ACV – KQKD Q2-FY24 tích cực nhờ tăng trưởng sản lượng khách quốc tế, tỷ giá và kiểm soát nợ xấu

KQKD Q2-FY24: LNST tăng mạnh nhờ lượng hành khách hồi phục và giảm áp lực dự phòng

ACV công bố KQKD Q2-FY24, doanh thu thuần và LNST (loại trừ hoạt động Cất/hạ cánh) lần lượt là 5,5 nghìn tỷ đồng (+12% YoY) và 2,9 nghìn tỷ đồng (+26% YoY). Thông lượng hành khách đạt hành khách quốc tế và nội địa lần lượt đạt 9,8 triệu lượt (+31% YoY) và 17,2 triệu lượt (-21% YoY). Số lượng chuyến bay quốc tế và nội địa cũng có những diễn biến trái chiều khi lần lượt thay đổi 18% YoY và -23% YoY. Thị trường quốc nội giảm do (1) các hãng hàng không trong nước đại tu số lượng tàu bay A321, vốn là đội tàu bay chủ lực của các hãng nên giảm số lượng chuyến bay (2) các hãng hàng không như Bamboo và Pacific Airlines giảm tần suất/đường bay để thực hiện đề án tái cơ cấu (VD: So với cùng kỳ, Bamboo Airway giảm 67% số lượng chuyến bay và Pacific Airline giảm 99% chuyến bay trong Q2-FY24).

Do đó, cơ cấu hành khách quốc tế/nội địa là 36%/64% so với 26%/74% của cùng kỳ năm trước, kéo theo doanh thu bình quân mỗi lượt khách của các dịch vụ hàng không đã tăng 22% YoY. Giá dịch vụ bình quân cải thiện đã giúp biên gộp mở rộng 250 bps YoY lên mức 62,5%. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao nhưng giảm 128 bps QoQ do sản lượng hành khách quốc tế/nội địa đều giảm nhẹ so với quý trước.

Đối với doanh thu tài chính, ACV ghi nhận 287 tỷ đồng lãi tiền gửi và 435 tỷ đồng từ lãi chênh lệch tỷ giá ròng khi tỷ giá JPY/VNĐ hạch toán mất giá khoảng 4%. So với quý trước, lãi tiền gửi đã giảm khoảng 17% do (1) số dư tiền gửi ngắn hạn giảm 750 tỷ đồng so với quý trước và (2) lãi tiền gửi thấp hơn 60 bps.

Trong kỳ, ACV hoàn nhập 21 tỷ đồng đối với Pacific Airline, và 211 tỷ đồng với Vietjet. Qua đó, ACV đã hoàn nhập hết khoản dự phòng phải thu đối với Vietjet. Các hãng hàng không Pacific Airline, Bamboo Airway, Vietravel và Air Mekong tiếp tục duy trì tỷ lệ dự phòng 100%, trích lập ngay đối với các khoản nợ phải thu từ các hãng hàng không này. Vấn đề lo ngại là nợ quá hạn của HVN tiếp tục tăng mạnh 900 tỷ đồng trong quý này, ACV đã dự phòng lũy kế được 13% tổng nợ quá hạn đối với HVN.

ACV đang đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án đầu tư trọng điểm, uớc tính CAPEX cho các dự án lớn trong Q2-FY24 bao gồm: xây dựng CHKQT Long Thành 2,1 nghìn tỷ đồng, xây dựng T3 Tân Sơn Nhất 709 tỷ đồng. Lũy kế xây dựng cơ bản dở dang của 2 dự án lớn này lần lượt là 7,8 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7% tổng mức đầu tư giai đoạn 1 và 2,7 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25% tổng mức đầu tư.

Lũy kế 6T2023, sản lượng hành khách quốc tế và nội địa lần lượt đạt 20,4 triệu lượt (+39% YoY) và 34,7 triệu lượt (-18% YoY). Doanh thu và LNTT (loại trừ hoạt động Cất/hạ cánh) lần lượt là 11,1 nghìn tỷ đồng (+16% YoY) và 5,5 nghìn tỷ đồng (+53% YoY), tương ứng hoàn thành 56% và 86% kế hoạch năm.

KQKD Q2-FY24 của ACV tích cực bởi diễn biến từ thị trường khách quốc tế, hoạt động tài chính và hoàn nhập dự phòng nợ xấu là yếu tố dẫn dắt cho việc gần đạt được kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng. Cho nửa cuối năm 2024, ACV đối mặt với rủi ro về lỗ tỷ giá giao ngay JPYVND đã tăng giá khoảng 7% so với quý trước, sau khi BOJ có động thái tăng lãi suất điều hành lên 0,25% từ mức 0-0,1%. Trong trường hợp, tỷ giá hạch toán diễn biến cùng chiều với tỷ giá giao ngay thì ACV sẽ ghi nhận lỗ tỷ giá từ 900 – 1.000 tỷ đồng trong Q3-FY24. Dự phóng KQKD cho 2024 và định giá đang được chúng tôi thực hiện và sẽ cập nhất điều chỉnh trong báo cáo tới.

Danh mục & Điểm mua bán chi tiết trong nhóm trong tường cá nhân.
Chia sẻ cách đầu tư chứng khoán hiệu quả.