Trong báo cáo triển vọng phát triển Châu Á phát hành mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhấn mạnh, 30 tỷ USD đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa phát hành Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 9/2023 điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 5,8% vào năm 2023 trước khi tăng lên 6,0% trong năm 2024. Dự báo lạm phát cũng giảm.
Cụ thể, ADB cho rằng, các yếu tố chính tác động đến nền kinh tế là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và tác động cuộc xung đột Nga – Ucraine vẫn đang tiếp diễn.
Theo đó, nhu cầu thế giới giảm, tác động đến ngành sản xuất chế biến chế tạo ở Việt Nam, làm giảm dự báo của các ngành liên quan.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất chế biến chế tạo tăng hơn 50 (mở rộng sản xuất) vào tháng 8/2023 sau năm tháng suy giảm liên tiếp, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất dựa trên tiêu dùng. Công nghiệp được dự báo tăng trưởng 7,0% trong năm 2023. Xây dựng cũng sẽ tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo đúng kế hoạch.
Các lĩnh vực khác được dự báo sẽ có phục hồi tốt. Dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của tám tháng đầu năm 2023 tăng 10,0% so với cùng kỳ. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và dự báo lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2023.
Về phía cầu, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân khoảng 30 tỷ USD trong năm nay.
ADB nhấn mạnh rằng, trong những tháng gần đây, cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp hoạt động giải ngân được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý. Trong tám tháng đầu năm 2023, gần 50% kế hoạch giải ngân đầu tư công của năm đã được thực hiện (tăng từ mức 33% vào cuối tháng 6/2023). Việc tăng tốc chi tiêu của chính phủ là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm.
Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu phục hồi bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, với vốn FDI cam kết tính tới tháng 8 năm 2023 là 18,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giải ngân vốn FDI tăng nhẹ ở mức 1,3%, đạt 13,1 tỷ USD.
Cần phối hợp nhịp nhàng hơn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá
Quốc hội đã thông qua mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực đến cuối năm 2023, và chính sách tài khóa mở rộng dự kiến sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, ADB cho rằng, điều quan trọng là phải nhanh chóng triển khai chính sách này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Việt Nam cũng cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.
ADB cho rằng, dù nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng thương mại trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 nhưng xuất khẩu trong tháng 8/2023 của Việt Nam cho thấy tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước.
Tăng trưởng xuất - nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức khiêm tốn 5% trong năm nay và năm sau, với sự phục hồi của cầu thế giới. Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay, ước tính khoảng 3% GDP. Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2% GDP vào năm 2024.
ADB dự báo năm 2023 lạm phát hạ xuống còn 3,8% và 4% cho năm 2024. Áp lực lạm phát trong thời gian trước mắt có thể đến từ sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc xung đột giữa Nga và Ucraine đang tiếp diễn. Tuy nhiên, áp lực này có thể được hạn chế nhờ giá khí đốt và xăng dầu giảm trong nửa cuối năm, cùng với giá lương thực trong nước ổn định.
Đưa ra khuyến cáo cho thời gian còn lại năm 2023 và năm 2024, ADB nhấn mạnh, sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
Trong ngắn hạn, cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả.
Việc cấp tín dụng của các ngân hàng dự kiến tăng chậm do tổng nợ xấu tăng, ước tính khoảng 5% vào tháng 3 năm 2023, và yêu cầu dự phòng tương ứng cũng tăng lên.
Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng.
Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá VND.