ADB: Dân số Việt Nam và châu Á đang già đi trước khi giàu

Tuổi thọ của người dân ngày càng cao phản ánh các tiến bộ về y tế và nỗ lực của các chính phủ, đồng thời đặt ra viễn cảnh nhiều nước chưa kịp giàu đã già, trong đó có Việt Nam.

Nhà kinh tế trưởng ADB Albert Park và tác giả báo cáo về già hóa dân số ở châu Á - Thái Bình Dương Aiko Kikkawa tại buổi họp báo ngày 2-5 ở Tbilisi, Georgia - Ảnh: DUY LINH

Báo cáo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tại hội nghị thường niên thứ 57 ở Tbilisi (Georgia) ngày 2-5 cho thấy các nước đang phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, chưa được chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo phúc lợi cho dân số đang già đi nhanh chóng.

Người già vẫn có thể đóng góp

Theo nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB, sự thay đổi về nhân khẩu học tại các nước đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương đang gia tăng áp lực lên các chính phủ.

Số người từ 60 tuổi trở lên ở các nước này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050 lên 1,2 tỉ người, làm tăng đáng kể nhu cầu về các chương trình lương hưu và phúc lợi cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam, báo cáo của ADB cho thấy đến năm 2037, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm khoảng 20% dân số. "Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang rất nhanh so với những nước khác. Chính phủ đang có nhiều nỗ lực khác nhau và đang đi đúng hướng để giải quyết vấn đề này trong dài hạn", bà Aiko Kikkawa - tác giả chính của báo cáo - nhận xét với Tuổi Trẻ.

Ở thời điểm hiện tại, khoảng 8% nam giới Việt Nam trong độ tuổi từ 60 đến 64 và 24% trong độ tuổi từ 65 trở lên có đủ khả năng làm việc nhưng không tham gia lực lượng lao động.

ADB tính toán nếu có công việc phù hợp và tận dụng được số người cao tuổi đủ khả năng làm việc nói trên, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam có thể tăng khoảng 1,1% - cao hơn mức trung bình 0,9% của khu vực.

Mượn hình ảnh mái tóc bạc của người lớn tuổi, ADB gọi các lợi ích kinh tế từ người già là "cổ tức bạc" mà Việt Nam, cũng như các nước có thể tận dụng nếu có cách tiếp cận phù hợp.

Nói cách khác, việc già hóa dân số không hẳn là một gánh nặng cho các chính phủ và theo nhà kinh tế trưởng ADB Albert Park, đầu tư sớm là "chìa khóa để khai thác cổ tức bạc".

Dự báo của ADB về khả năng đóng góp của người già còn khả năng làm việc cho GDP các nước - Ảnh chụp màn hình báo cáo

"Các chính phủ cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ nếu họ muốn giúp hàng trăm triệu người trong khu vực ổn định khi về già. Các chính sách nên hỗ trợ đầu tư trọn đời vào y tế, giáo dục, kỹ năng và chuẩn bị tài chính cho việc nghỉ hưu", ông Park nêu giải pháp.

Tất nhiên, chính phủ không thể buộc người lớn tuổi tiếp tục làm việc, nhưng bằng cách tạo ra các cơ hội phù hợp, họ có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Chẳng hạn, chính phủ nên áp dụng độ tuổi nghỉ hưu linh hoạt hơn, cung cấp cho người già cơ hội làm việc phù hợp cũng như phát triển kỹ năng và học tập suốt đời. Bên cạnh đó, cần chú trọng các mối quan hệ gia đình và xã hội để thúc đẩy một cơ cấu dân số già khỏe mạnh và có năng suất, giúp tối đa hóa đóng góp của họ cho xã hội.

Bao phủ y tế dự phòng để giảm thiểu chi phí

Theo báo cáo của ADB, 40% người trên 60 tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương không được tiếp cận với bất kỳ hình thức lương hưu nào. Trong đó phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì làm các việc trong lĩnh vực phi chính thức hoặc các việc nội trợ không được trả lương.

Điều này dẫn tới nhiều người cao tuổi trong khu vực không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục làm việc ở tuổi nghỉ hưu. Cũng theo báo cáo, trong số những người vẫn làm việc ở độ tuổi 65 trở lên, 94% làm việc trong khu vực phi chính thức, vốn thường không cung cấp các biện pháp bảo vệ lao động cơ bản hoặc trợ cấp lương hưu.

Báo cáo của ADB đã đề xuất một loạt biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ quá trình già hóa lành mạnh và an toàn về mặt kinh tế.

Trong số này có các chương trình bảo hiểm y tế và lương hưu được chính phủ hỗ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, kiểm tra sức khỏe và đánh giá lối sống miễn phí hằng năm.

Người cao tuổi thăm khám tại Bệnh viện Lão khoa trung ương - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Để Việt Nam không rơi vào cảnh "già trước khi giàu", trả lời Tuổi Trẻ, bà Aiko Kikkawa cho biết cần phải có cách tiếp cận hiệu quả về mặt chi phí. Theo bà, đa số dân số Việt Nam đang ở vùng nông thôn và người già có nguy cơ đối mặt với sự cô đơn lớn hơn các vùng khác.

Phần lớn các chính phủ đều lo lắng dân số già đông sẽ tạo ra áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên nếu tiếp cận vấn đề theo hướng phòng ngừa, chi phí và gánh nặng sẽ giảm.

Theo bà Aiko Kikkawa, y tế dự phòng là rất quan trọng đối với Việt Nam, bởi việc phát hiện từ sớm các vấn đề sức khỏe của người già sẽ giúp giảm chi phí y tế về sau.

Đặc biệt, với cơ cấu dân số trẻ như hiện nay, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn công tác y tế dự phòng cho cả người trẻ, bởi họ không chỉ đang đóng góp lớn cho ngân sách mà chính họ sẽ tạo thành cơ cấu dân số già sau này.

DUY LINH

Link gốc

https://tuoitre.vn/adb-dan-so-viet-nam-va-chau-a-dang-gia-di-truoc-khi-giau-20240502154105691.htm