Niềm vui 'ngắn chẳng tày gang', sau 6 phiên trần cứng, cổ phiếu AAH của Công ty cổ phần Hợp Nhất bất ngờ giảm sàn trong tình trạng trắng bên mua, dấy lên lo ngại đứt 'sóng' hồi phục.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/5/2024, cổ phiếu AAH duy trì sắc tím với mức tăng 14,75%, đạt 7.000 đồng/cp. Với việc xác lập chuỗi 6 phiên tím trần liên tiếp, thị giá cổ phiếu đã cải thiện 75%. Còn nếu so với mức đáy 3.300 đồng/cp ghi nhận trong phiên ‘lau sàn’ ngày 23/4, mã này đã phục hồi 112%.
Cổ phiếu AAH vừa có 6 phiên tăng trần l
Không chỉ giá tăng, thanh khoản cổ phiếu AAH cũng cao đột biến, cho thấy sự ‘nhập cuộc’ của dòng tiền lớn. Ngoại trừ phiên giao dịch ngày 13/5/2024 khớp lệnh 3 triệu đơn vị, các phiên đều ghi nhận 7-9 triệu cổ phiếu được ‘sang tay’. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5/2024, vẫn còn hơn 800.000 cổ phiếu tiếp tục được kê trần.
Trong quá khứ, mã này đã từng có một ‘cú phi nước đại’ ấn tượng. Ngày 11/1/2024, 117,9 triệu cổ phiếu AAH chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 9.900 đồng. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, mã này đã tăng hết biên độ tới 39,39%, đạt 13.800 đồng/cp. Cổ phiếu AAH tiếp tục trần cứng trong 3 phiên sau đó, lên mức 20.800 đồng/cp.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, cổ phiếu AAH không thể ‘neo lại’ mốc 20.000 đồng mà điều chỉnh giảm. Sau gần 1 tháng ‘dập dềnh’ ở vùng giá 16.000 - 20.000 đồng/cp, đến ngày 18/3, mã này chứng kiến một pha ‘rút đỉnh’ chấn động. Từ phiên giao dịch ngày 18/3 đến ngày 17/4, cổ phiếu AAH ghi nhận chuỗi 23 phiên giảm điểm liên tục, thị giá “bốc hơi” gần 78%. Trong đó, phiên 12/4 có khối lượng giao dịch kỷ lục, lên đến hơn 24 triệu đơn vị, tương ứng 20% vốn.
Theo đó, mặc dù tạo ra đà tăng 75% qua 6 phiên trần tím liên tiếp, cổ phiếu AAH hiện vẫn nằm trong sóng hồi của 1 xu hướng giảm. Để quay trở lại vùng giá đỉnh 20.800 đồng/cp, AAH còn phải tăng thêm 297% tính từ vùng 7.000 đồng. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư ‘đu đỉnh’ có thể ‘về bờ’, cổ phiếu AAH sẽ cần thêm lực để vượt qua các vùng cản Fibonacci 0,5 và Fibonacci 0,68, tương ứng vùng giá 10.200 đồng và 11.900 đồng.
Đáng tiếc, khi còn chưa kịp bước vào các vùng cản nói trên, trong phiên giao dịch hôm nay ngày 16/5, cổ phiếu AAH đã quay đầu giảm sàn trong tình trạng trắng bên mua. Tính đến 11h00, mã này đã mất 14,49% giá trị, dư bán gần 6,4 triệu đơn vị. Dường như các nhà đầu tư 'bắt đáy' đã bắt đầu 'chốt lời'.
Động lực nào cho 'sóng hồi' vừa qua?
Cần biết, theo quy định của UBCKNN, các doanh nghiệp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu… Theo đó, hạn chót để Hợp Nhất thực hiện nghĩa vụ này là vào ngày 15/5/2024. Tuy nhiên, tính đến 9h ngày 16/5, phần công bố thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hay website của Hợp Nhất vẫn chưa cập nhật nội dung giải trình.
Nội dung giải trình biến động cổ phiếu của Hợp Nhất vẫn chưa được cập nhật
Theo quan sát, đà lao dốc của cổ phiếu AAH có xu hướng chững lại chỉ vài ngày sau khi Hợp Nhất công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với những tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, doanh thu 3 tháng đầu năm của doanh nghiệp đạt 104,5 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng 9,8 lần, chậm hơn mức tăng của doanh thu, ghi nhận ở mức 87,9 tỷ đồng. Theo đó, Hợp Nhất báo lãi gộp 16,6 tỷ đồng, tăng 23 lần so với khoản lãi 709 triệu ít ỏi đạt được vào cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng đột biến 95 lần, từ mức 1,3 triệu đồng lên 1,2 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính được tiết giảm xuống mức thấp 508 triệu đồng.
