân phối. Dự kiến kênh này sẽ đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của công ty.

Trong khi đó, kênh truyền thống trông có vẻ đơn lẻ nhưng nếu số lượng rất lớn của các cửa hàng tạp hoá tập hợp lại sẽ đóng góp rất lớn vào lượng tiêu thụ sản phẩm của Sabeco. Hướng đi sắp tới của công ty đối với kênh này là làm việc với các chuỗi cung ứng, trực tiếp làm việc với các nhà phân phối C1, đảm bảo khả năng bán hàng và năng lực bán hàng.

Chúng tôi sẽ làm việc xuyên suốt, sát sao với các chuỗi cung ứng, đến tận nơi các tiệm tạp hoá, cửa hàng nhỏ lẻ để thúc đẩy tiêu thụ".

Dù khẳng định Bia Sài Gòn tiếp tục là thương hiệu bia số 1 Việt Nam trong năm 2023 song lãnh đạo công ty vẫn up mở về số liệu thị phần tổng của Sabeco. Đại diện SAB cho biết, thị phần Sabeco trong 12 tháng đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có thể thấy, Sabeco vẫn chưa thể đòi lại ngôi vị số 1 thị phần ngành bia rượu, nước giải khát để rơi vào tay Heineken vài năm trước đó.

Kết quả kinh doanh quý I/2024 khả quan nhưng...

Nhìn vào bức tranh kinh doanh năm 2023, có thể thấy tham vọng trở lại vị thế đầu ngành đồ uống của Sabeco đang gặp khó. Công ty mang về 30.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.100 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 13% và 21% so với năm 2022. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với các mức mục tiêu 40.272 tỷ đồng và 5.775 tỷ đã đề ra tại ĐHCĐ thường niên cách đây hơn 1 năm.

Với những cơ hội và thách thức chờ đợi trong năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 34.397 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.580 tỷ, tăng lần lượt gần 13% và 8% so với thực hiện của năm 2023. Dù vậy, con số này vẫn tương đối thấp so với kỷ lục đã được tạo ra.

Kết thúc quý I, Sabeco ghi nhận doanh thu gần 7.243 tỷ đồng - tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Chịu khoản lỗ của một số công ty thành viên nên lãi sau thuế chỉ tăng 1,9% lên 1.024 tỷ đồng - thấp hơn hẳn đà tăng của doanh thu.

Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả tích cực của Sabeco khi mức tăng trưởng dương quay trở lại sau 2 quý đi "lùi".

Trong số 842 tỷ đồng chi phí bán hàng đã chi ra trong quý I, có tới 448 tỷ đồng là các khoản chi cho quảng cáo và khuyến mãi (tính trung bình mỗi ngày Sabeco chi gần 5 tỷ đồng). Tạm tính, mỗi đồng chi phí quảng cáo giúp SAB thu về gần 16,2 đồng doanh thu; cứ 7,1 đồng doanh thu lại thu về 1 đồng lợi nhuận sau thuế.

Cần nhấn mạnh, chi phí quảng cáo-khuyến mãi và chi phí nhân viên của Sabeco vẫn luôn duy trì ở mức rất lớn trong thời gian qua. Thậm chí, trong bài toán cạn tranh, giữ và chiếm lĩnh thị phần, lãnh đạo công ty khẳng định tiếp tục đẩy mạnh các khoản chi cho các kênh tiếp thị này.

Thực tế, bối cảnh kinh doanh của Sabeco hiện tại và trong quá khứ là không giống nhau, câu chuyện của xung đột thế giới, lạm phát, tác động của Nghị định 100 hay sự lớn lên của các đối thủ khiến doanh nghiệp ngành nước giải khát như Sabeco hay Habeco tương đối thận trọng khi đề ra các kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Thời người Việt còn 'làm' Sabeco...

Còn nhớ tại tại ĐHCĐ năm 2023, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất (lãnh đạo SAB từ quý III/2015 về trước) từng chia sẻ: "Xin chúc mừng Bia Sài Gòn (tên thường gọi của Sabeco) vì những gì đã đạt được trong năm qua, đặc biệt với cá nhân ông Bennett (người sắp thôi chức vụ CEO Sabeco). Tôi là người có tình yêu với Bia Sài Gòn. Và vì tình yêu, sẽ có hai câu chuyện. Đầu tiên là lãng mạn... nhưng thứ hai thì cần thiết hơn - đó là những lời trung thực.

Tôi muốn nói về những lời trung thực. Hiện tại tôi nghĩ Heineken đã vượt xa Sabeco. Thời chúng tôi làm, Heineken luôn đứng thứ hai. Tại sao vậy? Nếu là cổ đông, tôi sẽ hỏi câu đó! Đây mới là vấn đề cốt lõi của Bia Sài Gòn.

Với tư cách là một Giáo sư về chiến lược marketing, tôi cho là Sabeco đã có những hoạt động chưa chuẩn. Khi nói về marketing có hai khía cạnh: Đầu tiên là kỹ thuật marketing, thứ hai và quan trọng hơn là hệ sinh thái marketing.

Những năm qua tôi theo dõi, khía cạnh kỹ thuật marketing của Sabeco đã làm tốt... Nhưng thật tiếc vì không tốt bằng Heineken".

Tại ĐHCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Sabeco - Koh Poh Tiong xem hoạt động của Sabeco thời gian qua là điệu nhảy Rumba - Chachacha. Vị lãnh đạo nhấn mạnh công ty phải nhảy nhanh hơn.

"Tôi rất tự tin với mục tiêu mới. Tôi cũng nói với Tan (CEO Sabeco) là không cần nhảy chậm nữa, nhảy RocknRoll luôn đi", Koh Poh Tiong ví von.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong bài viết tới đây!

Quốc Trung

https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/7-nam-duoi-trieu-dai-thaibev-dieu-nhay-rumba-khien-sabeco-sab-bi-heineken-qua-mat-co-gi-khac-so-voi-thoi-chung-toi-lam-233639.html