Khấu trừ chi phí, Hợp Nhất lãi trước thuế 2,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 778 triệu đồng, cải thiện hoàn toàn so với khoản lỗ 5 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Điểm qua về tình hình tài chính, trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Hợp Nhất đạt 1.297 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản dài hạn. Khoản mục này chiếm 75% cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, ghi nhận ở mức 968,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn ghi nhận ở mức 328,8 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các khoản trả trước cho người bán ngắn hạn (105 tỷ đồng) và hàng tồn kho (120 tỷ đồng).
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả ghi nhận ở ở mức 117,4 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng nợ vay đạt khoảng 56 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn (55,3 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu đạt 1.180 tỷ đồng, gấp 10 lần nợ phải trả. Tổng nợ vay đạt 56 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ ngắn hạn. Toàn bộ khoản nợ này là vay ngân hàng, tập trung tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đông Dương và Công ty CTTC TNHH MTV Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Mục tiêu doanh thu ngàn tỷ liệu có khả thi?
Không lâu sau khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I, ngày 29/4/2024, tại ĐHĐCĐ thường niên, Hợp Nhất đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng và lãi trước thuế 55 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, mặc dù kết quả kinh doanh có nhiều điểm sáng song doanh nghiệp mới thực hiện được 9,5% chỉ tiêu doanh thu và 4,7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Kế hoạch kinh doanh nói trên của Hợp Nhất cũng được đánh giá là tham vọng khi bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp 5 năm trở lại đây có phần ảm đạm. Cụ thể, doanh nghiệp này đã lỗ liên tiếp 3 năm 2019-2021. Trong đó, năm 2020, Hợp Nhất thua lỗ kỷ lục 53 tỷ đồng. Năm 2022, Hợp Nhất có cú ‘lột xác’ ngoạn mục khi ghi nhận doanh thu 592 tỷ đồng và lãi ròng 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, do ảnh hưởng chung của thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã sa sút nghiêm trọng so với mức nền cao của năm 2022. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 2,5 lần, xuống còn 232,4 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 11,6 tỷ đồng, giảm 11 lần so với năm 2022.
Tình hình kinh doanh 5 năm trở lại đây của Hợp Nhất khá ảm đạm
Trước những nghi ngờ đặt ra về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh trong điều kiện hiện nay, tại ĐHĐCĐ thường niên, ban lãnh đạo Hợp Nhất cho hay, trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tập trung vốn đầu tư xây lắp công trình phục vụ sản xuất than. Cụ thể, Hợp Nhất sẽ xây dựng các đường lò chuẩn bị khai thác than và các hạng mục phục vụ phụ trợ; triển khai kế hoạch đầu tư điều chỉnh dự án khai thác hầm lò khu IV mỏ than Nước Vàng, thi công hạng mục xây dựng mặt bằng sân công nghiệp với tổng dự toán khoảng 250 tỷ đồng.
Nói thêm về triển vọng ngành than, theo Hợp Nhất, đến năm 2030, nhu cầu than của Việt Nam được dự báo tương đương khoảng 80.4 triệu TOE (tấn dầu tiêu chuẩn), bình quân đầu người khoảng 0.77 TOE/người (tương đương dân số dự báo 104 triệu người). Nhu cầu đầu tư, hiện đại hóa trong ngành than là rất lớn để bảo đảm sản lượng tiêu thụ than tăng. Theo đó, doanh nghiệp này tự tin có đầy đủ cơ sở thuận lợi để phát triển đột biến về doanh thu và lợi cho đến hết năm 2030.
Thành lập từ năm 2007 với mức vốn điều lệ khiêm tốn 15 tỷ đồng, sau 4 lần tăng vốn, Hợp Nhất hiện đã nâng vốn điều lệ lên mức 1.179 tỷ đồng, gấp gần 79 lần so với ngày đầu. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là khai thác và thu gom than cứng, kinh doanh than.
Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp ngành than trên sàn chứng khoán Việt Nam, Hợp Nhất thuộc sở hữu tư nhân, không do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý. Đây là công ty cổ phần duy nhất trong lĩnh vực khai thác, chế biến than hầm lò không có phần vốn góp Nhà nước. Doanh nghiệp hiện đang sở hữu, khai thác 3 mỏ than, đều nằm tại mỏ than Nước Vàng, tỉnh Bắc Giang, với sản lượng than hàng năm đạt khoảng 180.000 tấn than thương phẩm, trữ lượng than địa chất được cấp phép là hơn 4,17 triệu tấn.